Giáo
Lý Phúc Âm
LỄ
THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI
Ngày 11.10.1992, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ra tông huấn “Kho Tàng Đức
Tin” (the Apostolic Constitution Fidei depositum) để công bố sách Giáo Lý Hội Thánh
Công Giáo. Kho tàng Đức tin tức Thánh Kinh và Thánh Truyền. Đó là những chân lý
đức tin được mạc khải cho các tông đồ và các tông đồ truyền lại cho chúng ta.
Nên Giáo Hội Công Giáo được gọi là Giáo Hội Tông Truyền là vậy.
Phúc Âm nói
về Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Kitô giáo. Phúc Âm nguyên là những bài giáo lý
được các tông đồ giảng dạy khi đi truyền đạo. Nên tôi dùng tên gọi “Giáo Lý Phúc
Âm” để trình bày giáo lý Công Giáo dựa trên Phúc Âm, tức những bài giáo lý sơ
khai của các tông đồ.
Giáo Lý Phúc Âm trình bày Phúc Âm Chúa Nhật
qua hai phần chính là:
Giáo
huấn Phúc Âm: Phúc Âm muốn dạy điều gì?
Vấn nạn
Phúc Âm: Cắt nghĩa những gì cần hiểu để nắm vững giáo lý.
Có phần phụ
thêm được gọi là Thực hành Phúc Âm. Đây không là giáo lý hay giáo huấn mà chỉ
là những chia sẻ kinh nghiệm sống cá nhân. Không hẳn phù hợp cho mọi người. Ước
mong Lời Chúa hay Phúc Âm Chúa Nhật được đọc nhiều, được dễ hiểu hơn và dễ áp
dụng trong cuộc sống thường nhật.
Cầu xin
Chúa ban ơn và chúc lành cho tất cả chúng ta trong cố gắng nầy.
Lm.
Phêrô Trần thế Tuyên
Ngày đầu
năm dương lịch.
LỄ
THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI, NĂM A, B & C
Ds
6.22-27; Gl 4.4-7; Lc 2.16-21
I. Giáo
Huấn Phúc Âm
Đấng Cứu
Thế sinh làm con người như chúng ta. Ngài có Cha, có Mẹ.
Những người
nghèo khổ như các mục đồng sớm nhận được ơn cứu độ.
Đấng Cứu
Thế sinh làm người, tuân giữ mọi luật lệ của tôn giáo và xã hội như phải làm lễ
cắt bì và đặt tên sau khi sinh được tám ngày.
II. Vấn
nạn Phúc Âm
Họ tên đầy
đủ của Chúa Giêsu?
Người Do Thái
và những dân quốc chung quanh Do Thái thời trước Công Nguyên đều chỉ có tên gọi
chứ không có tên họ. Nên trong Phúc Âm Thánh Matthêô 1.1-17, kể về gia phả Chúa
Giêsu, chúng ta đọc thấy như thế nầy: “Abraham sinh Isaác – Isaác sinh Giacóp….
Giacóp sinh Giuse, chồng bà Maria, Bà là Mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô”.
Tên gọi “Giêsu” của Chúa Giêsu là do sứ thần Chúa đã truyền là phải “đặt tên
cho con trẻ là Giêsu” khi truyền tin cho Đức Mẹ như được tường thuật trong Phúc
Âm Thánh Luca chương 1 đoạn 26-38. Giêsu trong tiếng Việt được nhái âm với Iesous
trong tiếng hy Lạp và Yehoshua trong tiếng Do Thái hay Joshua trong tiếng Do Thái
Cựu Ước. Joshua có nghĩa Thiên Chúa cứu độ.
Chúng ta cũng
thấy những tên khác như Kitô phát xuất từ nguyên ngữ Hylạp Chi và Ro, ghép
thành Christos có nghĩa là Đấng được xức dầu. Nên Kitô là tước hiệu chứ không
phải là tên gọi của Chúa Giêsu. Nếu không có tên họ thì làm sao phân biệt những
người trùng tên? Người Do Thái và những dân quốc trong vùng thời trước Công
nguyên rất tôn trọng Cha mẹ và tổ tiên dòng họ mình, nên thường để phân biệt
việc trùng tên gọi, họ sẽ nói là Joshua ben - có nghĩa là Giêsu con Ông Giuse,
thợ mộc hay Giêsu thành Nagiarét.
Ngày nay người
Do Thái có tên họ như những người khác. Do Thái mất nước từ năm 70 sau Công
nguyên. Họ bị phân tán đi khắp nơi trên thế giới. Cách chung họ chia thành hai
cánh: Cách Sephardic là những người Do Thái sống tập trung chung quanh Địa
Trung Hải và cánh Ashkenazim sống phần nhiều ở Âu Châu đặc biệt Đông Âu. Gần
hai mươi thế kỷ mất nước sống trà trộn với nhiều sắc dân trên thế giới, người
Do Thái không có quê hương và không muốn dùng địa danh của đất nước mình đang
sinh sống, nên họ dần dà chọn tên Họ cho mình. Hiện tại đa số người Do Thái đều
có tên họ, thí dụ thủ tướng Do Thái tên Benjamin Netanyahu.
Lễ cắt
bì là gì?
Cắt bì tức
cắt bỏ một chút da qui đầu của bé trai sơ sinh.
Cắt bì có
từ rất lâu đời trong lịch sử nhân loại. Tập tục nầy đã thấy ở Ai Cập từ năm
2300 trước Chúa Giáng Sinh. Người ta không tìm thấy văn bản cắt nghĩa việc cắt
bì, nhưng đấu vết cắt bì vẫn còn ở các tượng đàn ông trần truồng ở Ai Cập.
Ngũ Kinh trong
Kinh Thánh Cựu Ước nói nhiều về ý nghĩa và việc thực hành cắt bì như trong Sáng
Thế Ký 17.10-14 tường thuật lệnh truyền của Chúa như sau: “Đây là giao ước của
Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi
sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì. Các ngươi phải
chịu cắt bì nơi bao quy đầu: đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với các ngươi.
Sinh được tám ngày, mọi con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì, từ thế hệ
này qua thế hệ khác, kể cả nô lệ sinh trong nhà, hay nô lệ các ngươi dùng bạc
mà mua của bất cứ người ngoại bang nào không thuộc dòng dõi các ngươi. Buộc
phải cắt bì nô lệ sinh trong nhà cũng như nô lệ mua bằng bạc. Giao ước của Ta
ghi dấu trong xác thịt các ngươi, sẽ thành giao ước vĩnh cửu. Kẻ không được cắt
bì, người đàn ông con trai không được cắt bì nơi bao quy đầu, sẽ bị khai trừ
khỏi dòng họ: nó đã phá vỡ giao ước của Ta."
Luật cắt bì
được áp dụng triệt để, đến nỗi Abraham, 99 tuổi cũng chịu cắt bì, với Ismael và
những nô lệ trong nhà Ông. Điều nầy được ghi rõ trong Sáng thế Ký 17.23-27 “Ông
Áp-ra-ham dẫn Ít-ma-ên con ông, mọi nô lệ sinh trong nhà ông và nô lệ mua bằng
bạc, mọi đàn ông con trai trong số người nhà của ông, đem đi cắt bì nơi bao quy
đầu của họ trong chính ngày ấy, như Thiên Chúa đã phán với ông. Ông Áp-ra-ham
được chín mươi chín tuổi khi chịu cắt bì nơi bao quy đầu. Ít-ma-ên, con ông,
được mười ba tuổi khi chịu cắt bì nơi bao quy đầu. Trong chính ngày ấy, ông Áp-ra-ham
và Ít-ma-ên, con ông, chịu cắt bì; mọi người nhà của ông, những nô lệ sinh trong
nhà hoặc nô lệ ông dùng bạc mà mua của người ngoại bang, đều chịu cắt bì với ôn”
Như vậy cắt
bì thành luật trong đạo Cựu Ước nhằm giữ giao ước với Thiên Chúa. Luật cắt bì
nghiêm nhặt đến nỗi cả khách kiều cư cũng phải thi hành như trong Xuất Hành
12.48 “ Nếu có ngoại kiều ở với ngươi mà muốn cử hành lễ Vượt Qua kính ĐỨC
CHÚA, thì mọi đàn ông con trai nhà ấy phải chịu cắt bì. Bấy giờ nó mới được đến
gần để mừng lễ, nó sẽ như người bản xứ; nhưng ai không cắt bì thì không được
ăn. Luật đó là luật chung cho người bản xứ và ngoại kiều sống giữa ngươi."
Cắt bì là luật
Chúa nhằm biến dân Israel thành dân Thánh Thiên Chúa như được xác định trong
Xuất hành chương 19.3-6 Ông Mô-sê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, ĐỨC CHÚA gọi
ông và phán: "Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp, sẽ thông báo cho con cái
Ít-ra-en thế này: Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các
ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi
thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi
sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi
là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con
cái Ít-ra-en."
Thời Tân
Ước, tức sau khi Chúa Giêsu sinh ra, Cha Mẹ Ngài vẫn giữ luật Cựu Ước truyền
thống: Tám ngày sau khi sinh, Ngài được làm lễ cắt bì và đặt tên Giêsu. Thời các
Thánh Tông Đồ, Phaolô là người ý thức về ơn cứu độ phổ quát nên đã tranh luận
và yêu cầu bỏ luật cắt bì của Do Thái, được ghi trong Tông Đồ Công Vụ 11.1.
Phaolô chủ trương một thánh hoá không chỉ bề ngoài, không chỉ chu toàn luật Cựu
Ước nhưng là “cắt bì trong tâm hồn” như được ghi lại trong thư Thánh Phaolô gửi
Rôma 2.28-29 và Galata 3.3. Điều quan trọng đối với Kitô hữu là tin Chúa Giêsu,
Đấng Cứu Thế và từ bỏ con người cũ tội lỗi. Phaolô không đồng ý cho Titô chịu
cắt bì, vì là người Hy Lạp. Còn Timôtê người Do Thái, thì nên giữ tập tục Do
Thái như được ghi trong Tông Đồ Công Vụ 16.1 và Thư gửi Galata 3.2-5.
Chúng ta phải
cám ơn Thánh Phaolô đã hiểu được ý nghĩa cắt bì trong Đạo Cựu Ước và đã tranh
luận để bỏ áp dụng luật cắt bì của Do Thái cho người ngoài Do Thái mới tòng
giáo. Nhờ vậy mà nước Chúa được dân ngoại đón nhận và mọi tâm hồn được thánh
hoá từ đức tin và từ nội tâm.
III.
Thực hành Phúc Âm
Hình ảnh
thực về Đức Mẹ ngày xưa
Ngày xưa lễ
nầy gọi là lễ đặt tên hay lễ cắt bì. Vì Cựu Ước dạy cắt bì và đặt tên cho con
trai sau khi sinh được 8 ngày. Ngày nay Giáo Hội tôn vinh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa
trong ngày đầu năm.
Việc tôn
kính hay tôn vinh Đức Mẹ dễ cho chúng ta một tưởng tượng khá phong phú về Đức
Mẹ: Đó là một phụ nữ đẹp tuyệt trần và sống thảnh thơi an nhàn trong vai trò làm
Mẹ Thiên Chúa.
Không đâu!
Đức Mẹ là một nội trợ trong một gia đình nghèo. Đức Mẹ phải nấu cơm, làm bánh, khâu
vá, quét nhà, giặt giũ và phải rất mực cần kiệm, chứ không có ghiền đi shopping
đâu à! Đức Mẹ phải đi hội đường dự ngày Sabath và tuân giữ mọi luật lệ trong
đạo ngoài đời. Đức Mẹ nhiều khi thấy khó hiểu chuyện thằng con trai của mình
làm. Rồi Đức Mẹ đau khổ gần nhưng chết được khi thấy con mình bị giết chết nhục
nhã…. Đây là hình ảnh thực về Đức Mẹ.
Hỡi những
người đang làm vợ và làm mẹ! Hãy nhìn ra hình ảnh chân thực của Đức Mẹ mà an ủi
mình bằng cách hát nho nhỏ rằng “Lạy Mẹ xin an ủi chúng con….vì chúng con cũng
giống Mẹ ngày xưa hay Mẹ cũng vất vả như chúng con ngày nay” Amen.