Lời Chúa cntn 18a _ Chúa chạnh lòng thương

CHÚA CHẠNH LÒNG THƯƠNG
Trước khi là Kitô hữu, thánh Martin đã gặp được Thiên Chúa khi chia sẻ áo choàng của mình, vì “phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4,7).  
Lm. HK
Jacques Cousteau là một nhà thám hiểm nổi tiếng cả thế giới, người đã để lại cho thế giới rất nhiều công trình nghiên cứu về đời sống dưới lòng biển qua những cuốn sách và bộ phim có sức lôi cuốn lòng người. Không chỉ để lại những nghiên cứu khoa học nổi tiếng, ông còn để lại nhiều suy tư đáng giá để làm người và sống đức tin mà ĐHY Jean Marie Lustiger, Tổng Giám mục Paris, đã trích ra từ tác phẩm “Con người, con bạch tuộc và hoa cẩm chướng” trong bài giảng thánh lễ an táng cho ông tại Vương cung Thánh đường Notre Dame:
“Giai thoại cuộc đời thánh Martin thành Tour, bổn mạng nước Pháp, là một thí dụ điển hình rất ý nghĩa: một ngày mùa đông giá lạnh kinh khủng nọ, Martin gặp người ăn mày rách rưới, Martin xé áo choàng của mình thành hai mảnh và chia cho người ăn xin đó một nửa. Niềm vui của cử chỉ đó đã dẫn đưa Martin, khi đó còn là người ngoại giáo, tới chỗ được gặp gỡ với Chúa Kitô ….”
Như thế, trước khi là Kitô hữu, thánh Martin đã gặp được Thiên Chúa khi chia sẻ áo choàng của mình, vì “phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4,7). Với thánh Gioan, Chúa là tình yêu nên ai yêu thương thì người ấy biết Chúa.
Tình yêu là một giao ước thật đặc biệt, vì tình yêu luôn hướng về một nhân vị chứ không đến một đồ vật; và cho đi mà không nghĩ đến nhận lại. Bất cứ một người cha, người mẹ nào cũng mặc nhiên ký kết giao ước tình yêu với con cái mình và gắn bó với chúng suốt đời; dù có lúc vui, lúc buồn, nhưng lúc nào con cũng vẫn là con, cái đói của con cũng là cái đói của cha mẹ. Còn Chúa, ngay từ khi dựng nên con người theo hình ảnh Ngài thì vì bản tính yêu thương, Ngài ký kết với họ giao ước tình yêu, và từ đó, Ngài nối kết cách đặc biệt cuộc sống của họ với sự sống của Ngài.
Ngày nay, “cơ chế thị trường” làm cho người ta có khuynh hướng giản lược tất cả thành những hợp đồng: tiền nào của nấy, có qua có lại ... Đến ngay hai chữ tình yêu thánh thiêng được Thánh Kinh gọi là “giao ước” mà nay cũng bị coi như một hợp đồng. Đã coi tình yêu là một hợp đồng thì người ta có quyền dùng thử, nếu không thích thì đổi món khác. Thế nên hôn nhân thử là chuyện bình thường ở một số nơi!
Yêu thử, thử yêu… là viên thuốc độc bọc đường! Tưởng là thuốc bổ mà lại giết người: “Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?” Tình yêu là một giao ước chứ không phải là một hợp đồng. Nó nhắm đến con người chứ không phải hàng hoá, hướng đến sự thiện ích của đối nhân mà không đòi hỏi một điều kiện hay quyền lợi nào: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55,1.2).
Năm 1960, bà Flo sinh ra một người con là John Paul. Cậu bị bại não. Bất hạnh chồng chất khi chồng bà lại đòi ly dị với bà vì không muốn nhận đứa con tật bệnh. Nhưng bà Flo đã quyết định giữ lại đứa con tại nhà để chăm sóc thay vì gửi cậu vào một cơ sở từ thiện như có người đề nghị.
Thế mà John Paul lại nên người thành danh trong xã hội, và đã viết cho cuộc thi “Người mẹ vĩ đại nhất nước Mỹ năm 1996” như sau: “Mẹ tôi đã hy sinh cả đời cho tôi. Bà không bao giờ rời xa tôi… giữ tôi được sạch sẽ, tắm rửa, cạo râu, mặc quần áo cho tôi… Mẹ tôi nói với tôi rằng: tôi chính là món quà Tình yêu Thiên Chúa đã ban cho bà,và đó là tất cả những gì bà muốn. Thế nhưng tôi biết, đôi khi trong phòng riêng bà đã khóc vì cô đơn, buồn bã, mệt mỏi vì gặp quá nhiều khó khăn với một đứa con bại não như tôi. Vậy mà khi bước ra khỏi phòng, bà lại mỉm cười thật tươi… Mẹ tôi quả là người mẹ tốt nhất trong các bà mẹ”
Ban giám khảo ai cũng xúc động khi đọc bức thư này, và đã nhất trí chọn bà Flo Howell là “Người mẹ vĩ đại nhất nước Mỹ năm 1996.”
Còn gì vui hơn khi biết được là Vua của trời đất đã ký kết giao ước tình yêu với nhân loại. Tình yêu đó làm Chúa chạnh lòng thương trước sự bơ vơ của đoàn người đi bộ trong hoang địa để tìm gặp Chúa: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương” (Mt 14,14). Chúa chữa bệnh rồi lại cho họ ăn để tỏ tình yêu thương. Phép lạ hoá bánh ra nhiều còn báo trước sự cho đi thật lớn lao Chúa sẽ ban cho mỗi người trong bữa Tiệc ly và cuộc tử nạn, và là chính Ngài trong hạnh phúc mai sau của họ: Ngài “ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông.”
Thánh Phaolô đã nghiệm được chữ hạnh phúc khi nhận biết và tin vào tình yêu Chúa. Niềm vui lớn lao đó đã làm ngài phải la lớn lên: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng:… không có gì có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).
Lm. HK