Ơn thiên triệu _ ơn gọi của tôi là tình yêu

ƠN GỌI CỦA TÔI LÀ TÌNH YÊU
(Ga 15,1-17)
Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh, OP
Tình yêu là khát vọng của con người trong mọi thời đại, vì tình yêu là bản chất của nhân loại được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa là tình yêu. Từ chân lý đức tin này, ngay từ tuổi mười ba, tôi đã được tình yêu Thiên Chúa mời gọi, thu hút; và tôi đã đơn sơ bước theo với tâm hồn ngây thơ, trong trắng dầu tôi chưa thực sự hiểu thế nào là tình yêu. Cho đến hôm nay sau 46 năm được ở trong nhà Chúa, tôi đã được Thiên Chúa thánh hiến trong giao ước tình yêu 38 năm, một thời gian dài đủ cho tôi kinh nghiệm thế nào là tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho tôi; tình yêu của người Cha luôn thông ban sức sống cho đứa con nhỏ bé, dại khờ, yếu đuối của mình, đang sống giữa bóng tối trần gian; tình yêu của người Anh luôn hiện diện, cảm thông, tha thứ, gánh lấy những lầm lỗi của em mình; tình yêu của người Thầy luôn chia sẻ, động viên, giúp tôi biết định hướng, và nhìn lại từng công việc mình đã làm.
Vâng, dưới ánh sáng Lời Chúa; đặc biệt trong Ga 15, 1-17, tôi luôn lắng nghe được lời mời gọi yêu thương của Đức Giêsu: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, “Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu các con.” Chính Lời Chúa đã giúp tôi canh tân niềm tin trong ơn gọi thánh hiến mỗi ngày để đời tu của tôi, cho dẫu còn nhiều bóng tối, thách đố, vấp ngã, vẫn luôn tràn đầy bình an, niềm vui và hạnh phúc với xác tín như thánh Têrêsa: “Ơn gọi của tôi là tình yêu.”
I. Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU
Ơn gọi của tôi là tình yêu vì Đức Giêsu tha thiết mời gọi tôi ở lại trong tình yêu của Chúa; không như tâm trạng băn khoăn lo lắng của những cuộc tình trần thế: “Có em không, trong trái tim anh?” Câu hát thật trầm buồn trong một bài tình ca, ai nghe cũng thấy thương cho người trong cuộc không biết mình có được yêu hay không! Như thế, thật hạnh phúc biết bao cho những ai ở trong ơn gọi thánh hiến, Đức Giêsu đã lập đi lập lại lời mời gọi: Hãy ở lại trong tình yêu của Chúa, một tình yêu cao quí đến nỗi dám hiến mạng sống vì người mình yêu. Nếu ý thức đúng về thân phận tội lụy của mình thì có ai dám ước mơ được “ở lại trong tình yêu” của Thiên Chúa? Nhưng ân huệ này không chỉ là một lời mời, mà còn là một lời cảnh tỉnh: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” Qua việc đọc, suy niệm và chiêm ngắm tình yêu của Đức Giêsu trong ẩn dụ sống động: “Cây nho và nhánh”, tôi đã nhìn lại mối tương quan của mình với Chúa và rút ra những kinh nghiệm sống cụ thể sau đây:
1. Kinh nghiệm về sự bất lực
“Cũng như cành nho không thể nào sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.” Lời của Chúa đã cho tôi kinh nghiệm về sự bất lực của chính mình, vì tôi vẫn ý thức ơn gọi của tôi là tình yêu nhưng từng ngày trong 46 năm qua, tôi luôn phải đối diện với sự bất lực của bản thân để có thể thay đổi thái độ sống ích kỷ của tôi. Trong hành trình đi tìm Chúa, tôi khác nào tâm trạng của các môn đệ, tuy đã bỏ mọi sự mà theo Đức Giêsu nhưng vẫn mơ tưởng một Đấng Cứu Độ đem lại cho các ông vinh dự trần thế với sự bình an và niềm vui không phải trải qua mầu nhiệm thập giá. Ngoài ra, hình ảnh của chị Madalena bên ngôi mộ trống của Đức Giêsu cũng là của tôi; cho dẫu tôi nhiệt thành tìm Chúa với tình yêu tha thiết, nhưng tôi cũng như mọi người trong cõi nhân sinh, chỉ biết nhìn thực tại cuộc sống trong nước mắt tuyệt vọng, tôi chưa có đức tin đủ để nhận ra Chúa đang sống, đang hiện diện bên tôi trong những hoàn cảnh xem ra quá nhiều thách đố và đau khổ.
Chính những kinh nghiệm bất lực này đã dẫn tôi vào cầu nguyện. Hơn lúc nào hết, khi tuổi đã ngoài năm mươi, tôi cảm thấy cần cầu nguyện, khao khát được ở trong tương quan với Chúa, được tình yêu Chúa đổi mới; vì chỉ trong cầu nguyện tôi mới nghe được Chúa gọi tên tôi và sống đúng ơn gọi của tôi là tình yêu. Cuộc đời và sự nghiệp của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã cho thấy sức mạnh của đời sống cầu nguyện, vì Mẹ ưu tiên dành 3 giờ một ngày trước thánh thể Chúa nên mẹ đã phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo một cách hiệu quả trước sự ngạc nhiên và cảm mến của toàn thế giới!
2. Kinh nghiệm về sự cắt tỉa.
Khi chiêm ngắm cây nho Giêsu, tôi nhận thấy không có giây phút nào mà Chúa không chịu cắt tỉa, luôn luôn vâng theo ý Cha, hy sinh bỏ mình ngay từ giây phút chào đời trong hang súc vật lạnh giá, phải trốn sang ai cập giữa đêm khuya, rồi sống âm thầm lao động như một người thợ mộc 30 năm, luôn bị chống đối khi đi rao giảng Nước Thiên Chúa, đến nỗi phải lãnh án tử chết trên thập giá như một tội nhân. Vâng, cả đời sống của Đức Giêsu luôn luôn bị cắt tỉa, bị đổ máu để hiệp nhất nhân loại trong tình yêu của Cha. Nhờ đó, dòng nhựa yêu thương của cây nho Giêsu có thể ban tràn đầy sức sống, cho tất cả các cành liên kết với cây.
Cuộc đời tôi cũng có kinh nghiệm được cắt tỉa về nhiều phương diện khác nhau từ giáo dục nhân bản, tri thức đến giáo dục đức tin. Cũng như cành nho nhờ cắt tỉa mới sinh nhiều hoa trái, cuộc sống của tôi nhờ được dạy dỗ bảo ban và trải qua những biến cố khổ đau, bệnh tật, hay những thử thách hằng ngày, tôi mới có được kinh nghiệm thế nào là giá trị của hy sinh và hạnh phúc của người được yêu. Đặc biệt, trong mối tương quan cộng đoàn, khi tôi biết lắng nghe những góp ý, sửa lỗi chân thành của người khác, tôi có thể sống tốt hơn, được nhiều người gần gũi yêu mến hơn, và dẫn được nhiều người về với tình yêu Chúa hơn.
3. Kinh nghiệm về việc sinh hoa trái
Trong lịch sử cứu độ, cây nho Giêsu luôn luôn đâm hoa kết trái trong mọi hoạt động của Giáo Hội và trong đời sống thánh thiện của từng Kitô hữu. Đời sống chứng nhân của các thánh và những người loan báo Tin Mừng luôn gây ngạc nhiên cho những người chưa tin và luôn là niềm hy vọng cho những người nghèo bị bỏ rơi bên lề xã hội. Vì ở đâu có dòng nhựa yêu thương Giêsu ở đó đều có cành nho sinh trái.
Nhìn lại cuốn phim đời mình trong hành trình sứ vụ, với những thách đố, bế tắc tưởng chừng như không thể vượt qua! Nhưng trong cầu nguyện, Chúa đã thực hiện những điều thật kỳ diệu nơi những tâm hồn nhỏ bé biết ở lại trong Chúa. Chúa đã dùng những dụng cụ tầm thường để ban ơn cứu độ cho người khác; có khi chỉ là một lời cầu nguyện âm thầm hay một hy sinh bé nhỏ không ai biết đến trong tình yêu Giêsu.
II. YÊU NHƯ CHÚA YÊU
 “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy…” Và điều răn của Chúa là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Như vậy, muốn được ở lại trong tình yêu của Chúa, tôi cần phải yêu như Chúa đã yêu. Đây là điểm bế tắc của tôi và là câu trả lời cho vấn nạn tại sao tôi chưa sinh nhiều hoa trái trong sứ mệnh loan báo Tin mừng? Tôi phải thành thật thú nhận rằng: tuy đã ở trong nhà Chúa 46 năm nhưng tôi chưa thực sự sống đúng ơn gọi của mình là tình yêu vì tôi chưa dành thời gian đủ để chiêm ngắm, và học với Đức Giêsu thế nào là sống mầu nhiệm như tấm bánh bẻ ra và như hạt lúa mì chết đi.
1. Như tấm bánh bẻ ra
Đức tin dạy tôi rằng: Thiên Chúa đã yêu tôi trong Đức Giêsu Kitô, Người đến để tôi được sống và sống dồi dào. Người đã hiến mạng để chịu chết thay cho tôi; và trong mỗi thánh lễ, Người vẫn tiếp tục bẻ mình ra, chịu nghiền nát, chịu tan biến đi để ban cho tôi sự sống đời đời. Sau khi linh mục truyền phép thì không còn phải là tấm bánh nữa, mà là Giêsu đang mời gọi tôi đến rước lấy Người vào lòng, hiệp thông với sự sống của Người. Quả thật, trong hy tế Thánh Thể, chính Chúa Giêsu đã lập giao ước bằng máu của Người, máu thánh của Chúa đã đổ ra, trở nên một dòng suối chảy vào tâm hồn những người lãnh nhận. Khi tôi uống chén cứu độ, dòng máu yêu thương của Chúa Giêsu chữa lành thương tích, tăng sinh lực và biến tôi trở nên con Thiên Chúa như Người.
Chúa Giêsu mời gọi tôi trở nên tấm bánh như Chúa để có thể yêu như Chúa đã yêu:
-   Như tấm bánh trắng tinh hình tròn, Chúa mời gọi tôi sống tinh thần trong sáng với một trái tim bao dung, nhân hậu có thể đón tiếp mọi người.
-   Như tấm bánh mỏng manh dễ bẻ, Chúa mời gọi tôi sống tinh thần đơn sơ với một trái tim biết hy sinh chia sẻ tất cả những gì mình đang có.
-   Như tấm bánh bé nhỏ dễ tan biến, Chúa mời gọi tôi sống tinh thần khiêm tốn với một trái tim hiền lành tự hủy mình đi để tha nhân được lớn lên.
Trong quá khứ, Chúa biết tình yêu của tôi chưa thể tự hủy đủ để trở nên như tấm bánh bẻ ra cho tha nhân. Tuy tôi đã được Chúa biến đổi rất nhiều, nhưng nơi tâm trí tôi, vẫn còn đó sự tính toán, ích kỷ, thu tích hơn chia sẻ; vẫn còn đó sự yêu thích cuộc sống hưởng thụ dễ dãi hơn bẻ mình ra hy sinh phục vụ những người nghèo hèn khốn khổ. Hy vọng, mỗi ngày tiếp nhận Thánh Thể Chúa, tôi sẽ được Chúa tiếp tục biến đổi để tôi biết yêu như Chúa đã yêu.
2. Như hạt lúa mì chết đi
Từ khi nhập thể với danh hiệu GIÊSU – “Thiên Chúa Cứu Độ” , Chúa Giêsu đã trở nên như hạt lúa mì được gieo vào lòng đất khởi đầu cho chương trình tự hủy để đem lại sự sống cho nhân loại:
-   Như hạt lúa mì được gieo xuống bùn đất, Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.
-   Như hạt lúa mì bị chết đi, Người lại đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
-   Như hạt lúa mì nẩy mầm, lớn lên, đâm bông sinh hạt: Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa.” (Pl 2, 6-11)
Như vậy, trong ơn gọi tình yêu, để có thể ở lại trong tình yêu và yêu như Chúa đã yêu, tôi cũng được mời gọi chết đi như hạt lúa mì trong đời sống hằng ngày với ý thức tham dự vào chương trình cứu độ của Cha trong Đức Giêsu Kitô .
-   Chết đi như hạt lúa mì đơn giản chỉ là những hy sinh tha thứ cho những người làm phiền lòng mình và thể hiện tình yêu bằng ánh mắt và nụ cười cảm thông.
-   Chết đi như hạt lúa mì đơn giản chỉ là một lời nói ân cần hướng dẫn những thiếu sót, sai lỗi của người khác thay cho những lời phàn nàn, chỉ trích.
-   Chết đi như hạt lúa mì đơn giản chỉ là vác đỡ gánh nặng cho người khác qua việc lắng nghe, chia sẻ hay giúp đỡ tùy theo điều kiện mình có thể.
-   Chết đi như hạt lúa mì đơn giản chỉ là dành một chút thời giờ thăm hỏi những người già yếu, đơn thân, hay những bệnh nhân cô đơn trong bệnh viện.
-   Chết đi như hạt lúa mì đơn giản chỉ là biết nói “không” với những cám dỗ qui về bản thân để có thời giờ và điều kiện phục vụ nhu cầu của người nghèo.
Lạy Chúa, Chúa biết con chưa thực sự hiểu thấu và nhận ra tình yêu vô biên của Chúa; con chưa thực sự khao khát được ở lại trong tình yêu Chúa, và con cũng chưa thực sự hy sinh, tự hủy như hạt lúa mì để yêu mến tha nhân như Chúa đã yêu con. Nhưng con tin rằng: một khi Chúa đã ban cho con ơn gọi được thánh hiến trong tình yêu, chính Chúa sẽ biến đổi những bóng tối trong con thành ánh sáng, và tội lỗi trong con thành ân sủng cứu độ của Chúa. Cho dù con chưa thể sống đúng ơn gọi của con là tình yêu, nhưng dưới ánh sáng lời Chúa, con xác tín rằng: hạnh phúc đích thực của con hiện nay là chính Chúa, tình yêu của con. Con hy vọng rằng: chính tình yêu của Chúa sẽ giữ con ở lại trong Chúa và dạy con biết yêu người như Chúa đã yêu con.
Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh, OP