Lời Chúa cntn 27a _ giáo huấn Phúc Âm

CHÚA NHẬT XXVII QUANH NĂM, NĂM A
Is. 5, 1-7; Pl. 4, 6-9; Mt. 21, 33-43
I. Giáo Huấn Phúc Âm
Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc vườn nho Chúa. Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc dân Chúa chọn. Vườn nho Chúa vừa là chính Dân Thiên chúa và cũng vừa là vương quốc Chúa được trao phó cho dân Do Thái để mang hoa trái cho nước Chúa.
Hoa trái cần thu hoạch. Nhưng tá điền, những người đang hưởng lợi tức của vườn nho lại đang tâm phản bội muốn chiếm lấy vườn nho và khai thác cho tư lợi riêng mình.
Tá điền bất trung nhận lãnh hậu quả xấu: Chủ vườn thu hồi vườn nho, trao lại cho những tá điền mới, những người mang lợi cho vườn nho nước Chúa.
Dân Do Thái là những tá điền bất trung. Vườn nho Chúa bị thu hồi và giao cho tá điền mới là chúng ta.
II. Vấn nạn Phúc Âm
Vườn nho trong Kinh Thánh có ý nghĩa gì?
Dân Do Thái, dân Chúa chọn là chính vườn nho Chúa. Được Chúa yêu thương, chăm sóc và dành cho mọi cơ hội để phát triển. Bài đọc I hôm nay, sách tiên tri Isaia là một mô tả rõ ràng về tình yêu thương Chúa dành cho Dân Do Thái cũng như sự phản bội mà Dân Do Thái đáp lại tình yêu thương của Chúa. Vườn nho trong Kinh Thánh là chính Chúa. Phúc Âm của Thánh Matthêu trong hai Chúa Nhật vừa qua đều ví “Nước trời giống như… chủ nhà từ sáng sớm ra đi mướn thợ làm vườn nho mình trong chúa Nhật 25 quanh năm. Hay “Nước trời giống như người Cha nhờ hai con trai đi làm vườn nho, người trả lời không làm thì đi làm. Người trả lời sẵn sang đi làm thì lại không làm..”
Nước trởi là chính Chúa, là chính Ông Trời. Giáo Hội là hiện thân của chính Chúa. Chúa được so sánh như vườn nho. Có nho mới có rượu. Rượu được coi như thức uống ban sinh lực. Chúa chính là sinh lực của con người. Trong Tân Ước Chúa cũng so sánh Ngài chính là rượu nho mới trong Nước Thiên Chúa, như trong Matthêu 26.29. Vườn nho chính là Giáo Hội, là cộng đoàn Dân Chúa mà mỗi Kitô hữu có bổn phận phải là thành viên tích cực và làm cho vườn nho mình phát triển. Bài Phúc Âm Chúa Nhật 25 nói về lời mời gọi gia nhập Giáo Hội Chúa, mỗi người được mời gọi vào những thời điểm khác nhau, nhưng rồi cũng sẽ được Nước Chúa làm phần gia nghiệp.
Vườn nho Giáo Hội có nhiều thay đổi
Nếu so sánh Giáo Hội Chúa Giêsu thiết lập như một vườn nho, chúng ta thấy có nhiều yếu tố thay đổi đáng suy nghĩ:
Vườn nho Giáo Hội Chúa mỗi ngày thêm lớn rộng và sinh hoa kết trái thật sum xuê. Giáo Hội Chúa bắt đầu với 12 tông đồ nghèo nàn và thất học. Nhưng họ được trao trách nhiệm phải thành những cây nho sai trái. Nhiều cây nho sai trái sẽ làm thành một Giáo Hội phát triển không ngừng. Vườn nho Giáo Hội Chúa tăng sức lớn vượt bực. Tuy nhiên nó cũng bị thử thách và bị thanh lọc và cắt tỉa qua nhiều cuộc bách hại thật khủng khiếp trong lịch sử Giáo Hội. Ngay chính Giáo Hội Việt Nam nhỏ bé cũng phải đương đầu với nhiều thử thách và hàng trăm ngàn người chết vì đạo.
Vườn nho Giáo Hội phát triển, bị thức thách không chỉ do những thế lực chính trị bách hại nhưng còn do chính nội bộ của Giáo Hội phân rẽ và làm cho thân thể Chúa Kitô, cho vườn nho Giáo Hội bị chia cắt và phân hoá ra nhiều hệ phái. Vườn nho Giáo Hội Chúa được chuyển đổi từ mạnh sang yếu hay ngược lại từ yếu sang mạnh tuỳ theo hoàn cảnh sinh hoạt của xã hội trần thế. Ngày xưa, Âu Châu được kể như thế giới Kitô giáo. Người ta thấy nhà thờ khắp nơi. Người ta thấy trường học công giáo mọi chỗ. Người ta thấy giáo sĩ, tu sĩ trên khắp các đường phố và khu xóm và người ta cũng thấy ảnh hưởng lớn lao của Giáo Hội trên từng cá nhân và từng xã hội. Ai sinh ra cũng phải được rửa tội.
Nhưng ngày nay, bóng thánh giá không còn nhan nhãn. Những tháp giáo đường cao không còn nhiều. Những ngôi thánh đường đồ sộ vắng bóng người tham dự thánh lễ… Nhiều và còn nhiều nữa những thứ mà người ta gọi là đang đi xuống. Tuy nhiên sự phồn thịnh Kitô giáo ở Âu Châu giờ đây nhường chỗ cho Á Châu và Phi Châu. Ở Việt Nam dường khư không cần kêu gọi đi tu làm linh mục hay tu sĩ, vì có quá nhiều ơn gọi tu trì. Một địa phận trung bình thôi, cũng có thể có 200 nữ tu Mến Thánh Giá địa phận. Chủng sinh phải đợi nhiều năm mới có thể được nhận vào chủng viện…
Vườn nho Giáo Hội luôn được chính Chúa là chủ vườn nho xây rào giậu chung quanh và gìn giữ cẩn thật. Nhiều người thấy có quá nhiều cơ cấu tổ chức trong Giáo Hội. Có nhiều người hoang mang về những lập trường không Công Giáo trong Giáo Hội. Có nhiều người lo ngại về những chủ trương “quốc doanh” Giáo Hội hay Giáo Hội tự trị… Khó khăn không ít. Nhưng vườn nho Giáo Hội luôn có tháp canh và Chúa chính là người gìn giữ vườn nho của Ngài.
Hãy yêu vườn nho Giáo Hội và tích cực xây dựng nó.
Những tá điền bất trung trong dụ ngôn vườn nho ám chỉ người Do Thái, những người giữ đạo Cựu Ước. Họ được may mắn sống trong Vườn Nho Chúa. Họ được Chúa gìn giữ và chăm sóc. Nhưng họ lại muốn chiếm đoạt vườn nho của Ông chủ. Họ nghĩ rằng: Họ có thể tự lãnh đạo và phát triển vườn nho theo lợi ích cá nhân của họ. Tuy nhiên, Chủ vườn luôn theo dõi từ tháp canh. Nếu tá điền bất trung. Vườn nho sẽ bị lấy lại và giao cho người khác.
Lịch sử Kitô giáo đã chứng minh điều đó. Người da trắng Âu Châu ngày nay càng ngày càng lệ thuộc vào sự làm việc và truyền giáo của các giáo sĩ người da màu đến từ Á Châu hay Phi Châu. Cách nào đó, họ đả quên bổn phận vun trồng vườn nho Chúa. Cách nào đó, họ phản bội tỉnh yêu thương chăm sóc của Chúa. Chúa là chủ vườn nho. Chúa thành lập Giáo Hội. Chắc chắn Chúa phải yêu Giáo Hội. Chắc chắn Chúa không để người ta làm hại vườn nho Giáo Hội Chúa.Hãy yêu Giáo Hội và tìm cách làm Giáo Hội phát triển dưới sự hướng dẫn của Chúa.
III. Thực hành Phúc Âm
Chúa lo cho Giáo Hội của Ngài qua những mục tử biết sống chết vì vườn nho Chúa: Gương Cha Phanxicô Trương bửu Diệp.
Nhân chứng sống:
Đôminicô Nguyễn văn Đức và Mẹ Ông, Bà Huỳnh thị Tú.
Chủ Chí: Cách nay nhiều chục năm, vùng đất nầy thuộc ông Cả Chí, từ đó có địa danh Chủ Chí. Chủ Chí năm cách Hộ Phòng về phía Ngã Năm Thạnh Trị chừng 15 cây số đường xe. Nhà thờ cũ đã bị phá sập. Nền nhà thờ cũ bây giờ không còn dấu vết, dân cư đã xây cất nhà trên đó. Nhà thờ mới đang trong chương rình xây dựng trên phần đất mới.
Phỏng vấn Ông Đôminicô Nguyễn văn Đức:
Sinh năm 1936 và Ông cho biết “được Cha Diệp Rửa Tội năm 1945” Tuy nhiên, không tìm thấy bút tích Rửa Tội trong số 1643 người do Cha Phanxicô rửa tội trong 16 năm ở Tắc Sậy. Ông Đức kể rằng: Cha Diệp vô nhà thờ Chủ Chí làm lễ hàng tháng hay đôi ba tuần một lần. Cha đến ăn uống và ngủ lại nhà ông hiện đang ở bây giờ là của Cha Mẹ Ông là Ông Lễ và Bà Tú.
Ông Muời Thính là cận vệ của tướng Cao Đài trong vùng là Cao Triều Phát kể cho Ông nghe nhiều lần rằng: Không phải Cao Đài hay Việt Minh giết Cha Diệp mà là hai tên lình Nhựt bị giải giáp và nhập vào phe Ông Cao Triều Phát. Hai tên nầy mang tên Cao Triều Thắng và Cao Triều Ngươn. Còn một tên nữa không biết tên. Thắng và Ngươn rất hung dữ và thù ghét Pháp vô cùng. Thấy Cha Diệp tới lui với Pháp, hai tên nầy trả thù bằng cách bày chuyện dẫn linh cao đài của Cao Triều Phát đi lùa Cha Diệp và giáo dân nhốt vào lẫm lùa của Ông Châu văn Sự ở Cây Gừa và chém Cha rồi xô xuống ao gần bên. Ông Cao Triều Phát nghe tin và nghĩ rằng: Ông đã nuôi ong tay áo, hai tên Nhật nầy nếu giết người khác dễ dàng như thế thì có lúc cũng sẽ phản bội và giết Ông chăng? Nên Ông đã lập mưu cho người giết hai tên Nhật mang tên Thắng và Ngươn nầy. Tên lính Nhật còn lại ông âm thầm thanh toán sau.
Bà Huỳnh thị Tú sinh năm 1905
Bà không nhớ nhiều chi tiết về cuộc đời Cha Fx. Trương Bửu Diệp. Bà khóc khi nhắc đến Cha và tình thương của Cha. Bà nói “mọi chuyện đều do Cha lo: áo trằng mặc khi rửa tội hay khi rước lễ thường, khăn tang hay hòm chôn người chết… cha đều lo cho dân nghèo. Cha dạy giữ lửa bằng cách lấy trái ổi non, phơi khô, đốt lên rôi bỏ trong lon đậy kín lại, một tuần sau vẫn còn than đỏ. Bà Huỳnh thị Tú cho chúng ta hình ảnh xác thực về Cha Fx. Như một mục tử nhân lành: lo lắng và sống chết với đàn chiên.
Có tháp canh
Nhiều khi chúng ta chứng kiến có quá nhiều tiêu cực xảy ra trong Giáo Hội: ít người sống đức tin, có những chủ trương chia rẽ đòi tự trị trong Giáo Hội, có những người không phục tùng Đức Giáo Hoàng…Người ta nghĩ đến một ngày nào đó trong tương lai gần, Giáo Hội Chúa sẽ bị thao túng và bị quỉ hoả ngục phá đổ. Phúc Âm hôm nay nói: Chủ vườn làm rào giậu và đặt tháp canh… Chúa chăm sóc cẩn thận Vườn nho Giáo Hội của Ngài. Bằng chứng là Ngải đã gửi những trung gian đến để giáo huấn và chăn sóc vườn nho. Ngài còn gửi Con yêu dầu của Ngài đến…Những chi tiết nầy làm cho tôi thật an tâm trước những biến cố tiêu cực hay nguy hiểm xảy ra trong Giáo Hội.
Tôi không chủ trương: Để mặc cho Giáo Hội hay những người có trách nhiệm trong Giáo Hội muốn làm gì tuỳ tiện. Không! Chỉ xin góp phần theo khả năng của mình để xây dựng Giáo Hội và luôn xác tín là: Mình chỉ là một dụng cụ hèn mọn trong việc làm vườn nho Chúa. Có mình hay không có mình, Giáo Hội vẫn trường tồn. Đừng có ai vỗ ngực xưng tên rằng: Không có tôi thì làm sao Giáo xứ hay nhà thờ nầy được như ngày nay! Chúa đang canh chừng, gìn giữ và chăm sóc Giáo Hội Ngài. Hãy sống trong Giáo Hội với tin, cậy và yêu thương.
Lm Phêrô Trần Thế Tuyên