Thời sự GH _ sự tăng trưởng của GH Hàn Quốc

Ngày càng nhiều người Hàn Quốc  
TÌM THẤY NIỀM TIN
giữa nghịch cảnh
Trong ba thập niên qua con số tín hữu Công giáo đã tăng theo luật số mũ – từ 800.000 năm 1980 lên trên năm triệu ngày nay.
Đức tin Kitô giáo có thể được nảy sinh nhờ nhiều nguyên nhân. Đó có thể là một biến cố nào đó, kinh nghiệm đau thương hoặc thức tỉnh sau một cơn mê muội, hoặc khao khát đức tin có thể hình thành thông qua chuỗi hoàn cảnh căng thẳng.
Nhưng điều làm cho Hàn Quốc trở nên khác biệt ở Á châu là sự tăng trưởng phi mã về số người theo Kitô giáo – Tin Lành và Công giáo – kể từ Đệ nhị Thế chiến. Tăng trưởng vượt bậc đó trong đạo Tin Lành là rõ ràng trong nhiều thập niên từ năm 1950.
Cùng thời gian này ở Hàn Quốc, số người Công giáo tăng chậm từ con số cơ bản 170.000 người năm 1961 lên 450.000 người năm 1968. Nhưng trong ba thập niên qua con số tín hữu Công giáo đã tăng theo luật số mũ – từ 800.000 năm 1980 lên trên năm triệu ngày nay.
Một số nhà khoa học xã hội đã lý giải sự gia tăng đáng nể số người theo đạo là nhờ số đông phụ nữ trung niên có con cái đã trưởng thành và đã ở riêng trong khi họ không còn lo cho sự nghiệp của mình nữa. Vì thế họ nghĩ đến và tìm thấy những liên hệ trong cộng đoàn Công giáo và mục đích của cuộc đời mình trong giai đoạn mới của đời họ.
Đối với giới trẻ Hàn Quốc, áp lực của cuộc sống trong xã hội cạnh tranh gay gắt, có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và đô thị hóa cao dường như là tác nhân chính dẫn đưa họ tìm kiếm đức tin.
Chị Rena (tên thánh của You Jung-song) 22 tuổi và được rửa tội cách đây bốn năm sau khi chị bị stress do ôn thi tốt nghiệp trung học.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học là một trong những nguồn chính gây stress cho giới trẻ Hàn Quốc khi họ bước vào giai đoạn trưởng thành. Chuẩn bị cho kỳ thi này có lẽ là giai đoạn quan trọng nhất cho thiếu niên. Khoảng 75 phần trăm học sinh phải học thêm để ôn thi.
Không ai muốn bị tụt hậu trong cuộc đua quan trọng nhất để dành được sự đánh giá cao hầu có cơ hội vào đại học.
“Tôi được rửa tội vào lễ Chủ nhật Phục Sinh” – chị nói trong khi liếc mắt vào tấm lịch trên smartphone. Chị học tại một trường Công giáo trước khi vào Đại học Sogang của dòng Tên.
“Việc tôi theo đạo xuất phát từ thời điểm bị stress do học thi KSAT (Kiểm tra năng lực học tập). Tôi bị bệnh lúc đó là do học quá nhiều” – chị nói.
“Bà tôi cũng bị bệnh vào thời điểm đó, và cô tôi gặp khó khăn trong công việc làm ăn, tất cả các sự việc ấy gây ra muôn vàn tình huống căng thẳng.”
Nếu ai đó mà bị bệnh trong khi ôn thi thì nghe có vẻ kỳ lạ, điều này cũng không lạ gì ở Hàn Quốc. Hầu hết học sinh Hàn Quốc xem năm cuối của thời trung học là “năm của địa ngục.”
Các vấn đề của Rena nảy sinh khi mẹ chị gây áp lực cho chị trong kỳ thi cuối cấp: cái gọi là ‘hổ mẹ’ là một hiện tượng ở Hàn Quốc. Một giáo viên người Anh ở Seoul mới đây hỏi học sinh của mình (hầu hết đã 16 tuổi) rằng ‘các em sợ điều gì nhất’. Câu trả lời phổ biến nhất là ‘mẹ em!’
Phụ huynh Hàn Quốc kỳ vọng rất cao ở việc học tập của con cái mình. Kết quả học tập tốt là điều ai cũng mong không chỉ là niềm tự hào của gia đình và là niềm kiêu hãnh với bè bạn. Cũng có người còn kỳ vọng thêm rằng nếu học giỏi, các em sẽ tìm được việc làm tốt với mức lương cao để giúp cha mẹ dưỡng già. Thậm chí ngày nay vẫn còn suy nghĩ cho rằng tháng lương đầu tiên của con cái sẽ được chuyển trực tiếp tới cha mẹ như một cử chỉ của lòng biết ơn.
“Tất cả những điều này nghe có vẻ hơi bị phóng đại đối với người phương Tây – Rena nói – nhưng ở Hàn Quốc nếu chị không đạt điểm tốt trong kỳ thi này, chị sẽ không được vào đại học lớn, chị sẽ không có được việc làm tốt, và có thể không ai sẽ cưới chị bởi chị ở địa vị xã hội thấp kém.”
Rena cho biết chị luôn có suy nghĩ tốt về người Công giáo và những khó khăn chị gặp khi ôn thi được giải quyết.
“Mẹ tôi đã theo đạo trước rồi, mẹ được rửa tội năm năm trước đây. Ngược lại cha tôi là nhà nghiên cứu ở đại học – ông làm việc khoa học và là người vô thần. Bản thân tôi luôn có hình ảnh tốt về người Công giáo, nhất là từ những câu chuyện tôi nghe được về Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài đã thăm Hàn Quốc hai lần.”
Số người Tin Lành tăng cao nhất ở Hàn Quốc xảy ra sau Cuộc chiến Triều Tiên khi các Giáo hội dấn thân chăm sóc cho dân tộc bị chiến tranh tàn phá và bị chiếm đóng trong nhiều thập niên. Tín hữu Tin Lành giúp xoa dịu tổn thương tâm lý, tinh thần và vật chất mà người dân gánh chịu trong nhiều thập niên xung đột và chiếm đóng.
Trong khi Giáo hội Công giáo đóng vai trò mạnh mẽ trong việc chống lại Nhật Bản và hai chế độ độc tài ở Hàn Quốc từ đầu thập niên 1960 tới cuối thập niên 1980, người Công giáo chỉ nhìn thấy được số thành viên của mình gia tăng đáng kể sau khi có hai chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II tới quốc gia này những năm 1980.
“Lúc đó tôi chưa sinh ra nhưng tôi nghe được nhiều câu chuyện về Đức Gioan Phaolô II – Rena cho biết – Tôi thấy những hình ảnh đó trên truyền hình. Tôi nhớ mình đã đọc một bài báo nói về việc ngài chính thức xin lỗi các nhóm chịu đau khổ do lỗi lầm của Giáo hội trong quá khứ, như người Do Thái, Hồi giáo… điều này gây ấn tượng sâu sắc cho tôi, tôi phải nói vậy.
“Tôi nghĩ đây thực sự là một thái độ đáng trân quý nhằm thiết lập bầu khí hòa giải tôn giáo toàn cầu. Và rồi bạn bè Công giáo của tôi bỏ nhiều thời gian làm việc tình nguyện, điều này là khá là phi thường đối với những cậu con trai cùng tuổi tôi. Thậm chí tôi cảm nhận được cảm hứng từ họ nữa để theo đuổi cùng một con đường đức tin làm triển nở những chọn lựa đó.
“Nay thì giống như họ, tôi dạy học cho trẻ em kém may mắn. Nhưng sau hết tất cả hành trình của tôi đã được bắt đầu bằng việc tìm thấy sự bình an trong tâm hồn để vượt qua kỳ thi trung học.”

thời sự giáo hội