RUỘNG LÚA VÀ CỎ DẠI
Chẳng bao giờ cỏ dại có thể biến thành lúa,
nhưng về mặt thiêng liêng, nhờ ơn Chúa, do gương sáng của những Kitô hữu tốt
lành và với sự thành tâm hoán cải, kẻ xấu có thể trở nên người tốt.
Trước những bất công xảy
ra hằng ngày và muôn vàn khổ đau mà gia đình nhân loại phải gánh chịu, nhiều
người tự hỏi: Nếu Thiên Chúa là Đấng công minh và thấu biết mọi sự, tại sao
Ngài không trừng phạt kẻ gian ác để ngăn chặn điều xấu và bảo vệ người lành? Phải
chăng Ngài không biết hoặc bất lực trước sức mạnh của sự dữ? Lời Chúa trong
thánh lễ hôm nay, nhất là bài Tin Mừng là lời giải đáp cho những vấn nạn này.
Chẳng ai muốn để cỏ cùng lớn
lên với hoa màu, vì chúng chiếm đất, ăn hại mầu mỡ của ruộng đồng và chèn ép
cây trồng; vì thế, người nông dân luôn tìm mọi cách để loại cỏ dại khỏi thửa ruộng
của họ. Nhưng nếu hiểu ruộng lúa và cỏ dại theo nghĩa: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống
tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ
lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.” (Mt 13,
37-39) Chúng ta như chạm được vào tình thương và lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Nếu Thiên Chúa loại trừ kẻ
làm điều gian ác khỏi mặt đất, liệu mỗi người chúng ta còn có mặt trên cõi đời
này nữa chăng! Vì chẳng ai trong chúng ta xứng đáng đứng vững trước mặt Đấng
ngàn trùng chí thánh. Tác giả Thánh Vịnh 130 như đã nói lên cảm nghiệm ấy thay
cho chúng ta: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài
chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130, 3)
Thiên Chúa là Tình Yêu và
là Sự Sống, nên không muốn loài người phải khổ đau và phải chết muôn đời, dù đó
là những tội nhân: “Chẳng lẽ Ta lại vui
thích vì kẻ gian ác phải chết, và không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà
được sống sao?” (Ed 18, 23) Con Một Thiên Chúa đến trong trần gian để mọi
người được sống và sống dồi dào; hơn thế nữa, Đấng cứu độ trần gian còn đi tìm
và cứu giúp kẻ đang đi trên những nẻo đường dẫn tới diệt vong, để đưa họ về với
nguồn sự sống: "Tôi không đến để kêu
gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9, 13b)
Thiên Chúa thánh thiện và
quyền năng tuyệt đối, luôn lấy lòng nhân từ và sự khoan dung mà đối xử với các
tội nhân. Người tha thứ cho kẻ tội lỗi thật lòng sám hối, ban cho kẻ lầm lạc cơ
hội hoán cải, đặt vào lòng họ niềm hy vọng về ơn tha thứ. Người còn mong muốn
những ai đang sống ngay lành biết cảm thông, yêu thương và nâng đỡ những anh em
yếu đuối, lầm lạc: “Ngài lấy lượng từ bi
cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào
Ngài muốn. Làm như thế Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân
ái. Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn
sám hối.” (Kn 12, 18 -19)
Chẳng bao giờ cỏ dại có thể
biến thành lúa, nhưng về mặt thiêng liêng, nhờ ơn Chúa, do gương sáng của những
Kitô hữu tốt lành và với sự thành tâm hoán cải, kẻ xấu có thể trở nên người tốt.
Cộng đoàn liên tu sĩ Mai
Linh gồm các tu sĩ dấn thân phục vụ các bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS tại bệnh viện
Nhân Ái, thuộc tỉnh Bình Phước. Dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, nhà báo Đình Quý
viết bài phóng sự, trong đó có đoạn: “Cảm
nhận được sự yêu thương, phục vụ tận tình nơi các nữ tu nên nhiều người đã xin
theo đạo. Nơi khoa C bệnh viện Nhân Ái, trên tay hay trên cổ của nhiều bệnh
nhân có những cỗ tràng hạt, đa số là người đạo theo, có một số là đạo gốc nhưng
do một thời gian ăn chơi không còn biết đến giáo lý, nay cũng xin được trở lại.”
(Báo CG và DT, số 1964-1965, trang 47)
Các tu sĩ thuộc “cộng đoàn
liên tu sĩ Mai Linh” đang là men được ủ trong ba đấu bột, là hạt giống nhỏ xíu
nay thành cây cao với bóng mát, đang là cánh đồng lúa làm bớt đi cỏ dại trong
chính nơi họ hiện diện và phục vụ.
Đừng nghĩ rằng “đèn nhà ai, nhà nấy sáng.” Vì khi lúa
phủ kín mặt ruộng đồng, cỏ dại sẽ ít đi; trái lại, lúa thưa thớt sẽ là cơ hội
cho cỏ phát triển. Cũng vậy, khi mỗi người, từng gia đình và các cộng đoàn Kitô
hữu sống đúng với tinh thần Tin Mừng, bộ mặt thế giới sẽ biến đổi theo hướng
thiện, và những điều xấu sẽ bớt dần.
Tiếc rằng, thời nào cũng
có những Kitô hữu sống đức tin cách thụ động, họ yên tâm với những việc đạo đức
quen thuộc, sau đó ngồi nhìn những tiêu cực xảy ra trong xã hội rồi trách trời,
oán người, và thầm nuối tiếc cho thân phận của mình. Vớinhững người tín hữu như
thế, lời Đức Giêsu mời gọi phải trở nên muối và men cho đời, là ánh sáng cho trần
gian chỉ là tiếng kêu nơi đồng vắng. Họ quên rằng: “Thà thắp nên một ngọn nến, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.”
Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn
Thuận từng viết: “Con gặp trăm ngàn thanh
thiếu niên, lay lất trên đường, không lối thoát. Họ bàn tán bất tận về mộng xây
dựng một xã hội mới, một con người mới, nhưng họ đã gặp xì ke, bạo động, trụy lạc,
dối trá, chán nản… Họ cần con, họ kêu con; tiếng kêu của người chết đuối, tiếng
van của người ngộp thở.” (ĐHV 618) Quanh chúng ta có biết bao người đang
tìm một hướng đi, một lối sống, nhưng đường đi của họ như bị cỏ dại giăng lối, họ
đang cần đến chúng ta, những người mang danh Đức Kitô. Nhưng thử hỏi: Chúng ta
đã hoặc đang làm gì cho Chúa, cho Hội Thánh và có bao giờ cố gắng để giúp một ai
đó nên tốt hơn?
Lạy Chúa, Ngài nhân hậu
khoan hồng. Xin tha thứ lỗi lầm cho chúng con, nhất là tội thờ ơ trước nỗi khổ
của tha nhân và những bất công trong xã hội. Xin giúp chúng con trở thành những
Kitô hữu tốt, để men yêu thương, công bình và nhân ái thấm vào lòng thế giới; nhờ
đó, trần gian bớt cỏ dại, và mọi người có quyền mơ ước gia đình nhân loại sẽ là
cánh đồng lúa với những bông hạt chín vàng.