Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Lời Chúa Lễ Phục Sinh _ ngôi mộ trống - dấu chỉ phục sinh

NGÔI MỘ TRỐNG - DẤU CHỈ PHỤC SINH
Tất cả những gì nhân loại dùng để trói buộc Chúa Giêsu, che mặt Người, cần phải cởi ra và xếp gọn một bên... Ta cũng có thể thấy Chúa trong trong tâm hồn khiêm nhu, tự hạ, quên mình, trong sự bình an thanh thản của nội tâm.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Con người ở đời thường khởi sự bằng cái có: có địa vị, có quyền thế, có bằng cấp, có tiền của, có sức mạnh, có tài năng… mới làm nên chuyện.
Nhưng Thiên Chúa lại thường khởi sự bằng cái không. Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa khởi sự từ cái hoang vu trống rỗng, không không “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất, đất còn trống rỗng chưa có hình dạng, tối tăm bao trùm vực thẳm và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên nước” (St 1, 1-2).
Cái hoang vu trống rỗng của “ngày thứ nhất” trong công trình sáng tạo trời đất sẽ lại xuất hiện trong một “ngày thứ nhất” khác: Ngày Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Đó là cái hoang vu trống rỗng của Ngôi Mộ Trống mà Mađalêna đã chứng kiến và đau buồn thốt lên “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi rồi”, Phêrô ngạc nhiên trong hoài nghi, Gioan đã thấy và đã tin.
Tất cả được khởi đầu bởi một sự kiện lạ lùng. Các phụ nữ ra mồ thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ. Sau đó Phêrô, Gioan không còn thấy xác Đức Giêsu trong ngôi mộ mở toang.
Có lẽ lúc này Philatô còn đang ngủ, các Thượng tế, Kinh sư, Kỳ mục cũng thế. Họ ngủ thật say, sung sướng vì đã dẹp yên được một chướng ngại từng làm họ ghen tức, mất ăn mất ngủ. Mọi sự đã được giải quyết đúng như sự sắp đặt khéo léo của họ. Cái tên Giêsu rồi sẽ bị quên lãng, chẳng còn ai nhắc tới. Tảng đá to đã niêm phong cửa mộ. Giêsu Nazareth đã đi vào lòng đất lạnh.
Đối với những người vẫn thương mến Chúa Giêsu thì kể như đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nỗi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi cùng với Giêsu Nazareth. Sáng nay, mấy chị em phụ nữ ra mộ thì cũng chỉ có mục đích là ướp lại cái xác không hồn chưa kịp thối rửa. Họ đi tìm một cái xác, một kẻ chết nhưng họ đã đối diện với Ngôi Mộ Trống. Mađalêna đau khổ thốt lên “người ta đã đánh cắp xác Chúa tôi rồi.” Các Thiên Thần hiện ra cắt nghĩa Chúa đã sống lại. Không biết các bà đã tin hay chưa, họ vội chạy về báo tin cho các Tông Đồ. Phản ứng của Phêrô là thinh lặng, ông đang phân vân. Nếu có kẻ lấy trộm xác Thầy thì tại sao kẻ gian lại mất công xếp đặt khăn liệm và các dây vải cách thứ tự và gọn gàng như thế? Ông vẫn còn bàng hoàng về những lỗi lầm chối Thầy với niềm ăn năn thống hối. Ông chưa hiểu sống lại nghĩa là gì. Còn Gioan thì đã thấy và đã tin. Gioan thấy gì? Thấy các dấu chỉ lạ lùng của Ngôi Mộ Trống, khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Chính bởi Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Lazarô sống lại. Khi Lazarô được Chúa cho sống lại, ông ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Gioan nhớ lại lời Chúa Giêsu: Ngài phải chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang. Nhờ ghi nhớ lời Chúa mà đức tin đã đến với Gioan sớm hơn Phêrô.
Trước mọi phản ứng đó, Đức Kitô Phục Sinh đã biểu lộ một sự chiến thắng âm thầm, không rình rang giữa tiếng kèn trống, reo hò của toàn dân.
Đức Kitô đã chiến thắng tử thần, thân thể bằng xương bằng thịt của Ngài hôm nay đã được “Thần Khí Hoá” và từ đây Người sống hoàn toàn bởi Thần Khí, vì chỉ “Thần Khí mới làm cho sống còn xác thịt thì có ích gì” (Ga 6, 36).
Đức Kitô đã sống lại thật trong vinh quang. Ngài không mặc lấy một thân xác khác. Thân xác Phục Sinh của Ngài vẫn chính là thân xác trước đây chịu khổ hình, chết thập giá. Nay thân xác đó được biến đổi. Thân xác tâm linh không hư nát. Sự Phục Sinh của Đức Kitô không chỉ là phục hồi sự sống như trước mà còn chuyển qua thể thức hiện hữu mới. Thân xác của Ngài được Thần Khí hoá không bị vật chất cản trở. Đấng Phục Sinh đã nhiều lần hiện ra với các Tông Đồ để cũng cố đức tin cho họ, chuẩn bị tâm hồn các ông đón nhận Chúa Thánh Thần hầu trở nên chứng nhân rao truyền sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa
Ngày nay nếu muốn làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta cũng cần khởi đi từ Ngôi Mộ Trống như các Tông Đồ ngày xưa. Nói theo ngôn ngữ tu đức thì chúng ta trở về với đời sống thanh bạch. Đó là đời sống trong sạch, ngay lành và có tinh thần nghèo khó.
Thế giới hôm nay không thiếu những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh. Nhưng người ta không nhận thấy được Ngài vì thiếu tâm hồn ngay thẳng trong sạch “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Nói khác đi mỗi tâm hồn chúng ta là một ngôi mộ trống. Ngôi Mộ Trống là ngôi mộ không còn xác Chúa nhưng còn dấu chỉ Đấng Phục Sinh. Đó là khăn liệm và khăn che mặt. Tất cả những gì nhân loại dùng để trói buộc Chúa Giêsu, che mặt Người, cần phải cởi ra và xếp gọn một bên. Gioan đã đi vào Ngôi Mộ Trống, Gioan nhìn với cặp mắt trong sạch nên đã thấy và đã tin. Ông không thấy Chúa, nhưng thấy dấu chỉ của Phục Sinh. Dầu vậy Ông vẫn tin. Chúng ta không thấy Chúa mà vẫn tin vì “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29). Chúng ta không thấy Chúa nhưng chúng ta thấy Ngôi Mộ Trống là cái thế giới bao la đầy dấu chỉ sự hiện diện của Người. Ta cũng có thể thấy Chúa trong trong tâm hồn khiêm nhu, tự hạ, quên mình, trong sự bình an thanh thản của nội tâm. Đó là những dấu chỉ mà Đấng Phục Sinh ban tặng.
Không có Phục Sinh, đức tin chúng ta chỉ là hão huyền. Cuộc sống chúng ta có ý nghĩa gì nếu không có gì sau hết, nếu tất cả chỉ dừng lại ở đời này?
Nhìn lại đời sống mình, chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự Phục sinh. Rất nhiều những cuộc vượt qua nho nhỏ trong đời sống hướng tới Phục sinh. Khi một tình bạn, một tình yêu bị tan vỡ, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự phục sinh sao? Khi mà chúng ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, oán ghét thì đó là cuộc vượt qua phi thường …
Như mùa xuân sau đông tàn, Phục Sinh mãi mãi vọt lên trong đời sống chúng ta những chồi lộc ân sủng, những sức sống tươi trẻ. Tin vào Đấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn.
 Lm Giuse Nguyễn Hữu An