Bài giảng của thánh Vianney _ nhân đức thật và giả

Bài 19
NHÂN ĐỨC THẬT GIẢ
“Cứ xem họ sinh quả nào thì biết họ là ai.” (Mt 7,16)
Có người đọc thật nhiều kinh, thậm chí thường xuyên lãnh nhận các Bí tích; nhưng họ vẫn giữ những thói quen xấu, và chết trong chúng…
C
húa Giêsu không thể cho chúng ta một dấu chỉ nào khác rõ ràng và chắc chắn hơn, mà qua đó chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt giữa người Kitô hữu tốt và xấu, bằng cách nói chúng ta hãy nhìn qua việc làm chứ không phải lời nói của họ. Người nói: “Cây tốt không thể nào sinh quả xấu, và cây xấu thì không thể nào sinh quả tốt.” Thật vậy, những ai chỉ có lòng đạo đức giả, hay chỉ có hình thức bề ngoài, mặc dù họ đã cố gắng che đậy mấy đi nữa, sẽ không thể che giấu được tình trạng thật sự của linh hồn mình, đôi lúc bộc lộ ra bên ngoài. Quả thật, không có gì phổ biến cho bằng sự đạo đức giả hình này. Để cho các con có được sự nhận thức đúng đắn về tình trạng bất hạnh của những linh hồn đáng thương này, những linh hồn có lẽ sẽ chịu trầm luân, mặc dù họ đã làm nhiều việc lành phúc đức, chỉ vì họ đã làm một cách sai trái, cha sẽ nói cho các con biết hai điều:
I)    Một người tín hữu tốt lành không được tự mãn về những công việc tốt mình làm; họ phải biết làm việc lành một cách đúng đắn.
II)   Chúng ta không được sống đạo đức chỉ trước mặt người đời; nhưng ngay trong tâm hồn mình.
I) Bây giờ nếu các con hỏi cha, làm thế nào để biết một nhân đức thật, và làm thế nào để nó có thể dẫn ta đến Thiên đàng, câu trả lời là: để việc làm của chúng ta đẹp lòng Chúa, những điều kiện sau đây phải được thực hiện:
(1) Trước hết, công việc đó phải thành thật và hoàn hảo;
(2) thứ hai, phải làm với lòng khiêm nhường và không có lòng ích kỷ;
(3) thứ ba, công việc đó phải kiên định và lâu bền. Nếu quả thật những điều này đều có trong mỗi công việc các con làm,thì cha bảo đảm rằng các con đang làm việc cho vinh quang nước trời.
(1) Cha nói công việc đó phải thành thật; vì nếu chỉ làm bên ngoài mà thôi thì vẫn chưa đủ. Nó phải phát xuất từ đáy lòng các con, và lòng mến Chúa phải là động lực chính của nó, vì thánh Gregory nói với chúng ta rằng trong tất cả mọi việc, Thiên Chúa đòi buộc chúng ta phải dựa trên tình yêu, mà chúng ta mắc nợ Người. Do đó, hành động chúng ta làm không gì khác hơn ngoài mục đích để diễn tả ý định của mình. Mọi lời nói và việc làm không phát xuất từ lòng chân thành của tâm hồn, không gì khác hơn là giả dối trước mặt Chúa. Hơn thế nữa, nhân đức đó phải hoàn hảo. Nghĩa là chúng ta không chỉ thực hành những nhân đức mà chúng ta có khuynh hướng một cách tự nhiên, nhưng chúng ta phải thực hành mọi nhân đức; nói cách khác là, tất cả mọi nhân đức đều được thể hiện cách phù hợp trong mỗi hoàn cảnh. Thánh Phaolô nói rằng chúng ta hãy dự trữ dồi dào tất cả mọi việc lành để mưu ích cho phần rỗi mình.
(2) Cha cũng nói rằng nhân đức phải có lòng khiêm nhường và không được ích kỷ. Chúa Giêsu nói chúng ta rằng chúng ta đừng bao giờ làm việc để được người khác khen ngợi. Nếu chúng ta muốn được phần thưởng Thiên đàng, thì chúng ta phải hết sức giấu kín những việc lành mà Chúa thực hiện trong chúng ta, vì e rằng tên quỷ kiêu ngạo có thể cướp mất công nghiệp của những việc lành kia. Nhưng có lẽ các con sẽ nói, việc lành các con làm thật sự chỉ vì Chúa mà thôi, chứ không phải vì người đời. Điều đó thì cha không chắc lắm. Vì có nhiều người tự lừa dối mình về điểm này. Thật dễ dàng để chứng minh cho các con thấy rằng lòng đạo đức của các con phần lớn chỉ có vẻ bề ngoài, chứ không phát xuất từ tâm hồn. Thử hỏi chẳng phải các con muốn cho người khác biết tất cả những ngày mà mình ăn chay sao? Nếu các con bố thí cho người nghèo hay dâng cúng cho nhà thờ, chẳng phải các con muốn cho những người hàng xóm biết việc này sao? Cảm giác đó không khiến chúng ta ra giả hình sao?
Các thánh thì làm hoàn toàn ngược lại. Tại sao các ngài làm thế? Thưa, bởi vì các ngài biết rõ đường lối Chúa, các ngài phải luôn tự hạ để được Chúa thương xót. Thật bất hạnh cho những tín hữu nào, mà lòng đạo đức chỉ theo hứng, theo thói quen, chứ không vì lý do nào khác! Có lẽ các con sẽ nghĩ rằng những lời cha nói đây hơi quá đáng. Phải, rõ ràng những lời này hơi khó nghe, nhưng chúng hoàn toàn là sự thật. Vì cha cố gắng khơi lên trong lòng các con sự ghê sợ của tội giả hình này. Có biết bao nhiêu người, mặc dù làm được nhiều việc lành, nhưng sẽ mất linh hồn, bởi vì họ không biết đường lối của Chúa một cách thấu đáo! Có người đọc thật nhiều kinh, thậm chí thường xuyên lãnh nhận các Bí tích; nhưng họ vẫn giữ những thói quen xấu, và chết trong chúng, bởi vì họ cố gắng cùng một lúc, vừa làm bạn với Chúa, vừa làm bạn với tội lỗi. Hãy nhìn người kia, bề ngoài có vẻ là một tín hữu tốt lành. Nếu như các con muốn cho họ hiểu rằng, thậm chí khi các con có quyền làm điều đó, họ đã làm điều sai trái với người khác; chỉ ra lỗi lầm của họ, hay bất cứ điều gì sai trái mà họ đã phạm trong lòng, thì họ sẽ nổi điên lên, và không thèm nhìn mặt các con nữa. Ghen ghét và các tư tưởng xấu sẽ nổi lên trong đầu họ. Hãy nhìn người kia. Các con không thể có ý kiến xấu về lòng đạo đức của họ, vì câu trả lời của họ đầy kiêu căng, và họ sẽ không chơi với bất cứ ai đụng chạm đến họ.
Câu chuyện sau đây sẽ cho chúng ta thấy Thiên Chúa rất nghiêm khắc xử phạt những kẻ đạo đức giả như thế nào, vì đó là một trọng tội. Chúng ta đọc trong Kinh Thánh câu chuyện của vua Jeroboam sai vợ mình đi gặp tiên tri Ahias, để xin ơn chữa bệnh cho con trai họ, và nhà vua bảo vợ mình ăn mặc ra dáng của một thiếu nữ nghèo khó và đạo đức. Nhà vua trông cậy vào mưu kế này vì ông sợ rằng, nếu người ta biết ông cầu xin tiên tri của Chúa giúp, thì họ sẽ kết tội ông không tin vào các vị thần của họ. Nhưng nhà vua không thể lừa dối được Chúa. Khi vợ vua bước vào nhà của vị tiên tri, mặc dù chưa thấy mặt bà, thì có tiếng nói vang lên: “Này vợ của vua Jeroboam, tại sao ngươi coi trọng hình dáng bên ngoài hơn hành động? Hãy đến đây, hỡi kẻ giả hình. Ta có tin dữ từ Thiên Chúa, dành cho ngươi. Thật là một tin dữ. Hãy nghe đây: Thiên Chúa truyền cho ta nói với ngươi rằng Người sẽ giáng xuống trên nhà Jeroboam những điều bất hạnh; hắn sẽ bị tiêu diệt, thậm chí kể cả súc vật; những người trong nhà hắn mà chết ngoài đồng sẽ bị chó phân thây. Hãy cút đi, vợ của Jeroboam. Hãy trở về báo cho chồng bà biết điều này. Và ngay khi bà bước chân về đến cổng thành, thì con trai bà sẽ chết.” Tất cả mọi sự đã xảy ra y như lời tiên tri đã nói trước; không một ai trong nhà của vua Jeroboam thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Các con đã thấy rõ Thiên Chúa nghiêm phạt tội giả hình này như thế nào rồi đó.
Hơn nữa, Cha phải nói với các con rằng chẳng phải do số lượng và số lần của việc lành, đem lại cho các con công nghiệp, nhưng do bởi ý ngay lành mà các con có trong lòng. Tin mừng thánh Máccô trong chương mười hai đã nêu ra cho chúng ta một câu chuyện để thấy rõ điều này. Một ngày kia Chúa Giêsu vào đền thờ, Người quan sát những người bỏ tiền dâng cúng như thế nào, và Người thấy có những người giàu bỏ vào thùng rất nhiều tiền. Rồi Người thấy một bà góa nghèo khúm núm biết bao khi đến gần thùng tiền, bỏ vào đó chỉ hai xu. Chúa Giêsu gọi các môn đệ lại và nói với họ: “Các con xem, có những người dâng cúng thật nhiều tiền, còn bà góa kia chỉ bỏ vào đó có hai xu. Các con nghĩ gì về sự khác biệt này? Xét bề ngoài, các con sẽ nghĩ số tiền dâng cúng của những người giàu kia có nhiều công nghiệp hơn; nhưng Thầy bảo thật cho các con biết, người đàn bà góa kia đã dâng cúng nhiều hơn tất cả những người giàu có kia; vì những người giàu bỏ vào đó tiền dư bạc thừa của họ, còn bà này bỏ vào đó tất cả tài sản từ sự thiếu thốn của mình. Hầu hết người giàu tìm kiếm vinh quang trước mặt người đời, và muốn được người khác nghĩ về mình hơn mình thật sự là, trong khi bà góa này chỉ làm để vinh danh Chúa.” Một gương mẫu thật đẹp, dạy cho chúng ta phải có ý ngay lành và lòng khiêm nhường trong tất cả việc lành chúng ta làm nếu chúng ta muốn được hưởng phần công nghiệp của chúng. Lẽ dĩ nhiên, Thiên Chúa không cấm chúng ta làm những việc lành trước mặt người khác, nhưng Người muốn rằng chúng ta chỉ làm cho sáng danh Chúa, chứ không làm vì tiếng khen của người đời.
(3) Cha nói điều kiện cần thiết thứ ba là nhân đức phải lâu bền. Chúng ta đừng bao giờ tự mãn khi làm điều thiện chỉ trong một thời  gian nào đó, thí dụ thỉnh thoảng mới: cầu nguyện, hãm mình, từ bỏ ý riêng, chịu đựng kẻ khác, chống lại cám dỗ, chịu sỉ nhục vu khống, kiềm hãm những cảm xúc trong tâm hồn. Không, chúng ta phải thực hiện cho đến chết, nếu chúng ta muốn được cứu rỗi. Thánh Phaolô dạy rằng chúng ta phải mạnh mẽ và vững vàng phụng sự Chúa, chúng ta phải làm việc cho phần rỗi mọi ngày trong đời sống, vì biết rõ mọi việc lành chúng ta làm sẽ không có công trạng gì nếu chúng ta không bền đỗ cho đến cùng. Ngài nói: “Cho dù giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, không có gì có thể xui khiến tôi bỏ bê việc phần rỗi, và tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa: vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa chỉ ban triều thiên vinh quang cho những ai thực hành các nhân đức cho đến hơi thở cuối cùng.”
Chúng ta thấy rõ điều này trong một đoạn văn hết sức đặc biệt của sách Khải Huyền viết cho một vị Giám mục, có một đời sống thánh thiện, đến nỗi được Thiên Chúa khen ngợi nhiều lần: “Ta biết các việc ngươi làm,nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi; Ta biết ngươi không thể chịu đựng kẻ ác. Ngươi đã thử thách những kẻ xưng mình là tông đồ, mà thực ra không phải, và ngươi đã thấy rằng chúng là kẻ nói dối. Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu đau khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: là ngươi đã chểnh mãng trong việc thực hành các nhân đức. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu. Bằng không, Ta sẽ phế thải ngươi, và Ta sẽ xử phạt ngươi.” Như vậy, chẳng lẽ chúng ta không cảm thấy sợ hãi khi nghe lời Chúa đe dọa vị Giám mục lơ đễnh kia sao? Chúng ta đã là người thế nào kể từ khi trở về cùng Chúa! Thay vì mỗi ngày một thăng tiến, thì chúng ta lại thờ ơ, lãnh đạm biết chừng nào! Không, Thiên Chúa không thể nào chịu đựng nổi sự thay đổi liên tục này của chúng ta, cứ đạo đức rồi lại phạm tội, hết phạm tội rồi lại sống đạo đức. Các con hãy nói cho cha biết, đó chẳng phải là cách sống đạo của các con sao? Cuộc đời các con có gì khác ngoài sự lẫn lộn giữa nhân đức và tội lỗi không? Chẳng phải các con đi xưng tội, rồi ngày hôm sau lại tái phạm đó sao? Hay có thể tái phạm trong ngày hôm đó? Ôi, có biết bao nhiêu người dường như chỉ yêu mến Chúa hết lòng, hết sức trong một thời gian nào đó, rồi lại bỏ rơi Người! Có gì khó khăn và nặng nề trong việc phụng sự Chúa đến nỗi khiến các con chán nản, rồi trở về với thế gian mau chóng như vậy? Ấy thế, khi Chúa cho các con thấy được tình trạng của mình, các con thở dài vì biết rằng các con đã tự lừa dối mình biết bao nhiêu! Lý do của điều bất hạnh này là vì ma quỷ tức giận khi bị mất các con, nên nó ra sức tìm mọi cách để kéo các con trở lại, và hy vọng sẽ nắm giữ các con mãi mãi. Ôi, có biết bao nhiêu người vô thần vì đã rời bỏ đạo thánh Chúa, vậy mà họ vẫn mang danh là Kitô hữu!
II. Bây giờ các con sẽ hỏi, làm thế nào chúng ta có thể biết mình có nhân đức thật sự trong tâm hồn? Các con hãy chú ý lắng nghe để xem mình có được nhân đức mà Chúa sẽ đón nhận các con vào Thiên đàng hay không. Người có lòng đạo đức thật sự không bao giờ bị dao động hay thay đổi; họ như hòn đá ngoài biển, bị sóng đánh liên hồi. Cho dù bị gièm pha, nói xấu, nói móc, hay bị coi là giả hình, bị đối xử như một người vu khống, không một điều gì kể trên có thể lấy đi sự bình an trong tâm hồn họ. Các con nên bỏ qua cho kẻ thù của mình, như thể họ đang nói tốt về các con. Các con không bỏ lỡ cơ hội để đối xử tốt với họ, mặc dù họ nói xấu các con. Các con phải cầu nguyện, xưng tội, rước lễ, tham dự Thánh lễ, mà không bận tâm đến lời phê bình của thế gian. Nhân đức thật sự của chúng ta cũng phải kiên vững. Nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa và vui nhận những thánh giá và nghịch cảnh, khi mọi sự xảy ra trái với ý mình. Đó là cách thức các thánh đã làm. Hãy nhìn vô số các thánh tử đạo, những người đã chịu nhiều điều điên cuồng của những tên vô lại và bạo chúa nghĩ ra, để làm cho các ngài phải từ bỏ Chúa, nhưng ngược lại, nhờ thế mà các ngài lại gần gũi với Chúa hơn. Cho dù các hình khổ tra tấn hay bản án tử hình giáng xuống, các ngài vẫn kiên vững không một chút nao núng.
Chúng ta hãy kết thúc bài suy gẫm hôm nay bằng cách nhớ rằng nhân đức của chúng ta phải phát xuất từ tâm hồn, để sinh hoa trái và làm vui lòng Chúa. Chúng ta phải che giấu những việc lành của mình. Chúng ta cũng phải cảnh tỉnh, không được sao lãng việc phụng sự Chúa; trái lại, phải lớn lên trong sự hiểu biết và yêu mến Chúa. Bằng cách này, các con sẽ đạt đến hạnh phúc bất diệt, hạnh phúc mà cha hằng mong ước cho các con. Amen.