THÁCH
ĐỐ CỦA NGƯỜI TU SĨ
TRONG THỜI ĐẠI MỚI
TRONG THỜI ĐẠI MỚI
Trong một thế giới
không còn ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện của Thiên Chúa nữa, thì người tu sĩ phải
trở thành chứng nhân đầy sức thuyết phục về một Thiên Chúa Tình Yêu và về đời sống
vĩnh cửu mai sau.
Bước vào ngàn năm thứ ba, nhìn tổng thể,
xã hội loài người có nhiều thay đổi theo hướng tích cực trong hầu hết mọi lãnh
vực. Trong bối cảnh xã hội phát triển, cuộc sống con người được mở ra với nhiều
hy vọng, nhiều hứa hẹn, nhưng cũng nhiều thách đố và không ít rủi ro. Chính vì
thế, con người dù dư thừa vật chất, nhưng vẫn cảm thấy buồn phiền, chán nản, lo
âu, bất an... Có nhiều người rất thành công trong sự nghiệp, lắm bạc nhiều tiền,
cũng như có được một gia đình yên ấm, nhưng lại cảm thấy trống vắng trong tâm hồn.
Bên cạnh đó, cùng với phát triển kinh tế, cuộc sống sung túc hơn thì đồng thời,
con người cũng chạy theo lối sống thực dụng, hưởng thụ và ích kỷ hơn.
Ra như mối tương quan tình thân dễ bị
lãng quên hơn. Lại nữa, con người ngày nay cũng có nhiều thay đổi trong lối suy
nghĩ, quan niệm sống và các giá trị tinh thần cũng đang được nhìn nhận lại một
cách tự do hơn, thông thoáng hơn. Đặc biệt trong đời sống tâm linh, niềm tin
vào các tôn giáo đang được con người đặt vấn đề. Họ nghi ngờ về một sức mạnh nào
đó từ bên ngoài tác động vào đời sống của con người.
Đứng trước thực trạng của một xã hội mà
con người muốn phủ nhận Thiên Chúa và chạy theo vật chất, giới trẻ Công giáo
nói chung và các tu sĩ trẻ nói riêng sẽ gặp rất nhiều những thách đố trong đời
sống. Với cái nhìn chủ quan, bài viết nêu lên những thách đố mà người tu sĩ sẽ
phải đối diện khi sống giữa lòng xã hội hôm nay. Những gì trình bày ở đây ra
như tiêu cực, nhưng hy vọng đó là số ít, còn thực tế thì phần nhiều là những
gương sáng cho con người thời đại.
Thách đố khi hội nhập với xã hội
Ngày nay, người tu sĩ trẻ được mời gọi sống
hội nhập để làm chứng cho niềm tin và những giá trị cao quý của Kitô giáo. Họ
được kêu gọi hãy dám từ bỏ những giá trị vật chất, là những gì đáng được hưởng,
để dấn thân cho một lý tưởng cao đẹp hơn. Nói thế không phải phủ nhận những giá
trị vật chất đem lại cho đời tu. Thật thế, có rất nhiều phương tiện hữu ích
trong xã hội hiện đại đang phục vụ cho sứ mạng của người tu sĩ. Vấn đề đặt ra
là, người tu sĩ hội nhập với xã hội hay là bị hoà tan trong xã hội – một xã hội
hưởng thụ và tục hoá?
Trong thực tế, có không ít người sống đời
tu nhưng đã bị cuốn vào vòng xoay của lối sống thực dụng. Không ít người chọn đời
tu để mong thoát ra khỏi những khó khăn về đời sống vật chất. Họ chọn nhà Dòng
như là điểm dựa để tiến thân. Họ chạy theo thời đại với những toan tính thiên về
vật chất. Họ cũng cố gắng tìm cho mình những gì người khác có. Về bằng cấp, họ
cũng tìm kiếm như mọi người, nhưng không phải để phục vụ mà là để khoe mẽ, để
tiến chức. Về vật chất, nhiều vật dụng không cần thiết hoặc chưa cần thiết cho
cuộc sống thì họ cũng cố gắng phải có để bằng anh, bằng em. Khi bản thân hoặc
gia đình họ không có điều kiện, họ cố gắng chạy chọt, xin xỏ để đạt được những
gì mình muốn. Có nhiều người đưa ra những lý luận rất hay để biện minh cho những
hành động chạy theo lối sống hưởng thụ của mình.
Thế còn những người mang nơi mình một lý
tưởng cao đẹp trong đời sống dâng hiến thì sao? Họ phải sống thế nào trước một
xã hội đề cao cái tôi cá nhân và sự hưởng thụ này? Có lẽ, người tu sĩ trẻ cần hội
nhập để cùng đồng hành và chia sẻ với con người, giúp họ và giúp mình tìm được
giá trị đích thực về đời sống con người. Người tu sĩ trẻ hội nhập để chia sẻ niềm
vui và nỗi buồn của kiếp người. Họ hoà đồng mà không bị hoà tan trong vũng bùn
của cuộc đời nhiều tội lỗi. Người tu sĩ trẻ có thể đến với những bóng đêm của
cuộc đời để kéo con người trong đó ra ánh sáng, nhưng họ không ở luôn trong
bóng đêm ấy. Người tu sĩ trẻ có thể đến với những người yếu đuối để nâng họ đứng
lên, chứ không bị những yếu đuối ấy nhận chìm…
Thiết nghĩ, người chọn đời tu vẫn đang sống
trong xã hội này, không thể tách rời. Vì thế, họ cần tận dụng những thuận lợi
mà xã hội đem lại để phục vụ cho sứ mạng của mình. Đồng thời, họ cần phát huy
hơn nữa những giá trị tích cực mà cơ chế thị trường, xã hội thực dụng, công nghệ
- khoa học đem lại để phần nào làm hạn chế những điều tiêu cực do chính cơ chế ấy
gây ra. Hoà nhập được như thế thì thực trạng xã hội sẽ không còn là một thách đố
với người tu sĩ trẻ nữa, mà trở thành một phương tiện hữu dụng để họ rao giảng
sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa cho con người hôm nay.
Thách đố khi sống các nhân đức
Bên cạnh việc sống hội nhập với xã hội,
người tu sĩ còn được mời gọi thể hiện đời sống chứng tá của mình bằng việc thực
thi hoàn trọn các nhân đức, để làm gương sáng cho mọi người. Đây cũng là một
thách đố lớn đối với người tu sĩ trong một xã hội đang có quá nhiều những cám dỗ
bủa vây.
Các nhân đức hướng thần
Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo,
trong đó có những tôn giáo đã được lưu truyền từ rất lâu, chẳng hạn như Phật
giáo và Nho giáo. Ảnh hưởng của những tôn giáo này rất lớn đối với người Việt
Nam, và đã ăn sâu vào trong tâm thức của nhiều người. Tư tưởng của các tôn giáo
đó thì bình dân, giản dị, dễ gần và phù hợp với người nông dân Việt Nam. Trong
khi đó, Công giáo với những ý tưởng thần học quá trừu tượng, qúa cao siêu không
đủ sức nuôi tâm hồn những người tín hữu nói chung và người tu sĩ nói riêng
trong cuộc chiến đấu trước những thách đố, cám dỗ của đời thường. Từ đó, người
tu sĩ có thái độ gồng lên để chu toàn nghĩa vụ đầy công đức thiêng liêng nhưng
không cảm nhận được những nét đẹp cao quý khiến cho đời tu trở nên nặng nề, ì ạch
và “khó thở”[1].
Bên cạnh đó, họ lại thấy các đấng xưa
nay vốn là thần tượng của mình, lại có những hành xử quá ư là con người. Bề
trên thì chuyên quyền, người dưới thì luồn cúi… Họ ra sức tìm kiếm mà chẳng thấy
Chúa đâu. Họ kêu gào mãi mà Chúa vẫn lặng thinh. Thế là, Đức Tin chao đảo,
họ nghi ngờ không biết Chúa có thật hay không. Trong khi đó, khoa học đang dần
giải thích được hầu hết các hiện tượng mà xưa nay vẫn nghĩ là Chúa đã làm.
Chính những chán nản, căng thẳng, khủng hoảng trong đời tu làm cho người tu sĩ
trẻ trở nên tuyệt vọng không biết bám víu vào ai, dẫn đến những thách đố về đức cậy.
Trước một thế giới đầy biến động, sự hy
vọng tan vỡ mỗi ngày. Người tu sĩ thay vì phải trở nên dấu chỉ và biểu hiện của
niềm hy vọng cho người tín hữu, thì chính người tu sĩ lại đánh mất đi niềm hy vọng
vào Đức Giê-su Ki-tô. Mỗi khi thất vọng, đau buồn, họ không còn tìm đến Chúa nữa.
Bây giờ, họ xây đắp hy vọng của mình nơi những người có thể cho họ được an toàn
trong đời tu. Họ hy vọng vào mối quan hệ thân thiết với các đấng trong Dòng,
trong Giáo hội, để họ được ưu đãi, cất nhắc lên làm việc này, việc kia. Họ hướng
hy vọng của mình vào nơi chính quyền, nhà nước cốt làm sao để đi tu dễ dàng,
mau chóng được phong chức. Họ còn hy vọng vào những người bảo trợ (cha bố, sơ mẹ),
là những người bảo đảm tài chính sẽ chu cấp cho họ được cuộc sống an nhàn, có
phương tiện tối tân để làm việc.[2] Nhưng khi nói tới việc làm, thì sự dấn thân
đã không còn gắn liền với người tu sĩ nữa. Ai cũng muốn an phận, dính vào thêm
mệt; bề trên giao việc thì từ chối, sợ không làm được. Hình ảnh người tu sĩ dấn
thân giữa đời, là người của tình yêu giờ không còn nữa. Người tu sĩ được mời gọi
trở nên giống Đức Kitô tình yêu, nhân từ, sức mạnh và sự hiểu biết giờ còn đâu?
Và đây cũng chính là thách đố về
đức mến.
Trong thực tế, nhiều người trẻ đi tu là
để tìm kiếm một vị thế trong Dòng hoặc thể hiện mình trong các tổ chức của Giáo
Hội. Đôi khi, ý tưởng khởi đầu đời tu là sự quý mến hay khâm phục một tu sĩ đạo
đức thánh thiện nào đó. Thế nhưng, khi đã vào tu thì họ lại mong nhanh chóng được
làm linh mục để hoạt động, để được nhiều người biết đến, để được mọi người đánh
giá bằng khả năng tổ chức sinh hoạt bên ngoài, chứ không phải qua đời sống tâm
linh thánh thiện. Họ thích xuất hiện trước cộng đồng hơn là đọc kinh cầu nguyện.
Họ thích phục vụ ư? Tốt đấy, nhưng họ lại không phục vụ theo lòng mến giống như
Chúa Kitô, mà chỉ vì mục đích vụ lợi, đạt được cái gì đó cho bản thân. Trong đời
sống chung, người tu sĩ trẻ chỉ biết sống với tinh thần cạnh tranh thay vì giúp
đỡ nhau; thay vì sống tình huynh đệ cộng đoàn thì họ lại chỉ trích người này, tẩy
chay người nọ. Họ thiếu lòng cảm thông và sự chia sẻ cùng anh chị em trong cộng
đoàn. Lòng mến Chúa và yêu thương huynh đệ không còn nữa thì đời sống của người
tu sĩ trở nên nặng nề và không còn ý nghĩa nữa.
Các nhân đức nhân bản
Hơn bao giờ hết, thế giới này là một thế
giới “bầm dập” vì những chuyển biến, đang cần những chứng nhân thành tâm thiện
chí sống động. Chính vì thế, hơn ai hết, người tu sĩ phải thể hiện sự trưởng
thành trong đời sống nhân bản của chính mình. Họ cần phải có những động lực để
thúc đẩy tham dự vào những bước tiến vĩ đại của nhân loại, bằng việc sống ơn gọi
đích thực, bằng việc huấn luyện lương tâm, cảm thức về những giá trị đạo đức và
tinh thần, nhất là làm chứng tá cho những giá trị luân lý.[3] Đứng trước thực
trạng đó, người tu sĩ trẻ làm sao kiện toàn lý trí trong điều khiển các hành
vi? Làm sao tập trung ý chí trong việc chu toàn nghĩa vụ đối với tha nhân? Vững
vàng không tháo lui trước những gian nguy và kiểm soát được cảm xúc không chiều
theo bản năng mù quáng? Đây chính là thách đố về luân lý cho người tu sĩ trẻ.
Trước tiên, họ cần sự khôn ngoan để đọc ra được
các dấu chỉ của thời đại theo ý định Thiên Chúa như Phúc Âm đã từng nói đến
“Khôn ngoan như con rắn, đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16). Đó là sự khôn ngoan
trong tương quan với Thiên Chúa. Thế nhưng, người tu sĩ trẻ ngày nay dường như
tìm kiếm một sự khôn ngoan mà nói như thánh Phaolô là sự khôn ngoan của thế
gian, là khôn ngoan danh vọng và chức quyền. Sự khôn ngoan đóng một vai trò
quan trọng trong đời sống của người tu sĩ. Họ dùng để phân biệt điều tốt và điều
xấu, nhưng hiện nay sự phân biệt đó xem ra rất chủ quan. Họ còn dùng sự khôn
ngoan nhằm nắm bắt cơ hội cho bản thân mà không màng đến quyền lợi của người
khác, gây nên những bất công trong đời sống cộng đoàn.
Kế đến, sự công bằng cũng là thách
đố cho người tu sĩ khi mà cá nhân chủ nghĩa được đề cao. Mối tương quan giữa cá
nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đoàn cũng đòi hỏi sự công bằng, nhưng là đòi
hỏi theo cách cá lớn ép cá bé, hay bề trên cho anh xe gắn máy thì phải cho tôi
vi tính hoặc cái gì đó tương đương.
Thêm nữa, bước vào đời tu, người trẻ phải
lì, phải liều để dấn thân. Thiên Chúa không để ai bị thiệt hay chịu đựng quá sức
mình: “Ơn Thầy đủ cho con vì sức mạnh Thầy biểu lộ trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9).
Đó là lòng can đảm
và sức mạnh Chúa ban để chúng ta vượt qua chông gai thử thách. Tuy nhiên sự can
đảm không chỉ có thế, mà đôi khi phải chịu đựng gian khổ nữa. Thử hỏi bây giờ
có mấy người dám dấn thân vào những nơi cực khổ? Ngay trong cộng đoàn, họ dùng
sự can đảm để từ chối, để rút lui trước những khó khăn, dùng sức mạnh để đối đầu
anh em mình.
Cuối cùng, dù sống giữa đời thường hay
trong đời sống tu trì, thì việc giữ chừng mực trong hết mọi hành động vẫn là điều quan trọng.
Hơn nữa, là người tu sĩ thì chúng ta phải làm gương, nếu không chúng ta sẽ giảng
dạy như thế nào khi mà cuộc sống chúng ta chẳng ra làm sao. Người tu sĩ cần phải
kìm hãm những nhu cầu tự nhiên trong khuôn khổ chừng mực.
Thách đố khi sống ba lời khuyên Tin mừng
Trong một xã hội, đang khi con người đề
cao tiền bạc, vật chất, thì đời sống tu trì lại mời gọi người tu sĩ sống lời khấn
khó nghèo triệt để; đang khi con người sống hưởng thụ, thì người tu sĩ lại được
mời gọi sống khiết tịnh vì Nước Trời; đang khi con người đề cao cái tôi cá
nhân, thì người tu sĩ lại được mời gọi sống vâng phục tuyệt đối theo gương Đức
Ki-tô, “Đấng đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Đó chính
là thách đố khi người tu sĩ giữ ba lời khuyên Tin mừng.
Khó nghèo
Không ai trong chúng ta muốn sống nghèo,
nhất là trong xã hội mà người ta đang đề cao tiền bạc, hưởng thụ và cái nghèo bị
coi là điều bất hạnh. Người tu sĩ trẻ cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy đó và đây
là một thách đố. Thực tế, nếu người tu sĩ trẻ tự nguyện sống nghèo, sống giản dị
thì cũng rất khó, bởi những tác động của nội cảnh và ngoại cảnh. Nhìn ra xã hội,
chúng ta thấy đủ loại hình thức quảng cáo, tiếp thị khuyến khích người trẻ hưởng
thụ những tiện nghi vật chất, nhưng lại hạ thấp và quên đi những giá trị tinh
thần cao đẹp của con người. Nhìn vào bạn bè cùng lứa tuổi thì họ đã có sự nghiệp,
gia đình ổn định, còn mình thì chẳng có gì cả. Từ những so sánh tính toán đó,
người tu sĩ trẻ dễ rơi vào những cám dỗ về phương tiện vật chất. Họ nghĩ muốn học
hành, phục vụ cần phải có vi tính xách tay, xe gắn máy thật “xịn”để dễ dàng di
chuyển chỗ này chỗ kia, làm cho được việc. Ban đầu, ý tưởng có đủ điều kiện vật
chất để thi hành công việc là một điều tốt. Thế nhưng sau đó, ý hướng này đã bị
lạm dụng bởi những nhu cầu không chính đáng. Những tài sản có được do khéo xin
xỏ thì ai cũng bo bo giữ cho riêng mình, không dám chia sẻ cùng anh chị em
trong cộng đoàn. Cứ thế, người tu sĩ bị bao phủ bởi những vật chất có được, khó
lòng từ bỏ. Lời khấn khó nghèo trở nên nặng nề hoặc có thể bị xuyên tạc để trở
nên dễ dàng hơn.
Vâng phục
Thế hệ trẻ ngày nay tỏ ra đầy tính cách duy lý,
họ tìm cho mình một lập trường và có thể tự cho rằng đã đủ để mạnh dạn phê bình
người khác. Nhiều tu sĩ trẻ dựa theo lập trường, theo kiến thức, sự hiểu biết của
mình mà không chịu nhận mình sai sót. Có nhiều người còn lợi dụng tinh thần tự
do dân chủ để phản đối lại những quyết định của bề trên. Họ lẩm bẩm kêu ca khi
bị truyền phải vâng phục, “bằng mặt mà không bằng lòng”. Họ quên rằng, lời khấn
vâng phục mà họ đã tuyên khấn là vâng phục Thiên Chúa, và bề trên chỉ là người
thay mặt. Một cách nào đó, mọi người, đặc biệt các vị bề trên cũng đã có cái
nhìn cởi mở hơn trong khi thực hiện quyền bính trên các người trẻ. Họ tôn trọng
những giá trị riêng biệt của từng cá nhân. Họ lắng nghe người trẻ một cách tích
cực và cảm thông hơn. Thế nhưng, không vì thế mà các tu sĩ trẻ quá coi thường,
thiếu sự tôn trọng.
Khiết tịnh
Khi cuộc sống tu trì gặp khủng hoảng,
căng thẳng, không còn niềm vui, mà cộng đoàn không thể chia sẻ thì người tu sĩ
trẻ dễ đi tìm sự khoả lấp từ bên ngoài. Khi tâm hồn trống vắng, họ sẽ tìm đến với những niềm vui mà
chính họ cũng không nghĩ là sẽ gặp trong cuộc đời. Bên cạnh đó, các phương tiện
truyền thông như báo chí, truyền hình, Internet… truyền tải những hình ảnh độc
hại, nội dung đồi truỵ dễ lôi kéo người tu sĩ trẻ vào việc thoả mãn những nhu cầu
tâm sinh lý khi đang khủng hoảng. Họ không còn cảm nhận được niềm vui khi phục
vụ người khác, đặc biệt những người bất hạnh. Họ không thấy được hạnh phúc khi
đến với tha nhân, khi sống cùng cộng đoàn. Họ coi cộng đoàn là địa ngục, tha
nhân là gánh nặng. Họ vùng vẫy trong đam mê, trong yếu đuối của xác thịt. Lời
khấn khiết tịnh đã trở nên gánh nặng, đè bẹp cuộc đời đáng ra rất hạnh phúc của
họ.
Tạm Kết
Cuộc sống chúng ta luôn có những thách đố
và khủng hoảng. Hành trình làm con Chúa cũng tồn tại nhiều nghi ngờ và e ngại.
Dấn thân theo Đức Kitô, để trở thành người môn đệ đích thực của Người cũng thật
chông gai và nhiều cam go. Chúng ta luôn mong tìm được một hướng đi nào đó
thích hợp, bớt được những khó khăn thì mãn nguyện và hạnh phúc. Thế nhưng, điều
này còn nhiều bước cản, vì con người thì giới hạn mà khát vọng lại vô cùng.
Vì thế, người tu sĩ trẻ ngày nay cần phải
đọc ra được những dấu chỉ của
thời đại. Họ cần đọc được ý Chúa muốn nói với mình điều
gì qua những biến cố, những sự kiện của bản thân, của những người xung quanh,
cũng như những sự kiện của xã hội. Nếu con người không thể sống thiếu cơm bánh,
thì có thể nói người tu sĩ trẻ cũng không thể sống thiếu Lời Chúa: “Người ta sống không
chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4). Nhờ
Lời Chúa, người tu sĩ sẽ biết được sự yếu đuối của bản thân, để biết cậy dựa,
tin tưởng vào một mình Chúa mà thôi.
Cuối cùng, người tu sĩ trẻ cần thực hiện
ba điểm chính yếu của đời tu, đó là: tìm kiếm Thiên Chúa, sống tinh thần hiệp
thông huynh đệ và phục vụ người khác. Những người sống trong ơn gọi tu trì hãy
cố gắng làm chứng cho mọi người thấy rằng, ai cũng được mời gọi nên thánh. Đồng
thời, họ phải là gương sáng cho người Kitô hữu lẫn người ngoài Kitô giáo về
lòng yêu thương tha nhân, nhất là những anh chị em gặp nhiều đau khổ trong xã hội.
Trong một thế giới không còn ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện của Thiên Chúa nữa,
thì người tu sĩ phải trở thành chứng nhân đầy sức thuyết phục về một Thiên Chúa
Tình Yêu và về đời sống vĩnh cửu mai sau.
Trong đời sống cộng đoàn, người tu sĩ phải
làm chứng về các giá trị của tình huynh đệ và sức biến đổi của Tin Mừng. Tất cả
những ai bước vào đời tu đều được mời gọi trở thành người đi đầu trong việc tìm
kiếm Chúa, một sự tìm kiếm luôn làm dao động lòng người và được bày tỏ hết sức
rõ ràng bằng nhiều hình thức tu đức và đời sống tâm linh. Sống cộng đoàn, làm
chứng trong thinh lặng và bình an là hình thức thôi thúc mọi người xây dựng một
sự hòa hợp lớn hơn trong xã hội. Sống nghèo khó và từ bỏ trong thinh lặng, sống
thanh khiết và chân thành, sống quên mình trong tuân phục, tất cả những điều ấy
trở nên lời chứng hùng hồn cho bối cảnh ngày nay.[4]
(trích Nội San Chia sẻ số 62)
Văn Hoàng, OP