Ơn thiên triệu _ đi tu để làm gì?

Tu Là Gì? Đi Tu Để Làm Gì?
Trên bước đường theo Chúa trong đời dâng hiến trọn vẹn, Chúa cần và dứt khoát cần tấm lòng và trái tim của chúng ta.  
(Tu Đức)
Từ ngữ “Tu”:
Trước hết “Tu” là tu sửa, sửa sai để thăng tiến đời sống mình. Người xưa đã nhiều lần dùng chữ “Tu”, đặc biệt trong câu nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Trong Anh ngữ, người ta không... tìm được một chữ nào chuyển dịch từ chữ “Tu” cả. Điều này cho thấy tiếng Việt thật phong phú trong ý nghĩa tu trì.
Đi Tu Theo Nghĩa Công Giáo
Cũng có nghĩa là “Tu sửa, sửa sai” chính mình, từ ngữ chuyên môn hơn gọi là, “Cải thiện bản thân, thánh hoá bản thân”
Như thế, dù theo nghĩa nào, đi tu trước hết không phải là để lo cho người khác, phục vụ cho người khác nhưng trước hết để lo cho mình, lo cho mình nên thân nên người và nên thánh.
Nói rằng, đi tu là để “làm một cái gì cho người khác, là phục vụ, là đem phân phát, chia sẻ cơm áo cho người khác…” Điều này hoàn toàn đúng: khi mời gọi các tông đồ tiên khởi, Ngài đã cho các ông biết về mục đích đó: Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người!”. “Các anh hãy đi làm vườn nho cho Ta!”, những mệnh đề “Chài lưới người “ “làm vườn nho” nói lên hành vi, công việc, sứ mệnh của Người muốn bước đi theo Chúa.
Đi Tu là “Quên mình để nghĩ về người khác, để sống cho người khác; là từ bỏ mọi sự, để cùng với Đức Kitô gánh tội trần gian. Đi tu để phục vụ, là giúp ích cho người khác.” Đúng như vậy! Nhưng:
1- Nếu đi tu chỉ là để “Phục vụ tha nhân”, có lẽ chúng ta đâu cần đi tu, vì ở ngoài đời cũng phục vụ được, và đôi khi còn có thể phục vụ hay hơn trong đời tu nữa. Nhiều bạn trẻ nghĩ như thế nên quyết định không đi tu. Các bạn ấy nghĩ rằng, mình cần phải học hành giỏi để có khả năng phục vụ, thế là được, chứ đi tu làm ông cha bà phước mà không biết làm việc giỏi thì ở ngoài đời còn hay hơn! Nghĩ như thế không phải sai, nhưng chưa hiểu rõ về mục đích của đời tu. Nếu mục đích tiên quyết của đời tu là đi vào thế giới, nhập thể, đưa đôi bàn tay ra để giúp ích, phục vụ kẻ khác, nếu vậy, thì nên đóng cửa hết tất cả những dòng tu kín Kitô trên thế giới. Nhưng ở đây có một cái gì “nghịch lý”.
2- Mục đích tiên quyết của đời tu là sống tình thân mật với Chúa, chọn Chúa là người yêu muôn thuở. Người đi tu, nhất là các nữ tu, chọn Đức Kitô là “Chàng rể” là Đức Lang Quân, là người Bạn Trăm năm cho cuộc đời. Mọi người đều phải sống “đời sống tình yêu” với Chúa, nhưng người tu trì có một “đời sống tình yêu đặc biệt”với Người; họ yêu Đức Kitô bằng một tình yêukhông chia sẻ. Họ được Chúa “yêu riêng”. Chúng ta có thể vấn nạn Thiên Chúa làm gì có chuyện “yêu riêng” một ai ? Thưa có, Ngài yêu toàn thể nhân loại thế mà Ngài vẫn chọn một dân riêng cho Ngài, cả trong thời Cựu ước (Dân Do Thái) lẫn trong thơi Tân ước (Hội Thánh). Khi Đức Kitô đến, Người thương chọn nhóm 12 đó, Gioan, cũng được “Phúc âm tặng cho cái biệt danh là “Người môn đệ Chúa yêu (riêng)”. Tình yêu là một huyền nhiệm, “yêu riêng” tạo cho chúng ta một huyền nhiệm khó hiểu cho cuộc sống. Trong cuộc sống này chỉ có người “Được yêu” mới từ từ khám phá ra được chính người yêu mình, và chuyển thông cho người khác bằng một thứ ngôn ngữ không thể diễn ta được; Ngôn ngữ của tình yêu.
Chúng ta cùng đọc lại trình thuật của Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu chọn 12 tông đồ nhé!
“Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn 1 nhóm 12 người để họ trở thành bạn hữu của Người (they became his companions) hoặc: “Họ ở lại với Người” (They stayed with him), và để Người sai các ông đi rao giảng, và ban cho các ông quyền trừ quỷ 12 người đó là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan là em Giacôbê, cả hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của sấm sét, rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Mathêô, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, tađêô, Simon nhiệt thành và Giuđa Iscariôt là kẻ nộp Người” (Mc 3, 13-19).
“Các ông ở lại với Chúa Giêsu”. Từ ngữ “Ở lại” có nghĩa là “sống” với Chúa Giêsu, là “enjoy their life” với Chúa Giêsu, để mỗi ngày một trở nên thân mật với Người.
Hoạt động, làm việc, phục vụ là cần thiết và quan trọng, nhưng cầu nguyện với Chúa, nghĩa là nói với Chúa và nghe Chúa nói còn tốt hơn, cần thiết hơn, quan trọng hơn: Khi Chúa Giêsu vào nhà hai chị em Matta và Maria, Chúa Giêsu nói với Người chị là Matta rằng: “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện, chỉ có một điều cần là hãy lắng nghe Lời Chúa, Maria đã chọn phần tốt nhất”. Ở đây chúng ta tìm tia sáng cho vấn đề: càng tu kín thì càng đi vào căn tính của đời tu.
Đành rằng rất nhiều khi lý tưởng tu trì thọat tiên khởi phát bằng tâm tình ước muốn hy sinh phục vụ cho người khác, nhưng thực ra, phần chính yếu vẫn là phần sống thân mật với Chúa, có nhiều bạn trẻ lo lắng mình phải làm được cái gì cho Chúa là phần ưu tiên, nên bị “cám dỗ về việc học”. Đã bỏ ý định đi tu, hoặc có những bạn đã bước vào đời tu rồi, nhưng chưa hiểu rõ ý nghĩa của đời tu, đã xin ra ngoài đi học những môn mình thích, hay vì nghĩ rằng, học những môn đó sau này sẽ rất cần thiết và rất hữu ích cho việc xây dựng thế giới mai ngày. Loại cám dỗ này, tôi tạm gọi là “Intellectual temptation”. Các bạn ấy chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc hiến dâng: Hiến dâng là phó thác trọn vẹn cuộc sống mình, hiện tại, tương lai cho Chúa, qua bàn tay của một vị Bề Trên dòng. Học hành, làm việc, Thiên Chúa thường không giống với lý luận của con người. “Tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi. Các người tưởng Ta giống như ngươi chứ!” vả lại chưa chắc một người học hành giỏi dang sẽ có thể đem ơn thánh và nguồn suối cừu độ cho người khác nhiều hơn một người học hành kém cỏi nhưng có đời sống nội tâm sâu sắc.
Trên bước đường theo Chúa trong đời dâng hiến trọn vẹn, Chúa cần và dứt khoát cần tấm lòng và trái tim của chúng ta. Nếu bạn muốn đi tu, đừng sợ mình không có khả năng, đừng ngại bạn kém sinh ngữ, đừng ngại bạn học kém. Nếu bạn có sợ, bạn hãy sợ mình dám yêu Chúa hay không? bạn có sẵn sàng quảng đại dâng hiến trọn tình yêu của bạn cho Ngài hay không? Chúa cần trái tim của bạn. Thật là không hợp tình và không hợp lý khi một người muốn dâng hiến đời mình cho Chúa mà không được, chỉ vì kém sinh ngữ, kém văn hóa…
Nói như thế không có nghĩa là Chúa tuyển chọn tòan là những người “sứt mẻ đui mù”. Không, Ngài luôn sử dụng tài sức, khả năng của chúng ta trong công việc của Ngài. Ở đây chúng ta muốn nhấn mạnh rằng, đi tu trước hết không phải phục vụ người khác, nhưng là để lo cho chính mình, cho phần rỗi của mình, cho sự lớn dậy và lớn mạnh của Tình Yêu Chúa ở trong mình. Và một khi tình yêu đã lớn mạnh trong ta rồi thì tự nhiên với khả năng tự trao ban của tình yêu, ta tự nhiên hăng say và quảng đại phục vụ anh chị em chúng ta, ngay cả sẵn sàng chết về sự trao ban này. Ở điểm này, nếu nói đời tu có hai mục đích, thánh hóa bản thân và phục vụ tha nhân, cũng đúng và nếu nói, đời tu chỉ có một là thánh hóa bản thân thì cũng đúng, vì khi bản thân thực sự được thánh hóa, chúng ta tự nhiên sẵn sàng và quảng đại muốn phục vụ tha nhân. Người Đông phương thật chí ký khi nói rằng: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Có tu thân tích đức, việc phục vụ của ta mới có căn bản vững chắc được. Người có tài mà không có đức nhiều khi rất nguy hiểm… Một vị Bề Trên dòng nói rằng, người cho đi khó hơn là người nhận, vì nếu không biết cách cho, sẽ có thể làm tổn thương người được cho.
(Tu Đức)