Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ tư tuần 14 thường niên


THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN
NĂM CHẴN
Hs 10, 1-3. 7-8. 12; Mt 10, 1-7
BÀI ĐỌC: Hs 10, 1-3. 7-8. 12
1 Ít-ra-en vốn là một cây nho sum sê,trái trăng thật dồi dào phong phú. Nhưng trái trăng càng nhiều,chúng càng dựng thêm các bàn thờ ngẫu tượng; đất nước càng giàu sang, chúng càng làm thêm những cột thần lộng lẫy. 2 Chúng là thứ người lòng một dạ hai, rồi đây chúng sẽ phải đền tội;bàn thờ của chúng, chính Người sẽ đập tan,cột thờ của chúng, Người cũng sẽ phá đổ. 3 Bây giờ chúng lại nói: "Chúng tôi không có vua.” Vì Đức Chúa, chúng còn không kính sợ,thì nếu có vua, liệu ông làm gì được cho chúng?7 Thế là Sa-ma-ri tiêu tùng. Vua của nó tựa hồ mảnh ván trôi dạt trên mặt nước. 8 Các nơi cao của A-ven sẽ bị phá huỷ, đó là tội của Ít-ra-en. Gai góc sẽ leo lên các bàn thờ của nó. Bấy giờ chúng sẽ nói với núi đồi: "Phủ lấp chúng tôi đi! "và với gò nổng: "Hãy đổ xuống trên chúng tôi! "12 Hãy gieo công chính, rồi sẽ gặt được tình thương. Hãy khai khẩn đất hoang; đây là thời kiếm tìm Đức Chúa cho đến khi Người đến làm mưa công chính trên các ngươi.
ĐÁP CA: Tv 104
Đ. Hãy không ngừng tìm kiếm Thánh Nhan. (c 4b)
2 Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa,và suy gẫm mọi kỳ công của Người. 3 Hãy tự hào vì danh thánh Chúa,tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ.
4 Hãy tìm Chúa và sức mạnh của Người,chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan. 5 Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện,những dấu lạ và những quyết định Người phán ra,
6 hỡi anh em, dòng dõi Áp-ra-ham tôi tớ Chúa, con cháu Gia-cóp được Người tuyển chọn! 7 Chính Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta,những điều Người quyết định là luật chung cho cả địa cầu.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Mc 1,15
Hall-Hall: Chúa nói: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Hall.
TIN MỪNG: Mt 10, 1-7
1 Một hôm, Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông;3 ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô;4 ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. 5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:
“Anh em đừng đi tới vùng dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Sa-ma-ri6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.”

PHẨM GIÁ CON NGƯỜI HỆ TẠI CÓ CHÚA GIÊSU
Loài người có hai loại: Loại sinh bởi giống nòi Adam thứ nhất gian ác nên phải chết; loại sinh bởi giống dòng Adam cuối cùng (Chúa Giêsu) trở nên công chính và được sống đời đời.
A. LOẠI NGƯỜI SINH BỞI ADAM THỨ NHẤT.
Chỉ là sinh vật” (1Cr 15,45a: bản dịch PVGK). Tác giả sách Giảng viên còn nói: “Người và thú giống nhau, vì tất cả cùng chết” (Gv 3,19). Bởi tội Adam, Eva – nguyên tổ loài người- đã không dựa vào Lời Chúa dạy để phân biệt thiện- ác, tốt-xấu, mà tự định đoạt lấy thiện ác để hành động theo Satan xúi giục (x. St 3). Tội lỗi đó làm cho cả dòng giống càng ngày càng lún sâu trong gian ác: Con cháu họ giết nhau, lấy nhiều vợ, đòi báo thù 7 lần chưa đủ, nên phải trả thù 70x7! Tệ nhất là “con trai Thiên Chúa lấy con cái loài người”: dòng giống tôn thờ Thiên Chúa lập gia đình với người vô đạo! Vì những tội ác đó, Chúa cho lụt Hồng Thủy tiêu diệt hết mọi sự, trừ gia đình ông Noe được cứu sống trong chiếc tầu Chúa chỉ cho đóng (x. St 3-9).
Từ dòng giống ông Noe, Chúa chọn Abraham là người mau mắn làm theo tiếng Chúa gọi: Dù tuổi vợ chồng ông đã già, thêm tủi vì không có con, Chúa lại bảo ông phải bỏ quê hương đầy kỷ niệm thân thương mà đi đến miền đất vô định Ngài sẽ chỉ cho. Làm như thế là kẻ dại: thả mồi bắt bóng, nhưng ông Abraham bước đi bởi tin tuyệt đối vào Lời Chúa, nên Chúa đã thưởng cho vợ chồng sinh Isaac, Isaac sinh Giacob, Giacob sinh 12 người con làm nên giống dòng Israel (Do Thái) [x. St 11-35].
Đức Giêsu hy vọng về dòng giống Israel: Ơn cứu độ loài người khơi nguồn từ Do Thái (x. Ga 4,22c). Đó là danh dự, là vinh quang Chúa ban riêng cho dân tộc này. Đúng như lời ngôn sứ Dacarya đã tiên báo: “Mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ sẽ níu lấy tà áo một người Giuđa mà nói: “Chúng tôi muốn đi với anh, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em” (Dcr 8,23). Người Giuđa đó chính là Chúa Giêsu, thuộc dòng vua Đavid.
Dù Israel như một cây nho sum sê, trái trăng thật dồi dào phong phú, nhưng trái trăng càng nhiều, của cải lại lấp mắt chúng không nhìn ra Thiên Chúa để tôn thờ,mà dựng thêm nhiều bàn thờ, thêm những cột thần lộng lẫy, tế lễ cho các ngẫu tượng! Chúng còn đòi có vua như các dân ngoại, không còn trông cậy vào Chúa dẫn dắt nữa. Vì chúng đã coi thường Thiên Chúa, thì vua chúng cậy trông chỉ như tấm ván trôi dạt trên mặt nước. Bởi thế tai họa ập xuống, không còn ai thiết sống, chỉ ước mong đồi núi sập phủ lấp cho rồi! Trước tình cảnh đó, ngôn sứ Hôsê kêu gọi: “Hãy sống công chính thì sẽ gặp được tình thương, hãy tìm kiếm Chúa, Ngài làm mưa công chính trên các ngươi” (Hs 10,1-12: Bài đọc năm chẵn).
B. LOẠI NGƯỜI SINH BỞI ADAM CUỐI CÙNG (Chúa Giêsu)
Thân thế và sự nghiệp của Đức Giêsu làm ứng nghiệm qua thân thế và sự nghiệp của ông Giuse là con ông Giacob với bà Rakel, người vợ chính thức, thì Giuse là con trai trưởng. Theo Luật Do Thái, ông Giuse có quyền thừa kế 2/3 gia tài của cha (x. Dnl 21,17). Chính vì thế mà 10 anh em con một cha khác mẹ định giết ông, nhưng rất may ông Giuse được ông Giuđa là con bà Lêa, anh cùng cha khác mẹ cản các anh em đừng giết Giuse mà hãy bán cho người Ai Cập (x. St 27,26). Ngờ đâu bên Ai Cập sau bao gian khổ thăng trầm, ông Giuse lại được Pharaôn, vua Ai Cập cất nhắc lên quyền cao chức trọng trong toàn đế quốc, với nhiệm vụ giữ “hầu bao” của hết mọi người trên thế giới, nhờ ông Giuse tích trữ lương thực trong bảy năm được mùa, nên sau bảy năm mất mùa, dân các nước phải tuốn đến Ai Cập xin vua Pharaôn bán lương thực, không thì chết đói cả lũ! Nhưng vua lại bảo mọi người: “Hãy đến cùng Giuse, ông ấy bảo gì cứ làm theo!” Trong số những người đến mua lương thực, có cả anh em ông Giuse, mà họ không hay biết Giuse còn sống lại giữ chức vụ quan trọng đến thế. Ông Giuse cho thông dịch viên hỏi: “Các anh có còn em nào không?” Họ đáp: “Thưa còn một em út, tên là Benjamin”. Ông Giuse thử lòng các anh, nên bắt một anh làm con tin, cho đến khi các anh đưa thóc lúa về và dẫn em út qua Ai Cập. Anh em Giuse quá sợ hãi, và đau đớn tự nhận tại lỗi mình đã xử tệ với Giuse, nên bây giờ tai họa mới ập đến, đúng là “ác giả ác báo”! (x. St 41, 55-57; 42, 5-24: Bài đọc năm lẻ).
Chúa Giêsu còn trổi vượt hơn ông Giuse, vì Ngài là Adam cuối cùng, là Thần Khí ban sự sống (x. 1Cr 15,45b), Ngài đã chọn 12 Tông Đồ, chứng tỏ Ngài mới thực là ông Giacob được Chúa chúc phúc, qua đời sống của ông Giuse bên Ai Cập. Mười hai Tông Đồ Đức Giêsu chọn với mục đích làm nên dòng giống Israel mới (Hội Thánh), để làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Hôsê: “Chúa làm mưa công chính trên các ngươi” (Hs 10,12: Bài đọc năm chẵn). Vì sứ mệnh của Tông Đồ của Đức Giêsu là phân phát ơn cứu độ của Ngài cho muôn dân,để biến dữ ra lành, cụ thể “Ngài ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, khiến họ có thể xua đuổi chúng và chữa mọi tật nguyền bệnh hoạn” (Mt 10,1: Tin Mừng).
Để thi hành trọn sứ mệnh người Tông Đồ của Đức Giêsu là đi loan báo “Nước Thiên Chúa đã đến gần” (x. Mt 10,7: Tin Mừng), Ngài dạy các ông: “Anh em đừng đi đến vùng dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Samari, phải hơn hãy đi đến cùng các chiên lạc nhà Israel” (x. Mt 10,5-6: Tin Mừng). Chiên lạc nhà Israel là 10 chi họ thuộc vương quốc Israel thờ bò tại đền thờ Bêthel và Dan, cả các nơi cao miền Samari cũng thờ bê (x. 1V 12,28-29; 1V 13,32). Vậy phải dạy cho muôn dân muôn nước chỉ tôn thờ một Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật,Chúa Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Người như thế (x. Ga 4,23). Vì “mọi sự đều do Người và nhờ Người, và vì Người, vinh quang cho Người đến muôn đời. Amen” (x. Rm 11,36).
Đối với cá nhân mỗi người môn đệ Đức Kitô: Phải tự canh tân bản thân mình trước nhất, vì không thể làm cho ai nên Thánh, nếu chính mình không nên Thánh; không thể làm cho người ta biết Chúa nếu tâm hồn mình không đầy Chúa. Vì thế ông Stêphanô trước khi cầu nguyện cho những kẻ ném đá ông, ông phải cầu nguyện xin Chúa đón nhận hồn ông trước (x. Cv 7,59-60).
Để cụ thể canh tân bản thân mình, chúng ta cứ nhìn vào đời sống các môn đệ Đức Giêsu, Ngài đòi hỏi phải canh tân:
* MẶT TIÊU CỰC.
1/ Đừng bắt chước ông Phêrô:
-            Dốt nát về Giáo Lý: Ông nghĩ rằng ai gặp khổ là dấu Chúa không thương, nên ông đã cản Thầy Giêsu đừng liều mạng cho kẻ ác, vì thế ông bị Thầy liệt vào hạng Satan (x. Mt 16,21-23).
Ngày nay có nhiều bệnh nhân buồn với Chúa vì cho rằng Ngài không thương. Họ chạy đi cầu khẩn xin ơn chữa lành, ai được lành mạnh, họ mới cho là Chúa thương, còn mang bệnh là dấu bị Chúa ghét, nên không được Ngài nhận lời! Hãy nhớ rằng “người Chúa yêu đau!” (Ga 11,3). Nghĩa là ai được Chúa yêu nhiều, Ngài để cho người ấy gặp nhiều gian nan khốn khó, để từ đó công việc của Thiên Chúa được rạng tỏ (x. Ga 9,2-3).
-            Đừng hèn nhát trở thành kẻ phản bội: Ông Phêrô đã chối Thầy ba lần trước mặt đứa tớ gái (x. Mt 26,69t).
-            Đừng sống giả hình: Chính ông Phêrô đã quyết định không cần cắt bì cho dân ngoại, miễn là họ nghe Giáo Lý các Tông Đồ thì ban Bí tích Thánh Tẩy cho họ, và không được phân biệt Do Thái hay nô lệ nữa (x. Cv 15). Thế mà lần kia ông Phêrô đang dùng bữa với người tân tòng không cắt bì, thấy ông Phaolô đến, ông lỉnh ra ngoài như minh chứng không thân thiện với dân ngoại. Thói giả hình này đã bị ông Phaolô mắng ngay trước mặt mọi người (x. Gl 2,11t).
2/ Không bắt chước hai ông Giacôbê và Gioan.
-           Hai ông Giacôbê và Gioan nhờ mẹ đến xin Đức Giêsu cho được ngồi bên phải bên trái trong Nước Ngài, làm cho mười anh em còn lại tức tối (x. Mt 20,20t).
-           Không nổi nóng trả thù người không tiếp đón mình, như hai ông Giacôbê và Gioan thấy dân Samari không tiếp Thầy trò các ông, thì xin Thầy cho mồi lửa thiêu sống họ (x. Lc 9,53t).
-           Ông Gioan đòi độc quyền không muốn cho người ngoài Nhóm Mười Hai nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nên đã ra lệnh cấm họ (x. Mc 9, 38t).
3/ Không bắt chước ông Tôma: Sau khi Thầy bị giết, ông đã sống riêng lẻ không hiệp thông với anh em trong ngày Chúa nhật Phục Sinh đầu tiên (x. Ga 20,24t).
4/ Không bắt chước 12 môn đệ tranh nhau địa vị quyền lợi (x. Mc 9,33t).
5/ Nhất là không bắt chước ông Phaolô khi chưa được Chúa Kitô chộp lấy, ông đã tự hào là một Biệt phái gương mẫu giữ Luật Môsê, bởi thế nên ông xông về Đamas bắt tất cả những ai đã tin theo Chúa Giêsu, xiềng xích lại và đem tống ngục! (x. Cv 8-9).
6/ Đặc biệt không bắt chước thói tham tiền của Giuđa, chỉ vì 30$ mà hắn đã nộp Thầy (x. Mt 26,14-16). Hắn lại thiếu lòng sám hối trông cậy vào lòng thương xót của Chúa, nên hắn đã tự vẫn nhào đầu xuống đất vỡ bụng lòi ruột ra! (x. Cv 1,18)
* MẶT TÍCH CỰC.
1/ Hãy luôn cầu nguyện:Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33/32,22: ĐC năm lẻ).
2/ Không ngừng tìm kiếm thánh nhan Chúa (x. Tv 105/104, 4b: ĐC năm chẵn).
3/ Hãy gieo công chính, rồi sẽ gặt được tình thương. Đây là thời kiếm tìm Đức Chúa cho đến khi Người đến làm mưa công chính trên mọi người (Hs 10,12: Bài đọc năm chẵn).
4/ Kiên trì chịu đựng gian khổ, nhất là bởi người thân gây nên, để được Chúa cất nhắc lên địa vị cao, có điều kiện chăm sóc mọi người như ông Giuse bên Ai Cập (x. St 41-42: Bài đọc năm lẻ).
5/ Hãy khiêm tốn thành thật sám hối thú tội mình trước mặt Chúa cũng như người đời, như hai ông Phêrô và Phaolô (x. Lc 5,8; Rm 7,18-19; 2Cr 12,7t), mới xứng đáng được Chúa đặt làm thủ lãnh.
6/ Hãy tích cực đi loan báo Tin Mừng, như Chúa dạy: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15: Tung Hô Tin Mừng).
Vậy “có gì tồn tại được nếu Chúa không muốn? Làm sao con người được tồn tại nếu Chúa không gọi tên nó” (Kn 11,25). Thực vậy, trong 12 Tông Đồ của Đức Giêsu có những vị lưu danh hậu thế cho người đời ca ngợi tán dương; tiếc rằng có kẻ như Giuđa không ai muốn nhớ đến nữa! “Họ khuất đi như chẳng bao giờ có, họ sinh ra như chẳng chào đời, con cháu của họ cũng thế thôi. Nhưng ai trung kiên trong gian khổ theo Chúa đến cùng, mới là người đạo hạnh. Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi của các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp, và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế, muôn đời sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài, và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen” (Hc 44,8-15).
THUỘC LÒNG
Tôi phải sống Đạo sao cho muôn dân níu lấy áo tôi mà nói: Chúng tôi muốn đi theo anh, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh (theo Dcr 8,23).
http://phaolomoi. net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH