Lời Chúa cntn 01b _ pho tượng quý giá


PHO TƯỢNG QUÝ GIÁ
Đây là pho tượng quí giá nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ, biết để lòng suy nghĩ, biết ghi tâm tạc dạ.
Logos
Ngày xưa một nhà vua Ấn Độ, muốn thử nhân tài của một nước chư hầu, liền gửi tới nước này ba pho tượng vàng giống hệt nhau.
Nhà vua Ấn Độ xin nhà vua chư hầu cho biết, trong ba pho tượng vàng này, pho tượng nào giá trị nhất.
Nhà vua nước chư hầu cho triệu tập các nhà thông thái tới để thẩm định. Các nhà thông thái nghĩ ngay tới giá trị mỗi pho tượng sẽ được căn cứ vào cân nặng nhẹ, hoặc vào tuổi vàng (vàng tốt, vàng xấu), hoặc vào nghệ thuật tìm thấy trên ba pho tượng. Nhưng rồi các nhà thông thái đều phải bó tay, vì ba pho tượng này giống hệt nhau về nghệ thuật, về nặng nhẹ, về tuổi vàng. Không ai tìm ra chi tiết nào khác nhau trong ba pho tượng đó. Nhà vua rất buồn, vì không xác định được giá trị hơn kém của ba pho tượng. Vua liền cho loan báo khắp nước: Ai tìm ra được bí mật giá trị của mỗi pho tượng, sẽ được trọng thưởng. Có một người tù, biết truyện, xin được xem ba pho tượng, và nếu anh tìm ra được giá trị hơn kém của ba pho tượng này, thì anh chỉ xin một điều kiện là cho anh được tự do. Lập tức nhà vua cho anh xem ba pho tượng.
Vừa ngó xong ba pho tượng, anh ta xin một cọng rơm, và cho phép anh mang ba pho tượng vào một phòng kín. Chỉ trong ít phút sau, anh đi ra, và cho biết giá trị hơn kém của ba pho tượng. Anh lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ nhất, thì thấy cọng rơm xuyên từ lỗ tai này sang lỗ tai kia, anh bảo: đây là pho tượng ít giá trị nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người, nghe điều gì, vừa vào tai này, đã ra tai kia, không biết ghi nhớ, không biết suy nghĩ, đó là hạng người đểnh đoảng, vô tâm, vô trí. Anh ta lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ hai, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai, chạy xuống miệng. Anh bảo: pho tượng này hơn pho tượng trước là vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ, nhưng mắc khuyết điểm là vừa nghe được gì đã vội nói ngay, không suy nghĩ xem điều mình nghe đúng hay sai, nói ra có lợi hay có hại. Anh lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ ba, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống bụng. Anh nói: Đây là pho tượng quí giá nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ, biết để lòng suy nghĩ, biết ghi tâm tạc dạ.
Con yêu dấu của Chúa
Pho tượng được thẩm định là quí giá, muốn nói đến những ai biết nghe, biết ghi tâm khắc cốt và thực hành trong đời sống. Chúa Giêsu là một quà tặng quí giá nhất vượt trên hết mọi sự, quà tặng mà chính Thiên Chúa ưng ý để ban cho nhân loại.
Những năm tháng ở Nagiarét, Chúa Giêsu đã trung tín với bổn phận hằng ngày trong cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, với ý thức luôn lắng nghe và chu toàn thánh ý Chúa Cha, Ngài nghĩ có lúc sẽ phải rời xa gia đình, rời xa cuộc sống êm đềm và yên lành để dấn thân vào sứ vụ.
Trong chiều dài của cuộc sống, sẽ có những khoảnh khắc đặc biệt, để chọn lựa, chấp nhận hay thoái thác. Mỗi người đều có những lúc để quyết định mà không bao giờ lặp lại. “Không ai tắm hai lần trong cùng một giòng sông.” Có những quyết định sáng suốt đem lại thành công, nhưng cũng có những quyết định vội vã dẫn đến thất bại.
Khi Gioan bắt đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giêsu biết rằng, Ngài sắp bước vào một giai đoạn mới với những thách đố đầy khó khăn. Cùng với những người Do Thái, Ngài đến nghe lời giảng của Gioan, dù không phải là tội nhân nhưng Ngài vẫn sẵn sàng hòa nhập và đứng chung với họ để lần lượt chịu Phép Rửa của Gioan tại giòng sông Giođan. Trong giây phút đặc biệt này chúng ta thấy Ngài chấp nhận mọi sự theo thánh ý Chúa Cha, để chia sẻ thân phận làm người, để đồng hành và cứu vớt tội nhân.
Chỉ nơi Chúa Giêsu, chúng ta mới được mạc khải về Chúa Cha và mầu nhiệm tình yêu, một tình yêu bao dung, độ lượng, “Người không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói… Người sẽ nên ánh sáng của chư dân và mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm” ( bài đọc 1 ).
Cuộc đời Chúa Giêsu quả thật, đã chứng minh lời của Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.”
Kitô hữu – những người con yêu dấu
Khi tạo dựng nên chúng ta, Thiên Chúa muốn cho chúng ta được sống hiệp thông với mầu nhiệm Ba Ngôi. Đó cũng là cùng đích của cuộc sống con người. Trong giây phút đáng nhớ nơi giòng sông Giođan, Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện: tiếng nói của Chúa Cha từ trời phán, Chúa Thánh Thần qua hình ảnh chim bồ câu, và Chúa Giêsu, Đấng chịu phép rửa.
Khi Thiên Chúa nói “Con là con yêu dấu của Cha”, Chúa cũng muốn nhắm đến tất cả và từng người trong chúng ta, bởi chúng ta cũng được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, qua tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu, Ngài đã khiêm hạ đồng hành với thân phận yếu hèn, tội lỗi. “Ngài đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỉ ám” (bài đọc 2). Ngài muốn đi xuống tận cùng của kiếp nhân sinh, để nâng chúng ta lên, đưa chúng ta trở lại như những người con yêu dấu từ thuở ban đầu tạo dựng.
Nỗ lực sống đẹp lòng Chúa
Là người con yêu dấu, nhưng làm thế nào để noi gương Chúa Giêsu làm đẹp lòng Chúa Cha, thì không phải là chuyện dễ dàng. Trong cuộc sống, chúng ta thường không nghe thấy tiếng Chúa, bởi bên cạnh có cuộc sống xô bồ, vội vã, ồn ào, những thông tin, những lời quảng cáo dồn dập thật hấp dẫn để lôi cuốn chúng ta đi vào con đường của hưởng thụ, công danh và quyền lực. Những quyến rũ như những ma lực đang lôi kéo chúng ta vào đời sống vật chất, hầu làm thỏa mãn dục vọng xấu xa, quên đi mỗi con người là “đền thờ Chúa Thánh Thần.” Thêm vào đó, khi ta gặp những khó khăn, nghịch cảnh như: bệnh tật, khổ đau, thất bại, làm ta chán nản, nghi ngờ sự hiện diện của Chúa, dẫn đến mất lòng trông cậy, không tin vào Chúa mà cũng chẳng tin vào ai nữa, từ đó sống buông thả cho dòng đời đẩy đưa, như con tàu trên đại dương mất định hướng.
Hãy nhớ rằng, chính lúc chúng ta đang là tội nhân, thì Thiên Chúa vẫn thì thầm bên tai “con là con yêu dấu của Cha.” Nếu lắng nghe và nỗ lực đáp lại, thì lời thì thầm yêu thương này có đủ sức để thức tỉnh và khơi dậy trong ta một sức mạnh để ta can đảm chỗi dậy, quay trở về, như câu chuyện đứa con hoang đàng sám hối ăn năn trong vòng tay yêu thương của người Cha nhân hậu.
Khi nghĩ về chiều cao trong loài vật, ta nghĩ ngay tới loài hươu cao cổ. Hươu cao cổ có đặc điểm là khi sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng, và như vậy hươu con chào thế giới bằng một cú rơi hơn 3 mét xuống đất và nằm ngay đơ. Rồi hươu mẹ làm một việc kỳ lạ: đá hươu con cho đến khi nào chú ta chịu đứng dậy mới thôi. Khi hươu con mỏi chân và nằm xuống, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên. Đến lúc hươu con đã thật sự đứng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã xuống để chú phải nỗ lực tự mình đứng dậy lần nữa.
Điều này nghe có vẻ lạ đối với chúng ta, nhưng lại thật sự cần thiết cho hươu con, bởi vì nhờ sự nỗ lực để đứng lên được, nó mới tồn tại với bầy đàn, nếu không, hươu con sẽ trơ trọi với cuộc đời và trở thành miếng mồi ngon cho thú dữ.
Chúng ta cũng dễ nản chí khi gặp thất bại, nhưng dù thế nào đi nữa, thì hãy tin tưởng vào Chúa. Hãy nhớ rằng Chúa luôn bên cạnh để nâng đỡ, khi chúng ta gặp những nghịch cảnh. Hãy nỗ lực cộng tác với ơn Chúa, không chỉ một lần, nhưng nhiều lần đứng dậy để trở về trong tư cách là “con yêu dấu của Chúa” để đón nhận ơn cứu độ dành cho những ai thành tâm yêu mến Chúa, để có thể nghe được lời của Chúa Cha nói với mỗi người như đã nói với Chúa Giêsu: “Con đẹp lòng Cha.”