Ơn thiên triệu _ tản mạn về ơn gọi và đời sống linh mục

TẢN MẠN VỀ ƠN GỌI
VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC
(Tĩnh Tâm Linh Mục Tháng 7 Năm 2013)
Cha Bernard Haering, thần học gia của công đồng Vatican II, từng có những phê bình thẳng thắn về những khủng hoảng của đời sống linh mục thời hậu công đồng... đã đưa ra tiêu chuẩn về linh mục như sau: thứ nhất, đạt đến mức độ trưởng thành trong đức tin và lòng mến; thứ hai, biết thấu cảm hoàn toàn với cảnh sống của dân; thứ ba, đặc biệt quan tâm đến người nghèo, bệnh tật, đau khổ.  
giaophanphucuong.org
Dẫn nhập
Nhân kỷ niệm ngày thụ phong linh mục của một cha sở, giáo xứ tổ chức rất chu đáo. Thánh lễ cử hành long trọng. Kết thúc Thánh lễ có lời cám ơn thật hay của ban đại diện giáo xứ nhà và các giáo xứ ngài đã từng phục vụ. Nhìn chung đều ca ngợi công lao của vị cha sở già hơn bốn mươi năm sống trong chức linh mục. Sau lời chúc là việc tặng hoa, tặng quà. Vị cha già đón nhận những lời chúc và quà cáp cách xúc động. Sau lễ đến lạc. Tiệc cũng dọn ra linh đình, vui vẻ! Quý cha cùng với giáo dân cùng dự tiệc chung vui với ngài. Trong chương trình văn nghệ, Cha sở già có những câu đố vui kèm phần thưởng cho bà con giáo dân nhằm làm cho buổi tiệc thêm phần sôi nổi. Câu hỏi nêu lên: linh mục là ai? Một loạt cánh tay đưa lên xin trả lời. Người thì bảo là người loan báo tin mừng thay Chúa. Người thì bảo là làm chứng cho Chúa Kitô. Kẻ khác lại bảo là người được mời gọi để nên người phục vụ cho Chúa và Giáo hội… Câu trả lời nào vị cha Sở già cũng lắc đầu. Lúc bấy giờ Ngài mới lên trả lời cách ngắn gọn: Linh mục là Alter Christus, là Chúa Kitô khác. Cả hội trường rồ lên. Dễ thế mà không biết! Mà đúng là không biết thật!
Giáo dân không mấy người biết Alter Christus là gì. Một hạn từ mang tính bí tích và thần học, theo các văn kiện của công đồng Vaticanô II. Họ chỉ hiểu chức linh mục và trả lời nó theo suy nghĩ và kinh nghiệm đức tin của họ như họ từng tiếp xúc và sống với các cha. Những câu trả lời của họ không sai vì nó xuất phát từ các việc mà linh lục làm hằng ngày. Họ suy nghĩ về chức linh mục sao cho phù hợp với thế giới quan của họ. Thế nhưng có nhiều điều để chúng ta suy nghĩ về chức linh mục của chúng ta và cả về cách sống của chúng ta nữa. Chúng ta là linh mục. Khi nói là linh mục, chúng ta nhấn mạnh tới căn tính linh mục của chúng ta. LÀ alter christus. Cái làm nên căn tính của chúng ta là Chúa Kitô, là Đầu và là Mục Tử. Cái LÀ ấy không ai có thể lấy đi được. Khi nói về căn tính, là chúng ta dựa trên ân ban nhưng không Chúa ban cho chúng ta. Nói cách khác, chính Chúa chọn chúng ta làm linh mục và chúng ta đáp trả cách tự do lời mời gọi đó để thực hiện sứ mạng Ngài giao phó. Chức linh mục nhìn từ thế giới quan của Chúa Kitô và Giáo hội, chúng ta gọi đó như là những suy tư chức thánh này từ bên trên hay từ bên trong. Căn tính hay bản chất của chức linh mục này làm nên chất mục tử của chúng ta. Nhưng dân chúng thì khác. Họ nghĩ về chức linh mục từ bên ngoài. Họ nhìn thấy và phản ảnh nó qua con người linh mục cụ thể. Từ hai phía này tuy không lúc nào cũng trùng khớp nhau nhưng có vai trò bổ trợ. Dân thấy sao nói vậy. Linh mục không sống theo tiếng khen hay đòi hỏi của họ nhưng sống đúng căn tính của mình. Nhưng cũng không vì thế mà vượt qua dư luận, dẫm trên dư luận. Không phải cái gì họ phê phán cũng đúng, không phải cái gì họ phản ánh cũng thật, nhưng nếu họ phê phán đúng, chúng ta phải suy nghĩ để điều chỉnh trước những phê bình của dân. Vậy chúng ta đặt ra vấn đề này để cùng suy nghĩ, chúng ta đã sống đúng căn tính của chúng ta chưa, nói khác là chúng ta đã trở nên mục tử như lòng Chúa mong ước chưa? Và chúng ta có đáp ứng được những kỳ vọng tốt lành của giáo dân chưa?
Người ta nói về chúng ta - là những linh mục.
Xưa nay, thường chúng ta nghe chúng ta nói về chúng ta, là linh mục nói về chức linh mục. Giáo hội nói về chức linh mục. Các nhà thần học nói về chức linh mục. Nói chung, nhìn từ bên trên và bên trong, chức linh mục thật tuyệt vời! Chức linh mục tuyệt vời vì ánh lên vẻ đẹp khuôn mặt Chúa Giêsu Mục Tử. Vị mục tử duy nhất, thánh thiện, tốt lành. Mục tử dám hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Tự căn tính chức linh mục thật đẹp, ít nhất là về mặt lý thuyết. Chức linh mục tốt lành vì đó là quà tặng của Chúa Giêsu cho Giáo hội và cho nhân loại. Linh mục là người thừa hành và thi hành sứ mạng Chúa Giêsu trao phó. Có thể nói linh mục là toàn thể ước muốn của Chúa Giêsu trong Giáo hội. “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước”(Gr 3,15). Linh mục xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của con người và trên hết là ân ban của Chúa, vì Ngài biết dân của Ngài cần gì. Quà tặng nhưng không ấy thật vô giá vì nằm ngoài khả năng của Ta. “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Mỗi lễ phong chức linh mục, chúng ta vẫn được nghe công bố đoạn tin mừng đó. Thật xúc động, sốt sắng và trang nghiêm. Mỗi lần chúng ta kỷ niệm chức linh mục, chúng ta vẫn nghe đoạn Lời Chúa quá quen thuộc này. Chức thánh và sứ vụ thiêng liêng Ngài ban cho chúng ta trong sự tin tưởng và hoàn toàn là ơn nhưng không. Lời thánh hiến đó còn mang trong chính nó sức nặng của sự kỳ vọng mà Chúa: trong tư cách mục tử, ngài muốn chúng ta sinh hoa trái tốt lành.
Thế nhưng, chúng ta nói về chúng ta thì coi bộ dễ. Giáo hội nói về chức linh mục thì tốt đẹp vì Giáo hội lấy cơ sở trên Lời của Chúa Giêsu. Mọi sự từ Chúa đều tốt đẹp! Tuy nhiên, thực tế thì đời sống linh mục không vì cái đẹp toàn thể ấy bao trùm, lập tức biến ta thành con người hoàn hảo như lòng mong ước của Chúa. Lọ lem không thể tức khắc biến thành công chúa! “Trở nên” là một quá trình biến đổi, có thời gian và qua từng bước. Linh mục vẫn là những con người cần được ơn Chúa biến đổi mỗi ngày để nên giống Chúa Giêsu, là Đầu và là Mục Tử. Và đó chính là khó khăn và thách thức cho đời sống linh mục chúng ta. Đó cũng chính là vấn đề mà dân chúng nghĩ về chúng ta. Thông tin về linh mục này thế này, linh mục kia thế khác, những linh mục xem ra khác Chúa Kitô. Không phải alter christus nhưng là anti christo.
Có người giáo dân chia sẻ, quý cha hằng ngày thường thường đòi hỏi giáo dân phải sống thế này thế khác nhưng tại sao giáo dân lại không được đòi hỏi quý cha sống thế này thế khác? Một câu hỏi đáng giá để ta suy nghĩ! Chúng ta đừng lấy làm lạ hay bị shock, bây giờ họ dám đặt vấn đề như vậy! Giáo dân người ta cho đó là quyền, quyền được kỳ vọng, quyền được đòi hỏi. Quyền ấy chính đáng? Chính Chúa Giêsu cho linh mục quyền lãnh đạo, chăn dắt. Nếu Chúa đòi hỏi linh mục phải trở nên giống Chúa, thế thì dân của Chúa cũng có quyền đòi hỏi linh mục trở nên mục tử tốt? Điều đó phù hợp với mong muốn của Chúa. Thế nhưng trong thực tế, vì văn hóa nể trọng từ xưa, vì sự nhút nhát khúm núm của giáo dân đã thành thói quen, thậm chí có sự chênh về “giai cấp” nếu có, nên rồi họ không dám nói về linh mục chúng ta cách công khai, không dám góp ý trực tiếp, nên họ tìm cách nói gần nói xa. Không dám công khai đòi hỏi linh mục, là cho Sở, cha Phó của họ phải sống thế nào, nên họ rỉ tai nhau.
Trong lễ phong chức, một Giám mục đã khuyên các tân linh mục của giáo phận ngài rằng, các con không được tạo ra một thứ tôn giáo hay văn hoá giáo sĩ trị. Chúng con trước hết sống trong Giáo hội để phục vụ. Biết nghe tiếng Chúa Giêsu mục tử và nghe cả tiếng réo rắt của đoàn chiên nữa! Nghe để sửa mình thì tốt. Là linh mục, chúng ta góp ý sửa sai nhau đã là khó, thì với giáo dân họ góp ý sửa chúng ta lại còn khó hơn. Không dám nói công khai, trực tiếp nên họ đem chuyện linh mục ra làm chuyện hành lang, chuyện để tán ở quán càfe, quán nhậu, chợ búa. Họ bàn tán từ râm ra đến sôi nổi, từ sôi nổi đến tràn lan. Hay chuyện mỗi bài giảng của chúng ta cũng là chủ đề cho họ bàn tán sôi nổi, khi ta soạn chưa kỹ hay giảng lặp đi lặp lại hoài một điều gì đó. Họ vẫn thường nói “máy bay không tìm được sân bay để hạ cánh”, tức không biết kết chỗ nào, giảng quá dài! Mỗi luật lệ chúng ta ra cũng làm cho họ đưa ra những ý kiến riêng, nhưng chỉ nói cho nhau nghe. Nhìn vào lối sống của chúng ta hay cách cư xử của chúng ta thôi, từ quán càfê cho tới chợ búa nhiều khi cũng bàn tán sôi nổi. Khoan hãy cho rằng họ nhiều chuyện, họ thế này thế nọ, họ không đồng tình hay phê phán. Mà thực tâm xét lại nhiều khi họ nói cũng có nhiều phần đúng.
Rõ ràng ở Việt Nam, linh mục vẫn còn được rất nể trọng. Kể cả chính quyền cũng nể trọng chúng ta chứ nói gì đến giáo dân. Nhiều lần tiếp xúc với giới quan chức chính quyền, họ vẫn nễ trọng về học thức và địa vị trong xã hội của chúng ta. Văn hoá nễ trọng này vừa có lợi và cũng vừa có hại cho chúng ta. Giáo dân họ nói về chúng ta, chứng tỏ họ vẫn quan tâm đến chúng ta rất nhiều. Họ muốn chúng ta thế này thế khác theo suy nghĩ của họ. Có những giáo dân tốt lành rất thao thức với đời sống Giáo hội. Họ cũng muốn được thấy một Giáo hội có những linh mục tốt lành, thánh thiện và đạo đức. Có một cụ già bị một linh mục nhỏ tuổi bằng tuổi con ông, la mắng ông như tát nước vào mặt. Ông bảo rằng ông không trách ngài, bởi trẻ người non dạ. Hằng ngày ông vẫn cầu nguyện cho ngài. Còn gì tốt bằng! Ông không trách linh mục ấy nhưng đừng cho rằng linh mục ấy cho phép mình bỏ qua những cái thiếu cần hoàn thiện, dù chỉ là nhân bản của con người! Những giáo dân lớn tuổi luôn dành cho linh mục chúng ta sự kính mến, dù chúng ta chỉ là con cháu của họ. Sự hiện diện hay viếng thăm của chúng ta làm cho họ rạng rỡ, vui mừng. Những cụ bà lớn tuổi còn bảo gặp được cha như gặp được Chúa! Quả là tốt lành biết bao. Những người già yếu, bệnh tật chúng ta có dịp gặp gỡ hay lúc đi trao Mình Thánh Chúa cho họ chẳng hạn. Họ suốt ngày đọc kinh và luôn nhớ cầu nguyện cho các cha. Quả thật Giáo hội của Chúa không thiếu những giáo dân tốt lành bên cạnh những linh mục thánh thiện. Nhưng cũng có nhiều lúc giáo dân buồn phiền vì linh mục chúng ta nhưng không dám nói!?
Giáo dân họ quý mến linh mục. Đó là điều tốt cho chúng ta. Nhưng cũng có khi sự quý mến đó làm hại linh mục. Họ quý mến quá khiến ta tưởng mình “hoàn mỹ”. Không dám nói đó là sự hoang tưởng, nhưng nhiều lúc linh mục chúng ta lạm dụng. Và ngày này qua tháng khác khiến chúng ta mất đi sự nhạy cảm về sự cần thiết phải tự hoàn thiện mình. Sự thường, khi đi tham dự thánh lễ, có nhiều dịp nghe giáo dân ca ngợi cha Sở của họ, chúng ta hay nói với nhau rằng, họ đang ca bài “tôi tin kính một cha sở toàn năng.” Ý nói việc gì cha Sở của họ cũng rất giỏi. Chúng ta xầm xì với nhau rồi cười vui khoái chí! Nghe ca ngợi cha nào, chúng ta khó chịu. Chúng ta nhận ra và biết việc đó có khi hơi thái quá! Nhưng khi giáo dân ca ngợi chúng ta, chúng ta cũng lấy làm vui thích. Giáo sư Vương Trí Nhàn, một nhà văn hoá Việt đương thời gọi đó là “hội chứng tự mình mê mình”. Một thói xấu của người Việt. Linh mục chúng ta có khi cũng lạc vào mê cung “tự diễn biến” như thế.
Ngày nay, vì những nhu cầu mục vụ, giáo dân thường nắn đúc hình ảnh linh mục thánh thiêng theo kiểu thuần tuý mục vụ, chỉ thuần là con người của các công việc. Chúng ta vẫn thường nghe dân chúng khen cha của con trắng đẹp, cha của con hát hay như Nguyễn Sang, cha của con đánh bài “mánh” lắm, cha của con xây cất giỏi, xin tiền giỏi, cha của con làm hội đồng nhân dân Tỉnh, làm cho uỷ ban đoàn kết, làm mặt trận… Giáo dân rất đơn sơ và hồn nhiên! Không trách họ, vì thường họ thấy gì nói vậy. Từ sự đơn sơ đó, họ muốn biến linh mục trở thành những người phục vụ cho những nhu cầu của họ theo phương diện trần thế chứ không phải là người mục tử dẫn dắt đàn chiên đến đồng cỏ sự sống. Họ thích linh mục nổi tiếng trong xã hội chứ không chỉ dừng lại ở sự thánh thiện trong Giáo hội. Họ lẫn lộn giữa ơn gọi và chức vụ, giữa sứ mạng và nghề nghiệp đơn thuần! Họ phong tước ngôi sao cho linh mục trên một bình diện nghề nghiệp hay tài năng chứ không nhìn linh mục trong tư cách một con người thánh thiêng đúng nghĩa được tuyển chọn để thực hiện vai trò ngôn sứ, tư tế và vương đế. Vì yêu quý linh mục, giáo dân thậm chí chìu chuộng linh mục, kể cả những nhu cầu vật chất khiến cho linh mục khó sống các lời khuyên phúc âm, nhất là đức thanh bần! “Cha Sở của con đẳng cấp lắm!” Họ muốn cha sở của họ phải là nhất theo hạng biểu của họ, theo bậc thang đời. Được nâng niu, nhiều khi vậy, linh mục quen dần sự nuông chìu. Thế nên, như người con một được chìu chuộng trong gia đình, dễ sinh hư hỏng, chúng ta không đến nỗi hư hỏng nhưng cũng sống khác với lý tưởng mà trong chọn lựa căn bản, chúng ta muốn nên giống Chúa Kitô: thanh bần, trong sạch và vâng phục. Và nhiều hệ luỵ kéo theo: khi linh mục giảng dạy đạo lý của Chúa họ bảo biết rồi khổ lắm nói mãi. Ta nói về sự nghèo khó, họ bảo cha giàu thấy mồ, ta nói về sự tiết độ, họ bảo cha cũng ăn uống thoải mái… Đó là một cản trở trong việc tự do rao giảng Tin Mừng. Khi Tin mừng của Chúa bị giảm thiểu xuống thành thứ đạo đức của trần thế, Tin mừng không còn mang giá trị phổ quát, Tin mừng từ từ mất dần tính công giáo?
Chúng ta nói với chúng ta: linh mục với linh mục
Hội Thánh qua các thời luôn có những mẫu gương linh mục hay những người sống đời thánh hiến làm nức lòng người. Linh mục là phóng ảnh của Chúa Kitô trong Giáo hội hôm nay. Phóng chiếu lên các vị đáng kính đó, chúng ta thấy vì sao chức linh mục chúng ta vẫn đáng quý và được tôn trọng. Bởi đơn giản Giáo hội Chúa có những mục tử nhân lành. Nhưng không phải tất cả đều là mục tử nhân lành. Tuy vậy, cũng qua gương sáng đời sống thánh hiến của các mục tử nhân lành, chúng ta biết chúng ta cần phải sống thế nào.
Cha Thánh Maximiliano Kolbe, một linh mục Dòng Phanxicô thời Đệ nhị Thế chiến, đã tự nguyện chết thay cho một người đáng thương bị hành quyết cùng với chín người khác khi có một người trốn trại. Cha Kolbe tự nguyện chết thay cho người đàn ông xấu số, còn vợ và con. Tên chỉ huy đã vô cùng ngạc nhiên. Hắn hỏi Ngài: “mày là ai?” Cha Kolbe đã trả lời viên cai ngục tại Auswitchz: tôi là linh mục công giáo. [1] Câu trả lời hùng hồn, mạnh mẽ, xúc tích, và phản ánh đầy đủ ơn gọi và sứ vụ mà Ngài đang thực hiện. Ngài không trả lời tôi là Kolbê, là người Balan, là người Do thái, người miền nam hay miền bắc, chức vụ hay nghề nghiệp… nhưng tôi là linh mục công giáo. Tôi là linh mục nên tôi hy sinh cho người khác. Và thực sự linh mục là thế. Việc làm của Cha Kolbe, đối với tên cai ngục là việc làm ngu ngốc, đối với những tử tù khác, là việc làm của một người can đảm, vĩ đại. Nhưng đối với Hội Thánh Chúa và bản thân Cha Kolbe, đó là việc làm của một linh mục, hiến tế như Chúa Giêsu, chạnh lòng thương trước những người bất hạnh! Việc đó chẳng có gì là vĩ đại đối với người dám hiến tế và sống đúng với căn tính linh mục, nhưng lại trở nên xa xỉ và khờ dại đối với ai sống căn tính linh mục như một nghề nghiệp, biết toan tính hơn thua. Linh mục được mời gọi nên giống Chúa Giêsu là như thế, vì Chúa vừa là thượng tế dâng hy lễ, nhưng Ngài cũng vừa là lễ tế hy sinh dâng cho Thiên Chúa Cha (x.Dt 7,26-28). Linh mục cũng không thể khác đi được. Linh mục vì vậy khi sống căn tính là sống cho Giáo hội để cho Giáo hội sống, chết cho anh em mình để cho Chúa lớn lên.
Cha Kolbe đã nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Kitô. Mục tử hy sinh vì chiên của mình (x.Ga 10,11). Như đã nói, việc hiến thân này đối với người ngoài là vô cùng vĩ đại, nhưng đã là mục tử đích thực, thì đó là chuyện bình dị, là hy sinh chết di mỗi ngày. Vì thế, khi suy nghĩ về linh mục trong tương quan hữu thể với Thánh Thể, mỗi lần linh mục dâng thánh lễ, khi đọc lời truyền phép: “Này là mình Ta, này là Máu Ta” (x. Mt 26,26-28), đó không đơn thuần là lặp lại lời Chúa Kitô để rồi đi vào cuộc hiến tế đền tội, mà là lời tự hiến của chính linh mục cho sứ mạng được Chúa gọi mời. Trong đó cái TA của Chúa được lặp lại, nhưng cái Tôi của ta hao mòn đi mỗi ngày, chết đi mỗi ngày. Đức Bênêdictô diễn tả điều tuyệt vời này khi nói rằng đó là sự “tan chảy bản tính người và hoà tan nó vào trong bản tính Thiên Chúa”. [2] Hiến tế qua sự tự nguyện chết thay cho người khác của Cha Kolbe làm cho chúng ta nhận ra, linh mục và Chúa Kitô trở nên một. Qua sự hy sinh cho đoàn chiên, linh mục trở nên mục tử nhân lành giống Chúa Kitô.
“Tôi là linh mục công giáo”, câu nói chắc nịch của Cha Kolbe khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đó không là câu nói suông nhưng luôn gắn liền với một hành động đặc biệt, một sứ vụ khó khăn. Hành động và sứ vụ này diễn tả qua cách sống của chúng ta. Như sắc lệnh Presbyterorum Ordinis nhấn mạnh. Linh mục được tham gia vào quyền bính của Chúa để kiến tạo, thánh hoá và cai quản Thân Thể Người. Chúng ta là linh mục và vĩnh viễn là linh mục vì ấn tín của bí tích truyền chức. Chúng ta được Hội Thánh uỷ thác thi hành quyền của Chúa Kitô là Đầu mà hành động.[3] Thế nhưng không phải lúc nào hành động của chúng ta cũng giống hành động của Chúa. Đó chính là nan đề mà Giáo hội phải trực diện trong vô vàn những khó khăn đang ập đến cho sứ mạng của mình nói chung và chức linh mục nói riêng.
Đức Hồng Y F.x Thuận đã từng khắc khoải điều này. Khi ngài bị bắt lên tàu trong cuộc hành trình dài tù tội. Ngài tự hỏi, một TGM phó vừa được bổ nhiệm mà không nhận được nhiệm sở, không đoàn chiên, không nhà thờ chính toà, không bàn thờ dâng lễ… mất tất cả, ra đi chỉ có mỗi chiếc áo dòng và cổ tràng hạt trong túi… người ta cấm gọi ngài là Cha, là Đức Cha… phải làm sao đây? Ngài tự vấn. Vâng, Ngài là Nguyễn văn Thuận, là linh mục của Chúa, cần phải đi vào điều cốt yếu.[4] Bị cấm cách, ngài vẫn là linh mục. Không của cải hay quyền lực, càng nên giống Chúa Kitô khiêm hạ, thanh bần. Nhận ra được cốt lõi của ơn gọi linh mục nên Ngài đã sống linh đạo hy vọng trong suốt những tháng năm tù tội. Ý thức mình là linh mục, dù trong nghịch cảnh hay sự bi đát của trần thế mang lại, không vì thế mà chán nản, bỏ cuộc hay than van. Vẫn có thể tạo nên niềm vui trong những điều bi đát, vẫn có những sáng kiến lành thánh trong những khắc nghiệt hay tàn nhẫn mà con người tạo ra. Đó là sự khác biệt của các vị mục tử tốt lành thật sự và những mục tử làng nhàng.
Linh mục tốt lành, thánh thiện thì quý trọng ơn gọi của mình, họ biết họ là ai. Như nhà thần học Tin lành Dietrich Bonhoeffer diễn tả cách sinh động và quý giá về ơn gọi này. Ngài gọi đó là “ân sủng đắt giá như kho tàng chôn giấu trong ruộng sâu…Đó là lề luật vương giả của Chúa Kitô có thể khiến cho một người dám móc mắt mà quăng đi nếu nó gây trở ngại.” Chúng ta có dám quăng đi mọi trở ngại để nên giống Chúa không? Linh mục là một kho tàng quý giá của ơn ban từ Thiên Chúa. Nhưng nhiều khi chúng ta thi hành chức linh mục của chúng ta cách cẩu thả. Một con người thánh thiện như Chân phước Gioan XXIII cũng đã đã phải thốt lên như thế. Quả thật như thánh Phaolô đã diễn tả điều này trong câu nói để đời: kho tàng ân sủng chứa trong những bình sành dễ vở (x.2Cr 4,7). Con người linh mục chính là những bình sành dễ vở. Trong sứ điệp gửi các linh mục tĩnh tâm tại Ars, Đức Bênênđictô XVI đã gọi đó là “khoảng cách xa vời vô biên giữa ơn gọi của chúng ta và sự nghèo nàn của những lời đáp lại mà chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa.” [5]Vâng, luôn có một khoảng cách giữa mục tử Giêsu và chúng ta, những linh mục.
Cha Bernard Haering, thần học gia của công đồng Vatican II, từng có những phê bình thẳng thắn về những khủng hoảng của đời sống linh mục thời hậu công đồng và cũng từng bị những thành phần bảo thủ chỉ trích vì dám trực diện với những nan đề thực tiễn, đã đưa ra tiêu chuẩn về linh mục như sau: thứ nhất, đạt đến mức độ trưởng thành trong đức tin và lòng mến; thứ hai, biết thấu cảm hoàn toàn với cảnh sống của dân; thứ ba, đặc biệt quan tâm đến người nghèo, bệnh tật, đau khổ.[6] Nhìn từ ba tiêu chuẩn đó chúng ta nói với nhau về chính chúng ta?
1. Trưởng thành trong đức tin và lòng mến: “tôi biết tôi tin vào ai?” (2 Tm 1,12)
Lúc còn ở chủng viện, cha linh hướng vẫn thường nhắc nhở các đại chủng sinh, các thầy chớ coi thường đức tin đơn sơ của các cụ già, họ không lý luận nhiều như chúng ta, nhưng họ tin vào Chúa mạnh mẽ hơn chúng ta! Quả thật đức tin cần hiểu biết nhưng cũng cần điều ngược lại. Đức tin và lòng mến không cần một mớ lý thuyết suông để tranh luận hay cải vả. Có bài hát từ thời khó khăn các thanh niên vẫn hát: “Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi, phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới. Hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau, khích bác nhau cho cay cho sâu cho thật đau…” Chúa đặt linh mục để củng cố đức tin cho dân của Ngài như Chúa đã bảo Phêrô là phải củng cố đức tin cho anh em (x.Lc 22,32). Đức tin và lòng mến của chúng ta cần lắm những kinh nghiệm và va đập cụ thể vào trong cuộc sống mới biết ai tin Chúa mạnh mẽ hơn. Linh mục là người tin và làm cho người khác tin vào tin mừng cách tươi mới chứ không ngủ gật. Nhưng có khi linh mục làm cho giáo dân giảm sút lòng tin vì những việc mình làm, cách mình sống.
Có một linh mục đột ngột bị chẩn đoán ung thư. Ngài suy sụp nhanh chóng. Ngài chạy thầy chạy thuốc nhưng tình trạng càng nhanh tồi tệ. Ai đến thăm ngài cũng chỉ nói tới thuốc men và những phương án điều trị tốn kém nhưng không mấy khi nói về lòng cậy trông vào Chúa. Giáo dân khuyên ngài đi khấn chỗ này chỗ kia ngài lắc đầu bảo không cần! Rõ ràng không phải lúc nào Chúa cũng làm phép lạ nhưng có điều linh mục chúng ta trở thành chuyên gia khuyên nhủ và an ủi người khác, chuyên gia giảng dạy về lòng tin, nhưng trong trường hợp cụ thể của mình nhiều khi chúng ta mất phương hướng. Để đạt đến mức độ trưởng thành về đức tin và lòng mến không phải là xác quyết của chúng ta hay lời rao giảng, nhưng là những kinh nghiệm của đức tin hằng ngày vun đắp. Càng được thử thách, càng làm cho thêm dạn dày! Chúa Giêsu đã trải qua thời khắc khó khăn trong vườn Cây Dầu để thẩm định niềm tin và lòng mến Chúa Cha. Thánh Phaolô đã bảo rằng Chúa cũng phải qua đau khổ rồi mới học được vâng phục là thế nào! (x. Dt 5,8). Thánh Phêrô cũng trải qua kinh nghiệm chối thầy ba lần mới đạt đến sự trưởng thành về niềm tin và lòng mến, từ đó mới được Chúa uỷ thác trách nhiệm củng cố lòng tin cho anh em và mạnh dạn tuyên xưng: “lạy thầy con yêu mến thầy” (x. Ga 21,15-19). Không có vị thánh nào mà không bị thử thách về đức tin và lòng mến rồi mới đạt đến mức độ trưởng thành. Có nhiều khi chúng ta tưởng mình tin mạnh mẽ nhưng trong trường hợp cụ thể chúng ta thua niềm tin đơn sơ của một cụ già. Có khi mình tưởng mình làm việc cho Chúa và Hội thánh nhưng rồi chỉ đơn thuần là việc của con người. Làm sao trưởng thành trong đức tin được khi linh mục chúng ta chấp nhận những dễ dãi trong ơn gọi và sứ vụ của mình?
Mỗi lần có sự thuyên chuyển là mỗi lần lời ra tiếng vào nhiều sự, từ tài sản để lại cho tới nhân sự, từ sinh hoạt cho tới phong cách sống. Nó không nhiều nhưng lại mang hệ quả xấu.
Có lẽ bởi tư trang quá cồng kềnh nên việc đi hay ở trở nên khó khăn chăng? ĐHY J.Henry Newman bào chữa cho những nhập nhằng yếu đuối của linh mục trong một bài giảng: “con người chứ không phải thiên thần thi hành thừa tác vụ”. Phải chăng vì là con người nên khiếm khuyết và lầm lỗi của linh mục trở nên đáng thương và cần được thông cảm? Một cha sở kể lại kinh nghiệm, khi ngài biết tin chuyển đi xứ khác, một cha trẻ về thay. Trước khi tới xứ mới, cha trẻ ấy xin đến ở với ngài một thời gian để học hỏi, làm quen với cách làm việc, làm quen với các sinh hoạt của giáo xứ… Thật tuyệt vời biết bao khi các linh mục biết đặt lợi ích của Chúa và Hội thánh lên trên cái tôi của mình. Thế nhưng thực tế không phải luôn luôn như vị linh mục trẻ kia đã làm. Có nơi cha mới tới tìm cách xoá dấu vết của người củ. Thậm chí muốn “tẩy não” giáo dân cho quên đi kỷ niệm xưa với cha củ! Xưa nay, chúng ta vẫn thường kêu ca về tương quan giữa cha sở và cha phó đó sao, đó là chuyện dài nhiều tập? Giáo dân thì bị chia rẽ, phe của cha sở, phe của cha phó, nhóm này nhóm kia! Cha sở cha phó yêu thương nhau, lời rao giảng về tin mừng tình thương trở nên hữu hiệu hơn bao giờ, bằng không ngược lại, lời rao giảng đó trở nên sáo rỗng và bịp bợm! Nếu đã có những chuyện như thế chúng ta có thể dạy người khác về lòng mến và sự phục vụ, chúng ta có thể củng cố đức tin của dân được không?
Mỗi lần trong giáo phận nào có những chuyện đó, nó như vết dầu loang, khó mà ngăn lại sự tiêu cực nó gây ra. Đó là điển hình những “linh mục năng động đoảng”, muốn thể hiện mình. Chúa quá mờ nhạt trong đời họ! Ngược lại, có loại linh mục ngồi ì: khi thiếu sáng kiến và sự linh hoạt, chúng ta là những cổ máy linh mục. Quen làm theo chỉ thị, chúng ta mất đi tự do sáng tạo và vâng lời cách tối mặt! Đi theo lối mòn hay rập khuôn đường lối dẫn đến sự trì trệ và nhàm chán mà có khi chúng ta nghĩ đó là sự ổn định, an toàn và hiệp nhất! Có linh mục quy định giờ làm mục vụ và tiếp khách như công chức. Có linh mục sống khép kín trong căn phòng riêng của mình, chỉ ló nửa cánh cửa khi có ai gọi và đóng cửa khi họ về? Có linh mục bảo rằng giáo xứ của mình không cần lập hội đoàn nào hết, để cho hiệp nhất thì chỉ có một hội, đó là hội thánh!? Có linh mục bảo chẳng phải làm gì hết, chỉ làm lễ là đủ rồi, làm chi cho mệt! Sống một mình và ít va chạm, khi gặp chuyện, linh mục thường tỏ ra bộ mặt cau có, khó chịu, dễ nổi nóng, mất kiên nhẫn. Sống với những dễ dãi, chức linh mục chỉ hội tụ nơi công việc tầm thường. Đó chính là sự trệch hướng phản ánh sự thiếu trưởng thành trong đức tin, một đức tin tắm gội bởi sự năng động của Thánh Linh và lòng mến tha thiết mà linh mục dành cho Chúa và Hội thánh chứ không phải là những ngẫu hứng nhất thời. Khi trệch hướng, linh mục “bị cuốn vào cái chức”[7], “mơ tưởng đến sự nghiệp, những linh mục ngay từ đầu bận tâm săn đuổi các tước vị và những đặc quyền trong Giáo hội.”[8] Cha Haering phê phán như vậy. Timothy M.Dollan thì cho rằng: “Linh mục bị quy trách cho nhiều thất bại, ít di thăm giáo dân [hoặc chỉ thăm có một lần rồi thôi], giảng dở, phản trí thức.”[9] Có nhiều lý do để ta phản biện cho những phê bình này như bận việc xây cất, bận mục vụ này mục vụ khác ở xa, đi chơi, tiệc tùng, hay phải “trả nợ người” vì họ là ân nhân… Ta hay nghe các cha nói với nhau rằng lúc này bận lắm, quả thực thì lúc nào cũng bận hết! Có việc nào quan trọng hơn chuẩn bị một thánh lễ với một bài giảng chất lượng, suy gẫm sâu sắc hằng giờ trước Thánh thể và cử hành cách sốt sắng trang nghiêm, không bị phân tâm những chuyện khác? Nhờ bài giảng đó mà giáo dân được “sống dồi dào”! Một Đức Giám Mục đã nhắc nhở các linh mục về ba khuyết điểm của linh mục trẻ: nói nhiều, đi nhiều và uống nhiều! Nhà thần bí Thomas Merton nói cho rằng chúng ta nói nhiều vì chúng ta hời hợt, “nó không phát sinh từ sự tĩnh lặng nhưng từ sự bận rộn.” Và khi nói trong sự quá bận rộn, chúng ta không kịp suy nghĩ, nói “trước khi có cái gì để nói, ta sẽ trở thành người không biết nói”[10] Linh mục chúng ta ngày hôm nay dường như bận rộn quá nhiều, và lao vào quá nhiều ồn ào! 
2. Biết thấu cảm hoàn toàn với cảnh sống của dân: “tôi biết các chiên tôi, và các chiên tôi biết tôi” (Ga 10,14).
Là linh mục, chúng ta hãy đọc thật kỹ lưỡng những lời này của Chúa Giêsu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10, 11-15). Cái “tôi là” hôm nay không phải của Chúa Giêsu nữa mà đã được chuyển gia cho chúng ta. Đức Bênêđictô trong bài giảng bế mạc năm linh mục tại Rôma đã tha thiết mời gọi linh mục để cho tư tưởng này của Chúa Giêsu thấm nhập vào con tim của ta. “Thiên Chúa muốn chúng ta, trong tư cách là linh mục, trong một điểm nhỏ của lịch sử, chúng ta chia sẻ những quan tâm của Chúa đối với con người. Là linh mục, chúng ta muốn trở thành những người kết hiệp với sự quan tâm của Chúa đối với loài người, chúng ta giúp họ cảm nghiệm cụ thể sự ân cần của Thiên Chúa. Và trong lãnh vực được ủy thác cho mình, linh mục cùng với Chúa, phải có thể nói được: “Tôi biết các chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi”. Biết theo nghĩa Kinh Thánh, không phải chỉ là một sự biết hời hợt bên ngoài như ta biết số điện thoại của một người, ”biết” ở đây có nghĩa là gần gũi trong nội tâm với người khác, yêu mến họ. Chúng ta phải tìm cách ”biết” con người từ phía Thiên Chúa và vì Thiên Chúa; chúng ta phải đồng hành với họ trên con đường tình bạn với Thiên Chúa.”[11]
Nền tảng ơn gọi của linh mục là tình yêu. Cha Peter van Breemen cho rằng nền tảng của tình yêu khởi đi từ sự quan tâm. Có quan tâm đến dân chúng, chúng ta mới có thể thấu cảm và yêu thương họ. “Vấn đề không phải là tôi có thể làm gì với nó? Nhưng là tôi phải nhìn nó thế nào?”. [12] Nhìn để thấy, quan tâm để biết nó thế nào và kích thích trí não phải suy nghĩ để có những hành động từ con tim. Nhiều khi dân chúng chẳng cần chúng ta phải giải quyết những vấn đề nào của họ, hay chúng ta cho họ gì cả, họ chỉ cần chúng ta giành thời gian cho họ, quan tâm đến họ và cũng có khi tiêu tốn thời gian để nghe họ trải lòng. Những người Pharisiêu phàn nàn về sự “la cà” của Chúa Giêsu nơi nhà của phường thu thuế, tội lỗi, gái điếm. Chúa cũng thường đi lại với đám dân nghèo khổ bệnh tật. Ngài đến với họ bởi yêu thương họ. Ngài quan tâm đến từng cảnh đời bi đát của họ. Ngài không làm cho họ hết nghèo, không biến họ thành đại gia, không lấy hết đau khổ nơi họ, nhưng ngài cảm thấu từng người trong họ và dần làm cho họ tự thay đổi. Khi một linh mục biết quan tâm và cảm thấu hoàn cảnh của dân, ngài sẽ đem dân vào trong lời cầu nguyện, dâng nỗi thống khổ của họ trong hy lễ thánh thiện, khai phóng những sáng kiến mục vụ nhằm thăng tiến họ, yêu thương và chăm sóc họ như mẹ chăm sóc con. Khi quan tâm là nền tảng, tình yêu dành cho dân là căn cội, ta sẽ đặt lợi ích của Hội thánh lên trên mình, đặt Chúa vào trong ta, lúc đó cái tôi của ta hoàn toàn trống rỗng. Thánh Phaolô gọi đó là việc Chúa sống trong tôi.
Phong trào linh mục thợ từng có một thời bị chỉ trích nặng nề vì nhãn quan cho rằng “vị trí của một người công nhân hạng quèn sẽ không phù hợp với phẩm cách của chức linh mục”.[13] Thế nhưng phong trào đó lại là một sáng kiến đầy tình thương từ những trái tim biết thấu cảm của các mục tử. Nhờ việc đến với những người thợ trong các xí nghiệp, công xưởng mà chính các linh mục này nhìn thấu cuộc sống của từng con người và chia sẻ quan tâm đến họ. Và hẳn chúng ta cũng từng chia sẽ với nhau về những khó khăn của đời sống linh mục sau 1975. Có cha thì đi cải tạo, có cha thì phải làm ruộng với dân, chạy xích-lô, đi bán báo…Nhờ những kinh nghiệm quý báu đó mà chúng ta chia sẻ không những cuộc sống của dân mà còn được sống trong lòng họ nữa. Chúa đã đến thế gian và ngài không ở xa xa với dân nhưng đồng bàn với họ. Dân chúng cũng muốn chúng ta không chỉ hiện diện như là chủ chăn của họ nhưng còn thấu hiểu họ và gần gũi họ như một người bạn thân.
3. Quan tâm đến người nghèo, bệnh tật, đau khổ:
“Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được” (Mc 14,7).
Người nghèo, đau khổ, bệnh tật luôn có một chỗ đặc biệt trong trái tim của Chúa Giêsu. “Người nghèo thì lúc nào cũng có bên cạnh mình”. Giáo dân ngày nay phần lớn trong các xứ đạo là người nghèo, người đau khổ và bệnh tật. Nghèo về vật chất đã đành, nghèo cả tri thức, văn hoá, cách sống và nghèo cả những nỗ lực sống đạo nữa. Và ngày nay, con người đau bệnh và khổ sở không chỉ vì bệnh lý hay sự thiếu thốn thuốc men hay các phương tiện điều trị nhưng còn bị đau khổ và lâm trọng bệnh vì dư thừa những thứ văn hoá chết chóc. Vậy khi đối diện với cái nghèo, đau khổ và bệnh tật của họ chúng ta đã làm gì? Họ có một chỗ đặc biệt trong chúng ta không? Chúng ta luôn có người nghèo bên mình nhưng chúng ta đã quan tâm đủ chưa?
Mệ Têrêsa Calcutta đã bán đi chiếc xe hơi mà Đức Gioan Phaolô II tặng để lấy tiền cho những người nghèo khổ. Đó là một việc làm can đảm. Nhưng không hề dễ dàng đối với chúng ta hôm nay. Giống như Chúa đã nói với người thanh niên trong Tin mừng: “bán tài sản mà bố thí cho người nghèo.” (Mc 10,22). Có lẽ chúng ta cũng giống như người thanh niên kia, giữ các điều luật thật tốt nhưng bán hết tài sản thì e khó khăn. Chúng ta được Chúa chọn và sai đi với lời dặn phải vô sản (Mc 6,8-9), nhưng chúng ta lại có quá nhiều thứ cồng kềnh và đắt đỏ. Những chiếc điện thoại xa xỉ hay những vật dụng chúng ta đang dùng cũng chỉ là phương tiện nhưng nhiều khi nó làm tiêu tốn quá nhiều thời gian và quan tâm của chúng ta khiến thời gian chúng ta thật sự giành cho công việc thánh thiêng, giành cho người nghèo khổ bị teo tóp lại. Chắc ít ai trong chúng ta dám bán cái ta có để lo cho người nghèo một căn nhà, cho người nghèo phẫu thuật tim vài chục triệu, hỗ trợ cho học sinh nghèo học bỗng học phí… Vâng, chúng ta có cho, nhưng là xin từ ai đó chứ không phải của ta. Cái ta có có thể là chiếc xe, tài sản, tiền bạc… Chúng ta hứa sống thanh bần nhưng chắc chắn chúng ta không nghèo như dân? Đó cũng là một trở ngại cho linh mục trong việc quan tâm chăm sóc những người nghèo. Việc Đức Giáo hoàng Phanxicô có cung cách sống nghèo khó và giản dị, đã làm cho cả thế giới phải kinh ngạc. Đến nỗi có linh mục đã phải thốt lên: “Cha mới lên ngôi Giáo hoàng mấy ngày mà chúng con thấy nhột quá.” [14] Đọc những lời chân tình của De Mateo chúng ta nhột thật! Không nhột sao được khi mà phong thái thánh thiện và cách sống giản dị của Ngài có vẻ khác lạ với phần đông linh mục?
“Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau để khích lệ nhau trong đức bác ái và trong việc lành” (Dt 10,24). Sứ điệp mùa chay 2012 của Đức Bênêđictô đã cho chúng ta một hướng dẫn cụ thể về việc quan tâm này. Chúng ta quan tâm đến người nghèo và đau khổ và nhận thức đó là thực tại tăm tối. Không chỉ là phương tiện vật chất chúng ta có thể cung ứng, có thể cho, nhưng trên hết “sự quan tâm đến người khác bao gồm ước muốn cho họ điều thiện hảo, dưới mọi khía cạnh: thể lý, luân lý và tinh thần”. Đó là một trách nhiệm nặng nề và không hề dễ dàng cho sứ vụ linh mục trong Giáo hội hôm nay. Ngày hôm nay, có nhiều cái làm cho người ta nghèo và đau khổ như đã nói. Như người môn đệ Chúa sai đi chỉ mang cây gậy. “Người mục tử cần cây gậy để chống dã thú muốn xông vào đoàn chiên; chống lại những tên cướp muốn cướp chiên. Cạnh cây gậy có côn trượng nâng đỡ và giúp mục tử tiến qua những giai đoạn khó khăn. Cả hai vật đều thuộc về thừa tác vụ trong Giáo hội, trong sứ vụ linh mục. Cả Giáo hội cũng phải dùng cây gậy mục tử, cây gậy để bảo vệ đoàn chiên chống lại những kẻ gian trá giả mạo, chống lại những đường hướng trong thực tế chỉ làm mất hướng đi. Chính việc sử dụng cây gậy mục tử có thể là một việc phục vụ vì tình thương.”[15]
Như thế, với sứ mạng được trao phó, người nghèo được trao vào tay chúng ta để ta chăm sóc, đem họ vào trong những quan tâm mục vụ hàng đầu của chúng ta. Không những thế, chúng ta còn phải bảo vệ họ khỏi những thế lực của sự dữ, tránh xa những học thuyết lầm lạc và vô nghĩa làm cho họ càng nghèo thêm về tinh thần. Linh mục, chúng ta hãy dẫn dân đi trên đồng cỏ màu mở của Lời Chúa để làm giàu đức tin cho những người nghèo và mang lại hy vọng cho những người đau khổ!
VẤN TÂM
Chúng ta cùng nhau đọc lại lời khuyên nhủ chân thành của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma:
1 Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.
2 Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.
3 Dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi xin nói với từng người trong anh em: đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho.
4 Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng,
5 thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Ki-tô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể.
6 Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin.
7 Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo.8 Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm.
9 Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành;
10 thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình;
11 nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.
12 Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.
13 Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.” (Rm 12)
Được gọi mời làm men làm muối cho đời, linh mục chúng ta thực sự đáp ứng được kỳ vọng của Chúa Giêsu? Chúng ta sống xứng hợp với ơn gọi chúng ta trong căn tính và cả cách sống? chúng ta có đủ khiêm nhường để nhận thật những yếu kém và quyết tâm sửa đổi?
HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU
Cha Anthony de Mello kể chuyện một ký giả đến thăm vị ẩn sĩ và đặt câu hỏi: “người ta nói thầy là một thiên tài, có đúng vậy không thưa thầy?”
“Bạn có thể cho là như vậy!” Vị ẩn sĩ trả lời.
Vị ký giả thấy khó chịu, ông hỏi thêm: “vậy cái gì làm cho người ta thành người thiên tài?”.
Vị ẩn sĩ trả lời: “đó là khả năng nhìn!”
“Nhưng nhìn cái gì?”, ký giả thấy lúng túng.
Vị ẩn sĩ thủng thẳng trả lời: “nhìn thấy con bướm trong con sâu, thấy con phượng hoàng trong quả trứng, thấy vị thánh trong con người ích kỷ”.
Vâng, chỉ có một Đấng đã nhìn thấy tường tận con người chúng ta, nhìn thấy những cố gắng trong yếu đuối của linh mục chúng ta, nhìn thấy sự bất toàn trong con người nhiều lỗi lầm của chúng ta. Quan trọng hơn ngài thấy và trao ân sủng của ngài vào trong ta là những bình sành dễ vở. Ngài thấy vị thánh trong con người ích kỷ của chúng ta. Cuối cùng rồi chúng ta phải nhận ra điều đó. Chúng ta là những linh mục đầy khiếm khuyết cần được nâng đỡ, cần được tha thứ. Linh mục chúng ta ước gì hằng ngày giành thời gian nhiều cho việc vấn tâm và chuẩn bị chu đáo cho việc ra trước toà Chúa. Mong rằng tư trang của chúng ta không phải là của cải trần thế mà là giá trị tình yêu chúng ta đã chắt chiu sống và ban tặng cho người khác. Nhớ là ngài ban cho chúng ta đầy tràn dư dật, và chắc chắn ngài cũng sẽ đòi lại thật nhiều nơi chúng ta!
====
[1]Timothy M. Dolan, Linh mục cho ngàn năm thứ ba, p.303
[2]Bênêđictô XVI, Từng ngày với ĐGH Bênedictô XVI, ngày 22 tháng 6
[3]Công đồng Vatican II, sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 2
[4]ĐHY F.x Nguyễn Văn Thuận, Chúng nhân hy vọng, p.32-33
[5] VietCatholic News (02 Oct 2009 05:11): ARS. Chiều thứ bẩy 3-10-2009, tuần tĩnh tâm dành cho các linh mục quốc tế sẽ kết thúc sau 1 tuần tiến hành tại Đền thánh Gioan Maria Vianney, họ Ars bên Pháp với chủ đề ”Niềm vui của linh mục được thánh hiến cho phần rỗi của thế giới”.
[6]Bernard Haering, Giáo Hội Cần Loại Linh Mục Nào?, trong chương nói về khuôn mặt linh mục trước và sau công đồng Vatican II và những cuộc khủng hoảng trong đời sống linh mục ngày nay (p.164-).
[7]Timothy M. Dolan, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba ,p.308
[8]Bernard Haering, Giáo Hội Cần Loại Linh Mục Nào?, p.77
[9]Timothy M. Dolan, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, p.309
[10]Phêrô Nguyễn Khảm, Hồng Ân Giảng Thuyết, p.153-154
[11] VietCatholic News (11 Jun 2010 16:05): Bài giảng của Đức Thánh Cha bế mạc Năm Linh Mục.
[12]Peter van Breemen S.J, Got who won’t let go, p.110
[13]Bernard Haering, Giáo Hội Cần Loại Linh Mục Nào?p. 77
[14]http://vietcatholic.net/News/Html/105126.htm
[15] VietCatholic News (11 Jun 2010 16:05): Bài giảng của Đức Thánh Cha bế mạc Năm Linh Mục