Satan bị đánh bại, Thánh Thể được tôn vinh
Nhiều thanh thiếu niên qùy ngay ở bậc
cửa bằng đá, không khí thinh lặng trong nhà thờ, tiếng ca vang dội của bài
Tantum Ergo, tất cả tỏa ra một sinh khí và một niềm vui lớn lao của đức tin
Công Giáo.
Phil Lawler, chủ bút của Catholic World News, cho hay đêm thứ Hai qua, 12
tháng 5, đã trở thành đêm chiến thắng lớn cho đức tin Công Giáo tại TGP Boston.
Thay vì Thánh Thể bị phạm thánh, biến cố công cộng đáng lưu ý nhất tại
Cambridge là cuộc rước kiệu Thánh Thể dài mấy dẫy phố. Tại Havard, Nhà Thờ Thánh
Phaolô chật ních người, nhiều người phải đứng bên ngoài, để dự giờ thờ lạy kết
thúc với Phép Lành Thánh Thể.
Buổi thánh lễ đen dự trù tổ chức tại khuôn viên ĐH Harvard đã không diễn ra
tại đó. Dù chủ tịch Harvard là Drew Faust từ chối không can thiệp, nhóm sinh
viên bảo trợ cho biến cố này (và là những người chưa bao giờ tự lộ diện) đã rút
lui vào giờ thứ 11. Sau khi phát hành một loạt các tin nhắn mâu thuẫn nhau, các
hội viên của Đền Thờ Sa Tan, là nhóm dự tính tổ chức biến cố đáng tởm này,
tuyên bố rằng thánh lễ đen sẽ diễn ra trễ hơn tại một căn phòng trên lầu của một
nhà hàng Tầu không rõ căn tính.
Liệu thánh lễ đen có thực sự diễn ra hay không? Người ta không thấy bằng chứng
nào cả mà chỉ thấy lời lẽ của những người cho rằng mình đang phụng sự Cha Sự
Gian Dối. Người phục vụ tại Nhà Hàng Hồng Kông nhìn nhận có một số hội viên của
Đền Thờ Sa tan tới đó ăn uống. Nếu nghi thức thờ Satan có được cử hành đi chăng
nữa, thì việc cử hành này quả cũng chỉ lén lút trong đêm tối mà thôi, bị bác bỏ
chứ không được chào đón, ngay tại một đại học có thói quen riễu cợt đức tin.
Trên đường từ nơi thờ lạy Thánh Thể ở Nhà Thờ Thánh Phaolô ra về, một người
bạn của Lawler có gặp một số “tín đồ” của Đền Thờ Satan tại Quảng Trường
Harvard. Người bạn này cho hay: “Xem ra họ hết sức giận dữ, với khuôn mặt xấu
xa trông thấy, một số khác trái lại mang mặt nạ hay giấu mặt bằng một chiếc
nón. Tôi nghĩ đâu có ai giấu mặt nếu hãnh diện về việc mình đang làm.”
Bên trong Nhà Thờ Thánh Phaolô, không hề có một cảm quan tức giận nào: chỉ
là một đức tin sâu xa, thầm lặng, vững vàng. Khó có thể nắm được bầu khí của cộng
đoàn, nhưng các tấm hình đăng trên Facebook của tổng giáo phận cho ta một vài
chỉ dẫn. Nhiếp ảnh gia của tờ Boston Globe chụp được hình ảnh của nhà thờ chật
ních người và một vài tấm chụp cuộc rước kiệu. Nhiều thanh thiếu niên qùy ngay ở
bậc cửa bằng đá, không khí thanh lặng trong nhà thờ, tiếng ca vang dội của bài
Tantum Ergo, tất cả tỏa ra một sinh khí và một niềm vui lớn lao của đức tin
Công Giáo.
Khi cuộc rước kiệu từ từ đi vào Đại Lộ Massachusetts, một số khách qua đường
bỗng qùy gối thờ lạy Chúa Thánh Thể; nhiều người khác tham gia ca hát. Lawler
không thể đếm hết số người tràn vào nhà nguyện của trường MIT để bắt đầu cuộc
rước, nhưng ông biết rõ nhiều người đã tham gia cuộc rước ở giữa đường. Ông tự
hỏi không biết đâu là lần cuối thành phố Cambridge, vốn là thành lũy của chủ
nghĩa cấp tiến duy tục, được chứng kiến một cuộc biểu dương đức tin Công Giáo
như thế này.
Một điều gì hết sức đặc biệt quả đã diễn ra vào đêm thứ Hai vừa qua, và
Lawler tin tưởng tiên đoán rằng ta sẽ được thấy kết quả của nó trong những năm
sắp tới. Ơn thánh quả có thực, và ơn thánh hành động một cách hết sức bất ngờ.
Bao nhiêu sinh viên Harvard không Công Giáo đã tới Nhà Thờ Thánh Phaolô để tỏ
lòng tôn trọng các bạn bè Công Giáo của mình, và được thấy một điều gì đó khiến
họ phải lưu ý tới đức tin, và lôi cuốn họ vào Giáo Hội? Bao nhiêu thanh thiếu
niên, nhờ canh tân lòng mộ mến Thánh Thể của mình, mà cảm nhận được những thúc
đẩy ban đầu của ơn gọi làm linh mục? Lawler cho rằng ta chưa biết được, vì ta
chưa thắng được cuộc chiến thiêng liêng, nhưng rõ ràng ta đã mở được một chiến
dịch tấn công.
Và tất cả những điều trên xẩy ra chỉ vì một ít sinh viên bị lừa dối đã dự
trù một hành động chế riễu phạm thánh, nhưng đã bị cộng đồng Công Giáo phản ứng
một cách thích đáng: không bằng cú đánh vô dụng của giận dữ mà bằng cuộc biểu
dương đức tin đầy tự tin. Satan chơi quá tay và một lần nữa đã bị đốt trắng
tay.
Vũ Văn An