Lễ Thánh Gia _ gia đình có Chúa

GIA ĐÌNH CÓ CHÚA
Đau khổ có thể đến từ thiên nhiên, do xã hội, hoặc vì các thành viên của gia đình thiếu thông cảm và không chịu tha thứ cho nhau; đấy là chưa kể đến bệnh tật, tuổi già là hệ quả tất yếu của kiếp nhân sinh. Chỉ có thể xoay chuyển những tình huống bất lợi thành cơ hội nên thánh khi có Chúa hiện diện trong tâm hồn và nơi gia đình.
Lm. Mt
Là người ai cũng có mẹ cha, và được chăm sóc, nuôi dạy, hướng dẫn để lớn lên từ nơi mái ấm gia đình. Con Thiên Chúa khi nhập thể cũng làm con trong một gia đình mà chúng ta gọi là Thánh Gia Thất.
Gọi là gia đình thánh vì Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng ngàn trùng chí thánh làm con trong gia đình. Đức Maria, là vợ và mẹ được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa. Thánh Giuse được gọi là người công chính. Cả ba Đấng luôn thuận theo ý Chúa Cha, rất mực tôn trọng và yêu thương nhau.
Để thực thi ý Cha, Ngôi Hai đã làm người, chấp nhận chịu khổ hình và chết trên thập giá để nên nguồn ơn cứu độ cho muôn người: “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.” (Ga 5, 30) Đức Maria sẵn sàng thực thi ý Chúa, nên ngay khi được truyền tin, Mẹ đã thưa với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38) Thánh Giuse dù chỉ được sứ thần hiện đến báo trong giấc mơ, nhưng ngài luôn mau mắn thực hiện. Bài Tin Mừng hôm nay hai lần nhắc lại cùng một kiểu nói: ông Giuse mau mắn chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người đi, có khác chăng là đi sang Ai Cập hay về lại Israen. (Mt 2, 14-21)
Thánh Gia Thất là một gia đình, nơi đây mọi người luôn yêu mến tôn trọng nhau. Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người luôn vâng phục cha mẹ trần gian. (Lc 2, 51) Vì tin tưởng và quí trọng Đức Maria, nên dẫu thấy Mẹ mang thai, thánh Giuse không hề nghi ngờ về phẩm hạnh của Đức Trinh Nữ. Phần mình, Mẹ Maria luôn kính trọng thánh Giuse người chủ gia đình. Đức Maria và thánh Giuse hết lòng yêu mến Đức Giêsu, vì các ngài đều biết Người là Con Đấng Tối Cao. Dù sống thánh thiện, luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha và tôn trọng yêu mến nhau, nhưng Thánh Gia đã trải qua muôn vàn khó khăn và thử thách.
Dẫu là con Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu đã nếm trải mọi đau thương của thân phận con người: đói rét, buồn phiền, xỉ nhục, cô đơn, và chết đau thương. Trên thập giá, trong nỗi ê chề nơi thể xác và tâm hồn, Người đã phải thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46)
Phần Đức Maria, như cụ già Simêon tiên báo, trái tim thanh khiết của Mẹ sẽ bị lưỡi gươm thiêng đâm thâu (Lc 2, 36) Lời ấy thể hiện trọn vẹn khi Mẹ đứng dưới chân thập giá lặng nhìn người con duy nhất chết đau thương nhục nhã. Là gia trưởng trong gia đình, thánh Giuse vội vã đưa Đức Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai Cập lúc đêm tối và phải vất vả nơi xưởng thợ mỗi ngày. Dẫu vậy, trong mọi hoàn cảnh gia đình thánh luôn cảm nhận bình an, tình yêu và trào tràn niềm hy vọng, vì có Chúa hiện diện.
Đang sống nơi trần gian, mỗi người và từng gia đình đều có những khó khăn riêng. Đau khổ có thể đến từ thiên nhiên, do xã hội, hoặc vì các thành viên của gia đình thiếu thông cảm và không chịu tha thứ cho nhau; đấy là chưa kể đến bệnh tật, tuổi già là hệ quả tất yếu của kiếp nhân sinh. Chỉ có thể xoay chuyển những tình huống bất lợi thành cơ hội nên thánh khi có Chúa hiện diện trong tâm hồn và nơi gia đình.
Có Chúa trong gia đình sẽ có bình an, niềm vui, sự kiên nhẫn, ơn khôn ngoan, nhờ vậy chúng ta có thể vượt qua mọi sóng gió để xây dựng gia đình thành mái ấm của cảm thông và yêu thương.
Có Chúa nơi tâm hồn khi chúng ta giữ lòng mình trong sạch, cố gắng sống theo ý Chúa, siêng năng cầu nguyện và nhất là đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể vào linh hồn.
Mời Chúa đến gia đình khi mọi người trong gia đình sống yêu thương nhau, vì ở đâu có tình yêu nơi đó có Thiên Chúa, nơi nào có lòng từ bi nhân hậu ở đấy ân sủng Người sẽ tràn trề chan chứa. Khi mọi người biết làm mọi việc vì danh Chúa cũng là lúc chúng ta mời Chúa ngự đến trong nhà.
Giờ kinh gia đình cũng là phương thế để Chúa luôn hiện diện. Trong thư gởi cộng đoàn dân Chúa tháng 10 vừa qua, các Đức Giám Mục Việt Nam đã đề nghị: “Chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này.”
Muốn Chúa hiện diện trong tâm hồn và nơi gia đình, mỗi người cần chu toàn phận vụ của mình với tình yêu thương và biết chia sẻ trách nhiệm. Vợ phục tùng chồng, chồng yêu thương tôn trọng người bạn đời của mình. Ông bà và Cha mẹ quan tâm chăm sóc dạy dỗ con cháu. Cháu con phải vâng lời thảo hiếu với các ngài. (Cl 3, 18-21)
Có một gia đình gồm hai vợ chồng và ba người con, cháu lớn khoảng 15 và người con út khoảng 6 tuổi. Chủ gia đình là người bét rượu, mỗi lần nhậu say về, ông chửi vợ đánh con một cách tàn nhẫn. Vì vậy, mỗi lần ông say rượu, vợ con đều tìm cách tránh sang nhà hàng xóm, nếu không thể tránh được thì lấm lét nhìn nhau trong lo sợ. Dù sống trong tình cảnh như vậy, người vợ luôn quan tâm đến việc dạy dỗ con cái, từ lời ăn tiếng nói đến các bổn phận đạo đức của người công giáo, tối nào chồng vắng nhà, bốn mẹ con cùng nhau đọc kinh chung. Bà cũng dạy các con kính trọng, yêu  mến và cầu nguyện cho bố của chúng. Rồi như một phép lạ, chồng bà bỏ rượu. Giờ đây, trong căn nhà ấy, thay cho những tiếng la hét và sợ hãi là bầu khí chan hòa niềm vui và yêu thương. Có nhiều lý do dẫn đến sự hoán cải của người đàn ông này, nhưng chắc chắn đó cũng là kết quả lời cầu nguyện, sự hy sinh, tính nhẫn nại và tình yêu thương của người vợ và các con.
Như chiếc thuyền trên dòng sông, có lúc gặp trời quang gió nhẹ, lắm lúc là giông tố và mưa lũ; có khi thuyền đi qua đoạn sông êm mái chèo, nhưng có khi là thác ghềnh và sóng dữ. Nếu mọi người trên thuyền đồng thuận và vững tay chèo, con thuyền sẽ đạt tới bến bình an. Đời sống gia đình cách cũng giống như vậy, luôn có những trắc trở và khó khăn. Nhưng có Chúa trong chiếc thuyền gia đình và mọi thành viên biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, gia đình sẽ có niềm vui, bình an và cùng giúp nhau nên hoàn thiện.
Xin Chúa đến ở trong tâm hồn mỗi người và nơi mọi gia đình, nhất là trong năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình, để mọi người biết nâng đỡ và giúp nhau thăng tiến; đồng thời làm tăng số các gia đình thánh thiện giữa lòng thế giới hôm nay.
Lm. Mt