Lời Chúa cnmv 3a - giáo lý Phúc Âm

Giáo Lý Phúc Âm
Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm A
Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11
I. Giáo Huấn Phúc Âm
Giêsu thành Nadarét bằng xương bằng thịt đang ở giữa mọi người chính là Đấng Cứu Thế mà Chúa hứa ban cho nhân loại và các tiên tri trong Cựu Ước đã loan báo từ trước.
Đấng Cứu Thế là Đấng đến thực hiện đúng những gì đã loan báo trước: Người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng….
Người có phúc và cao trọng là người làm như Gioan Tẩy Giả: chuẩn bị cho mọi người đón Đấng Cứu Thế.
II. Vấn nạn Phúc Âm
“Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Gioan Tẩy Giả là người được chọn gọi để chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế, người đã làm phép Rửa cho chúa Giêsu (Matthêô 3:13), người đã giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người “Đây là Chiên Thiên Chúa!” (Gio, 1:29) Tại sao lại còn sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu “Ông là ai?” Xem chừng ngớ ngẫn quá!
 Có vài giải thích cho rằng: Gioan Tẩy Giả biết rõ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên vì đang bị cầm tù không sao giải thích cho môn đệ mình được. Nên Gioan đã sai môn đệ đến đặt câu hỏi trên. Câu hỏi nầy cho môn đệ Gioan chứ không cho Gioan.
 Như vậy chúng ta phải hiểu là: Môn đệ của Gioan đã đặt câu hỏi “Ông Giêsu là ai?” với Ông Gioan trước. Gioan đã không trực tiếp trả lời, không phải vì Ông không biết lai lịch của Chúa Giêsu, nhưng ông muốn chính đương sự, tức chính Chúa Giêsu trả lời cho môn đệ mình.
 Giải thích nầy xem chừng hữu lý. Vì không ai trả lời chính xác câu hỏi : Ông là ai cho bằng chính đương sự. Điều nầy cũng thường thấy trong sinh hoạt xã hội: Khi có ai đó đặt câu hỏi với chúng ta về một danh tánh người khác hay về việc làm của người khác. Chúng ta nên khôn ngoan trả lời: Đi hỏi ông ta hay bà ta thì rõ. Go to ask him or her! Đây là một trả lời khôn ngoan và thiết thực, vì không ai biết mình hơn bản thân mình. Nếu tôi nói về người khác, nhiều khi không chính xác hay sinh hiểu lẩm.
 Như vậy Gioan không tránh né, nhưng muốn cho môn đệ mình diện kiến với chính đương sự mà họ thắc mắc. Đây cũng là cách để Gioan rút lui và giới thiệu môn đệ mình cho Chúa Giêsu. Anrê nguyên là môn đệ của Gioan Tầy Giả và đã rời bỏ thầy mình để thành đồ đệ của Chúa Giêsu. Chính Anrê đã giới thiệu Phêrô em mình cho Chúa Giêsu. Môn đệ của Gioan Tẩy Giả đến quan sát và muốn làm môn đệ Chúa, Chúa Giêsu đã mời gọi: Hãy đến mà xem, cáo có hang, chim trời có tổ nhưng con người không có chỗ gối đầu, như trong Phúc Âm thánh Matthêô 8:20. Phúc âm cũng nói rằng: Sau khi đã tận tai nghe mắt thấy, họ đã quyến định ở lại.
Tại sao Chúa Giêsu không trả lời huỵch toẹt rằng: Ta chính là Đấng cứu thế mà chư dân mong đợi, mà lại trả lời lòng vòng rằng: Các anh hãy về thuật lại Ông Gioan các điếu mắt thấy tai nghe…người mù xem thấy, kẻ quẻ được đi…
 Thật sự Chúa Giêsu không trả lời lòng vòng theo kiểu tránh né. Ngài không muốn chính miệng mình khẳng định về thân thế của mình là Đấng Cứu Thế. Ngài mượn lời Kinh Thánh, sách Tiên Tri Isaia trong bài đọc một hôm nay, tiên báo về Đấng Cứu Thế để trả lời rằng: Ta chính là Đấng mà các tiên tri đã loan báo hàng ngàn năm trước. Ta đã làm đúng y chang các việc: cho người mù xem thấy, kẻ què được đi, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại…
 Phúc Âm Thánh Matthêô mà chúng ta đang xử dụng, được viết cho người Do Thái chính gốc, những người mà Kinh Thánh Cựu Ước là cẩm nang, là mẫu mục cho đời sống họ. Nên thay vì nói “Ta là Đấng Cứu Thế!” Chúa Giêsu muốn bảo họ: Muốn biết Ta là ai, xin về mở cuốn Kinh Thánh ra, sách tiên tri Isaia đã nói gì về Đấng Cứu Thế. Tiên tri đã nói là khi Đấng Cứu thế đến sẽ chữa lành bệnnh hoạn tật nguyền cho dân: người mù xem thấy, kẻ què đi được, người điếc nghe được, kẻ chết sống lại… Bây giờ Ta đang làm chuyện đó. Vậy ta là ai?
 Xin đan cử một thí dụ để dễ hiểu:
 Một tháng trước khi Cha sở mới đến nhận nhiệm sở. Giáo dân chưa bao giờ thấy Ngài. Nên thắc mắc là Cha sở mới như thế nào? Người đưa tin diễn tả rằng: Cha sở mới độ chừng 50 tuổi, dáng người hơi thấp và mập, bụng hơi to và lúc nào cũng mặc đồng phục Giáo Sĩ. Cha sở mới của anh chị em, làm lễ hơi dài, nhưng Ngài giảng rất hay và thực tế. Cha sở mới của anh chị em rất thân tình và niềm nở với hết mọi người. Cha sở mới của anh chị em tự nấu ăn và rất ít đi nhà hàng. Cha sở mới của anh chị em luôn luôn chú trọng chuyện học hỏi Kinh Thánh… Một tháng sau, Giáo dân thấy một linh mục y chang như vậy xuất hiện, những gì loan báo ám hạp những diều họ thấy và họ phải thốt lên rằng: Đúng hắn rồi! Đúng là Ông Cha sở mà mình đã được tiên báo một tháng trước.
 Hơn nữa cách trả lời gián tiếp của Chúa thật hay. Chúa cho người ta cơ hội để tự mình nghiệm ra Chúa Giêsu là ai? Câu trả lời làm cho người thắc mắc tự nhận định và đánh giá về người mà mình cần nhận diện và nhận dạng. Đúng như có lần Chúa nói: Đến mà xem và rồi hãy quyết định theo Ta hay bỏ Ta. Điều nầy trái ngược với các ứng cử viên chính trị. Thường các chính trị gia phải nói rõ ra mình là ai, mình sẽ làm gì khi được bầu… kèm theo là những lời hứa, phần nhiều là hứa cuội. Niềm tin vào Chúa nên được tự cảm nghiệm, chứ không nên bị áp đặt. Tự do chọn lựa bao giờ cũng có giá trị hơn là bị buộc phải chọn lựa.
Xin giải thích câu Chúa nói: Tôi nói thật với anh em: Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Ông. Tại sao cao trọng nhất, rồi lại nhỏ bé nhất trong Nước Trời? Nước Trời còn có giai cấp hay còn ưu tiên thứ bậc nữa sao?
 Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả. Có giải thích rằng: Chúa Giêsu liên kết với lúc Mẹ Chúa mang Chúa lên tận Galilê đến nhà Ông Giacaria và Bà Elisabeth để chào thăm Bà. Lúc đó Bà Elisabeth đã mang thai Gioan Tiền Hô được sáu tháng và Phúc Âm nói rằng: Vừa nghe lời chào, thai nhi đã nhảy mừng. Nên Gioan đã là cao trọng nhất, vì chưa sinh ra mà đã nghe thấy Chúa đến viếng thăm mình rồi. Chúa đến nhà ai, như Ông lớn đến thăm thường dân, làm cho người đó nên cao trọng?
 Tôi không đồng ý với cắt nghĩa “tình cảm” nầy. Thật ra Gioan Tẩy Giả không trở nên cao trọng vì việc ông nhảy mừng trong bụng mẹ, nhưng vì Ông là vị tiên tri lớn nhất và quan trọng nhất do sứ mạng mà Chúa dành cho ông, vì ơn gọi mà ông được chọn để thi hành: Ông được thấy và được chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đấng Cúu Thế. Nhiều tiên tri loan báo về Đấng Cứu Thế, nhưng không ai được thấy và được làm phép rửa cho Đấng Cứu Thế là Con thiên Chúa cả. Còn có ai cao trọng hơn người khác cho bằng người đi ra tận sân bay để tiếp đón vị quốc khách và hầu tiếp vị khách tối quan trọng của quốc gia nầy không? Nên Gioan Tẩy Giả cao trọng nhất vì sứ vụ của ông cao trọng nhất, ông được chọn để chuẩn bị mọi người đón tiếp Đấng Cứu Thế và chính Ông đã làm phép rửa và giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa với mọi người.
 Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Ông. Chúa Giêsu không có ý phân biệt giai cấp hay thứ hạng trong Nước Trời. Ngài chỉ muốn nói rằng: Những người sống trong thời Tân Ước, thời Nước Trời đã đến, thời Con Thiên Chúa sinh làm người và ở giữa chúng ta là thời hồng phúc và vượt xa hơn thời của Gioan Tẩy Giả, vẫn còn là người của thời Cựu Ước, thời mà con người chỉ mong đợi, chỉ nghe nói về Đấng Cứu Thế, chứ không ai thấy tường tận Đấng Cứu Thế như trong thời Tân Ước.
 Để hiểu đoạn câu Phúc Âm nầy, chúng ta nên hiểu Nước Trời không chỉ là nước thiên đàng, mà là nước Chúa tại thế, là thời Tân Ước, là thời mà Con Thiên Chúa xuống làm con người và ở giữa chúng ta. Ai sống trong thời Tân Ước nầy dù là một em bé mới sinh cũng có phúc và cao trọng hơn người đã sống trong thời Cựu Ước, dù là một tiên tri lớn như Isaia
III. Thực hành Phúc Âm
1. Cây Bóng Mát Banyon.
 Nếu có ai đến Big Island, một trong bảy hòn đảo tạo thành quần đảo Hạ uy Di thì sẽ thấy có rất nhiều cầy Banyon. Không biết tiếng Việt mình gọi là cây gì? Tôi xin tạm gọi là cây Bóng Mát Banyon. Thật sự cây nào cũng có tàng cây và tàng cây tạo thành bóng mát cho khách qua đường.
 Tuy nhiên cây Bóng Mát Banyon thật là cây bóng mát nhờ sự vươn dài, lớn mạnh của các cành cây. Sân sau của toà thị sảnh Big Island rất rộng, mỗi cạnh phải dài chừng 50 mét, tức sân sau chiếm diện tích chừng 2500 mét vuông. Tất cả diện tích nầy rợm bóng mát nhờ một cây Banyon thôi. Mới thoạt nhìn không ai biết cây Banyon chính và đầu tiên ở đâu? Tôi đoán phải là ở giữa sân. Nó phải lớn nhất. Đọc lịch sử, tôi biết là cách đây 20 năm, người ta chỉ trồng một cây Bóng mát Banyon ở giữa sân Toà Thị Sảnh thôi. Từ cây chính nầy, những nhánh cây vươn dài… dài thật dài, vươn ra khỏi thân chứng 15 mét, nhánh cây mọc rễ, đâm xuống đất, nuôi tiếp nhánh cây tiếp tục vươn dài. Những rễ nầy lớn dần thành gốc cây, vững chắc không thua gì thân cây chính lúc ban đầu. Tất cả sân rộng rợp bóng mát với nhiều thân cây phụ nầy.
 Chúng ta được kêu gọi làm thành những cành cây tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô. Chúng ta gắn liền với thân cây, rút lấy sức sống và vươn sức lớn nhờ thân cây hay chúng ta tiếp tục múc lấy sức sống nhưng không sao đậm rễ tự lập hay đứng vững, trái lại đời sống vẫn èo ọt cằn cỗi và không làm cho thân thể Chúa là cây Banyon vươn sức lớn rợp bóng mát cho muôn người. Ai cũng bận bịu cả. Tuy nhiên người ta vẫn có giờ đi shopping, đi sòng bài hay ngồi hát Karaokê, uống bia rượu hàng mầy tiếng đồng hồ.
 Ước gì mỗi ngày chỉ dành chừng năm phút để đọc lời Chúa, đọc Kiến Thức Công Giáo hay trau dồi thêm một hiểu biết căn bản nào đó. Nếu chúng ta chỉ dành chừng 10 phút một ngày cho Lời Chúa, hay cho những điều cần thiết để sống đạo, chúng ta sẽ thành một cây Bóng Mát Banyon cho chính mình và cho người khác.
2. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Ông.
 Người Công Giáo Việt Nam cần ý thức vai trò quan trọng của mình trong đời sống Giáo Hội. Khi đọc tờ Kiến thức Công Giáo số tháng 11/2010 có hai người đã gọi điện thoại và trao đổi với tôi cách không vui rằng: Giáo Luật cho các Cha hết quyền hành, giáo dân chả còn gì để làm? Hay không có quyền hành gì thì vào Hội Đồng Mục Vụ để làm gì?
 Tôi ôn tồn hỏi lại: Quyền hành là gì và để làm gì? Vào làm việc trong Hội đồng Mục Vụ để có quyền hay để phục vụ? Khi viết những giải thích về Hội Đồng Mục Vụ, tôi không viết theo ý riêng mình, nhưng theo tài liệu của Giáo Hội. Giáo Hội dạy rằng: Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta được tái sinh làm con cái Chúa, được quyền thừa tự và được thi hành các chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế.
 Chúng ta được nên cao trọng nhờ Chúa Giêsu, Đấng cao trọng đến sinh làm con người và ở giữa chúng ta. Sự cao trọng không do bản chất con người chúng ta, nhưng do Chúa, Ngài cứu độ tức Ngài nâng chúng ta lên hàng cao trọng.
 Những chuyện quyền hành hiểu theo thói đời: ăn nói hay quyết định việc nầy chuyện nọ trong giáo xứ thì đã giao cho Linh mục rồi. Linh mục đòi buộc phải dùng những quyền hạn nầy để phục vụ cho sự ích lợi và phần rỗi linh hồn của giáo dân. Nên khi chúng ta không có quyền theo kiểu trần thế: ăn nói hay hò hét, ra oai không có nghĩa là chúng ta mất phẩm giá cao trọng làm con Thiên chúa. Không, Đấng cao trọng vẫn ở giữa chúng ta. Ngài là Emmanuel, Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta vẫn cao trọng vì Nước Trời, tức Thiên Chúa đã nâng chúng ta lên hàng cao trọng. Không phải khi chúng ta được lên toà giảng và giảng dạy thì mới có quyền và mới gọi là cao trọng. Không, quyền của Giáo dân là nghe giảng. Càng chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa và thực hành Lời Chúa trong đời sống, chúng ta càng nên cao trọng, vì càng xứng đáng là con Thiên chúa.
 Lm. Phêrô Trần thế Tuyên