Lời Chúa cntn 32c _ mất hết cả đời người


MẤT HẾT CẢ ĐỜI NGƯỜI
“Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Đó là tột đỉnh của niềm hy vọng mà Chúa Kitô đem lại cho chúng ta. Vì nếu không có sự sống lại và cuộc sống đời sau thì tất cả đời người đều vô nghĩa.
Sưu tầm
Chiều hôm ấy, một nhà bác học đứng trên bãi biển thấy nước phẳng lặng, trời trong veo, ông liền gọi một ngư phủ lấy thuyền chèo đưa ông ra khơi. Hai người cùng trò chuyện. Nhà bác học hỏi người chèo thuyền có biết đọc không? Người chèo thuyền trả lời:
-         Không.
Nhà bác học nói:
-         Vậy thì anh mất hết nửa đời người rồi, uổng quá! Vì biết đọc sách, người ta sẽ tiếp thu được biết bao điều hay, học thêm được bao nhiêu điều mới lạ.
Rồi ông bắt đầu kể cho người ngư phủ: nào là lòng sâu của biển cả, nào là tuổi đời cũng như độ bơi của bao nhiêu loài cá. Người ngư phủ thích thú lắng tai nghe. Nhưng kìa, trên vòm trời xanh thấy điểm nhiều mây đen từ đâu bay đến, rồi từng cơn gió mạnh quấy động mặt nước, biển nổi sóng. Gió càng thổi mạnh, mây càng hạ thấp. Người ngư phủ đâm ra lo sợ và báo cho nhà bác học hay một cơn giông tố sắp xảy đến. Nói chưa dứt thì một làn sóng mạnh đã lật úp chiếc thuyền nan của hai người. Người ngư phủ lớn tiếng hỏi nhà bác học:
-         Thưa ông, ông có biết bơi không?
-         Tôi không biết bơi”, nhà bác học trả lời.
-         Thưa ông, thế thì ông mất hết cả đời người rồi!
Người ngư phủ lại hỏi thêm:
-         Thưa ông, ông có tin đời sau không?
Nhà bác học vừa lặn hụp chống chọi dưới làn sóng vừa trả lời:
-         Đời sau là cái gì. Im đi! Để ta chết!
Nhưng người ngư phủ lại nói thêm:
-         Thưa ông, thế thì ông chẳng những mất cả đời nầy mà còn mất cả đời sau nữa. Thật vô phúc cho ông!
Một cơn sóng lớn đã cuốn hút nhà bác học vào lòng sâu biển cả.
Thưa anh chị em,
Đời như ví như cuộc vượt biển trùng khơi: có khi phẳng lặng, có khi đầy sóng gió. Trong cuộc đời ấy, có người tin rằng: sau cuộc đời dương thế còn có cuộc đời mai sau. Nhà bác học trong câu chuyện trên đây cũng như những người theo phái Sađốc trong Tin Mừng hôm nay đại diện cho hạng người không tin có cuộc sống đời sau. Còn người ngư phủ đại diện cho hạng người tin có cuộc sống bên kia cái chết, trong đó có chúng ta.
Chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Đó là tột đỉnh của niềm hy vọng mà Chúa Kitô đem lại cho chúng ta. Vì nếu không có sự sống lại và cuộc sống đời sau thì tất cả đời người đều vô nghĩa.
Hầu hết các tôn giáo đều nghĩ rằng: chết chưa phải là hết. Con người sau khi chết sẽ được đưa sang một thế giới khác, hoặc được dẫn đến một nơi khác để tiếp tục sống. Nhưng đời sau, đối với họ, là đêm tối, buồn thảm và không có gì hấp dẫn cả. Lý do là vì đó là thế giới của sự chết, của âm phủ.
Các tôn giáo khác có thể tin có sự sống đời sau, nhưng không có tôn giáo nào nói đến sự phục sinh của người chết như Kitô giáo. Ngay cả Do Thái giáo, niềm tin vào sự phục sinh của người chết cũng không dứt khoát rõ ràng. Bài đọc I hôm nay trích sách Maccabêô đã nói lên niềm tin nầy: Anh em Maccabêô đã thưa với nhà vua đang định giết hại họ: “Vua chỉ cất mạng sống chúng tôi ở đời nầy, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi là những kẻ đã chết vì lề luật của Ngài, được sống lại trong cuộc sống đời đời”. Vào thời Chúa Giêsu, người Biệt phái cũng tin như vậy. Nhưng những người thuộc phái Sađốc lại không tin có sự sống lại. Chẳng những không tin mà họ còn chế nhạo những ai tin thân xác con người ngày sau sẽ sống lại. Vì vậy, hôm nay họ kéo đến chất vấn Chúa Giêsu để “chọc quê” Ngài. Vì nếu có sự sống lại của kẻ chết thì sau này một người đàn bà đã lần lượt lấy bảy anh em làm chồng theo luật pháp, sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu đã giải đáp bằng cách cho họ biết rằng cuộc sống sau phục sinh không phải là một sự tái diễn của cuộc sống trên trần gian. Thân xác phục sinh sẽ là một thân xác được biến đổi, không còn đau ốm bệnh tật, không còn già cả và chết chóc nữa. Những người phục sinh sẽ giống như các thiên thần, không còn cần phải cưới vợ lấy chồng để có con cái nối dõi tông đường nữa.
Chúa Giêsu còn dựa vào Ngũ Thư để chứng minh rằng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là Chúa của kẻ sống. Nếu Thiên Chúa đã là Thiên Chúa của các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop thì các Tổ phục là những người đang sống với Chúa, đang có sự sống lại. Ở đây, Chúa Giêsu đã không tả rõ sự sống lại như thế nào. Điều ngài muốn khẳng định ở đây, đó là “Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống”. Và trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu qua những lời giảng dạy và nhất là qua thái độ của Ngài, Chúa Giêsu đã muốn cho người ta hiểu rằng Thiên Chúa là Đấng ban sự sống, Đấng làm cho sống. Và ngay cả những người tội lỗi, Ngài cũng không muốn họ phải hư mất, trái lại, muốn họ hối cải để được sống và sống một cách dồi dào. Những phép lạ chữa bệnh hay làm cho kẻ chết sống lại của Chúa Giêsu là những dấu chỉ về một Thiên Chúa yêu chuộng sự sống. Và khi Chúa Giêsu đón nhận cái chết trên thập giá, đó cũng là để toàn thắng cái chết, và để trả lại cho loài người sự sống đời đời. Chỉ có căn cứ vào những gì chúng ta biết về Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta mới thấy rõ về cuộc sống của chúng ta sau khi chết. Chúng ta sẽ được sống lại với Ngài.
Chính vì Chúa Kitô đã sống lại mà chúng ta xác tín vào sự phục sinh của những người đã chết. “Thiên Chúa của các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop là Thiên Chúa của kẻ sống”. Những người mà chúng ta gọi là đã chết là những người đang sống và sẽ sống đời đời với Thiên Chúa hằng sống. Chối bỏ sự sống lại của những người đã chết là chối bỏ Thiên Chúa hằng sống và chân thật.
Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Một lời đầy an ủi cho tất cả chúng ta. Đừng thất vọng trước cái chết của một người Kitô hữu, của những người thân yêu chúng ta. Sự chia ly chỉ có trong một thời gian và tất cả sẽ gặp lại nhau. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy một tình trạng mới của những người con Chúa là được giống như các thiên thần và nhất là nên giống Chúa Kitô trong vinh quang phục sinh.
Còn sống trên trần gian, chúng ta hãy tín thác vào Thiên Chúa hằng sống. Ngài luôn yêu thương chúng ta và muốn cho tất cả chúng ta, ngày sau sẽ được sống với Ngài mãi mãi. Ngay bây giờ, hãy đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng một đời sống tốt đẹp hơn, tin tưởng và hy vọng vào Đấng sẽ phục sinh chúng ta trong cuộc sống hạnh phúc đời đời.
“Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.” Amen!
 Sưu tầm