Suy niệm hạnh thánh _ 05/6

Thánh BONIFACE
 (672-754)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Boniface, vị tông đồ của người Đức, là một đan sĩ người Anh thuộc Dòng Biển Đức, đã hy sinh vinh dự khi được chọn làm đan viện trưởng để tận hiến cuộc đời trong việc hoán cải các sắc tộc ở Đức. Ngài có hai đặc tính nổi bật: Kitô Giáo chính truyền và trung thành với đức giáo hoàng ở Rôma.
Thánh Boniface, tên thật là Wilfrith, sinh ở Anh Quốc. Ngay khi còn nhỏ, hình ảnh cao quý của các đan sĩ truyền giáo đã in sâu trong tâm khảm của ngài, do đó, khi bảy tuổi ngài đã nài nỉ xin theo học trường dòng, dù rằng cha ngài mong muốn cho con một sự nghiệp ở ngoài đời.
Lớn lên, ngài làm giám đốc một trường học ở Nursling, Winchester, tại đây ngài là người đầu tiên viết về văn phạm Latinh bằng tiếng Anh, cũng như sáng tác nhiều bài diễn giảng được nhiều người sao chép và phổ biến.
Năm ba mươi tuổi, ngài được thụ phong linh mục và đi rao giảng ở Friesland (thuộc Hòa Lan bây giờ), nhưng không bao lâu ngài phải trở về Nursling vì cuộc chiến giữa vua ngoại giáo của Friesland và Charles Martel của Pháp.
Sau cái chết của đan viện trưởng, các đan sĩ ở Nursling tìm cách giữ chân ngài bằng cách bầu ngài làm đan viện trưởng, nhưng ngài đã từ chối để tận hiến cho công cuộc truyền giáo.
Năm 718, ngài đến Rôma để gặp Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô II, là người sai ngài đi truyền giáo cho người Đức ở Hesse và Bavaria.
Ở Hesse, trước sự hiện diện của đám đông người ngoại giáo rất tin dị đoan, ngài đã chặt cây Sồi Thần Linh ở Geismar to lớn và già nua, được dân ngoại dâng cúng cho thần Thor. Người ta kể rằng chỉ sau vài nhát rìu, cây sồi đã lung lay và sụp đổ, tách ra làm bốn cho thấy sự mục nát bên trong. Đó là khởi đầu của một công cuộc truyền giáo rất thành công của Thánh Boniface và cũng là hạt giống đức tin cho một giáo hội đầy sinh lực ở Đức, mà sau này Thánh Boniface được tấn phong làm giám mục ở đây. Ngài xin các Kitô Hữu ở Anh hỗ trợ công cuộc truyền giáo của ngài và họ đã đáp ứng với tài chánh, sách vở, vật liệu, và nhất là thường xuyên cung cấp các đan sĩ để giúp đỡ ngài trong việc giảng dạy.
Thánh Boniface không chỉ hạn chế hoạt động ở nước Đức. Ngài còn giúp hình thành sự tương giao giữa Đức Giáo Hoàng và các vua ở Ý cũng như ở Pháp. Ngài thúc giục các thái tử kế vị vua Charles của Pháp triệu tập công đồng để cải tổ giáo hội trong các phần đất của họ, là nơi chức giám mục được bán cho những người trả giá cao nhất.
Ngài không bao giờ quên sự thất bại ở Friesland, do đó khi về già, ngài từ chức giám mục và trở về hoạt động ở đây với sự thành công đáng kể. Vào một ngày trong tháng Sáu năm 754, khi ngài đang chuẩn bị cho người Friesland chịu phép Thêm Sức thì tất cả bị tấn công và bị giết chết bởi các chiến sĩ ngoại giáo.
Suy niệm 1 : Kitô Giáo
Thánh Boniface có hai đặc tính nổi bật: Kitô Giáo chính truyền và trung thành với đức giáo hoàng ở Rôma.
Thánh Boniface xác nhận một quy tắc của Kitô Giáo: Theo Đức Kitô là theo con đường thập giá. Đối với Thánh Boniface, con đường đó không chỉ là sự đau khổ phần xác hay cái chết, mà cả sự đau khổ vì bị sỉ nhục, vô ơn trong việc cải tổ Giáo Hội...
Vinh dự của truyền giáo là đem người ngoại giáo trở về với Giáo Hội. Nhưng dường như, việc chấn chỉnh đức tin ngay trong lòng Giáo Hội, là một việc rất cần thiết, thì ít người lại cho đó là một vinh dự.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn trung thành với đức giáo hoàng ở Rôma.
Suy niệm 2 : Nhỏ
Ngay khi còn nhỏ, hình ảnh cao quý của các đan sĩ truyền giáo đã in sâu trong tâm khảm của Boniface.
Ý hướng truyền giáo này đã phát triển mạnh đến mức ngài đã khước từ sự nghiệp ở ngoài đời dù rằng thân phụ ngài rất mong muốn, dể rồi khi ngài được thụ phong linh mục thì đi rao giảng ở Friesland.
Một lần nữa tinh thần truyền giáo của ngài bị thử thách. Sau cái chết của đan viện trưởng, các đan sĩ ở Nursling tìm cách giữ chân ngài bằng cách bầu ngài làm đan viện trưởng, nhưng ngài đã từ chối để tận hiến cho công cuộc truyền giáo theo như chí nguyện từ nhỏ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy chú tâm gieo vào tâm trí các trẻ nhỏ những ý hướng tốt lành để chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng.
Suy niệm 3 : Truyền giáo
Boniface đã từ chối để tận hiến cho công cuộc truyền giáo.
Do cuộc chiến giữa vua ngoại giáo của Friesland và Charles Martel của Pháp, bước khởi đầu truyền giáo của ngài đã phải dừng lại. Vì thế không bao lâu ngài phải trở về Nursling, rồi đến Rôma để gặp Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô II, là người sai ngài đi truyền giáo cho người Đức ở Hesse và Bavaria.
Việc chặt cây Sồi Thần Linh ở Geismar tại Hesse, là khởi đầu của một công cuộc truyền giáo rất thành công của Thánh Boniface và cũng là hạt giống đức tin cho một giáo hội đầy sinh lực ở Đức. Ngài xin các Kitô Hữu ở Anh hỗ trợ công cuộc truyền giáo của ngài và họ đã đáp ứng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng ngã gục trước bất cứ một thử thách nào, nhưng luôn kiên trì theo đuổi việc truyền giáo, thậm chí phải xin hổ trợ.
Suy niệm 4 : Dị đoan
Ở Hesse, trước sự hiện diện của đám đông người ngoại giáo rất tin dị đoan.
Tính dị đoan của đám đông người ngoại giáo ở Hesse được biểu lộ đậm nét qua việc họ tôn thờ một cây Sồi Thần Linh ở Geismar to lớn và già nua mà họ dâng cúng cho thần Thor.
Để đã phá tính dị đoan này, ngài đã chặt cây Sồi Thần Linh này. Người ta kể rằng chỉ sau vài nhát rìu, cây sồi đã lung lay và sụp đổ, tách ra làm bốn cho thấy sự mục nát bên trong.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn khôn ngoan sáng suốt đừng bao giờ để tính dị đoan mê hoặc.
Suy niệm 5 : Cải tổ
Ngài thúc giục các thái tử kế vị vua Charles của Pháp triệu tập công đồng để cải tổ giáo hội trong các phần đất của họ.
Một điểm tiêu cực đang lan tràn tại Giáo Hôi Pháp thời đó là chức giám mục được bán cho những người trả giá cao nhất. Thánh Boniface đề xuất triệu tập công đồng để cải tổ.
Với tinh thần đầy nhiệt huyết, ngài phát biểu: Chúng ta phải bền vững trong những gì là chân lý và chuẩn bị linh hồn cho những thử thách... Đừng là những con chó không dám sủa hay im lặng nhìn xem, và cũng đừng là người tôi tớ trốn chạy trước đàn sói.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hùng dũng sống chết để bảo vệ chân lý.
Suy niệm 6 : Chết khi hành sự
Khi Boniface đang chuẩn bị cho người Friesland chịu phép Thêm Sức thì tất cả bị tấn công và bị giết chết bởi các chiến sĩ ngoại giáo.
Là người thì dầu đang sống theo tín ngưỡng nào cũng đều mang một niềm tin chung, đó là ai cũng phải chết. Nhưng chết cách nào?
Là người chân chính, cách chung ai cũng mong muốn cái chết đến với bản thân mình lúc đang thi hành phận vụ. Vậy thật diễm phúc cho thánh Boniface.
* Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban cho chúng con được một cái chết đang khi thi hành phận vụ.