Lời Chúa cntn 33c _ các bài suy niệm

Các bài suy niệm
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN – C

 
Ml 3,19-20a; 2Tx 3,7-12; Lc 21,5-19
MỤC LỤC



1. Ngày cuối cùng
Julianô là một vị hoàng đế Rôma. Ông lên ngôi vua vào năm 360. Ông là người rất ghét bỏ Kitô giáo, nên đã khởi xướng một phong trào bắt bớ và cấm cách. Ông lấy nhà thờ làm chùa miếu. Cấm chỉ việc rao giảng Tin Mừng, giết hại các tín hữu. Ông muốn làm cho lời tiên báo của Chúa Giêsu về đền thờ Giêrusalem là sai là không đúng sự thật. Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã bảo: Sẽ tới một ngày không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Mặc dù điều này đã xảy ra vào năm 70 khi tướng Titus đem quân vây hãm Giêrusalem. Thế nhưng ông vẫn ra lệnh xây lại một đền thờ để dâng kính các thần minh ngay tại địa điểm của đền thờ Giêrusalem. Theo các sử gia cho biết thì khi đào bới để đặt nền móng cho ngôi đền thờ mới này, những người thợ đã kinh hoàng và sợ hãi vì một sức nóng bốc lên từ lòng đất khiến họ không thể nào tiếp tục công việc.
Sự kiện này nói lên một sự thật đã bị quên lãng đó là Chúa Giêsu đã tiên báo và những lời tiên báo của Ngài đã ứng nghiệm. Chẳng hạn Ngài tiên báo về những đau khổ, sự chết, sống lại, lên trời của Ngài cũng như việc Chúa Thánh Thần hiện xuống. Những lời tiên báo này đã ứng nghiệm từng chi tiết. Ngài cũng đã nói trước về sự phản bội của Giuđa, về việc Phêrô trốn chạy. Tiếp đến, Ngài còn tiên báo về những biến cố lịch sử mà trí khôn loài người không thể nào thấy trước, chẳng hạn như về sự tàn phá Giêrusalem. Và điều này đã xảy ra đúng như lời Ngài đã nói. Chúa Giêsu cũng đã tiên báo về việc Giáo Hội được phát triển trên khắp thế giới, cũng như bị bách hại nhưng sẽ mãi mãi trường tồn. Và hai ngàn năm lịch sử đã chứng mình điều ấy.
Từ những sự kiện kể trên, chúng ta đi tới một kết luận như sau: Với những lời tiên báo đã được ứng nghiệm, chúng ta có thể tin chắc chắn rằng lời tiên báo của đoạn Tin Mừng hôm nay cũng sẽ được thực hiện, đó là thế giới vật chất này sẽ có ngày tận cùng. Lát nữa đây trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: Người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nước Người sẽ không bao giờ cùng. Và ngay sau khi truyền phép, chúng ta cũng tuyên xưng mầu nhiệm cao cả ấy: Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.
Vậy chúng ta phải làm gì để chuẩn bị không phải chỉ cho ngày cuối cùng của trời và đất, nhưng còn cho ngày cuối cùng của cuộc đời chúng ta, trong đó chúng ta sẽ được gặp gỡ với Chúa.



2. Giêrusalem
Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay Chúa Giêsu đã tiên báo về sự tàn phá đền thờ Giêrusalem, cũng như về ngày tận cùng của vũ trụ vật chất.
Trước ngày trọng đại ấy sẽ có những biến cố xảy ra: nào là các tiên tri giả xuất hiện, nào là chiến tranh, động đất, bệnh tật và đói kém, nào là bắt bớ và cấm cách cho những người môn đệ của Chúa. Tuy nhiên điều làm cho chúng ta tò mò và băn khoăn hơn cả đó là bao giờ thì ngày trọng đại ấy sẽ đến?
Đứng trước câu hỏi này Chúa Giêsu đã không trả lời, vì đó là một bí mật, một mầu nhiệm trong quyền năng của Thiên Chúa. Thế nhưng chúng ta thường phản ứng ra sao, chúng ta thường sống như thế nào trước vấn đề này? Trải qua dòng lịch sử chúng ta có thể ghi nhận được ba loại phản ứng, ba kiểu sống khác nhau.
Kiểu sống thứ nhất của những người cho rằng đó chỉ là một câu chuyện viển vông, bịa đặt. Họ sống như là không phải chết bao giờ, và vũ trụ này sẽ tồn tại mãi mãi. Họ bình thản lặn ngụp trong tội lỗi và thoả sức thực hiện những mưu đồ gian tham của mình, để rồi cuối cùng, bừng con mắt dậy thấy mình tay không, họ sẽ mất cả chỉ lẫn chài, cả vốn lẫn lãi, cả đời này lẫn đời sau.
Kiểu sống thứ hai của những người cho rằng ngày tận thế sắp đến nơi rồi, và họ trở thành như tê liệt, không còn thiết tha gì đối với cuộc sống hôm nay. Việc quan trọng đối với họ đó là chờ đợi ngày Chúa sẽ đến. Đây cũng là thái độ của một số các tín hữu sơ khai, làm cho họ trở thành bi quan và chán nản.
Kiểu sống thứ ba phải là kiểu sống của chúng ta. Vậy thì kiểu sống ấy như thế nào? Trước hết chúng ta xác tín rằng: Bản thân chúng ta cũng như vũ trụ vật chất này, đã có một khởi đầu thì cũng sẽ có một kết thúc. Bao giờ thì kết thúc ấy sẽ xảy ra, thiết tưởng chúng ta không cần biết đến, điều quan trọng trong giây phút hiện tại đó là chúng ta phải biết chuẩn bị để chúng ta sẽ không trở thành những kẻ bị thua lỗ khi ngày trọng đại ấy xuất hiện.
Chúng ta chuẩn bị bằng cách khử trừ thói hư tật xấu. Chúng ta chuẩn bị bằng cách thực hiện những hành động bác ái yêu thương giúp đỡ những người chung quanh. Làm như thế, chúng ta tích góp phần xây dựng cho xã hội này mỗi ngày một tốt đẹp, cũng như nhờ đó mà chúng ta thực hiện được mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta, là sẽ được trở về cùng Chúa trên quê hương Nước Trời.
Như thế, niềm tin tưởng vào Chúa lại đến trong vinh quang, sẽ không làm cho chúng ta bị tê liệt, hay thất vọng chán ngán, trái lại sẽ làm cho chúng ta thêm hăng hái, thêm phấn khởi để chu toàn những bổn phận trần thế của mình bởi vì hiện tại sẽ xác định cho tương lai. Ngày mai của chúng ta có tươi sáng hay không là do tất cả những gì chúng ta đang cố gắng xây dựng trong hiện tại, trong hôm nay, bởi vì tương lại phải được bắt đầu từ hiện tại và ngay mai phải được bắt đầu từ hôm nay.



3. Kitô hữu mang niềm hy vọng
Tại sao Chúa nói đến ngày tận thế, một bí ẩn đối với chúng ta? Vả lại chúng ta phải quan tâm đến thời buổi chúng ta đang sống, chúng ta có bổn phận hoàn thiện xã hội bây giờ, phải làm sao cho trên địa cầu có thêm công bằng, tình thương, bình đẳng trong sự phân phối an lạc hạnh phúc, thêm tự do về phương diện vật chất và tinh thần. Nói cho đúng, bài giảng của Đức Giêsu về ngày tận thế đặt vấn đề mục tiêu và cứu cánh mọi nền văn minh. Chúng ta có tưởng tượng được không một nền văn minh sản xuất những công trình tuyệt tác, kể cả những công trình hiến dâng Thiên Chúa như Đền Thờ Giêrusalem, những công trình có thể tồn tại mãi mãi, không có gì phá huỷ được? Chừng nào sẽ xuất hiện một nền văn minh không có chiến tranh? Không có nạn đói? Không chống đối thù nghịch Thiên Chúa và Đức Kitô của Người? Chúa Giêsu trả lời ngay: không. Vậy thì Kitô hữu mọi thời đại phải mang niềm hy vọng đích thật, phải tin tưởng vào tác động Thiên Chúa trong tâm hồn mình để có sức mạnh mang hy vọng vào xã hội đương thời. Chúa phán:
1) “Hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt”.
Ai ai cũng thấy lòng mình se thắt lại vì khao khát hy vọng. Rất nhiều sứ giả tìm đến đề nghị những giải đáp lừa gạt hy vọng. Thậm chí, một số đội danh nghĩa Đức Kitô. Chúa bảo chúng ta hãy coi chừng bọn lái buôn hy vọng hão huyền. Đừng để bị lừa gạt, nghĩa là hãy an tâm vững chí trong sự thật. Hoạt động để “Danh Thánh” được nhìn nhận trong hy vọng, trong nền văn minh là đem chất men sự thật vào hy vọng con người, vào văn minh nhân loại. “Danh Thánh” là tên Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc thế gian. Chúng ta đóng góp vào công cuộc cứu vớt một nền văn minh tuỳ theo chúng ta nhiều hay ít dùng thực tại đời sống, lời nói, hoạt động Tông đồ, làm chứng rằng con người chỉ thành toàn trong quan hệ với Đức Giêsu. Người thờ phụng Thiên Chúa và hy sinh mạng sống cho nhân loại anh em Người.
2) “Người ta sẽ bách hại các ngươi”.
Đem niềm hy vọng Kitô giáo vào thế gian tất nhiên gặp những phản ứng thù nghịch của thế gian. Chúa bảo, đó là điều không tránh được. Môn đệ không trọng hơn Thày. Kitô hữu có thể khiếp sợ, có thể áy náy dễ gặp những giây phút yếu đuối. Chúa bảo, một sự hiện diện siêu phàm ngự trị trong tâm hồn Kitô hữu. Chính Đức Giêsu ban cho môn đệ cách ăn nói và sự khôn ngoan, nhưng thế gian đáp lại bằng ác tâm ác ý. Tuy nhiên có những tâm hồn ngay thẳng đáp ứng bằng một thái độ bắt đầu tìm hiểu. Đức Giêsu bảo môn đệ chớ có chuẩn bị tự bào chữa, nghĩa là Kitô hữu không được thấy vậy mà sinh ra âu lo áy náy, nhưng phải đặt ra cho mình nghĩa vụ trở nên tài giỏi, có khả năng tuỳ sức mình tỏ ra cho thế gian thấy mình đã suy nghĩ nhiều về đức tin của mình, sống đức tin cách ý thức, lấy đức tin làm giá trị đời mình. Kitô hữu phải làm chứng rằng đức tin tăng giá trị đời sống con người mình. Kitô hữu có thể trông cậy vào Đức Kitô, xin Người trợ giúp mình trong nỗ lực nói trên để đối phó với những chống đối.



4. Ngày của Chúa
Sẽ có ngày cả thế giới và vũ trụ này biến đổi. Bao giờ? Thế nào? Và có những dấu hiệu nào báo trước không?
Vào khoảng năm 450 trước Công Nguyên, Ngôn Sứ Malaki đã ra đi tuyên sấm. Ông loan báo “ngày của Chúa” sẽ đến, nhằm làm sống lại niềm hy vọng của Dân Chúa sau cuộc hồi hương của Babylon trở về. Đất nước bị dân ngoại chiếm đóng, đền thờ vẫn hoang tàn, tôn giáo bị biến chất, lễ bái trở nên vô vị. Từ đó, dân chúng chán nản ngã lòng. Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ dân Ngài. Phải chăng Thiên Chúa đã không trung thành giữ lời Ngài đã hứa?
Ngôn sứ Malaki loan báo: Đừng tưởng mọi sự sẽ như thế nầy mãi. Thiên Chúa không bỏ Dân Ngài. Sự ác không thống trị mãi… Ngày của Chúa sẽ đến. Ngày ấy sẽ là ngày khủng khiếp, ngày tiêu diệt. Tất cả những kẻ kiêu căng cà làm điều ác sẽ như rơm rạ làm mồi cho ngọn lửa…
Nhưng “Ngày của Chúa” sẽ là ngày đầy hy vọng của những người công chính. Bởi vì là ngày họ sẽ trông thấy công bình và thánh thiện chiến thắng vĩnh viễn tội ác, ngày mà các dân sẽ nối gót Dân Chúa tiến về với Chúa, tiến lên Đền Thánh mới.
Như vậy, lời tiên tri của Ngôn sứ Malaki hôm nay không phải là lời tiên báo ngày tận thế. Đó là lời tuyên báo ngày Chúa đến cứu độ Dân Ngài, sau những thời gian thử thách nặng nề nhằm kêu gọi Dân Chúa hãy luôn hy vọng và tin tưởng vào ngày cứu độ.
Tin Mừng hôm nay minh họa Ngày cảu Chúa với những hình ảnh của Cựu Ước: vẫn là cảnh trời long đất lở, lửa cháy phừng phừng, trừng phạt kẻ dữ, thưởng công người lành. Sau biến cố năm 70, Đền thờ Giêrusalem từng là niềm kiêu hãnh của người Do Thái, đã không còn hòn đá nào trên hòn đá nào: mọi thứ đều sụp đổ, tiêu tan… đối với các Kitô hữu đầu tiên, phải chăng đó là dấu chỉ ngày tận thế? Phải chăng Nước Trời mà Chúa Kitô loan báo đã gần kề? Họ tưởng như vậy và nôn nóng chờ đợi. Nhưng rồi thời gian không thiên vị ai, và cảnh chờ đợi sốt ruột kia cứ kéo dài mãi không ngừng. Họ bắt đầu chán nản thất vọng.
Chúa Giêsu đã không gắn liền thời gian cùng tận với những hiện tượng xã hội và thiên nhiên xảy ra. Ngài không đến để báo trước ngày tận thế như những tiên tri giả. Trái lại, Ngài bảo: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lường gạt”, vì sẽ có người tự xưng là tiên tri và tiên đoán ngày tận thế. “Các con đừng tin theo họ. Cũng đừng căn cứ vào các tai biến mà cho là ngày tận thế sắp đến rồi, vì chiến tranh, thiên tai, địa họa là những tai biến thời nào cũng có. “Các con đừng sợ, vì những biến cố ấy phải xảy đến trước, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”.
Cả những cuộc bách hại Giáo Hội cũng không phải là dấu hiệu ngày tận thế. Chúa đã tiên báo: “Người ta sẽ cầm tù các con, sẽ đưa các con ra trước tòa án”. Nhưng Chúa lại căn dặn: “Đừng lo sợ, vì đó là cơ hội để các con làm chứng cho Thầy”. Thiên Chúa sẽ trợ lực chúng con, “nếu chúng con can trường, kiên trì, bền đỗ đến cùng, các con sẽ cứu được sự sống của các con”.
Chắc chắn thế giời sẽ có ngày tận cùng. Năm 2000 chăng? Không ai biết được. Ai khẳng định điều đó, người ấy là tiên tri giả. Ai coi chiến tranh, động đất, ôn dịch, đói kém là dấu hiệu bắt đầu tận thế để rồi chán nản, buông xuôi, bỏ bê công việc, thay vì hoạt động góp phần ổn định đời sống, đem lại công lý, hòa bình, ấm no, hạnh phúc, người đó là tiên tri giả hiểu, láo khoét, lừa bịp thiên hạ. Nhưng đáng tiếc là khi gặp khó khăn, đau khổ, người ta lại dễ tin theo các “tiên tri dỏm” đó!
Người Kitô hữu chúng ta, trước mọi nghịch cảnh, phải sống theo niềm tin đích thực vào Thiên Chúa. Phải luôn trung thành trong đức tin của mình và làm chứng cho Nước Chúa, Nước vĩnh cửu, bất diệt ở bên kia thế giới nầy. Phải kiên trì, trung thành trong bổn phận hằng ngày thì mới mong kiên vững trước nghịch cảnh. Nếu không kiên trì trong việc tầm thường hằng ngày thì khó mà kiên trì trong lúc gặp nguy biến.
Nếu ngay bây giờ, từng giây phút, chúng ta cố gắng sống trung thành trong đức tin, trong bổn phận, thì “khi nào tậnt hế?”, điều đó không thành vấn đề. Vì “ai kiên trung bền đỗ đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát và được sống đời đời”.
Vậy, đừng bận tâm khi nào tận thế, hãy lo sống hiện tại và kiên trì. Đừng tin những lời đồn đại xuyên tạc trước những biến cố khủng khiếp của lịch sử. Điều quan trọng duy nhất là trung thành làm chứng cho Chúa. Mỗi người chỉ có hôm nay để xây dựng ngày mai và cuộc sống vĩnh cửu.



5. Chia sẻ sự bất lực của chúng ta
Đức Giêsu đã nhìn thấy thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá. Người tiên đoán Đền Thờ lộng lẫy sẽ chỉ còn là đống gạch vụn. Đối với người Do Thái bình thường điều đó dường như không thể xảy ra, thậm chí không thể nghĩ đến được. Đây không phải là một công trình bình thường. Đền Thờ tượng trưng cho toàn bộ hệ thống thờ phượng của người Do Thái.
Lời tiên tri của Chúa Giêsu đã thành sự thật từng chữ một. Giêrusalem đã bị người La Mã tàn phá năm 70 trước công nguyên sau một cuộc bao vây kéo dài. Một triệu người đã bị giết chết hoặc bị chết đói trong cuộc vây hãm kéo dài. Đền Thờ bị đốt cháy đến tận nền móng.
Đức Giêsu muốn cứu thành Giêrusalem mà Người yêu mến nhưng không thể làm được. Có lần Người đã khóc và nói rằng: “Giêrusalem! Giêrusalem! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái các ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu”.
Thật khủng khiếp khi ở bên giường một người bạn đang đau khổ hoặc hấp hối mà không thể nào cứu được người ấy. Chúng ta cảm thấy không tương xứng. Thông thường chúng ta không còn gì để nói nữa. Nhưng biết rằng Đức Giêsu chia sẻ sự bất lực của chúng ta quả là một điều an ủi. Người cảm thấy như chúng ta cảm thấy, nhưng Người không bỏ đi. Trong những trường hợp như thế, tác vụ duy nhất của chúng ta đơn thuần là có mặt. Cả khi mà điều đó có khó khăn, đó là việc quan trọng và quý giá. Giống như Đức Maria ở dưới chân thập giá, chúng ta phải ở lại với người đau khổ và hấp hối. Một sự hiện diện làm yên lòng và nâng đỡ người có ý nghĩa bằng cả thế giới đối với người chịu đau khổ.
Leonard Cheshire là một phi công nổi tiếng trong Chiến tranh Thế giới II. Cuối cuộc chiến, ông rời bỏ nước Đức. Ông cảm thấy ghê tởm chiến tranh và muốn làm một điều gì đó tốt đẹp hơn với phần còn lại của cuộc đời mình. Sau cùng, ông quyết định cống hiến đời mình để giúp những người bệnh tật. Người đầu tiên được gởi đến ông là một người đàn ông có tên là Arthur. Ông này sắp chết vì bệnh ung thư. Cheshire cảm thấy hoàn toàn bất lực, nhưng ông quyết định đem lại điều duy nhất mà ông có thể, đó là tình bằng hữu.
Suốt mấy tháng cuối đời của Arthur, một tương quan cao thượng đã phát triển giữa hai người. Arthur chịu nhiều đau đớn. Những đêm dài là những lúc cô đơn nhất. Khi cơn bệnh trở nên trầm trọng. Cheshire đặt một tấm nệm bên ngoài phòng ngủ của Arthur và ngủ ở đó. Ông đưa cho Arthur một cái chuông nhỏ cầm tay mà Arthur có thể rung lên bất cứ lúc nào ông này cần.
Có một người hiện diện bên cạnh mình, quan tâm đến mình một cách sâu xa tạo nên một thế giới khác cho Arthur, cả khi sự hiện diện ấy không cắt đi cơn đau hoặc làm ngưng lại tiến trình dẫn đến cái chết. Dù Arthur là người đơn sơ nhưng ông đã chết với phẩm cách to lớn. Vốn là một người Công giáo bỏ đạo, trong những tháng cuối đời, ông đã tìm lại được đức tin, và có được sự thanh thản làm cho ông trở thành một con người khác hẳn con người ông vẫn thế cho tới lúc đó. Nhờ có gương sáng của Arthur, chính Cheshire đã trở thành con người Công giáo.
Khi người đau bệnh biết có người chăm sóc mình điều đó tạo nên một thế giới khác cho người ấy. Nó cứu người ấy khỏi viễn cảnh đáng sợ phải chết một mình và bị bỏ rơi.
Để làm loại tác vụ ấy, người ta không cần có các kỹ năng đặc biệt. Chỉ cần có lòng yêu thương. Những người thật sự yêu thương sẽ đem lại cho người đau bệnh sức mạnh không thể đo lường hết, chỉ bằng việc họ có mặt, đứng kế bên. Và trong một thế giới ở đó tính vị kỷ lan tràn thì yêu thương là cách tốt nhất để làm chứng cho Đức Kitô và cho Tin Mừng.



6. Ngày tận cùng
Trong cuộc thế giới đại chiến lần thứ hai vừa qua, nhiều thành phố đã bị đổ nát dưới những trận mưa bom. Chỉ trong một vài tiếng đồng hồ, tất cả đều bị phá hủy, chỉ còn lại những đống gạch vụn. Còn những người thân yêu, kẻ thì bị ngã gục ngoài chiến trường, kẻ thì bị chôn vùi dưới đống gạch vụn. Quả thực đó là một kinh nghiệm đắt giá, một bài học chua cay về chiến tranh.
Thế nhưng, chỉ mấy năm sau, những đống gạch vụn ấy không còn nữa. Người ta đã xây dựng lại tất cả từ những chỗ đổ nát ấy, để rồi đã mọc lên những nhà máy, những cao ốc và dân chúng đã có được một nếp sống sung túc.
Thế nhưng, cùng với những sự giàu sang và xa hoa, chúng ta lại phải chứng kiến một cảnh tượng đau thương và bi đát khác. Con người dần dần đánh mất đi những cái hay, những cái đẹp. Họ đã đảo lộn bậc thang giá trị. Và rồi âm thầm từng bước một, họ đã xa lìa Thiên Chúa, Đấng là trọng tâm mà đáng lẽ cuộc đời họ phải tìm về.
Dĩ nhiên, người ta không chối bỏ Thiên Chúa hay giơ những nắm tay lên trời để nguyền rủa Ngài, nhưng người ta đã âm thần loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống và quên đi sự hiện diện của Ngài.
Từ đó, tất cả lại trở nên một đống gạch vụn, mặc dù bên ngoài đầy vẻ tráng lệ và tiến bộ. Cũng giống như một trái cây, bên ngoài vẫn còn tốt, vẫn còn đẹp, nhưng bên trong đã bắt đầu rữa thối.
Con người cô độc ngồi trên đống đổ nát, không biết mình từ đâu mà đến, để rồi sẽ lại đi về đâu. Người ta sẽ tìm ở đâu cho ra niềm an ủi và khích lệ giữa những khổ đau và bất hạnh gặp phải? Người ta không đi tìm nơi kinh nguyện, nơi tòa giải tội, hay nói cách khác nơi chính Thiên Chúa. Trái lại, người ta đi tìm nơi quán nhậu, nơi rượu chè, nơi cờ bạc và nơi những hưởng thụ khác nữa.
Nói thế không có nghĩa là chúng ta chống lại những tiến bộ và những tiện nghi vật chất. Tất cả những phương tiện ấy đều tốt và chúng ta được phép sử dụng. Tuy nhiên, chúng ta phải ý thức rằng: bao lâu xua đuổi Thiên Chúa, thì cuộc đời chúng ta sẽ đi vào ngõ cụt và những tiến bộ cũng chỉ là một đống gạch vụn không hơn không kém. Thay vì phụng sự con người, thì chúng lại trở nên một thứ vũ khí nguy hiểm, giết hại con người.
Bao lâu con người chỉ biết quyến luyến với vật chất và chỉ biết có vật chất mà thôi, thì con người sẽ cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa và thế giới là như một thùng rác. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quá bi quan. Tiện nghi vật chất một khi đã lên tới cao điểm của nó, thì người ta sẽ nhận ra những giới hạn của nó. Và lúc bấy giờ, phải chăng con người sẽ nhận biết thời gian ơn sủng của Thiên Chúa.
Bởi đó, trong bầu khí những ngày cuối của năm phụng vụ, Giáo Hội báo trước cho chúng ta hay sẽ tới một ngày tất cả những gì chúng ta đã cố gắng gầy dựng sẽ bị sụp đổ. Tất cả cuộc đời chúng ta trở nên như một đống gạch vụn.
Trong ngày đó, chỉ còn lại những gì chúng ta đã xây dựng trong đức tin và trong tình mến. Chính trong đức tin và trong tình mến, chúng ta làm cho cuộc đời chúng ta có được một giá trị vượt thời gian.
Bởi vì chính trong ngày đó, Thiên Chúa sẽ tạo dựng cho chúng ta một trời mới và một đất mới. Ngài sẽ đem lại cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc và vĩnh cửu.



7. Hy vọng
Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật áp chót của năm Phụng vụ, chúng ta đang sống trong những năm đầu của thiên niên kỷ mới, những năm có quá nhiều những xáo trộn, biến động trên thế giới và trong Giáo Hội. Đặc biệt chúng ta dừng lại một ít sự kiện và biến động trên thế giới có liên quan đến Tin Mừng chúng ta vừa nghe: chẳng hạn như các vụ động đất, lụt lội, hạn hán ở An độ, Nhật bản, và ngay cả ở miền Trung Việt Nam vừa qua; biến động ở Trung đông vẫn tiếp diễn giữa người Palestine và người Israel …
Chúng ta cũng dừng lại ít giây để ngẫm nghĩ về một sự kiện quan trọng nào đó xảy ra nơi chính bản thân hay trong gia đình, chẳng hạn trong gia đình có một người thân qua đời.
Tin Mừng chúng ta vừa nghe, trình thuật những viễn cảnh về “Thời cánh chung” với ngôn ngữ Khải huyền. Sách Khải huyền là dấu chỉ của Niềm Hy Vọng. Thiên Chúa nói: “Các con hãy tin vào Ta”. Dù cho các ngôi sao rơi rụng, dù cho các ngôn sứ suy sụp, dù cho mọi sự nhân loại sụp đổ, vẫn còn có thể có một tương lai… Dù khi cái chết diễn ra vẫn còn hy vọng triệt để, tuyệt đối… không dựa trên con người nhưng dựa trên Thiên Chúa.
Tin Mừng đã gởi cho chúng ta một sứ điệp hợp thời về ngày tận thế. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng không ai biết khi nào ngày tận thế sẽ đến, ngoại trừ Cha trên trời. Còn về vấn đề đó chúng ta nên hy vọng hơn là sợ hãi. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta là để cứu độ chúng ta chứ không luận phạt. Vì thế, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta là chính Đức Giêsu Kitô: “Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất hôm qua, hôm nay và mãi mãi”. Bởi vậy, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Thầy là Đường, là sự Thật và là sự Sống”. Đức Giêsu là con đường, bởi vì Người là sự thật và là sự sống. Đức Giêsu là Sự Thật, bởi vì Người mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa, về Chúa Cha; Người chỉ đường cho chúng ta tới gặp Chúa Cha, Người cho thấy phải sống thế nào cho hợp ý Thiên Chúa. Đức Giêsu còn mặc khải về chính mình và sứ mạng của Người đối với nhân loại. Chúng ta đến với Đức Giêsu, lãnh nhận Lời của Người, nhận lấy giáo huấn của Người, rồi được thúc đẩy và được hướng dẫn đến với Chúa Cha. Đức Giêsu là con đường duy nhất dẫn tới Chúa Cha, bởi vì Người là sự sống. Đường của Người là dẫn tới mục tiêu cuối cùng là sự sống sung mãn với Chúa Cha. Chúa Cha đã ban sự sống cho Đức Giêsu, và chỉ có Đức Giêsu mới có thể ban sự sống vĩnh cửu ngay ở đời này cho những ai tin vào Người.
Niềm tin giúp chúng ta xác tín rằng thế giới này sẽ không kết thúc, thảm họa không thể đảo ngược. Hoặc nếu có kết thúc thì chỉ là một sự hoàn tất. Nhờ sự Phục sinh của Chúa Giêsu, Người đã thắng sự dữ và cái chết. Chúng ta nên lo lắng hơn về giờ chết của chúng ta, nó chắc chắn sẽ đến, hơn là về ngày tận thế, vì nó ở ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta.
Qua hơn 2000 năm, lịch sử vẫn tiếp diễn với bao nhiêu người đã trở nên chứng nhân của niềm hy vọng. Đó chính là các vị thánh, chứng nhân của Đức Kitô, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta; Người chính là Vua vũ trụ mà Giáo Hội sẽ mừng trọng thể vào Chúa nhật cuối của năm phụng vụ. Ngoài Đức Kitô ra, không có một vị vua nào trên trần gian này được nhân loại chọn làm trọng tâm của lịch sử. Đúng vậy, lịch sử Giáo Hội đã chứng minh điều này, nó được thể hiện qua các thánh là những chứng nhân cho niềm tin vào thập giá và Phục sinh của Đức Kitô. Bởi vì các thánh đã kính chào thập giá Đức Kitô là niềm hy vọng duy nhất của các ngài; chính thập giá Đức Kitô cũng là ơn cứu độ và là vinh quang của thế giới! Trong lịch sử nhân loại đã có biết bao nhiêu vị thánh trở nên chứng nhân của niềm hy vọng. Từ các thánh tông đồ cho đến ngày nay đã có hàng hàng lớp lớp người là chứng nhân của cuộc Phục sinh của Đức Kitô. Phải một đoàn lũ các chứng nhân hy vọng: chứng nhân vì đức khiết tịnh, chứng nhân cho công lý; các chứng nhân đó gồm đủ mọi thành phần trong xã hội của mọi dân tộc (nam, phụ, lão, ấu…). Đó là cả một bức tranh của một nhân loại Kitô hữu hiền lành, khiêm nhường, không bạo lực, chống trả lại sự dữ, yếu đuối nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ trong đức tin, đã yêu và tin cho tới bên kia cái chết.
Đặc biệt, các thánh Tử Đạo Việt Nam, mà Giáo Hội mừng kính vào ngày 24 tháng 11; đó chính là những chứng nhân của niềm hy vọng mà chúng ta đáng tự hào. Đúng vậy, các thánh Tử Đạo Việt Nam là gia sản cho chúng ta, những người Kitô hữu của thế kỷ 21. Chúng ta phải ôm ấp và lựa chọn niềm hy vọng quí báu này trong cuộc sống mỗi ngày, trong các khó khăn bé nhỏ cũng như lớn lao, trong sự lột bỏ mọi gây hấn, hận thù và bạo lực. Gia sản của các ngài, những chứng nhân của niềm hy vọng phải được tiếp nhận mỗi ngày qua một cuộc sống đầy yêu thương, hiền lành và trung tín.
Năm phụng vụ sắp kết thúc, chúng ta có thể nói như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II rằng: “Nỗi vui mừng của chúng ta là Chúa Kitô, nhưng Người cũng là hoan lạc của chúng ta”. Từ hơn 2000 năm nay, Hội thánh sống bằng sự hiện diện và niềm hy vọng ấy. Muốn được như vậy hai phương thế rất hiệu nghiệm cho cuộc sống Kitô hữu, đó là:
. Thứ nhất, hãy nên có đời sống thánh thiện.
. Thứ hai, hãy nên có tinh thần cầu nguyện.
Để bổ túc cho hai phương thế này, chúng ta cần có một đức tính căn bản đó là kiên trì. Vì như Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng ở câu kết rằng: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.
Sau hết, xin được mượn lại lời của vị cha chung gởi cho tất cả chúng ta, nhân ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 16, như mời gọi chúng ta quyết tâm sống niềm hy vọng:
“Hỡi các bạn trẻ, hãy mở mắt và quan sát thật kỹ: đó không phải là con đường dẫn đến sự sống đích thực, nhưng là con đường nhận chìm cho chết. Đức Giêsu đã nói: “Quả vậy ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Đức Giêsu không bỏ mặc chúng ta trong ảo tưởng: “Được cả thế gian mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có ích lợi gì?” Bằng chân lý của những lời cứng cỏi nhưng chất chứa bình an này, Đức Giêsu mặc khải cho ta bí quyết của cuộc sống đích thực (x. Bài nói chuyện với giới trẻ Rôma 2.4.1998).
Vậy đừng sợ đi trên con đường Chúa đã đi. Với tuổi trẻ, chúng con hãy ghi dấu ấn của niềm hy vọng và lòng nhiệt thành vốn là đặc trưng của tuổi chúng con trên ngàn năm thứ ba. Nếu chúng con để cho ân sủng tác động trên chúng con, và hoàn thành cách nghiêm túc lời cam kết này hằng ngày, thì chúng con sẽ biến thế kỷ mới này thành một thời gian tốt đẹp hơn cho mọi người”.
Cầu chúc các bạn nên chứng nhân niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.



8. Đức Tin
Đức Giêsu đã không giấu giếm điều gì với các môn đệ. Người nói với họ những sự việc rồi sẽ gặp khó khăn. Khi Người nói về thế gian. Người rất thực tế. Người nói về chiến tranh và cách mạng, động đất, dịch bệnh và nạn đói, về sự bách hại và cầm tù, phản bội, thù ghét và giết chóc.
Người nói với họ những điều xảy ra ấy sẽ đem đến cho họ một cơ hội để làm chứng cho Người và cho Tin Mừng. Chính trong những thời kỳ đen tối, cần có ánh sáng. Chính trong những thời kỳ giả dối, cần có sự thật. Chính trong những thời kỳ chiến tranh, cần có hòa bình. Và chính trong những thời kỳ khó khăn, cần có chứng nhân Kitô giáo.
Bằng việc báo cho họ biết trước, Đức Giêsu trang bị cho họ. Người nói: Anh em cần sự khôn ngoan – đừng thất vọng. Anh em cần lòng can đảm – đừng sợ hãi. Anh em cần chống đỡ quyền lực và có sức chịu đựng – đừng bỏ cuộc. Người sẽ làm cho họ chiến thắng trong thời kỳ sau cùng miễn là họ phải luôn kiên trì.
Thời đại chúng ta đem đến nhiều cơ hội để làm chứng cho Đức Giêsu và Vương Quốc của Người. Nhiều bi kịch và tai họa xảy ra trong thế giới chúng ta có thể dễ dàng dẫn chúng ta đến chỗ tuyệt vọng và làm cho chúng ta tin rằng chúng ta là những nạn nhân đáng buồn của hoàn cảnh. Nhưng Đức Giêsu không nhìn các biến cố như thế. Người gọi các biến cố là các cơ hội.
Đức tin dường như phát triển trong nghịch cảnh. Dĩ nhiên, một đôi khi đức tin được sinh ra vì nghịch cảnh. Trong khía cạnh này, nó giống với một số loài hoa dại: Khi trồng nó trong vườn, nó sẽ cho hạt; nhưng khi trồng chúng trên sườn núi, chúng sẽ nở hoa.
Trong chế độ cộng sản ở nước Nga, có một bé gái mười tuổi mà cả gia đình bị phân tán trong những trại lao động cách xa nhau vởi vì đức tin của họ vào Thiên Chúa. Cô bé trước tiên được đưa đến một cô nhi viện. Ở đây cô từ chối tháo bỏ cây Thánh giá mà mẹ cô đã đeo quanh cổ cô trước khi chia tay. Cô đã cột một cái nút để người ta không thể cởi khi cô đang ngủ. Cuộc chiến đấu tiếp tục nhưng đã không tốt đẹp. Cô không rời bỏ cây thánh giá. Cô cũng đã từ chối để mình bị cải tạo, cô không học những bài học tuyên truyền của Đảng. Trong viện cô nhi, cô bị buộc sống với những thiếu niên cặn bã của xã hội Nga. Tuy nhiên, cô từ chối chửi lộn và ăn cắp. Người ta không bao giờ khuất phục được cô. Cô đã kết thúc đời mình sau mười năm trong một trại lao động.
Trong một thế giới với rất nhiều sự biến động xã hội và chính trị, người có đức tin thường bị coi là ngây thơ, vô tích sự và không thích hợp. Tuy nhiên, chúng ta không nên sợ hãi thái độ hoài nghi và vô liêm sỉ, nhưng tin rằng. Thiên Chúa sẽ cho chúng ta sức mạnh để giữ vững lập trường.
Điều nâng đỡ chúng ta là niềm tin rằng sau cùng cái thiện sẽ thắng cái ác. Vì thế, dù ở giữa biến động, chúng ta cũng vui mừng bởi lẽ chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở với chúng ta. Nhận thức ấy cho chúng ta sức mạnh để sống qua bi kịch cuộc đời với tinh thần không bị khuất phục của chúng ta.
Đức Giêsu nói về việc Đền thờ bị tàn phá. Điều này đã đến và làm cho mọi người Do thái tan tác. Thế hệ chúng ta đã chứng kiến những thay đổi to lớn. Không phải một công trình mà cả một thế giới đã qua đi. Điều duy nhất tồn tại là sự trung tín của Thiên Chúa. Điều duy nhất không thay đổi là tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta.
Đức tin không phải là một phương thế để ước muốn sự việc khác đi. Không ai giúp đỡ cho người đã khước từ. Đức tin cho chúng ta sức mạnh để đương đầu với thực tại vốn như thế. Thiên Chúa không tránh cho chúng ta sự đau khổ, nhưng cứu giúp chúng ta khỏi sự tuyệt vọng.



9. Suy niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Có gì trên đời tồn tại mãi, không có ngày cùng tận không?
2. Trong bản thân ta, trong cuộc đời ta, những gì sẽ chóng qua và những gì tồn tại lâu dài? Giữa hai thứ ấy, người khôn ngoan nên quan tâm tới thứ nào? Bản thân ta thường quan tâm đến thứ nào?
3. Thế giới này có tồn tại vĩnh viễn không? Có những dấu hiệu nào báo trước ngày cùng tận của nó không? Thời của chúng ta đã có những dấu hiệu ấy chưa? Nếu có thì chúng ta nên có thái độ nào?
Suy tư gợi ý:
1. Mọi sự trên đời đều chóng qua, đều có ngày cùng tận
Chúng ta đang sống trong một thế giới vô thường, tạm bợ, mọi sự đều thay đổi, mọi sự đều qua đi (x. 1 Cr 7,31b; 1 Ga 2,17). Không một điều gì sự gì thuộc thế giới này tồn tại mãi, cho dù hiện tại chúng có vẻ kiên cố vững chắc tới đâu đi nữa. Đức Giêsu đã nói lên chân lý ấy trong bài Tin Mừng hôm nay: «Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào"». Lúc ấy, người Do Thái không thể nào tưởng tưởng được Đền Thờ Giê-ru-sa-lem đẹp và quí giá như thế, kiên cố và vĩ đại như thế, chỉ 40 năm sau (từc năm 70), lại có thể trở thành bình địa. Đây là chân lý quan trọng mà chúng ta cần phải suy gẫm để sống cho phù hợp và khôn ngoan.
«Đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích» (Tv 103,15-16). Đời sống chóng qua như thế, nếu ta cứ tìm và thu gom cho mình những thứ vô thường tạm bợ, thì khi đời sống này qua đi, ta sẽ hoàn toàn trắng tay khi bước vào đời sống vĩnh cửu. Coi chừng kẻo ta chỉ được giàu có trong chốc lát để rồi muôn đời phải nghèo khổ! Còn gì dại dột bằng? Người khôn ngoan biết dùng những thứ chóng qua này để làm cho mình giàu có trong đời sống vĩnh cửu (xem dụ ngôn người quản lý bất trung, Lc 16,1-13). Đừng vội chóa mắt vì sự vinh quang hay hạnh phúc mà những cái chóng qua này đem lại. Vinh quang hay hạnh phúc ấy cũng rất chóng qua! Hãy suy nghĩ: «nếu cái chóng qua mà còn được vinh quang như thế, thì cái tồn tại mãi mãi lại chẳng vinh quang hơn sao?» (2 Cr 3,11).
2. Cái gì trong ta và trong cuộc đời ta tồn tại vĩnh cửu?
Chỉ những gì thuộc về thế giới vĩnh cửu mới tồn tại. Cái vĩnh cửu ấy đã được gieo mầm trong tâm hồn chúng ta từ khi chúng ta bắt đầu hiện hữu. Đó là bản tính thần linh và thứ tình yêu phù hợp với bản tính ấy: «Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2 Pr 1,4). Trong thế giới vô thường này chúng ta có thể vun trồng và làm cho bản tính thần linh và tình yêu cao cả ấy lớn lên bằng những tư tưởng, lời nói và việc làm cụ thể phù hợp với bản tính và tình yêu ấy. Nói cách khác, bằng cách làm theo ý của Thiên Chúa: «Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa» (1 Ga 2,5). Bản tính hay tình yêu thần linh ấy sẽ mất đi nếu ta cứ hành động ngược lại những gì mà bản tính hay tình yêu ấy đòi hỏi: «Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?» (1 Ga 3,17).
3. Chúng ta đang hành động thế nào? kiểu khôn hay kiểu dại?
Người khôn thì nhắm lợi ích lâu dài, còn kẻ dại chỉ nhắm lợi ích trước mắt. Nguyên tắc ấy ai cũng biết, nhưng trong thực tế người ta vẫn sống ngược lại nguyên tắc khôn ngoan ấy do bị lóa mắt vì những lợi ích trước mắt. Chẳng hạn, ai cũng biết câu: «Quan nhất thời, dân vạn đại». Nhưng trong xã hội, biết bao kẻ sẵn sàng luồn cúi, nịnh bợ những ông tham quan, những thủ trưởng bất tài thất đức vốn chỉ tại chức một thời gian nào đó, chỉ để họ ban phát cho mình chút ân huệ mà sẵn sàng làm hại anh em, bạn bè mình, bất chấp mình phải sống cả đời giữa những người thân yêu ấy. Biết bao kẻ sẵn sàng ca tụng, nịnh hót những ông vua, những chế độ bạo tàn, chỉ vì chút quyền lợi nay còn mai mất của mình, bất chấp sự nịnh hót đó bất lợi cho toàn dân, trong đó có biết bao người thân mình đang phải sống với, phải gặp mặt hằng ngày, và sẽ có lúc trong đời mình phải cần tới họ, phải nhờ họ cưu mang! Những kẻ dại dột ấy sợ bị thất sủng trong hiện tại trước mặt kẻ quyền thế hơn sợ bị miệng đời nguyền rủa mãi mãi! Kinh nghiệm cuộc đời cho thấy những kẻ sẵn sàng bán đứng anh em mình, những kẻ sống không có hậu ấy thường kết thúc cuộc đời trong đau khổ, cô đơn, và nhục nhã! Cũng vậy, thật dại dột những người chỉ biết có lợi ích chóng qua đời này, không nghĩ gì đến hạnh phúc lâu dài đời sau! Của cải, quyền lực, địa vị, danh vọng… tất cả đều sẽ qua đi như lời Thánh Gio-an: «Thế gian đang qua đi cùng với những dục vọng của nó. Chỉ những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa mới tồn tại mãi mãi» (1 Ga 2,17). Chỉ những gì vĩnh cửu mới tồn tại lâu dài!
4. Ngày cùng tận của thế gian
Mọi sự trong thế gian đều có ngày cùng tận, và ngay cả chính thế gian cũng có ngày cùng tận của nó. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói về ngày cùng tận của thế gian và những điềm báo trước ngày ấy. Điềm Ngài nói tới trước hết là các ngôn sứ giả đội lốt chiên (x. Mt 7,15) mạo danh người của Thiên Chúa (x. Lc 21,8) để lường gạt nhiều người (Mt 21,11), nhờ thế họ được thế gian trọng vọng và ưu đãi (x. Lc 6,26). Điềm kế tiếp là chiến tranh giữa các dân tộc, giữa các quốc gia, cùng với các thiên tai (động đất, bão lụt, dịch tễ, đói kém…). Trong thời gian ấy, những người công chính hay các ngôn sứ thật bị bắt bớ, ngược đãi, bách hại, cầm tù, hãm hại… Theo lời Đức Giêsu, thời này là một cơ hội tốt để người Ki-tô hữu làm chứng cho Thiên Chúa, cụ thể là làm chứng cho công lý và tình yêu của Ngài. Chính vì làm chứng như thế mà họ «bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp», kết án, làm mặt lạ, «bị mọi người thù ghét», bỏ rơi, thậm chí bị giết. Nhưng không một sự gì xảy ra ngoài thánh ý Thiên Chúa: «dù chỉ một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu!». Hãy tự hỏi ta có quan tâm đến việc làm chứng cho Ngài, cho công lý và tình thương không? Cứ xem thời điềm thì biết được thời đó sắp đến hay chưa. Người khôn ngoan thì luôn tỉnh thức vì biết rằng «ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm» (1 Tx 5,2). Do đó, «hãy sống như giữa ban ngày» (Rm 13,13), «sống trong ánh sáng» (1 Ga 1,7), «không sống trong bóng tối kẻo ngày ấy như kẻ trộm đến bất chợt không hay biết» (1 Tx 5,4). «Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người» (Lc 21,36). «Ai bền chí đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát» (Mt 10,22; 24,13; Mc 13,13).
Cầu nguyện
Lạy Cha, biết bao điềm mà Đức Giêsu nói về ngày cùng tận của thế gian đang xảy ra trước mắt con, nhưng dường như chúng không ảnh hưởng gì đến thái độ nội tâm của con và của bao người chung quanh con. Con vẫn sống như thể con sẽ tồn tại mãi, như thể địa vị và hoàn cảnh tốt đẹp của con sẽ tồn tại mãi, như thể thế gian và mọi sự trong đó sẽ tồn tại mãi! Xin cho con ý thức được thái độ như thế thật là ngu xuẩn. Xin cho con biết tỉnh thức như Đức Giêsu đã cảnh báo, để khi ngày cùng tận ấy xảy đến, con vẫn luôn đứng vững trước mặt Cha. Amen.



10. Ngày tận thế
Vũ trụ vật chất này cũng như cuộc đời chúng ta đã có một khởi đầu, thì cũng sẽ có một kết thúc và qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Chúa Giêsu mô tả một cách cụ thể sự hủy diệt Giêrusalem và đền thờ. Đối với người Do Thái, sự hủy diệt hai nơi này đồng nghĩa với ngày tận thế. Vì vậy, Giáo Hội muốn chúng ta dừng lại để suy nghĩ vê sự kiện này trong những tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ.
Khi ngày trọng đại ấy xảy đến, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu. Vậy thì ngay từ bây giờ, cuộc sống của chúng ta, từ tư tưởng, lời nói đến việc làm có thấm nhuần tình yêu hay không? Bởi vì tương lai thì bắt đầu từ ngày hôm nay. Và cuộc sống vĩnh cửu nảy mầm từ cuộc sống hiện tại. Chúng ta hãy hồi tâm xét mình, kiểm điểm lại cuộc sống xem chúng ta đã thực thi giới luật yêu thương của Chúa như thế nào?
Trước hết là trong tư tưởng. Chúng ta thường bảo: lòng đầy thì mới tràn ra ngoài, tư tưởng thì hướng dẫn hành động. Vậy thì trong cõi lòng, chúng ta có nuôi dưỡng sự hận thù ghen ghét hay không? Chúng ta có muốn đặt mình lên trên người khác để rồi soi mói, bắt lỗi họ hay không?
Tiếp đến là trong lời nói. Chúng ta thường bảo: người là một con vật có ngôn ngữ, có tiếng nói. Ngôn ngữ và tiếng nói là điều Chúa trao ban để chúng ta chuyển thông tư tưởng hầu tạo được một sự hòa thuận, cảm thông. Thế nhưng chúng ta có biết cẩn thận, đắn đo trong lời nói. Có biết ngoáy lưỡi bảy lần trước khi nói, để tránh đi những lời nói nóng nảy, chửi bới cộc cằn, cũng như những lời nói dèm pha hạ nhục uy tín người khác hay không? Bởi vì lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Có ba vị lãnh đạo tôn giáo, quyết định tĩnh tâm chung với nhau. Trong giờ chia sẻ kinh nghiệm sống, họ nói với nhau về những thiếu sót thường vấp phải. Vị linh mục Công giáo thú nhận: Tôi hơi chè chén một chút. Vị giáo sĩ Do Thái thì nói: mới đây, tôi có bài bạc gian tham đôi lần. Còn vị mục sư Tin lành thì bảo: thú thực với hai vị, tôi chả giữ kín được điều gì cả. Tôi có tật ham nói này nói nọ mà không tài nào sửa được. Câu chuyện trên khiến chúng ta tự hỏi: tôi đã sử dụng lời nói như thế nào.
Sau cùng là trong việc làm, chúng ta đã thực sự giúp đỡ anh em, nhất là những kẻ túng thiếu bất hạnh hay chưa?
Cách đây nhiều năm, có chín người tàn tật đã thành công trong việc leo lên một ngọn núi cao 4000 mét. Chín người ấy gồm một người què, một người mắc bệnh kinh phong, hai người điếc và năm người mù. Được hỏi là đã leo lên đỉnh núi như thế nào, thì một người trong nhóm đã trả lời một cách đơn sơ:
- Chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp của nhau.
Câu chuyện trên khiến chúng ta tự hỏi: chúng ta đã thực sự giúp đỡ lẫn nhau hay chưa. Chúng ta có biết nương tựa vào nhau trên bước đường tiến lên núi thánh, là quê hương Nước Trời hay chưa?
Tóm lại, chúng ta có thực thi giới luật yêu thương thì chúng ta mới được Chúa đón nhận vào quê hương nước trời trong ngày sau hết, bởi vì tương lai thì đang bắt đầu từ ngày hôm nay và cuộc sống vĩnh cửu được bắt đầu từ những tháng năm hiện tại.



11. Thời gian
(Trích ‘Sợi Chỉ Đỏ’)
Trong kho tàng văn hóa phong phú của Trung Quốc, người ta đọc thấy một câu chuyện răn đời sau đây: “Ngày xửa ngày xưa có một vị hoàng đế, tuổi đã quá bát tuần, mà vẫn chưa đọc được một quyển sách nào của các bậc thánh hiền. Bộ sách mà nhà vua tthèm khát được đọc là Bộ sách Lịch sử loài người.
Nhưng khốn nỗi cuộc đời nhà vua, từ mái đầu xanh đến lúc tóc đã bạc phơ, răng đã long, không lúc nào được rảnh rỗi thư nhàn. Cuộc đời nhà vua luôn luôn sống trên lưng ngựa, nằm sương gối tuyết trên bãi chiến trường của thời chinh chiến loạn lạc. Nay chinh phục nước này, mai ngăn chặn nước kia xâm lăng. Đôi mắt của nhà vua chỉ nhìn thấy có gươm giáo và máu lửa. Nhà vua rất ân hận vì trong suốt cuộc đời chưa có hân hạnh được đọc một trang sách của các bậc thánh hiền.
Nay chiến tranh đã tạm yên, đất nước đã thanh bình. Nhà vua muốn dành thời gian còn lại để đọc cho kỳ được Bộ sách Lịch sử Loài người, để tìm hiểu xưa nay con người sống để làm gì, chết đi về đâu?! Nhưng phiền một nỗi, tuổi của nhà vua đã quá cao, mà bộ sách lại quá dầy. Biết sức mình không thể đọc hết bộ sách, nhà vua ra lệnh cho viên quan ngự sử làm thay mình công việc khó khăn ấy. Với sự giúp đỡ của một ủy ban 50 người, viên quan ngự sử bắt đầu miệt mài đọc sách.
Sau mười năm cắm cúi đọc, viên quan ngự sử và ủy ban đã có thể tóm tắt Bộ sách Lịch sử Loài người thành 10 cuốn và mang vào triều đình dâng lên nhà vua. Nhưng vừa nhìn thấy 10 cuốn sách và đo lường tuổi tác sức khỏe của mình, nhà vua lại cảm thấy không còn đủ sức đọc hết bộ sách, dù đã được rút ngắn thành 10 cuốn! Nhà vua bèn ra lệnh cho viên quan ngự sử và ủy ban tiếp tục làm việc thêm một thời gian nữa.
Sau 5 năm làm việc thêm, viên quan ngự sử và ủy ban đã tóm lược Bộ sách Lịch sử Loài người thành 5 cuốn. Nhưng khi ủy ban và viên quan ngự sử mang 5 cuốn sách vào cung ra mắt nhà vua thì cũng chính là lúc nhà vua đang hấp hối trên giường bệnh. Biết mình không còn sống bao lâu, cũng không thể nào đọc được dù chỉ một trang sách, nhà vua mới thều thào nói với viên quan ngự sử hãy tóm tắt Bộ sách Lịch sử Loài người chỉ trong một câu thôi.
Lúc đó viên quan trưởng ban tu sửa mới tâu trình nhà vua như sau: “Hạ thần xin vâng lệnh. Lịch sử loài người từ khai thiên lập địa đến giờ là con người sinh ra để khổ rồi chết!” Nhà vua gật đầu… đôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở một nụ cười mãn nguyện rồi tắt thở! Giữa lúc ấy, viên quan ngự sử cũng nấc lên mấy tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng!
Nhìn lại một năm sắp qua, với biết bao nhiêu biến cố vì khổ đau, bệnh tật, tai nạn, động đất, lũ lụt, chiến tranh, chết chóc đã xảy ra với loài người cũng như cho gia đình và bản thân, có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng muốn đi đến kết luận bi quan như viên quan ngự sử của nhà vua trong câu chuyện răn đời trên đây: “Con người sinh ra để khổ rồi chết!”
Chúng ta có bi quan nhìn đời như viên quan ngự sử không? Hoàn toàn không! Chúng ta không chối bỏ thực tại của khổ đau, của bệnh tật, của chết chóc. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa tạo dựng nên thế giới, tạo nên chúng ta là để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Cho nên hướng đi lịch sử của loài người không phải là ngõ cụt của sự chết mà là sự sống. Bên kia của thất bại khổ đau, bên kia của bệnh tật chết chóc, cuộc sống vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.
Vì thế không có tâm tình nào thích hợp cho chúng ta trong những ngày cuối năm này cho bằng cảm tạ và phó thác. Cảm tạ và phó thác tất cả cho Thượng đế, vì Ngài là Cha của chúng ta, luôn yêu thương và quan phòng cuộc đời chúng ta. Cảm tạ và phó thác vì Ngài là Thượng đế của tình thương, của sự sống. Cảm tạ và phó thác vì Ngài là đường, là sự thật và là lẽ sống của chúng ta. Cảm tạ và phó thác cho Thượng đế, vì nhờ Ngài cuộc sống này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.
Trong muôn vàn khổ đau của cuộc sống, chúng ta hãy hân hoan lập lại: Thượng đế yêu thương tôi như chỉ có một mình tôi trên cõi đời này. Đừng bao giờ chúng ta quên một chân lý căn bản soi sáng cho đời ta: “Chúng ta không chỉ sinh ra cho cuộc sống đời tạm này mà cho cuộc sống vĩnh cửu đời sau”. Đó chính là niềm tin của bạn, của tôi và của mọi người.



12. Trắc nghiệm đức tin – Thiên Phúc
(Trích từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)
Một hôm vua Ai cập đang đứng chiêm ngưỡng những công trình mà ông cho xây dựng tại thành phố Eliôpôli, bỗng có cụ già râu tóc bạc phơ không biết từ đâu tới đã cười ngạo nghễ và thách thức nhà vua:
- Hãy bỏ lại tất cả và cút đi!
Nhà vua giận tím gan, nhưng ông ta đã nén giận và hỏi:
- Hỡi lão già, ngươi là ai mà dám ra lệnh cho ta cách hỗn xược như thế? Không lẽ ngươi quyền thế hơn ta?
Ông lão quả quyết:
- Đúng thế! Vì ta là thời gian.
Nghe đến tên thời gian, vua Ai cập tái mặt, té nhào khỏi ngai vàng. Cùng với ông, cả đế quốc Ai cập cũng sụp đổ.
Lão già thời gian cũng rảo qua khắp các đế quốc trên địa cầu. Lão đi đến đâu, các đế quốc đều rơi như sung rụng.
Nhưng ngày kia, người ta bỗng thấy xuất hiện, tại đồi Vatican một cụ già khác. Lão già thời gian cũng một giọng điệu vô cùng hách dịch đến trước thành Vatican gầm lớn:
- Ta là thời gian đây!
Tiếng gầm thét đó làm rung chuyển trái đất, nhưng lại không làm cho cụ già trên đồi Vatican mảy may lo sợ. Cụ bình tĩnh đáp:
- Còn ta, ta chính là vĩnh cửu! Xuyên qua các thế hệ ta phải đại diện cho lòng chung thủy của Thiên Chúa đối với con người.
Không có gì là vĩnh cửu dưới bầu trời này. Nhiều người Do thái nhìn ngắm và khen ngợi đền thờ Giêrusalem nguy nga tráng lệ, được xây cất bằng đá cẩm thạch nguyên khối, mỗi cây cột cao hơn 12 mét. Đền thờ được trang trí với cây nho lớn bằng vàng ròng, quyên góp từ các tín hữu. Mặt tiền đền thờ được dát bằng vàng lá, mỗi khi mặt trời lên, nó phản chiếu ánh sáng chói lòa rực rỡ. Nhìn từ xa, đền thờ trông như một núi tuyết khổng lồ vì màu trắng toát của đá cẩm thạch. Chính vẻ huy hoàng lộng lẫy của đền thờ mà người ta tưởng nó sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Chúa Giêsu đã đánh đổ quan niệm sai lầm đó. Người loan báo đền thờ sẽ bị tàn phá một cách thảm hại, không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Quả thật, tiên báo này đã hoàn toàn ứng nghiệm năm 70 sau Công nguyên, khi vua Titô đem quân bao vây, tàn sát dân chúng, bắt những tù binh, và thiêu hủy đền thờ thành ra hoang vu tiêu điều.
Mọi người kinh hoàng sợ hãi khi nghe Chúa Giêsu loan báo việc đền thờ bị phá hủy. Họ xin Người cho biết thời gian và điềm báo trước. Nhưng Người không cho biết gì thêm lại còn dựa vào lời tiên báo trên để nói về ngày tận thế. Trước ngày đó, sẽ có những thử thách đức tin.
Có thể có những ngôn sứ giả hiệu, mạo danh Chúa để mê hoặc tín hữu, hay loan báo thời gian đã đến gần để làm mất niềm hy vọng nơi những kẻ tin.
Có thể có những cuộc bách hại các tín hữu, thậm chí cả sự chia rẽ trong các gia đình.
Nhưng Người khuyên họ: “Đừng sợ. Hãy tin tưởng trong phó thác và bền đỗ trong đức tin. Vì Thiên Chúa luôn quan phòng chở che cho những ai cậy trông nơi Người.
Đối với Chúa Giêsu, bách hại và thử thách không phải là điều đáng sợ mà là một cơ may, để người tín hữu có dịp “làm chứng”: để cho kẻ bách hại hiểu biết đức tin của người tín hữu, và để người tín hữu chứng tỏ lòng tin vào Thiên Chúa trong cơn thử thách.
Quả thật, Thiên Chúa muốn niềm tin phải là một hành động tín nhiệm sâu xa nơi Người, một biểu lộ tín thác tuyệt đối vào Người, cho dù có phải chịu thử thách đớn đau nhất, kể cả sự chết. Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen có viết: “Để trắc nghiệm đức tin của ta, cần phải xem phản ứng lúc đau khổ và thử thách, chứ không phải lúc thuận buồm xuôi gió”.
Lạy Chúa, đức tin không giữ cho chúng con khỏi chết, cũng không cứu chúng con thoát đau khổ, nhưng đức tin chính là hiến dâng mạng sống.
Xin ban thêm đức tin cho chúng con, để trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng con vẫn luôn kiên trì giữ vững niềm tin vào Chúa. Amen.