Lời Chúa cntn 20a _ bà muốn thế nào sẽ được như vậy


BÀ MUỐN THẾ NÀO, SẼ ĐƯỢC NHƯ VẬY
Lòng thương xót của Chúa không thể từ chối lời nài van của người không tìm được nơi nương tựa.
Lm. HK
Trong lời dẫn nhập cuốn “Lạy Chúa! Tại sao Ngài im lặng?”, linh mục Giuse Đinh Thanh Bình, SDB. đã kể chuyện đời mình:
“Buổi sáng ngày 25 tháng 4 năm 1986, em trai tôi, Giuse Đinh Công Khanh, hớn hở sắp xếp đồ đạc lên xe để đi chơi với bạn bè. Em giơ tay vẫy chào từ giã mọi người trong gia đình - lần cuối - vì em không bao giờ trở về nữa. Tối hôm đó, cảnh sát điện thoại báo tin em đã bị tử nạn xe hơi gần một khúc quanh trơn trợt, lạc tay lái. Em qua đời khi vừa tròn 20 tuổi”…
‘1 giờ sáng ngày 27, tôi phóng xe tới nhà thờ thánh Phanxicô, cửa đã đóng, tôi đứng hét giữa trời: “Tại sao? Tại sao em con lại chết?” Như một thằng điên, tôi khản giọng hỏi Chúa.
‘Chúa im lặng.”
Liền sau đó, cha kể về cái chết của ông thân sinh ở Việt nam vào cuối năm đó: “… tất cả các con đều ở ngoại quốc, chẳng có đứa nào ở bên cạnh để Người nhắn nhủ đôi câu di ngôn trước khi an tâm nhắm mắt.
‘Lần này, tôi quì gối lặng lẽ, toàn thân cứng đờ bất động, tuyệt vọng nhìn lên Thánh giá thều thào: “Lạy Chúa! Tại sao?”
‘Ngài vẫn im lặng.”
Thiên Chúa là Tình yêu, không có việc gì Chúa làm mà không bởi tình yêu, nhưng tình yêu Chúa không phải lúc nào cũng dễ hiểu. Vững tin vào tình yêu Chúa như vua Đavít mà cũng có lúc phải thốt lên: “Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên” (Tv 22,3).
Người ta có nhiều cách nói không dùng đến lời lẽ, như nói bằng ánh mắt, nói bằng cử chỉ, và cũng có khi nói bằng sự thinh lặng. Riêng Đức Kitô thì không thể không nói vì Ngài là Lời của Thiên Chúa. Vậy thì Chúa muốn nói gì trong thái độ thinh lặng trước lời nài van của người đàn bà Ca-na-an đến xin Ngài cứu chữa cho đứa con gái bị quỉ ám, và trong câu trả lời thật khó nghe khi người mẹ đó nài nỉ, “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15,26)?
Đức Kitô thinh lặng để bà thấm thía được sự bất lực của mình, và nhờ đó mà thấy được rõ hơn, rằng Thiên Chúa là nơi nương tựa duy nhất của mình: “Vì nếu Ngài cứ im hơi lặng tiếng, thì con sẽ giống như kẻ đã xuống mồ” (Tv 28,1); còn những lời khó nghe Chúa đã dùng là để cho bà thấy được ơn cứu độ là một hồng ân Chúa ban bởi lòng thương xót, chứ không phải bởi sự xứng đáng của bất cứ ai.
Đúng thế! Vừa là phụ nữ, lại vừa là dân ngoại bị người Do thái quen coi như ‘lũ chó’, thì bà còn biết dựa vào đâu để xin Chúa chữa bệnh cho đứa con gái - hạnh phúc và hy vọng của mình - ngoài niềm tin mãnh liệt vào tình yêu và quyền năng của Chúa, nên bà nói: “nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15,27).
Bà thật hèn mọn và yếu ớt! Nhưng phép lạ Chúa ban đã cho thấy là ai cũng có thể có được cứu vớt khi nhận biết mình yếu hèn và cậy dựa vào tình yêu Chúa, vì “Chúa là Đấng nhân từ chính trực, Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương, hằng gìn giữ những ai bé mọn, tôi yếu đuối, Người đã cứu tôi” (Tv 116,5-6). Do đó, bởi tình yêu Chúa mà ơn cứu độ được hứa ban cho hết mọi người: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 67,2-3).
Ơn cứu độ sẽ trải rộng khắp thế giới và đến với muôn dân; còn dân Do thái thì sao? Thánh Phaolô tin rằng Chúa sẽ không quên dân Do thái dù ban đầu họ có từ chối tin vào Đức Kitô: “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11,29). Phải phân tán, phải lưu đầy, … là những dấu hiệu của tình yêu nhẫn nại Chúa dành cho họ, như đã dành cho muôn dân: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11,32).
Tất cả nhằm hướng về một ngày mọi sự được quy tụ trong một dân tôn thờ một Chúa: “Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56,7).
Cha Anthony de Mello kể chuyện một môn đệ đến thưa với thầy:
-      Con đến gặp thầy với hai bàn tay trắng.
-      Hãy quăng nó ngay đi!
-      Nhưng làm sao quăng được? Thưa thầy, có gì đâu mà quăng.
-      Thế thì hãy mang nó theo!
Và cha kết luận: “Cái không có của bạn chính là của cải giá trị nhất của bạn.”
Cũng thế, lời cầu xin của người đàn bà Canaan thật là mạnh mẽ, vì lòng thương xót của Chúa không thể từ chối lời nài van của người không tìm được nơi nương tựa nào hết, và Ngài nói: “Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.”