Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 29a

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

NĂM A
Is 45, 1. 4-6; 1Tx. 1, 1-5b; Mt 22, 15-21
BÀI ĐỌC I: Is 45, 1. 4-6
Đức Chúa phán với kẻ Người đã xức dầu, với vua Ky-rô - Ta đã cầm lấy tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó, Ta tước khí giới của các vua, mở toang các cửa thành trước mặt nó, khiến các cổng không còn đóng kín nữa. 4 Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en, Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta. 5 Ta là Đức Chúa , không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta. Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ, 6 để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta. Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác.
ĐÁP CA: Tv 95
Đ. Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang. (c 7b)
1 Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! 3 kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người.
4 Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần, 5 vì chư thần các nước thảy đều hư ảo, còn Đức Chúa, Người sáng tạo trời cao.
7 Hãy dâng Chúa, hỡi các dân các nước, dâng Chúa quyền lực và vinh quang, 8a hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người.
8b Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa, 9 và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện, toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan. 10ac Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua hiển trị, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.
BÀI ĐỌC II: 1Tx. 1, 1-5b
1 Chúng tôi là Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê, kính gửi Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca ở trong Thiên Chúa Cha, và trong Chúa Giê-su Ki-tô. Chúc anh em được ân sủng và bình an. 2 Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, 3 và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. 4 Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, 5 vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Pl 2, 15d. 16a
Hall-Hall: Giữa thế gian, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống. Hall.
TIN MỪNG: Mt 22, 15-21
15 Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. 16 Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. 17 Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? "
18 Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!19 Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế! " Họ liền đưa cho Người một quan tiền. 20 Người hỏi họ: "Hình và danh hiệu này là của ai đây? "21 Họ đáp: "Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ: "Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

QUYỀN CHÚA BAN LÀ ĐỂ PHỤC VỤ
Ai được Chúa ban quyền đều phải phục vụ theo ý Chúa, thậm chí Chúa ban quyền cho Satan được phép thử thách ông Gióp để làm nổi bật Đức Tin, lòng trông cậy và phó thác của ông nơi Thiên Chúa (x. G 2); nhất là Chúa ban quyền cho các chủ chăn trong Hội Thánh, dù họ còn có những điều bất xứng, nhưng họ vẫn được quyền tha tội, hay cầm buộc, để mở hay đóng cửa Thiên Đàng (x. Mt 16, 19-20; Ga 20, 23). Thế mà nhiều kẻ lạm dụng quyền để thống trị những kẻ thấp cổ bé miệng, hoặc để thủ lợi! Muốn tránh lạm quyền, thì phải ý thức về hai điều:
ü         Chúa ban quyền bính để ta phục vụ đồng loại, thi hành hai bổn phận: người với Chúa và người với người.
ü         Chúa điều khiển quyền bính nhằm giải phóng con người thoát nô lệ sự dữ.
I. CHÚA BAN QUYỀN BÍNH ĐỂ TA PHỤC VỤ, THI HÀNH HAI BỔN PHẬN: NGƯỜI VỚI THIÊN CHÚA VÀ NGƯỜI VỚI NGƯỜI.
Thực vậy, chính Đức Giêsu đã dạy những kẻ lạm dụng quyền để hại Ngài: “Hãy trả cho hoàng đế những gì thuộc về hoàng đế; và hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mt 22, 21: Tin Mừng).
Dựa vào lời dạy này, mỗi người luôn luôn phải chu toàn hai bổn phận:
-             Bổn phận làm công dân trần thế.
-             Bổn phận làm công dân Nước Trời.
Để minh chứng quyền Chúa ban để phục vụ mọi người theo ý Chúa. Ngôn sứ Isaia ghi lại biến cố lịch sử vinh quang nhất của dân Israel là, Chúa ban quyền cho vua ngoại giáo để ông phục vụ dân Israel là dòng giống Chúa tuyển chọn. Đáng lý ra khi ông đã thắng đế quốc Babylon, ông có quyền bắt dân Israel phải làm nô lệ cho ông, nhưng ông giải phóng họ khỏi kiếp nô lệ Babylon, ông còn dùng uy quyền của mình tạo điều kiện cho dân Do Thái về tái thiết đền thờ Giêrusalem để thờ kính Chúa. Như thế, vua Kyros đã biết dùng quyền để chu toàn hai bổn phận: Không để ai phải khổ vì kiếp nô lệ: chu toàn bổn phận đối với người; ông còn tạo điều kiện cho dân Israel chu toàn bổn phận đối với Chúa: ông đã trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Như thế vua Kyros đã “dâng Chúa quyền lực và vinh quang” (Tv 96/95, 7b: Đáp ca).
Khi con người đã được thấm nhuần Giáo Lý của Chúa, họ có đủ nghị lực lướt thắng mọi nghịch cảnh, để sống đẹp lòng Chúa. Chính Tông Đồ Phaolô cũng đã làm tròn bổn phận ngôn sứ của ông đối với dân như, ông nói với giáo đoàn Thessalonica: “Chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Kitô Giêsu. Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín xâu xa” (x. 1Tx. 1, 3-5b: Bài đọc II).
Vậy quyền bính nào chỉ bắt ta thi hành một phía: hoặc chỉ lo chu toàn việc xã hội, hoặc chỉ hết lòng thờ phượng Thiên Chúa, thì đó không phải là Luật Chúa ban, không phải là quyền Chúa cho, lương tâm người Công Giáo không được tuân phục!
Ngoài ra còn phải hiểu:
-             Trả cho hoàng đế những gì thuộc về hoàng đế”: Có nghĩa là sống công bằng bác ái với mọi người, cùng nhau đóng góp, cộng tác để xây dựng cộng đoàn mỗi ngày thêm tốt đẹp, từ gia đình, giáo xứ, đến quốc gia.
-             Trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”: Có nghĩa là thân xác và linh hồn cùng với tất cả ân lộc Chúa đã ban cho ta thì đừng trao cho Satan, mà phải dùng nó để tôn vinh Thiên Chúa qua việc phục vụ đồng loại. Muốn thế ta phải giữ lương tâm ngay thẳng, không lắt léo, không mưu mô thủ đoạn gài bẫy hại người như những Biệt phái lập mưu hỏi Đức Giêsu về việc nộp thuế, làm Chúa phải thầm trách: “Ta trách ngươi một điều là ngươi đã bỏ lòng mến thuở ban đầu, ngươi hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu và hãy làm các việc như ban đầu” (Kh 2, 4). Nghĩa là làm các việc trong lòng mến thuở ban đầu Chúa đã ban cho: “Nhân tri sơ tính bản thiện”, đặc biệt đối với người Công Giáo khởi đi từ lúc lãnh Bí tích Thánh Tẩy, phải luôn luôn giữ tâm hồn ngay thẳng, yêu thương, chứ đừng đánh mất mà thay vào đó những mưu mô gian ác, thâm độc, quỷ quyệt.
II. CHÚA ĐIỀU KHIỂN QUYỀN BÍNH NHẰM GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI THOÁT NÔ LỆ SỰ DỮ.
Chỉ có Đức Giêsu – Con Đấng Tối Cao – giải phóng ta khỏi án của Lề Luật để ta được nên công chính bởi lòng tin (x. Gl 3, 24). Thế mà kẻ ác đã dùng Luật, lạm dụng quyền Chúa trao để gài bẫy nhằm giết Đức Giêsu, họ nắm chắc thế nào Ngài cũng sa lưới pháp luật:
-             Nếu Đức Giêsu nói: “Đừng nộp thuế cho hoàng đế”, họ sẽ tố cáo với chính quyền Roma: “Ông này xúi dân không nộp thuế”. Kẻ nào xúi dân chống Roma, chắc chắn bị mất mạng!
-             Nếu Đức Giêsu nói: “Cứ nộp thuế cho Roma”, thì họ sẽ kết án Ngài tiếp tay với Roma để bóc lột dân tộc mình, mà củng cố thế lực đế quốc đang đè nặng trên dân. Đó là hành động phản quốc: “Rước voi về dày mồ” và, như thế là chống lại niềm tin của dân Do Thái vẫn hằng cầu nguyện với Thiên Chúa: “Người ta dựa vào chiến xa pháo mã, còn chúng tôi chỉ dựa vào danh Thiên Chúa để được giải thoát!” (Tv 19/18, 8).
Đành rằng hôm đó kẻ ác chưa hại được Đức Giêsu, vì Ngài lên tiếng nói: “Trả cho hoàng đế những gì thuộc về hoàng đế; trả về Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.” Nhưng vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng cáo gian Đức Giêsu trước tòa án Roma: “Ông này muốn làm vua giựt quyền Roma”, nhằm đẩy vua quan Roma quyết tâm giết Ngài! Dù chúng hạ được Ngài, đó là Ngài cho phép chúng, để Ngài biểu lộ tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa dành cho loài người, và để chân lý được lên ngôi. Nhưng kẻ ác chỉ giết và chôn vùi Đức Giêsu vào lòng đất chưa tới ba ngày, thì Ngài đã sống lại. Lúc ấy những kẻ theo Ngài mới nhận ra giá trị Lời Ngài nói: “Anh em đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33), để “giữa thế gian, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống” (Pl 2, 15d-16a: Tung Hô Tin Mừng). Dựa vào chiến thắng của Đức Giêsu đã đánh gục thần chết mà thánh Tông Đồ viết thư khuyên nhủ các tín hữu thuộc giáo đoàn Thessalonica: “Kính gởi Hội Thánh Thessalonica ở trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Chúc anh em được ân sủng và bình an. Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em và khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa” (1Tx. 1, 1-5b: Bài đọc II).
Như vậy chỉ sau Phục Sinh, Đức Giêsu mới thực hiện trọn vẹn ý nghĩa lời Ngài kêu gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28-30).
Mỗi khi dâng Lễ là ta được trực tiếp nghe Lời Chúa (x. Dt 1, 1-2), và được rước Chúa Giêsu Phục Sinh vào lòng (x. 1Cr 11, 24), Ngài giải phóng ta khỏi ác thần, hầu ta hân hoan hát bài ca: “Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang, hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người” (Tv 96/95, 7: Đáp ca).
Sau năm 1975, các nhà thờ Công Giáo muốn tu sửa hay xây dựng lại phải có phép chính quyền Cộng sản, nhưng chẳng có Linh mục nào làm đúng giấy phép. Chính quyền tỉnh Đồng Nai tập họp Giám mục và các Linh mục lên tiếng khiển trách: “Các anh tự cho mình là dạy chân lý, nhưng các anh lại không thực hành chân lý! Chúng tôi muốn hỏi các anh: tại sao giấy phép xây dựng chúng tôi cho một đàng, các anh lại làm một lối?” Bầu không khí căng thẳng cả hội trường, Linh mục này nhìn Linh mục kia, hy vọng có câu trả lời, nhưng chỉ nhìn nhau lắc đầu. Lúc ấy, Đức Giám mục địa phận Xuân Lộc Giuse Nguyễn Minh Nhật đứng lên trả lời: “Thưa cán bộ, ăn vụng là hành động xấu ai cũng ghét, nhưng tại sao cha mẹ lại để cho con cái phải ăn vụng? Nếu cha mẹ cho con cái được no thỏa, chúng chẳng làm chuyện đó. Trong trường hợp này, ăn vụng thì đáng thương hơn là đáng trách!” Thế là cả hội trường vang lên tràng pháo tay dòn hơn tiếng pháo nổ ngày Tết, chen tiếng hô: “Ôi tội hồng phúc!” Bởi vậy, các Linh mục nói với nhau: không phạm tội này thì không thể xây Nhà Thờ được!
THUỘC LÒNG.
Của hoàng đế trả cho hoàng đế, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa! (Mt 22, 21)
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH