ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?
Thiên Chúa được ban cho con người, bắt
đầu từ biết Đức Kitô để kết thúc cách hoàn hảo khi người ta được nên một với
Thiên Chúa trong Đức Kitô…
Nước Lỗ có một cái Đỉnh rất quí. Nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả đưa sang.
Vua Tề bảo: “ Phải có Nhạc Chính Tử đem đỉnh sang thì ta
mới tin.”
Vua Lỗ gọi Nhạc Chính Tử đến bảo đi. Nhạc Chính Tử hỏi: “Sao không đưa cái đỉnh thật?”
Vua Lỗ nói: “Ta quí cái đỉnh đó lắm.”
Nhạc Chính Tử thưa: “Nhà
Vua quí cái đỉnh ấy thế nào, thì tôi cũng quí cái đức
"Tín" của tôi như thế ấy.”
Sau Vua Lỗ phải đưa đỉnh thật. Nhạc Chính Tử mới chịu đi.
Lớn hơn cái đỉnh là chữ tín của Nhạc Chính Tử, lớn hơn chữ tín của Nhạc Chính Tử phải là quyết định tin theo Đức Kitô của tôi.
Vì đó là một quyết định quán xuyến cuộc sống tôi, như đòi hỏi của Đức Kitô: “Ai không vác thập giá mình mà
theo Thầy, thì
không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,38-39)
Vì thế “Đức Kitô là ai” phải là câu hỏi đầu tiên
và không thể thiếu được cho các tông đồ trên đường theo Đức Kitô.
Về Đức Kitô, có cái biết của kiến thức tự nhiên và cái biết của kiến thức tôn
giáo. Nhưng cái biết Chúa muốn thấy nơi các tông đồ là cái
biết của niềm tin, cái biết có sức đổi mới con người và đem
lại sự sống cho thế gian, như lời một bài ca sinh hoạt: “Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình; gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh.”
Và Chúa hỏi các tông đồ: “Anh em bảo Thầy là ai?”
Phêrô đã tuyên tín về thần tính của Ngài: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con
Thiên Chúa hằng sống”, một cái biết đến từ Thiên
Chúa và là cội rễ của mọi sự khôn ngoan vì “muôn
vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người.” (Rm 11,36)
“Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa
sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi
được!” (Rm 11,33) Sự khôn
ngoan đó nay được trao cho nhân loại, qua Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,19)
Như đã xảy ra cho Abram và Giacob, sau lời tuyên
tín, Simon được mang tên mới là Phêrô để nhấn mạnh vai trò mới của ông,
và để đánh dấu một biến cố quan trọng của lịch sử cứu độ, khi Hội Thánh được công bố: “Anh là Phêrô,
nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”
Đối với các Kitô hữu, biết Thiên Chúa là điều không
thể bỏ qua nếu không muốn nói đó là con đường tối hảo để sống hạnh phúc
giữa cuộc đời tráo trở với bao vấn nạn cho cuộc làm người hôm nay.
Svetaketu là một nhà hiền triết nổi tiếng của Ấn độ. Một hoàn cảnh đặc biệt đã
giúp ông tiếp cận được với sự khôn ngoan.
Khi lên bảy ông được cha gửi đi học ở Vedas.
Ngay từ nhỏ ông đã tỏ ra trổi vượt các bạn nhờ khả năng tiếp thu và trí thông minh đặc biệt của mình. Thế nên vừa đến tuổi trưởng thành
ông đã được coi như một chuyên gia vĩ đại nhất về Kinh Điển.
Thế nhưng một hôm về nhà, Svetaketu đã nghe từ người cha ông những câu hỏi có sức biến đổi cả cuộc đời ông: “Có phải con đã học được đúng điều mà
không cần phải học gì khác? Có
phải con đã
khám phá được điều mà nhờ đó mọi nỗi đau khổ sẽ không còn? Có
phải con đã
nắm hiểu được điều mà không ai
có thể dạy cũng chẳng ai có thể học được?”
“Thưa cha, không.” Svetaketu trả lời.
“Này con, vậy thì tất cả những gì con học được suốt ngần ấy năm đều vô nghĩa.”, người cha tâm tình nghiêm túc với cậu con
trai.
ĐTC Bênêđíctô 16, trong cuốn “Đức Giêsu
thành Nazareth”, đã nói về sự khôn ngoan đó: “Cuối cùng con người cần đến một điều trong đó chứa chất tất cả; nhưng con người phải học để nhận ra điều họ thực sự cần thiết và thực sự khao khát
ngang qua những ước muốn và mong chờ chóng qua. Họ cần đến Thiên Chúa.
Và chúng ta có thể thấy, sau tất cả những lời nói tượng hình vẫn còn một điều sót lại: Đức Giêsu ban cho
chúng ta “sự sống”, chỉ vì Người ban Thiên
Chúa cho chúng ta.”
Thật là một Tin Mừng! Thiên Chúa được ban cho con người, bắt đầu từ biết Đức Kitô để kết thúc
cách hoàn hảo khi người ta được nên một với Thiên Chúa trong Đức Kitô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là
tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.
Hiện nay
tôi sống kiếp phàm nhân
trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2,20)
Khi đó, câu hỏi “anh em bảo Thầy là ai” trở nên câu hỏi “anh em là ai”, và tôi hoàn thành chính
mình khi biết Đức Kitô, như lời thánh Augustinô tha thiết nguyện xin: “Lạy Chúa, xin cho
con biết Chúa,
xin cho con biết con.”
Lm. HK