Sống đức tin _ ăn ngay ở lành

ĂN NGAY Ở LÀNH
"Ăn ngay ở lành" chính là điều mà Thiên Chúa hằng mong muốn nơi chúng ta, nhưng ăn ngay ở lành như những người khác theo cách chúng ta nghĩ mà thôi, thì cũng chưa đủ "tiêu chuẩn" để vào thiên đàng hưởng phúc đời đời.  
Lm. Nhân Tài, csjb
Có nhiều bạn trẻ độc thân, các bạn có chồng người ngoại quốc, có chồng (vợ) là người ngoại giáo, đã nói với tôi: "Theo đạo của mình thật là quá mệt, phải đi lễ ngày chủ nhật, phải tuân giữ điều nầy luật nọ, thật là rắc rối, cứ như các đạo khác ăn ngay ở lành, có khỏe hơn không?"
"Ăn ngay ở lành" chính là điều mà từ trước muôn đời Thiên Chúa đã muốn cho chúng ta được như vậy, vũ trụ nầy, núi non nầy, biển cả nầy, các loại chim trên trời, cá dưới biển, thú rừng… không phải Thiên Chúa tạo dựng cho chúng ta sao? Ngài tạo dựng mọi sự đều tốt lành, mà tốt lành nhất chính là con người, con người có một giá trị cao cả mà không một loài thụ tạo nào có được. Giá trị nầy, được đổi bằng cái chết của Ðức Kitô - Ngôi Hai Thiên-Chúa-làm-người - đến nỗi tác giả thánh vịnh phải thốt lên:
"Lạy Chúa, con người có là chi
mà Chúa cần nhớ đến.
Phàm nhân đáng là gì
mà Chúa phải lưu tâm?… (Tv 143, 3)
Nhưng "ăn ngay ở lành" này đã bị biến chất sau khi nguyên tổ chúng ta phạm tội.
"Ăn ngay ở lành" chính là điều mà Thiên Chúa hằng mong muốn nơi chúng ta, nhưng ăn ngay ở lành như những người khác theo cách chúng ta nghĩ mà thôi, thì cũng chưa đủ "tiêu chuẩn" để vào thiên đàng hưởng phúc đời đời.
Nguyên tổ của chúng ta đã không muốn ăn ngay ở lành, nghĩa là chỉ muốn mình được như Thiên Chúa, bằng Thiên Chúa mới thỏa lòng, cho nên mới nghe lời xúi bậy của ma quỷ mà ăn trái cấm, "trái cấm" tự nó không phải là tội, trái lại nó là một thứ trái cây ngon, đẹp, nhìn là thích ăn ngay. Tội, chính là lòng người "thích", mà khi đã thích rồi thì quên tất cả mọi lời khuyên bảo, mọi lời ngăn cấm, nói tắt một lời: bất chấp tất cả để dược cái mình thích. Và như thế là con người đã tự mình làm cho Thiên Chúa thất vọng, nghĩa là không muốn ăn ngay ở lành nữa rồi vậy!
"Ăn ngay ở lành" chính là làm theo tiếng nói của lương tâm mình, mà tiếng lương tâm, nói theo con nhà có-đạo-có-học-giáo-lý thì là tiếng nói của Thiên Chúa ở trong lòng. Thế nhưng có những người, lương tâm của họ không còn là tiếng nói của Thiên Chúa nữa, vì lương tâm của họ đã quá "dày dạn phong sương" chai lì, không còn phân biệt được đâu là tiếng nói của Thiên Chúa, và đâu là tiếng nói của ý riêng mình. Cứ ăn ngay ở lành cho khỏe tấm thân mà thôi, xét cho cùng, cũng là một… ý kiến, nhưng đó không phải là ý kiến cho những người muốn hưởng phúc đời đời trên Thiên đàng với Thiên Chúa. Tại sao vậy?
Thưa, ngoài Ðức Trinh Nữ Maria ra, có ai ăn ngay ở lành như ông Tôbia, có ai đức tin mạnh mẽ như tổ phụ Abraham, có ai kính mến Thiên Chúa như ông Giacop, hoặc có ai được Thiên Chúa chúc lành như bà Rúth. v. v… hoặc như những người đạo đức, ăn ngay ở lành khác trong thời Cựu ước. Thế nhưng sau khi chết rồi, các đấng ấy có ai được vào nước thiên đàng không? Thưa không, bởi vì các ngài còn phải đợi một người trong hàng con cháu (xét theo tính huyết thống) của các ngài đến trong thế gian, đem thân mình làm giá cứu chuộc cho nhân loại được sống, đó chính là Ðức Kitô.
Ðức Kitô chính là trung tâm của lịch sử nhân loại, của quá khứ, hiện tại và tương lai, hay nói cách rõ ràng hơn, Ngài ở "thì hiện tại" (trung tâm, ở giữa) và ơn cứu độ của Ngài thì cho cả quá khứ và tương lai. Quá khứ tức là từ thuở tạo thiên lập địa, thời các tổ phụ, cho đến khi Ngài giáng trần làm người. Hiện tại tức là khi Ngài sinh ra cho đến khi Ngài lên trời, hoặc là, trong giây phút mà mỗi người chúng ta đang sống. Tương lai tức là sau khi Ngài lên trời, hoặc là, ngày mai, ngày mốt của chúng ta, và kéo dài cho đến tận thế. Ngài đã chết và đã sống lại, xuống ngục tổ tông, mở cửa ngục ra (nếu ngục tổ tông có khóa như các ngục tù ở trần gian), đem các vị "ăn ngay ở lành" trong thời cựu ước, lên thiên đàng với Ngài. Ðiều kiện quan trọng nhất để cho việc "ăn ngay ở lành" được hoàn toàn, đó chính là TIN vào Ðức Kitô là thiên Chúa thật và là người thật. Như lời thánh Phaolô Tông đồ đã nói: "Nếu miệng bạn tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ.” (Rm 10, 9)
Chúng ta không sống trong thời Cựu ước, cũng chẳng sống trong thời đại của Chúa Kitô, nhưng chúng ta đang sống trong thời-đại-kéo-dài-của-Chúa-Kitô, nghĩa là chúng ta được hạnh phúc sống trong thời đại được rọi sáng bằng Tin Mừng và bằng Ân sủng của Ðức Kitô, tức là được ở trong Giáo hội của Ngài -Giáo Hội Công Giáo- mà Tin Mừng chính là Lời được ủy thác cho Giáo hội, mời gọi chúng ta tin vào ngưởi Con, thì được sống đời đời. (Ga 3, 36a)
Giáo Hội không phải là một tập đoàn kinh doanh dầu khí Shell, ở đâu có lợi nhuận là "vác cái mặt" đến đầu tư. Giáo Hội cũng chẳng phải là một công ty Microsoft to lớn, ảnh hưởng đến công việc làm ăn của nhiều nguời trên lãnh vực vi tính… Nhưng Giáo hội là một cộng đoàn, một đại gia đình được thiết lập trên nền tảng Phêrô: "… Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng Ðá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần cũng không thắng nổi… " (Mt 16). Và nguyên tắc sống của Giáo Hội chính là: "Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13, 34). Giáo hội là những người trên toàn thế giới đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, không phân biệt màu da, chủng tộc, tiếng nói, nghề nghiệp, giàu nghèo. Giáo Hội được Thiên Chúa trao cho sứ mạng tụ tập mọi dân tộc trên mặt đất để họ "ăn ngay ở lành" đúng như ý muốn của Thiên Chúa.
Không ai có thể ăn ngay ở lành đúng như ý muốn của thiên Chúa được, nếu không được chính Lời của Ngài dẫn soi, đây chính là điều quan trọng trong việc ăn ngay ở lành, Lời chúa được Giáo hội gìn giữ và truyến rao cho mọi người, để "ai tuân giữ lời Tôi, thì sẽ không bao giờ chết" (Ga 8, 52b). Vậy "ăn ngay ở lành" chính là thực hành Lời của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống, là tuân giữ lề luật của thiên Chúa, của Hội Thánh, là sống bác ái yêu thương anh em, chị em như yêu bản thân mình vậy! Ðó chính là "ăn ngay ở lành" đẹp lòng Thiên Chúa nhất.
Có người nói: ăn ngay ở lành là bố thí cho người nghèo, giúp đỡ tiền bạc cho người neo đơn. v. v… là đủ rồi. Chúa Mẹ cũng dạy như thế mà thôi!
Nhưng bố thí, giúp đỡ cũng có nhiếu cách, có người giúp đỡ vì động lòng trắc ẩn theo tính tự nhiên của con người; có người bố thí như thí của, nghĩa là "cho thí", cho để mà cho, cho để khỏi bị quấy rầy; có người lúc bố thí thì la to lên cho mọi người nghe: "Hôm nay tôi không vô mánh, nhưng cũng biếu anh vài ngàn nhậu chơi.” Tất cả các cách cho và bố thí trên đều không đúng như ý muốn của Thiên Chúa, mặc dù cũng có mùi vị "ăn ngay ở lành" trong đó. Chỉ có những ai nhìn thấy Ðức kitô ở trong người mình giúp đỡ, hoặc nói rõ hơn, vì họ là anh em, chị em của tôi - trong Ðức Kitô- cho nên khi tôi giúp đỡ anh chị em của tôi, là tôi giúp đỡ và "làm ơn" cho Chúa Kitô vậy.
Tham dự thánh lễ, giữ điều nầy luật nọ, không phải là những điều bó buộc chúng ta, nhưng trái lại, nó giúp chúng ta ăn ngay ở lành cho đúng ý của Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta thấy "kham" không nổi, thì nên chạy đến cùng Chúa, vì Ngài đã hứa với chúng ta: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bổ dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường… vì ách của tôi êm ái, và gánh nặng tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28-30). Ách của Ngài chính là những lề luật của Ngài, của Giáo Hội, là tham dự thánh lễ… tất cà các "ách" đó, những người Công giáo đều phải mang, nghe thì nhẹ nhàng, xem ra dễ dàng, nhưng khó mà thực hành được nếu không có ơn Chúa, có nghĩa là chúng ta đừng hòng mà tuân giữ nổi, nếu không cầu nguyện để được yêu mến cái "ách" của Ngài. Nhưng những cái "ách" này, đều đưa chúng ta đến hạnh phúc đòi đời với thiên Chúa.
Vì vậy, chúng ta đừng "quảng cáo" "ăn ngay ở lành" như những đạo khác cho chồng (vợ) ngoại đạo của chúng ta, nhưng thành tâm tuân giữ thánh lễ ngày chủ nhật, thành tâm sống xứng đáng là một người chồng (vợ) có đức tin Công giáo, nghĩa là: Thực hành Lời Chúa trong cuộc sống: sống yêu thương chồng (vợ) con, sống chan hòa tình cảm với người hàng xóm. Như thế, không những chúng ta trở nên nhà truyền giáo cho chống (vợ), mà còn chứng minh cho họ biết "ăn ngay ở lành" của chúng ta là như vậy: tin vào Ðức Kitô, Ðấng có lời ban sự sống, là tuân giữ và thực hành Lời của Ngài mọi ngày trong cuộc đời, đó chính là "ăn ngay ở lành" rồi vậy. /.
Lm. Nhân Tài, csjb