Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ ba tuần 29 thường niên

THỨ BA SAU CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN
NĂM CHẴN
Ep 2, 12-22; Lc 12, 35-38
BÀI ĐỌC: Ep 2, 12-22
12 Thưa anh em, trước kia anh em không có Đấng Ki-tô, không được hưởng quyền công dân Ít-ra-en, xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này. 13 Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.
14 Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét;15 Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. 16 Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. 17 Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. 18 Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.
19 Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, 20 bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su. 21 Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. 22 Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.
ĐÁP CA: Tv 84
Đ. Điều Chúa phán là Lời chúc bình an cho dân Người. (c 9b)
9 Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu 10 Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.
11 Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. 12 Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao.
13 Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. 14 Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Lc 21, 36
Hall-Hall: Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức đứng vững trước mặt Con Người. Hall.
TIN MỪNG: Lc 12, 35-38
35 Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.

NGƯỜI ĐẦY TỚ LUÔN TỈNH THỨC
Chỉ có Đức Giêsu nói về cách đối xử của ông chủ đối với người đầy tớ luôn tỉnh thức mở cửa nhà cho chủ vào, ông chủ đã đặt người đầy tớ ấy vào bàn tiệc rồi qua lại hầu hạ. Để mô tả sắc nét về người đầy tớ luôn tỉnh thức, trong chương 12 của Tin Mừng Luca, ông ghi lại năm nét đẹp của người đầy tớ này.
1)         Lc 12, 1: Phải tránh men Biệt phái: Nghĩa là không tự mãn cậy dựa vào việc giữ Lề Luật, tưởng mình là công chính để khinh bỉ người khác (x. Lc 18, 9-12). Muốn được trở nên người công chính, ta phải tin Đức Giêsu là Cứu Chúa duy nhất và sống kết hợp với Ngài (x. Cv 4, 12; Gl 2, 16).
2)         Lc 12, 2-12: Phải mạnh dạn loan báo Tin Mừng mà không sợ kẻ ác cướp mất sự sống mình, vì con người là một tạo vật quý nhất trong các loài thụ tạo, do đó, Chúa Giêsu biết đến từng sợi tóc trên đầu mỗi người và Ngài ra tay bảo vệ. Chúa lại ban Thánh Thần để được khôn ngoan mà đối chất với quyền lực thế gian
3)         Lc 12, 13-21: Đừng tích trữ của cải, coi nó như thần hộ mệnh.
4)         Lc 12, 22-34: Phó thác cuộc đời cho Chúa bằng cách chu toàn mọi bổn phận của mình, và đừng lo lắng ăn gì, uống gì, mặc gì. Bởi vì con người được Chúa quý trọng hơn hoa đồng nội, một loài hoa sớm nở chiều tàn mà Chúa còn cho nó một sắc đẹp lộng lẫy hơn cẩm bào của vua chúa trần gian. Vì có Chúa làm gia nghiệp, nên của cải dùng chia sẻ để biểu lộ Đức Ái.
5)         Lc 12, 35 = Xh 12, 11: Sau cùng, ta luôn tỉnh thức sẵn sàng từ bỏ con đường tội lỗi để theo Chúa như dân Do Thái bỏ Ai Cập theo ông Môsê tiến về miền đất Hứa.
Lc 12, 36-38: Sống được những điểm trên đây, ta ĐƯỢC CHÚA COI LÀ ĐẦY TỚ TRUNG TÍN, LUÔN TỈNH THỨC ĐỢI CHỦ ĐI ĂN CƯỚI VỀ, CHÚA SẼ ƯU ĐÃI MỜI TA DỰ TIỆC THÁNH THỂ MÀ NGÀI ĐÃ DỌN SẴN. Bởi vì hình ảnh ông chủ đặt người đầy tớ trung tín vào bàn tiệc và qua lại hầu hạ, chỉ có thể hiểu được vào lúc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, Ngài đã đặt các môn đệ vào bàn tiệc, rồi Ngài tự trở nên như kẻ nô lệ: lấy khăn thắt lưng, lấy nước rửa chân cho các ông và lấy khăn lau (x. Ga 13, 4-5).
Việc Đức Giêsu dùng nước rửa chân cho các môn đệ là dấu chỉ ơn tha tội Ngài ban qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, và được Hội Thánh làm hiện tại hóa mỗi khi cử hành Phụng Vụ, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Và chỉ qua Phụng Vụ Hội Thánh cử hành, mọi tín hữu đến hiệp thông mới có thể cất lời cầu: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài” (Tv 40/39, 8a. 9a: ĐC năm lẻ).
Quả thật, mỗi khi Hội Thánh cử hành Phụng Vụ, chính Chúa Giêsu làm Chủ, Ngài thể hiện quyền tha tội, như thánh Phaolô nói: “Vì một người duy nhất (Adam) mà tội đã xâm nhập trần gian, và tội gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Thật vậy, vì nếu một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị. Nhưng ở đâu tội lỗi lan tràn ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 12. 15b. 17-19. 20b-21: Bài đọc năm lẻ).
Thánh Tông Đồ còn nói: “Họ là dân Do Thái hay dân ngoại, cũng đều là con Thiên Chúa, vì chính Đức Giêsu đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét. Họ không còn là những kẻ ở xa, mà là những người ở gần” (Ep 2, 14. 19: Bài đọc năm chẵn), có nghĩa là họ được trở nên cùng một nguồn gốc, cùng một xương thịt với Chúa Giêsu (x. Dt 2, 11. 14), được thông hiệp cùng một sự sống với Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Ga 6, 57). Bởi đó, “họ không còn là người tạm trú nhưng là người đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn Đá Tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình ăn khớp với nhau, và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa, để tất cả mọi người được xây dựng thành ngôi nhà của Thiên Chúa ngự, nhờ Thánh Thần. Ai không có Đấng Kitô, thì không được thừa hưởng Lời Chúa chúc phúc khởi đi từ dân Israel; không có niềm hy vọng; không có Thiên Chúa ở đời này” (Ep 2, 12-22: Bài đọc năm chẵn). Đó là những người được dự tiệc Thánh Thể, có Thiên Chúa ở cùng. Bởi vì “Chúa chỉ chúc bình an cho dân Người” (Tv 85/84, 9b: ĐC năm chẵn).
Vậy “anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính (Rm 8, 10).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH