ANH EM RA XEM GÌ?
Trở ngại đáng kể cho việc đón nhận Đấng
Cứu Thế là người ta chỉ ao ước và tìm kiếm một ơn cứu độ đậm màu trần tục;
không nhận ra, và từ chối, và chống đối chính Đấng Cứu Thế.
Trong cuốn “Thư ngỏ tuổi đôi mươi”, André Maurois cảnh
báo về “những mối nguy của thời đại chúng
ta”, về cái dại khờ đáng kể trong sự nhận biết. Ông
viết:
“Chúng ta đã
thấy những cái điên khùng không tưởng tượng nổi. Nhật báo Anh đã đăng tin một
nhà chơi dương cầm vô danh quảng cáo rầm rộ rằng sẽ có một buổi diễn tấu nhạc
yên lặng. Đúng ngày đó, phòng chật ních thính giả. Bậc diệu thủ im lặng ngồi
trước mặt đàn, làm bộ chơi đàn không gây một âm thanh nào cả. Thính giả liếc trộm
các người ngồi bên xem có nên phản kháng không. Nhưng các ông ngồi bên cứ thản nhiên, cử toạ đều kiên nhẫn, ngồi
yên. Sau hai giờ yên lặng buổi tấu nhạc chấm dứt. Nhạc sĩ đứng dậy chào thính
giả. Cử toạ nồng nhiệt vỗ tay khen. Hôm sau, trên vô tuyến truyền hình, nhạc sĩ
im lặng đó kể lại câu chuyện và kết: “Tôi muốn biết xem cái ngu xuẩn của con
người tới mức nào; nó thật vô biên.”
Maurois nói: “Tôi thì tôi không nói “cái ngu xuẩn” mà nói “cái nhu nhược” của con
người. Những thính giả đó biết rằng họ không nghe thấy gì cả, nhưng họ sợ rằng
nếu phản kháng thì không hợp thời.”
Vấn đề ở đây không phải là phải gọi nó như thế
nào, mà là người ta có thực sự muốn tìm kiếm sự thật hay không.
Đấng Cứu Thế đã đến, với những dấu chỉ đã được
tiên tri Isaia tiên báo: “Người mù xem thấy,
kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được …” nhưng sự cứng
lòng của dân chúng mới thực sự là vấn đề phải quan tâm. Trở ngại đáng kể cho việc
đón nhận Đấng Cứu Thế là người ta chỉ ao ước và tìm kiếm một ơn cứu độ đậm màu
trần tục; không nhận ra, và từ chối, và chống đối chính Đấng Cứu Thế, đúng như Chúa đã lo ngại: “phúc thay người nào không vấp ngã vì
tôi.”
Cho một cuộc vui, thì người ta có thể có nhiều lý do biện minh cho việc không thấy được điều
cần thấy, nhưng chẳng
thể coi câu hỏi về ơn cứu độ là một trò đùa: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió
chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng?” (Mt
11,7-8)
Gioan xác tín Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, và
rao giảng về Người: “Tôi, tôi làm phép rửa
cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì
quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho
các anh trong Thánh Thần và lửa.” (Mt 3,11). Thế nên khi Chúa Giêsu đến xin
ông làm phép rửa cho thì “ông một mực can
Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến
với tôi!” (Mt 3,14)
Vậy thì tại sao ông lại sai môn đệ đến hỏi
Chúa Giêsu “Thầy có thật là Đấng phải đến
không?”
Khi sai môn đệ đến hỏi Chúa về điều mà ông đã xác tín, Gioan muốn gửi
một sứ điệp đến chúng ta, để chúng ta ý thức rằng tin không là việc chạy theo số
đông, mà là dấn thân một cách ý thức cho một chọn lựa riêng tư và quan trọng nhất
của đời mình.
Cuộc dấn thân đó là hết sức
quan trọng vì người ta chỉ có một cuộc đời để sống, và không có chỗ để thử: “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay là
chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?”
Tin theo Đấng Cứu Thế là một
cú nhảy chí mạng nên đã tin là phải theo đến cùng, như thánh Giacôbê cổ vũ các
tín hữu sơ khai kiên nhẫn, đón chờ kết quả phải đến của đời sống đức tin: “xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa
quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý
giá.” (Gc 5,7)
Một người đàn bà mua vé xe
lửa đi qua một vùng có nhiều phong cảnh đẹp thưởng ngoạn. Khi lên tàu, bà loay
hoay mãi để sắp xếp các gói hành lý lên giá cho đúng ý mình, rồi chỉnh lại màn che
cửa sổ cho phù hợp với ánh nắng, rồi đi lên đi xuống kiếm cho được một chỗ
ngồi êm ái, rồi mở ví ra kiểm tra lại xem tiền có còn đủ cho chuyến về không,
và tính toán xem có thể mua những gì với túi tiền của mình.
Cuối cùng, khi vừa ngồi
yên để thưởng ngoạn phong cảnh đẹp bên ngoài thì cũng là lúc tàu đến chỗ chỗ dừng
tàu. Bà càu nhàu: “Xe chạy mau quá, chưa
kịp xem gì thì đã đến nơi rồi!”
Cuộc du lịch thưởng ngoạn của bà bị
đánh mất, vì những việc chẳng đâu vào đâu!
Thế nhưng tôi hãy nhìn lại đời mình: đâu là những việc choán đầy
cuộc sống của tôi hôm nay? Phải chăng cuộc đời tôi giống như những gì được ĐHY
Nguyễn văn Thuận mô tả: “Đứng trên tầng
lầu cao nhìn xuống đường, con thấy làn sóng người cuồn cuộn. Đủ loại xe, đủ hạng
người, dành nhau, tông nhau, đâm đầu chạy, vội vã hấp tấp, hốt hoảng, vì tình,
vì tiền, vì tham vọng, vì đua sống.” (ĐHV 82)
Tôi nói rằng tôi tin vào
Chúa… nhưng nay Chúa đang ở đâu trong đời tôi?
Lm. HK