Suy niệm hạnh thánh _ 29/6

Hai thánh PHÊRÔ và PHAOLÔ
(c. 64?)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Phêrô: Thánh sử Máccô chấm dứt phần thứ nhất của Phúc Âm với một tuyệt đỉnh thắng lợi. Sau khi ghi lại nhiều sự hồ nghi, hiểu lầm và chống đối Đức Giêsu, giờ đây Phêrô tuyên xưng đức tin: "Thầy là Đấng Thiên Sai" (Máccô 8:29b). Đó là một trong những giây phút huy hoàng của cuộc đời Thánh Phêrô, kể từ ngày ngài được kêu gọi ở Biển Galilê để trở thành kẻ lưới người.
Tân Ước rõ ràng cho thấy Phêrô là vị lãnh đạo các tông đồ, được Đức Giêsu chọn với một tương giao đặc biệt. Cùng với Giacôbê và Gioan, Phêrô được đặc ân chứng kiến sự Biến Hình, sự sống lại của một đứa trẻ đã chết và sự thống khổ trong vườn Cây Dầu. Bà mẹ vợ của Phêrô bị Đức Giêsu quở trách. Ngài được sai đi với Gioan để chuẩn bị cho lễ Vượt Qua trước khi Đức Giêsu từ trần. Tên của ngài luôn luôn đứng đầu các vị tông đồ.
Nhưng các chi tiết xác thực của Phúc Âm cho thấy các thánh sử không xu nịnh Phêrô. Hiển nhiên ngài là một người không biết giao tế. Và đó là sự an ủi lớn lao cho chúng ta khi thấy Phêrô cũng có những yếu đuối con người, ngay cả trước mặt Đức Giêsu.
Thánh Phaolô: Ngài từng là người Pharixiêu hơn ai hết, trung thành với luật Môisen hơn ai hết. Nhưng bây giờ bỗng dưng ngài xuất hiện trước các người Do Thái như một người lạc giáo của Dân Ngoại, một kẻ phản bội và chối đạo.
Tâm điểm đức tin của Phaolô thật đơn giản và tuyệt đối.
Vào ngày 29-6, chúng ta tưởng nhớ sự tử đạo của hai vị tông đồ.
Suy niệm 1: Lãnh đạo
Tân Ước rõ ràng cho thấy Phêrô là vị lãnh đạo các tông đồ.
Tên của ngài luôn luôn đứng đầu các vị tông đồ, cho xứng hợp với ý hướng muốn cắt đặt Phêrô vào vai trò lãnh đạo Hội Thánh của Đức Giêsu khi Ngài tuyên bố: “Thầy bảo với anh: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Anh cầm buộc gì dưới đất, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; anh tháo cởi điều gì dưới đất, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mt 16,18-19).
Sau ngày phục sinh, Đức Giêsu lại tái xác nhận ý muốn này, khi chính thức công bố với Phêrô ở Biển Hồ Tibêria đến ba lần trong vòng ít phút: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy… Hãy chăn dắt chiên của Thầy… Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,15-17).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tùng phục các vị lãnh đạo trong Giáo Hội.
Suy niệm 2: Đặc ân
Phêrô được đặc ân.
Ngoài đặc ân được Chúa chọn làm vị lãnh đạo Hội Thánh, Phêrô còn nhận được một số đặc ân riêng và chung khác. Ngài là người duy nhất được Đức Giêsu nói: "Này Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (Mt 16,17).
Cùng với Giacôbê và Gioan, Phêrô được đặc ân chứng kiến sự Biến Hình của Đức Giêsu trên núi Tabo (Mt 17,1-8), sự sống lại của một đứa trẻ đã chết (lc 8,49-56), và sự thống khổ của Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu (Mt 26,37).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra và sống hết mình đặc ân được làm con Chúa của mỗi người chúng con.
Suy niệm 3: Yếu đuối
Phêrô cũng có các yếu đuối con người, ngay cả trước mặt Đức Giêsu.
Phêrô đã độ lượng hy sinh mọi sự, tuy nhiên ngài vẫn có thể hỏi một câu thật nông cạn như trẻ con, "Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?" (x. Mt 19:27). Ngài phải chịu sự tức giận vô cùng của Đức Kitô khi chống đối ý tưởng của một Đấng Thiên Sai đau khổ: "Satan, hãy lui ra sau Ta! Anh cản lối Ta. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16:23b).
Phêrô sẵn sàng chấp nhận lý thuyết về sự tha thứ của Đức Giêsu, nhưng dường như chỉ trong giới hạn bảy lần. Ngài đi trên mặt nước khi vững tin, nhưng bị chìm khi hồ nghi. Ngài không để Đức Giêsu rửa chân cho mình, nhưng lại muốn toàn thân được sạch. Ngài thề không khi nào chối Chúa trong bữa Tiệc Ly, và sau đó lại thề với người tớ gái là ngài không biết người ấy. Ngài trung thành chống lại sự bắt giữ Đức Giêsu bằng cách chém đứt tai tên Mankhô, nhưng sau cùng ngài lẩn trốn với các tông đồ khác. Trong sự phiền muộn vô cùng, Đức Giêsu đã nhìn đến ngài và tha thứ cho ngài, và Phêrô đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng thất vọng về thân phận yếu đuối của mình, nhưng biết chỗi dậy ngay sau mỗi lỗi phạm và dùng ngày giờ còn lại để bù đắp dầu phải hy sinh mạng sống.
Suy niệm 4: Chối đạo
Phaolô là một kẻ phản bội và chối đạo.
Ngài từng là người Pharixiêu hơn ai hết, trung thành với luật Môisen hơn ai hết. Với lòng nhiệt thành, ngài đã đồng lõa trong vụ án ném đá thánh Têphanô (Cv 7,58). Ngài xin thư giới thiệu để đi bắt các kitô hữu (Cv 9,1-2).
Nhưng bây giờ bỗng dưng ngài xuất hiện trước các người Do Thái như một người lạc giáo của Dân Ngoại, một kẻ phản bội và chối đạo, sau khi gặp được Đức Giêsu trên đường đi Đamát (Cv 9,3) và trở thành tông đồ của Chúa (Cv 9,15).
Phaolô không bao giờ mất sự yêu quý dòng dõi Do Thái của ngài, mặc dù ngài tranh luận nhiều với họ về sự vô dụng của Luật mà không có Đức Kitô. Ngài nhắc nhở cho Dân Ngoại biết rằng họ được tháp nhập vào tổ tiên của người Do Thái, là các người được Chúa chọn, là con cái của lời đã hứa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thật nhiều, vì theo đạo thì không khó lắm, nhưng sống đạo thì rất là khó.
Suy niệm 5: Đức tin
Tâm điểm đức tin của Phaolô thật đơn giản và tuyệt đối:
Chỉ Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc nhân loại. Không một nỗ lực nào của con người -- ngay cả việc tuân giữ lề luật cặn kẽ nhất -- có thể tạo nên công trạng để chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa như của lễ đền tội và đền đáp các ơn sủng. Để được cứu chuộc khỏi tội lỗi, khỏi sự dữ và cái chết, nhân loại phải triệt để mở lòng cho quyền năng cứu độ của Đức Giêsu Kitô.
Tin vào Đức Giêsu Kitô và Đấng đã cử Người đến để cứu độ chúng ta là điều cần thiết để đạt được ơn cứu độ ấy. Vì “không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11,6) và cũng không thể chia sẻ chức vị làm con Thiên Chúa, nên không ai được công chính hóa mà không cần Đức Tin, và “nếu không bền chí trong đức tin cho đến cùng” (Mt 10,22;24,13), không ai đạt tới cuộc sống muôn đời (Sách Giáo Lý số 161).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mở lòng ra với Chúa bằng việc sống đức tin đến cùng để được cứu độ.
Suy niệm 6: Tử đạo
Vào ngày 29-6, chúng ta tưởng nhớ sự tử đạo của hai vị tông đồ.
Ngày tháng này có từ năm 258, dưới thời bách hại của Valerian, khi các tín hữu tìm cách lấy xác của hai ngài để khỏi rơi vào tay các kẻ bách hại.
Kinh Thánh không ghi lại cái chết của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, hoặc bất cứ vị Tông Đồ nào, ngoại trừ Thánh Giacôbê con ông Giêbêđê (Cv 12,2), nhưng qua các bài đọc và truyền thuyết có từ thời Giáo Hội tiên khởi, các ngài đã tử đạo ở Rôma dưới thời Hoàng Đế Nêrô, và được chôn cất ở đây. Là một công dân Rôma, có lẽ Thánh Phaolô bị chặt đầu. Còn Thánh Phêrô, được biết ngài bị treo ngược đầu trên thập giá.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ chiêm ngắm các ngài như là rường cột của tòa nhà Giáo Hội, mà phải biến mình thành rường cột của xã hội ngày hôm nay bằng cuộc tử đạo thiêng liêng mỗi ngày.