Lời Chúa cntn 19a _ sao lại hoài nghi?

SAO LẠI HOÀI NGHI?
Sức mạnh thống trị của Đấng Toàn năng không nằm nơi những việc vĩ đại như người ta quan niệm, mà ở sự yên ả từ lòng thương xót, ở tiếng gió nhẹ làm mát dịu tâm hồn của cây thập giá.
Lm. HK
Có một người đi biển tình cờ gặp sóng to gió lớn khi thuyền của ông đang vượt biển khơi. Trong cơn nguy cấp đó ông cũng thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển tiến về phía ông. Nhớ đến đoạn Phúc âm thuật lại chuyện Chúa đi trên mặt biển đến với các tông đồ, ông kêu to: “Lạy Chúa, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”, và Chúa Giêsu bảo ông: “Hãy lại đây.”
Nghe thế, ông vội mặc chiếc áo an toàn và phao cứu hộ rồi dũng cảm xuống biển mà đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đưa tay đón lấy ông và nói: “Hỡi kẻ kém lòng tin! Sao lại hoài nghi?”
Nghĩ mình bị Chúa trách oan, ông vội vã cãi lại: “Đâu có, con chẳng nghi ngờ lời Chúa nói một chút nào.” Chúa lắc đầu và hỏi: “Thế thì tại sao con lại mặc chiếc áo an toàn và phao cứu hộ trước khi đến với Thầy?” Ông gãi đầu: “Cái này … con mang theo chỉ để phòng hờ.”
Tư tưởng và việc làm của Chúa khác xa với tính toán thường tình của con người. Sự khác biệt đó là một trở ngại đáng kể cho niềm tin vào Chúa, nhưng đó mới chính là điểm cốt yếu của lời tuyên tín: ‘tôi tin’.
“Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).
Tiên tri Êlia lên núi Khôrếp, tâm hồn ông thấy thất vọng bởi nhọc mệt và cô đơn trong cuộc chiến chống lại tội lỗi và sự phản bội của dân Chúa: “Ông xin cho được chết và nói: "Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.”
Khi đó, Chúa mới cho ông hiểu rõ hơn về bàn tay mạnh mẽ mà đầy từ ái của Chúa: Sức mạnh thống trị của Đấng Toàn năng không nằm nơi những việc vĩ đại như người ta quan niệm, mà ở sự yên ả từ lòng thương xót, ở tiếng gió nhẹ làm mát dịu tâm hồn của cây thập giá: “Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang” (1V 19,4.11-13).
Vì quen nghĩ đến một Đức Giavê hùng mạnh đã đem lại chiến thắng cho họ: “Tôi xin hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng: Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương” (Xh 15,1) nên người Do thái hôm xưa thật khó nhận ra được bàn tay yêu thương của Chúa trong tiếng gió hiu hiu, nơi khổ hình thập giá mà Đức Kitô -Thiên Chúa nhập thể- đã gánh chịu để có sự giao thoa tuyệt vời giữa công bằng và bác ái: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao” (Tv 85,11-12); và thánh Phaolô đành phải quay sang dân ngoại mà lòng “rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi” (Rm 19,2).
Ai cũng như người đi trên mặt biển trong hành trình đức tin đến với Chúa, và không ai đứng vững được nếu không có ơn Chúa nâng đỡ. Bước chân nhỏ bé của mỗi người trên đường đến với Chúa đều được bàn tay Chúa liên tục nâng đỡ. Không có ơn Chúa, không ai có thể hiểu và chấp nhận được thập giá cũng như những đòi hỏi mới nghe có vẻ rất phi lý của đức tin. Chính thánh Phêrô cũng thấy sợ và bị chìm xuống trước những thử thách của đức tin vì chỉ thấy bằng cái nhìn tự nhiên sự yếu đuối của mình trước sóng to gió lớn mà quên rằng Chúa luôn ở bên mình.
Một hôm, ma quỉ hiện hình một vị vua oai phong lẫm liệt để cám dỗ thánh Martin, giám mục thành Tours (Pháp), đi vào con đường sai lạc:
-   Martinô, hỡi con, cha cám ơn con về lòng tin của con đối với cha. Con cũng phải biết rằng cha luôn thành tín với con. Từ nay con sẽ luôn ở bên cạnh cha, con có thể hoàn toàn tín nhiệm ở cha.
-   Nhưng thưa ngài, ngài là ai vậy?
-   Ta là Giêsu Kitô đây!
-   Vậy thì vết thương đóng đinh ở chân tay ngài đâu?
-   Ta từ vinh quang trên trời xuống, nơi đó chẳng còn có thương tích nữa.
Nghe thế, thánh nhân trả lời ngay: “Tôi không muốn nhìn thấy Đức Kitô không thương tích. Tôi không thể tín nhiệm Đức Kitô không có dấu hiệu của thập giá.” Thấy mưu đồ bị thất bại, tên quỷ lủi mất.
Chúa nói với tôi: “Hỡi kẻ kém lòng tin! Sao lại hoài nghi?” không phải khi tôi lưỡng lự, mà cả khi tôi thấy thập giá là sự thất bại và khi tôi mạnh dạn làm việc tông đồ vì tin vào khả năng của mình.          
Lm. HK