(1224-1292)
Hoàng Hậu Kunigunde cùng
chồng thề giữ mình đồng trinh. Lúc còn làm hoàng hậu, Kunigunde chăm sóc các cô
em và dành nhiều thời giờ để đi thăm bệnh nhân. Sau khi nhà vua qua đời, hoàng
hậu sống cuộc đời đơn sơ của một nữ tu dòng Thánh Clara.
Khi Ðức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về quê hương Ba Lan vào tháng Sáu năm 1999, ngài đã
thể hiện giấc mơ phong thánh cho Kunigunde, một công chúa người Ba Lan mà việc
phong thánh đã bị đình trệ trong nhiều năm vì điều kiện chính trị. Cùng vui mừng
biến cố quan trọng này với đức giáo hoàng là nửa triệu người dân Ba Lan trong một
cánh đồng ở ngoại ô thành phố Stary Sacz.
Kunigunde,
hay còn gọi là Kinga, sinh trong thế kỷ 13 ở Hung Gia Lợi và thuộc về một hoàng
tộc không những nổi tiếng về thế lực chính trị mà còn có nhiều phụ nữ thánh thiện.
Những người dì của Kunigunde gồm Thánh Elizabeth ở Hung Gia Lợi, Thánh Hedwig
và Chân Phước Agnes ở Prague; cũng được kể trong vòng bà con là Thánh Margaret
dòng Ða Minh và Chân Phước Yolande.
Khi mới
15 tuổi, Kunigunde đã hứa hôn với một thanh niên mà sau này là Vua Boleslaus của
Ba Lan. Khi kết hôn, trước mặt vị giám mục, cả hai đều thề giữ mình đồng trinh
và họ đã trung thành với lời thề ấy trong 40 năm hôn nhân.
Trong
thời gian đó, Hoàng Hậu Kunigunde chăm sóc các cô em và dành nhiều thời giờ để
đi thăm bệnh nhân. Với tư cách là Ðệ Nhất Phu Nhân của Ba Lan, ngài lo lắng đến
phúc lợi của người dân và các nhu cầu đặc biệt của họ. Ngài cho xây nhiều nhà
thờ và bệnh viện cũng như chuộc người Công Giáo khỏi tay người Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi Vua
Boleslaus từ trần năm 1279, dân chúng thúc giục Hoàng Hậu Kunigunde lên nắm quyền
cai trị, nhưng ngài ao ước tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. Do đó, trong 13
năm, ngài sống cuộc đời đơn sơ của một nữ tu dòng Thánh Clara Nghèo Hèn, sống
trong tu viện mà chính tay ngài đã thiết lập ở Stary Sacz. Sau đó, ngài được chọn
làm bề trên, và đã cai quản dòng với sự khôn ngoan và bác ái.
Ngài từ
trần ngày 24 tháng Bảy 1292 khi 58 tuổi. Nhiều phép lạ đã xảy ra tại ngôi mộ của
ngài.
Vào năm
1715, Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XI đặt ngài làm quan thầy đặc biệt của người Ba
Lan và người Lithuania.
(Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)