Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 30a

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN
NĂM A
Xh 22, 20-26; 1Tx. 1, 5c-10; Mt 22, 34-40
BÀI ĐỌC I: Xh 22, 20-26
20 Đức Chúa phán thế này: Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập. 21 Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. 22 Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. 23 Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút.
24 Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi.
25 Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. 26 Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.
ĐÁP CA: Tv 17
Đ. Con yêu mến Ngài,
lạy Chúa là sức mạnh của con. (c 2)
2 Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; 3a lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con;
3bc Lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ. 4 Tôi kêu cầu Chúa là Đấng xứng muôn lời ngợi khen, và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.
47 Đức Chúa vạn vạn tuế! Chúc tụng Người là núi đá cho tôi trú ẩn. Tôn vinh Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi, 51ab Chúa ban nhiều chiến thắng lớn lao cho Đức Vua chính Người đã lập.
BÀI ĐỌC II: 1Tx. 1, 5c-10
5c Thưa anh em, anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em;6 còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban:7 bởi vậy anh em đã nên gương cho mọi tín hữu ở miền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khai-a. 8 Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, không những ở Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa. 9 Khi nói về chúng tôi, người ta kể lại chúng tôi đã được anh em tiếp đón làm sao, và anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật, 10 và chờ đợi Con của Người từ trời ngự đến, người Con mà Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, là Đức Giê-su, Đấng cứu chúng ta thoát cơn thịnh nộ đang đến.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 14, 23
Hall-Hall: Chúa nói: ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Hall.
TIN MỪNG: Mt 22, 34-40
34 Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. -35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36 "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? " 37 Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”

CÔNG GIÁO LÀ ĐẠO YÊU!
Đừng lầm tưởng Luật Tân Ước mới dạy yêu, còn Cựu Ước là Luật rừng: ăn miếng trả miếng! Bài đọc I trong sách Xuất Hành đã xảy ra trước thời đại chúng ta cách đây ít nhất khoảng 3. 000 năm trong một xã hội loài người còn sống man rợ, thì càng thấy rõ điểm ưu việt của bộ Luật Môsê dạy người ta biết cách yêu. Dĩ nhiên Luật này còn bất toàn, mãi cho đến đời Đức Giêsu mới bổ túc Luật cho hoàn hảo (x. Mt 5, 17).
Vậy chúng ta hãy tìm hiểu về giá trị Luật yêu qua mạc khải:
I. HÌNH THỨC CỦA LUẬT, HƯỚNG LÒNG TA YÊU NGƯỜI.
1- Cựu Ước.
Luật cơ bản (Đệ nhất Luật), Thiên Chúa ghi trên hai bia đá, hình thức về Luật yêu Chúa thì nhẹ hơn Luật yêu người: yêu Chúa ở bia I chỉ có 3 điều; yêu người ở bia II tới 7 điều.
Từ 10 Luật cơ bản đó, dân Chúa đã đưa ra bộ Luật rất phức tạp (Đệ nhị Luật) gồm 613 điều, trong đó Luật tiêu cực thì nhiều: 365 điều xấu chớ vi phạm, còn Luật tích cực lại ít: 248 điều tốt dạy phải làm.
Hình thức con số Luật đó mang ý nghĩa:
-             365 điều xấu cấm làm, nhắc cho kẻ tin Chúa ngày nào trong năm cũng phải đề cao cảnh giác, ngày nào cũng phải cố gắng hy sinh, khắc phục dục vọng bản thân.
-             248 điều tốt dạy phải làm, mới xứng đáng là người và được đứng vững trước mặt Thiên Chúa. Theo quan niệm thời bấy giờ, số 248 là tổng số các xương trong cơ thể con người. Một người khỏe mạnh đứng vững được là cơ thể của họ phải đủ số xương đó.
2- Tân Ước.
Đức Giêsu dạy yêu rất đơn giản: mọi Luật chỉ quy về một điều: MẾN CHÚA cũng như YÊU NGƯỜI.
·        Mến Chúa, mang chiều kích hướng lòng Tin Cậy Mến của con người lên Thiên Chúa (á).
·        Yêu người, mang chiều kích ngang nối dài và mở rộng lòng yêu mến của mỗi người đến đồng loại («).
Hai chiều kích dọc-ngang làm nên Thánh Giá:
Đành rằng trong lịch sử, dấu + là dấu chỉ án phạt dã man nhất của người Roma giáng trên kẻ bất lương. Nhưng từ ngày Đức Giêsu, Đấng vô tội, đã để cho kẻ ác treo lên, thì dấu ác ấy đã thành dấu yêu! Vì Thiên Chúa toàn năng, duy chỉ có Ngài biến dữ ra lành, biến tội ra ơn, biến chết ra sống!
Mặt khác, sống yêu vừa được nhận (dấu +), vừa cho đi (dấu -), như dòng điện dương (+) giao kết với dòng điện âm (-) mới bật ra ánh sáng! Yêu Chúa như rễ như thân cây, yêu người như lá như hoa. Hoa lá có được phải nhờ rễ - thân! Thế thì Chúa như rễ như thân, ta muốn có hành động yêu như Chúa phải nhờ với trong Chúa Giêsu.
II. YÊU CHÚA HAY YÊU NGƯỜI CÙNG MỘT LUẬT YÊU.
Trong kinh “Shema” là kinh nhật tụng của người Do Thái, từ trẻ đến già, mỗi ngày họ đọc hai lần cầu nguyện với Thiên Chúa: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (Dnl 6, 5 = Mt 22, 37: Tin Mừng).
Như thế dân Do Thái cầu nguyện chỉ nghĩ đến Chúa! Nên nhóm Pharisêu đề cử một người thông Luật lên tiếng hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, Điều Răn nào trọng nhất?” (x. Mt 22, 36: Tin Mừng), thì Đức Giêsu trả lời: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi, đó là Điều Răn quan trọng nhất và là Điều Răn thứ nhất” (Mt 22, 37-38: Tin Mừng). Vì thế Đức Giêsu nhắc lại kinh Shêma họ đọc hằng ngày, và để cho Luật yêu Chúa được nên hoàn hảo, thì Ngài dạy thêm: “Còn Điều Răn thứ hai cũng giống như Điều Răn ấy: ngươi phải yêu người lân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai Điều Răn ấy” (Mt 22, 39-40: Tin Mừng).
Cụ thể hơn, chẳng ai thấy Thiên Chúa để phục vụ Ngài, nhưng yêu tha nhân như Chúa dạy là phục vụ Chúa rồi vậy. Do đó thánh Phaolô nói: “Tất cả Lề Luật nên trọn duy một lời này: ngươi hãy yêu mến đồng loại như chính mình” (Gl 5, 14). Vì thế trong ngày phán xét, Chúa chỉ hỏi người đứng bên phải Ngài: được lên Thiên Đàng; cũng như kẻ đứng bên trái: phải xuống Hỏa ngục, về việc phục vụ đồng loại để thể hiện lòng yêu Chúa mà thôi (x. Mt 25, 31-46).
Vậy Giới Răn trọng nhất Đức Giêsu trả lời cho người thông Luật là: “Yêu Chúa thì phải yêu người; hoặc yêu người như Chúa Giêsu yêu là yêu Chúa” (x. Mt 22, 37-39: Tin Mừng). Thế nên thánh Gioan dạy: “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4, 20).
Ta suy ra Luật yêu thương như một hàm số trong bài toán: y = 2x2 . Giải quyết hàm số yêu (y), ta phải tìm giá trị của ẩn số (x2) là ta biết Thiên Chúa đã yêu thương ta thế nào, để ta noi theo mà phục vụ đồng loại như hằng số (2). Cụ thể trong Bài đọc I (Xh 22, 21-26), Luật yêu người chỉ dừng lại trong lãnh vực nhân bản.
-             Ngươi đừng ức hiếp ngoại kiều, hãy nhớ mình khi ngụ ở Ai Cập. (c 20)
-             Kẻ nào đụng đến mẹ góa con côi là nộ khí Thiên Chúa bốc lên! (c 21-23)
-             Ngươi không được cho kẻ nghèo vay lấy lời! (c 24)
-             Áo choàng của kẻ nghèo đem đi cầm, sáu giờ chiều mà nó chưa có tiền chuộc, thì ngươi phải trả lại cho nó để nó được sưởi ấm khi đêm về! (c 25-26)
Rõ ràng những phạm trù yêu trong sách Xuất hành(Bài đọc) chỉ dạy người ta không được làm hại, không sống bất công với đồng loại.
Thế nên, Đức Giêsu trả lời cho Biệt phái và Luật sĩ về Điều Răn trọng đã làm hoàn hảo Luật yêu cách tích cực và phổ quát bằng gương sống yêu phàm nhân của Ngài là, không chỉ yêu trên môi miệng như người Do Thái đọc kinh Shêma, mà Ngài đã diễn tả lời kinh ấy trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thể hiện tình yêu tuyệt hảo nhằm cứu loài người tội lỗi thoát tay tử thần:
-             Yêu hết lòng. Trên thập giá, tình yêu Ngài dốc ra hết cho nhân loại, qua hình ảnh máu và nước tuôn xuống từ trái tim Ngài bị đâm thủng! (x. Ga 19, 31t)
-             Yêu hết linh hồn. Trên thập giá, tất cả những gì hữu hình thuộc về Ngài đều bị trấn lột: trần truồng không mảnh vải che thân, đôi bàn chân bước đi rao giảng bị ghim chặt vào cây gỗ; đôi bàn tay mở ra thi ân giáng phúc được trả nghĩa bằng đinh nhọn đâm xuyên thâu; khối óc để suy nghĩ bị vòng gai oan nghiệt ghim sâu; miệng Ngài mở ra loan báo Tin Mừng bị vả “phù mỏ”; trái tim để yêu bị đâm thủng! Chỉ còn linh hồn chúng không cướp được, thì Ngài dâng lên Chúa Cha: “Lạy Cha, Con phó linh hồn trong tay Cha” (Lc 23, 46).
-             Yêu hết trí khôn. Hết thảy những kẻ chứng kiến Đức Giêsu bị treo trên thập giá, chúng nhạo báng Ngài là tên điên rồ, vì cứu được người khác mà vô phương cứu chính mình (x. Mt 27, 39-44; 1Cr 1, 18a)
-             Yêu hết sức lực (theo Mc 12, 30). Nghĩa là vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Giêsu bị đánh đập tàn nhẫn, nên Ngài không đủ sức để vác thập giá lên đồi Sọ, người ta phải nhờ ông Simon thành Kyrênê vác giúp (x. Mc 15, 21).
Vậy muốn sống yêu như Đức Giêsu thì không phải chỉ đọc kinh, mà còn phải thể hiện bằng việc làm, chấp nhận mất mạng! Cụ thể là “phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi” (1Ga 2, 6), để nói được như thánh Phaolô: “Tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ chịu vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì Thân Mình Ngài là Hội Thánh” (Cl 1, 24). Thế thì phải chấp nhận người đời kết án mình là điên khùng, là vô lý, bắt chước các Tông Đồ đã từ bỏ nghề nghiệp, tài sản, bỏ cả cha mẹ, vợ con, và đành mất mạng vì Tin Mừng. Thánh Phanxico Assisi cũng đã trút bỏ mọi sự đến trần truồng trước mặt mọi người nơi tòa án đã kết án ngài là tên bất hiếu với cha mẹ, chỉ vì ông muốn sống nghèo như Chúa Giêsu. Với trải nghiệm sống Lời Chúa, triết gia Kierkegaard nói: “Làm một Kitô hữu mà không có chút điên khùng, thì không phải là Kitô hữu chính danh, chỉ giống Biệt phái giả hình.”
Ngày 6/7/1992, tại tòa án sơ thẩm ở tiểu bang Gióc-gi-a bên Hoa Kỳ đã nhận đơn kiện của chàng Kê-nét Ar-gút và đơn kiện của bà An-sen Ar-gút, chỉ vì họ sống yêu “lấy thân mình làm mẫu”.
Truyện như sau: Kê-nét Ar-gút là con trai của bà An-sen Ar-gút, cậu đã sửa xe cho mẹ, mà mẹ không trả tiền công cho cậu, thế là cậu đòi tòa án can thiệp, dùng áp lực để bắt mẹ phải trả cho con số tiền 2. 613 USD, xứng với công việc cậu đã vất vả!?
Biết tin ấy, bà An-sen Ar-gút cũng đưa đơn tố cáo con đã không trả tiền công cho bà phục vụ cậu trong suốt 40 năm…!? Và bà còn đòi tòa điệu con đến trước tòa để bà đánh 2. 613 roi mà bà chưa cho cậu trong 40 năm qua!
Câu chuyện cười ra nước mắt trên, chỉ vì hai mẹ con đã không lấy Đức Giêsu làm mẫu để phục vụ. Nên thánh Phaolô nhắc nhở mọi người: “Anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban… anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật, và chờ đợi Con của Người từ trời ngự đến, người Con mà Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, là Đức Giê-su, Đấng cứu chúng ta thoát cơn thịnh nộ đang đến.” (1Tx. 1, 5-10: Bài đọc II).
Vậy muốn sống được Giới Răn Yêu mà Đức Giêsu dạy, thì phải cầu xin Chúa cho ta có trái tim của Đức Giêsu (x. Pl 2, 5), để nhờ tình yêu của Ngài thúc đẩy ta trong mọi việc làm (x. 2Cr 5, 14). Có thế ta mới thực hành được Lời Đức Giêsu dạy: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở với người ấy” (Ga 14, 23: Tung Hô Tin Mừng), để cả Ba Ngôi Thiên Chúa đến giúp ta yêu đồng loại như Chúa Giêsu yêu ta. Và như vậy ta mới có thể thưa cùng Chúa: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con” (Tv 18/17, 2:Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Thánh Tông Đồ nói: “Anh em hãy bắt chước chúng tôi, như chúng tôi bắt chước Chúa Kitô, đã chịu lấy Lời giữa bao gian truân, trong sự hoan hỷ của Thánh Thần!” (1Tx. 1, 6)
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH