Lời Chúa cnmv 2a _ làm việc lành cho xứng với lòng thống hối

Làm Việc Lành Cho Xứng Với Lòng Thống Hối
Quyết tâm từ bỏ những thói quen xấu và nỗ lực làm việc thiện là công việc chúng ta phải kiên trì thực hiện suốt cuộc đời.  
Lm. Mt
Trong một buổi diễn thuyết với đề tài “Ngay thật”, nhà văn nổi tiếng của Mỹ là Mark Twain đã kể lại kinh nghiệm của chính ông: “Khi còn là một đứa trẻ, ngày nọ đang đi đường, tôi thấy có người kéo chiếc xe chở đầy dưa, loại trái cây tôi rất thích, tôi rón rén đến phía sau thùng xe và chộp lấy một quả, rồi chạy vội vào con hẻm gần bên, cắn một phát ngập chân răng vào trái dưa cho thỏa cơn thèm. Nhưng ngay lúc ấy, một cảm giác ân hận tràn ngập con người tôi. Không một chút do dự tôi quyết định ngay, vội quay lại chiếc xe trả lại quả dưa lạt lẽo. Tuy vậy, khi nhìn thấy những trái chín mọng trên xe, tôi lại đưa đôi bàn tay ra để lấy hai trái khác.”
Giống như cậu bé Mark Twain, có những người ân hận về những việc sai trái đã làm, nhưng vẫn tiếp tục phạm. Ân hận như thế là sám hối nửa vời.
Quan Philatô muốn tha Đức Giêsu vì thấy Người không có tội chi đáng chết, nhưng vì sợ hãi trước áp lực của đám đông, nên đã ký bản án đóng đinh một người mà ông biết rõ là vô tội. Để che đậy hành vi thiếu trung thực này, quan đã rửa tay trước mặt dân chúng và tuyên bố: “Ta vô can về máu người công chính này, mặc kệ các ngươi.” (Mt 27, 20-26) Nói và làm như vậy, quan Tổng Trấn chỉ ân hận hình thức.
Giuđa đã bán Thầy với giá 30 đồng bạc, khi thấy Đức Giêsu bị tra tấn và xỉ nhục, ông rất hối hận nên đã đem trả lại tiền và đi thắt cổ (Mt 27, 3-5). Giuđa đã sám hối trong nỗi tuyệt vọng, vì không đủ tin vào tình thương tha thứ của Đấng đã dạy phải tha cho anh em đến bảy mươi lần bảy.
Lòng sám hối chân thành phải thúc đẩy chúng ta đi đến quyết tâm từ bỏ những hành vi xấu, và kiên trì sửa lỗi bằng cách làm việc thiện, như Thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi: “Hãy làm việc lành cho xứng với lòng thống hối.” (Mt 3, 8)
Khi bắt đầu rao giảng về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã mời gọi dân chúng và những ai đến với Người: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1, 15b) Như vậy, sám hối không dừng lại ở sự hối hận về những lỗi lầm trong quá khứ, nhưng biết đặt trọn niềm tin vào tình thương và sự quảng đại tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta có nhiều tấm gương đã hoán cải theo tinh thần Tin Mừng.
Thánh Phêrô đã quả quyết: “Lạy Thầy, con sẵn sàng theo Thầy, dù vào tù hay đi chịu chết.” (Lc 22, 33) Thế mà trong dinh vị thượng tế, chỉ một thời gian rất ngắn ông đã chối Thầy ba lần. Và ngay lúc ấy, ông bắt gặp ánh mắt yêu thương của Đức Giêsu, tức khắc ông bật khóc vì nhận ra sự bất trung của mình (Lc 22, 54-62) Chẳng những thế, thánh nhân còn sẵn sàng chịu mọi gian khổ và vui nhận cái chết để làm chứng cho Tin Mừng phục sinh của Đức Kitô, một đàng vì yêu mến Thầy và các linh hồn, đàng khác để sửa lại lỗi lầm trong quá khứ.
Gặp được Đức Giêsu, ông Gia kêu đã sám hối và đổi mới cuộc đời khi tuyên bố bán nửa gia tài để bố thí cho người nghèo, phần còn lại dành để bồi thường gấp bốn lần cho những ai ông đã làm thiệt hại (Lc 19, 1-9). Với quyết tâm ấy, ông đã lấy việc lành để thực hiện lòng thống hối.
Nhiều năm trước khi Tin Mừng được rao giảng, ngôn sứ Isaia đã kêu gọi hối cải và đưa ra những đề nghị cụ thể: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình. Hãy nâng đỡ người bị áp bức, bênh vực che chở cô nhi quả phụ… khi đó, tội ác các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng nên trắng như tuyết; có thẫm như vải điều, cũng nên trắng như bông.” (Is 1, 16-18)
Sám hối về những lỗi lầm đã qua thì phải quyết tâm từ bỏ tội lỗi, nhưng bỏ một thói quen xấu thật không dễ. Một người nghiện ma túy có thể nhiều lần ân hận và định tâm dứt bỏ sự nghiện ngập nhưng vẫn chứng nào tật đó, vì cơn nghiện làm mờ lý trí và làm suy kiệt quyết tâm. Các Kitô hữu cũng yếu đuối và dễ sai phạm như mọi người, nhưng nếu biết cậy dựa vào Chúa thì Người sẽ là sức mạnh và nguồn trợ lực, giúp chúng ta vượt thắng những đam mê.
Thật vậy, khi xưng tội, chúng ta quyết tâm không tái phạm, nhưng sau đó rất có thể lại tái phạm. Dẫu vậy, chúng ta không tuyệt vọng, vì biết rằng Thiên Chúa luôn yêu thương tha thứ cho những ai thành tâm thiện chí. Chẳng những tha thứ, Người còn ban ơn nâng đỡ, giúp chúng ta kiên trì và can đảm vượt thắng cám dỗ và những dục vọng thấp hèn.
Biết mình cũng là tội nhân, chúng ta cần cảm thông với những người đang sống trong tình trạng tội lỗi, và giúp nhau thắng vượt các tính xấu: “Anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu đã tiếp nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa.” (Rm 15, 7) Thông cảm và nâng đỡ nhau như thế là một cách thức làm việc thiện.
Nếu muốn thực thi điều lành, chúng ta còn có rất nhiều cơ hội: nhường cơm xẻ áo cho người nghèo, bênh đỡ người cô thân yếu thế, hòa giải những bất đồng, quảng đại tha thứ lỗi lầm cho tha nhân, vui vẻ và hòa nhã với mọi người… Những việc tốt làm cho anh chị em vì lòng yêu mến Chúa có sức đền bù muôn tội lỗi của chúng ta.
Quyết tâm từ bỏ những thói quen xấu và nỗ lực làm việc thiện là công việc chúng ta phải kiên trì thực hiện suốt cuộc đời. Và như thế là đang sửa đường cho ngay thẳng để Chúa đến với mỗi người; cũng nhờ đó, chúng ta trở nên anh em của nhau hơn và cùng nhau đón mừng Chúa đến.
Lm. Mt