Lời Chúa cntn 19a _ Thầy đây, đừng sợ!

THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!
 “Con xin phó thác cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con. Con bằng lòng dâng cho Chúa vật hy sinh lớn nhất là gia đình con. Chính Chúa sẽ săn sóc vợ con của con.” (Thánh Giuse Lựu)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Trong cuộc sống, gặp bất cứ hoàn cảnh nào, ta cũng phải tin tưởng, trông cậy, phó thác nơi Chúa, nhớ tới lời Chúa xưa đã nói với các môn đệ, và nay cũng còn đang nói với mỗi người chúng ta:
“Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ.”
Thánh Giuse Lựu (tử đạo ngày 2-5-1854, 64 tuổi) bị bắt vì đạo, Ngài sẵn sàng đón nhận tất cả các lời sỉ vả và mọi cực hình. Ngài luôn vững tin vào Chúa, hoàn toàn phó thác nơi Người. Ngài bị án phát lưu với hai đồng bạn. Trước ngày lên đường, Ngài nói với vị Linh Mục đến giải tội cho Ngài:
“Thưa Cha, xin Cha cầu nguyện Chúa ban cho con sức mạnh và can đảm cần thiết. Con sắp phải đi đầy, con xin phó thác cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con. Con bằng lòng dâng cho Chúa vật hy sinh lớn nhất là gia đình con. Chính Chúa sẽ săn sóc vợ con của con.”
Do những khổ cực trong lao tù, những cuộc tra tấn nặng nề, đã làm kiệt sức tuổi già, lại thêm bệnh hoạn, mang gông đeo xiềng, nên tới ngày bị đem đi lưu đầy, thì đêm mùng 1 rạng ngày 2 tháng 5, Ông trùm Giuse Lựu còn chút hơi thở cuối cùng, Ông muốn dâng trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa, Ông bám và bờ tường cố gắng đứng dậy, ngước mắt lên trời kên tên cực trọng Giêsu và Maria ba lần, rồi ngã xuống trên nền nhà ngục, Ông trút hơi thở cuối cùng.
Nguyễn Văn Lựu chào đời năm 1790 tại họ Cái Nhum. Ngay từ thời niên thiếu cậu Giuse Lựu đã được hấp thụ một nền giáo dục gia đình Công Giáo đạo đức. Nhờ vậy, sau này khi đã kết hôn, Ông Lựu đã đem lại cho gia đình một nề nếp cao quý, một bầu khí đầm ấm yêu thương, thấm nhầm tinh thần đạo hạnh Kitô giáo.
Được đề cử làm trùm họ, Ông Giuse tỏ ra xứng đáng với sự tin nhiệm quý mến của mọi người. Đặc biệt, Ông có tài hòa giải những cuộc xích mích. Theo uy tín cá nhân, Ông phân tích rõ ràng, ai phải, ai trái, rồi dẫn lời Chúa trong Phúc Âm, Ông xin mọi người hãy tha thứ và làm hòa với nhau. Ông cộng tác với các linh mục trong họ đạo, coi sóc em thiếu nhi, giúp đỡ người nghèo. Ông đã bán vườn ruộng để xây đựng một nữ tu viện, hằng ngày Ông rộng tay làm phúc cho người nghèo khó.
Là một tông đồ giáo dân can đảm, Ông còn lo liệu nơi ẩn náu cho các linh mục ngay trong nhà mình.
Ngày 26 tháng 2 năm 1853, quan quân bổ vây Mặt Bắc (Vĩnh Long) để tìm bắt Cha Chánh xứ Phêrô Nguyễn văn Lựu, nhưng khi ấy Cha Lựu đã đổi đi nơi khác, Cha Phan văn Minh vừa mới đến thay thế, các quan không hay biết. Vì hai Cha cùng trú ngụ trong nhà Ông trùm Lựu, nên Ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu can đảm ra mặt, Ông nói:
“Bẩm quan, không có đạo trưởng nào tên Lựu ở đây, chính tôi tên là Lựu.”
Quan quân nhìn Ông chỉ thấy dấp dáng một nông dân quê mùa, không có vẻ gì là đạo trưởng. Lính bèn lục soát kỹ hơn. Khi đó Cha Minh sợ quan quân, vì mình, mà hại gia đình ông trùm Lựu, nên ra mặt, nhận mình là linh mục. Ông trùm Lựu, Cùng với Cha Mình, và sáu giáo hữu, bị áp giải lên thị trấn Vĩnh Long.
Do những khổ cục trong lao tù, những cuộc tra tấn nặng nề, đã làm kiệt sức tuổi già, lại thêm bệnh hoạn, mang gông đeo xiềng, nên tới ngày bị đem đi lưu đầy, thì đêm mùng 1 rạng ngày 2 tháng 5. Ông trùm Giuse Lựu trút hơi thở cuối cùng.
Thi hài đấng tử đạo đưa về Mặt Bắc, toàn thể giáo xứ đến dự lễ an táng. Xác thánh vẫn mềm mại, khuôn mặt sáng sủa, vui tươi lạ lùng. Nhiều vị quan tới xem cũng phải ngạc nhiên, một ông nói:
“Thật là đẹp, tôi chưa hề thấy một xác chết nào, như xác Ông này, phải nói là Ông ngủ, Ông cười.”
Người ta phải kéo chân, kéo tay để xác định Ông đã chết thật. Lễ an táng thật long trọng. Ngay giữa thời cấm cách mà cũng có tới 4 linh mục đến cử hành lễ an táng, trên hai ngàn giáo dân tham dự. Thi hài dược dặt trong một quan tài bằng gỗ quý, trang hoàng hoa nến sáng rực, do 50 người khiêng. Một thánh giá lớn đi đầu mở đường, tiếp đến là những di vật kỷ niệm như gông cùm, xiềng xích... Đấng tử đạo được chôn táng ngay trên nền nhà thờ Mặt Bắc vừa mới bị triệt hạ.
Linh Mục Đaminh Mậu sinh năm 1794 tại Phú Nhai. Phủ Xuân Trường, Nam Định (tử đạo ngày 13 tháng 11 năm 1858, 64 tuổi). Cậu được nhận vào chủng viện và được thụ phong linh mục. Năm 1829 cùng với 10 linh mục khác trong địa phận, cha Mậu xin gia nhập dòng Đaminh, khấn dòng vào năm 1830.
Trải qua những ngày gian nan thử thách, dưới thời bách hại đạo của Minh Mạng, rồi qua thời gian bình an thời Thiệu Trị, tiếp tới 10 năm đầy gian nan thời Tự Đức, Cha luôn luôn tỏ ra là một linh mục tận tụy với đoàn chiên, không quản ngại vất vả, lúc nào cũng trông cậy phó thác nơi Chúa không lùi bước trước khó khăn, đem hết tâm trí phụng vụ các giáo dân. Cha đảm nhiệm nhiều xứ, và bất cứ nơi nào cần, Cha sẵn sàng có mặt. Cha coi thường mọi nguy hiểm, cho tới ngày bị bắt.
Ngày 27 tháng 8 năm 1858, quan quân đến bổ vây làng Kẻ Diền (Thái Bình), bắt Cha Mậu, nhiều tu sĩ trong nhà xứ và một số giáo dân. Tất cả bị điệu lên thị xã Hưng Yên.
Bị giam trong ngục, Cha Mậu dành thời giờ cầu nguyện, và lần chuỗi Mân Côi. Đối với mọi người, Cha luôn xử nhân ái, hiền từ, yêu thương, giúp đỡ, nên ai cũng quý trong Cha. Bà Anna Nguyễn Thị Ngoạn, một người thường vào thăm nuôi cha, khẳng định rằng:
“Đến cả lính canh gác cũng kính nể và khâm phục Cha.”
Biết không thể làm linh mục bỏ đạo, Tổng đốc Nam Định làm án trảm quyết Cha, và án trảm quyết hai tu sĩ cùng 19 tín hữu. Khi biết tin này Cha hân hoan, giúp đỡ các chứng nhân xưng tội chuẩn bị đón nhận hồng phúc tử đạo.
Ngày 13 tháng 11 năm 1858, trên đường ra Pháp trường, mọi người đi dự cuộc xử tử, đều có cảm tưởng Cha Mậu đang nghiêm trang cử hành thánh lễ.
Đó là lời chứng của Maria Di.
Ngước mắt lên trời, Cha dẫn đầu đoàn người tử đạo. Khi đến nơi xử bên bờ sông Hồng, thị xã Hưng Yên, Cha quỳ gối cầu nguyện, rồi đưa cổ cho lý hình chém. Thi thể Cha được mai táng tại nhà thờ giáo xứ Mai Lĩnh.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề tựa của Lm. HK