Xin tạm dịch đầu đề cuốn sách một cách nôm na cho dễ hiểu là LÀM CHO GIÁO HỘI NHÚC NHÍCH ĐƯỢC (Đọc sách FAIRE BOUGER L’EGLISE CATHOLIQUE của cha Joseph
Moingt, Nxb. Desclée de Brouwer, Paris, 2012, 193 tr.)
Xin tạm dịch đầu đề cuốn sách một cách nôm na cho dễ hiểu
là: LÀM CHO
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO NHÚC NHÍCH ĐƯỢC. Đến nay là một nửa thế kỷ sau
Công-đồng Vaticano II, mà còn đặt vấn đề như thế, thiết tưởng cũng chưa hẳn là
vô lý. Thực vậy, công-đồng đã đem lại cho giáo hội nhiều thay đổi quan trọng về
mặt tư-giáo, mục-vụ, nghĩa là có động đậy ở mặt ngoài, nhưng về cơ cấu bên
trong, thì xem ra chưa thấy nhúc nhích được là bao nhiêu.
So sánh với những pho sách lớn của nhà thần học lão thành
Joseph Moingt, dòng Tên, đã viết hàng nghìn hàng vạn trang nghiên cứu công phu,
dành cho các chuyên gia về thần học, thì cuốn sách này thật là khiêm tốn, nó vừa
khổ nhỏ, lại vừa ít trang. Tuy nhiên, đối với đại chúng thì thật là quí báu, vì
nó tóm tắt được một cách bạo dạn, đáo lý, đủ ý và dễ hiểu, những vấn đề then chốt
đang được đặt ra một cách khẩn cấp từ… gần một thế kỷ nay ở Âu Mỹ, nhưng lại rất
ít hiệu quả. Rất ít hiệu quả, vì:
một là nếu vấn đề do giáo-dân đặt ra, thì giáo quyền coi
thường, bỏ qua đi, cho rằng ”đàn chiên” đó ít am tường đạo lý, bảo sao thì phải
nghe vậy, chứ biết gì mà nói, rồi nếu không khô đạo, thì cũng là đua đòi với những
người đời thường ghét đạo;
hai là nếu do các nhà thần học đưa ra, thì tuy đôi khi
cũng biết rằng họ uyên-bác có thừa, nhưng lại nghĩ họ rất dám ngộ chữ và đặt ra
những vấn đề xa thực tế, và nhất là vì họ không được giao phó cái trọng trách
như các giám mục, là duy trì đạo giáo cho chính thống,
Cuốn sách này được xuất bản do nhóm Chrétiens en
recherche 41, một nhóm người theo đạo Chúa Giê-su Ki-tô, nhưng nhận định một
cách khiêm tốn rằng mình vẫn còn phải tìm hiểu thêm. Sách gồm có ba bài diễn
thuyết mới đây:
1) Loan báo Phúc-âm và cơ cấu của giáo hội (24/09/2010) ;
2) Lập trường nhân bản theo như Phúc-âm (27/03/2011) ;
3) Chỗ đứng của nữ giới trong giáo hội ngày nay (02/04/2011).
Trong phần Phụ-lục thì căn cứ vào chừng 50 trang trong cuốn
sách khác của tác giả là Dieu qui vient à l’homme (Thiên Chúa đến với loài người,
Paris, Ed. du Cerf, 2007, t. II-2, tr 824-867), để bàn rộng thêm về vấn-đề định
chế về hàng giáo sĩ, và về các cộng đồng nhỏ.
Đọc xong, thấy thật là thức thời, biết vậy nhưng tôi vẫn
đinh ninh là rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu, như chính tác giả đã thừa biết rằng
những đề nghị cải cách đó sẽ chẳng có vị bề trên nào dám đem ra thực hành đâu. Lệnh
trên đưa xuống thì ai nấy phải răm rắp thi hành ngay: trái lại, xưa nay đã có
nhiều đề nghị từ dưới đưa lên, nhưng đến tòa giám mục thì bị hãm lại, vì các vị
hữu trách cho rằng có tâu lên Tòa Thánh thì hoặc là sẽ bị bác ngay, hoặc là
cũng chẳng ai thèm trả lời. Từ hơn một thế kỷ nay, có nhiều nhà thần học đã dám
lên tiếng, nhưng đã bị làm khó dễ: sách in ra là bị cấm ngay, nhưng tệ hơn nữa
là mất bài sai, đi vào bóng tối, không được phép dậy thần học công giáo nữa, như:
Henri de Lubac, Yves Congar, Hans Küng, v. v., ấy là nếu không bị rút phép
thông công. Từ công đồng Vaticano II, thì đã bắt đầu có sửa sai, và có một vài
vị đã được phục hồi, và hai ba vị khác được danh dự làm hồng-y cuối mùa, vào
lúc đã quá tuổi không còn được bỏ phiếu trong các cuộc hội nghị.
Tuy nhiên ngày nay có hoàn cảnh thật bất ngờ, là Đức
Giáo-hoàng Biển-Đức thứ XVI từ chức, và với Đức Giáo-hoàng mới, cũng thuộc dòng
Tên như cha Moingt, người ta bắt đầu hi-vọng là rất có thể có cải cách do bề
trên đứng ra xướng xuất và cổ võ. Cũng vì thế tôi xin giới thiệu cuốn sách nhỏ
này, vì nó đáng cho chúng ta để ý suy nghĩ, để sửa soạn tương lai gần đây.
Tôi sẽ chú trọng vào bài thứ nhất, có tính cách bao quát
hơn cả, và trong đó sẽ để ý riêng về hai đề-tài: 1) Trọng tâm của tin mừng Chúa
Giê-su loan báo, và 2) Cái gì cần phải sửa đổi trong giáo-hội?
1) Trọng
tâm của tin mừng Chúa Giê-su loan báo: quan niệm nhân bản mới
Trước khi vào đề, ta có thể nhận xét là các nhà hiền triết
xưa nay thường vạch ra cho người ta biết thiên nhiên vận chuyển ra sao, máy trời
đưa đẩy đời người ta theo những qui luật cố định như thế nào: hết ngày thì đến
đêm, hết đêm thì đến ngày; trăng tròn rồi lại khuyết, khuyết rồi lại tròn: hết
xuân hạ thu đông rồi lại xuân hạ thu đông; như thế là chung nhi phục thủy, hết
rồi trở lại ban đầu, hay là chu nhi phục thủy, đi vòng tròn rồi trở về bước đầu.
Nếu dĩ nhiên là như thế, thì không phải là tin tức, không đáng đưa tin, mà ta
có biết cũng chỉ là biết vậy, mà biết rồi thì thôi, chứ không còn hi vọng được
cái gì mới, không hi vọng được vào ai nữa, cho nên có sống mãi hết kiếp này
sang kiếp khác thì cũng là thừa, nếu không phải là để rồi cứ chồng chất lấy cái
khổ, vì lẽ đã kết luận một cách tổng quát rằng: vạn sự khổ. Có người cho rằng
không làm gì được thì cứ để mặc cho con tạo xoay vần, được ngày nào hay ngày ấy,
sống thì nuôi lấy chết chôn đi. Có người nghĩ xa hơn, và kết luận rằng khôn hơn
cả là nên tìm cách nào để thoát hẳn ra khỏi cõi đời này. Như thế thật cũng
không có gì là đáng mừng cả.
Nếu lời giảng của Chúa Giê-su được gọi là đưa tin, thì là
vì có cái gì khác thường, không tất nhiên như thế. Thực vậy, ở đây quan niệm thời
gian của con người ta không đi vòng tròn như trong thiên nhiên, mà là đi đường
thẳng, từ khởi điểm đến cái tương lai chưa biết, cho nên người ta có thể hi vọng
rằng khi ra khỏi cái quá khứ đã biết, thì còn có cái gì mới mà mình hi vọng là
có thể sẽ tốt hơn. Vẫn biết thế giới này không tùy thuộc vào ý định của ta, cuộc
đời này có nhiều gian truân, tương lai còn bấp bênh, nhưng nếu may ra có thể
tín cẩn được vào ai, có quyền lực và có thịnh tình với ta, thì cuộc đời thật là
đáng sống, vì có thể hướng tới một mục đích tốt đẹp hơn mà ta không ngờ tới. Nếu
có như thế, thì thật là một tin mừng. Và đó chính là tin mừng mà Chúa Giê-su
cho ta biết: nếu vị Thiên Chúa xuống thế gian làm người, và ở cùng chúng ta, thì
không phải là có ý để bảo ta khôn hồn thì nên tìm cách thoát ra ngoài cuộc đời,
nhưng là vì cuộc đời ở thế gian này là đáng sống. Như thế, tin tức là dám tin, dám
tín cẩn, nhưng tin hay không thì tùy nghi. Ai nấy tự do. Triết gia Pháp là
Blaise Pascal (1623-1662) đề nghị là cứ đánh cuộc: nếu có thực như thế thì mình
có thể đạt được vận mệnh cao quý, mà nếu không có như thế thì mình cũng chẳng mất
vốn mất lãi gì cả.
Bây giờ ta theo cha J. Moingt đi vào trọng tâm của
Phúc-âm. Tác giả viết:
”Tin mừng của Chúa Giê-su được nói lên bằng một từ ngữ tượng
trưng là “nước Đức Chúa Trời.” Nước Đức Chúa Trời có nghĩa: một là Thiên Chúa sẽ
thiết lập - Chúa Giê-su nghĩ là trong một ngày rất gần - một trật tự mới có
công bình, hòa bình và tình anh em; hai là trật tự ấy đã bắt đầu được thực hiện
một cách hữu hiệu, trong lời nói và việc làm của Chúa Giê-su: người bệnh tật được
chữa lành, người bị quỉ ám được giải thoát, những người nhỏ mọn được yên ủi, những
người kình địch nhau được hòa giải, người có lỗi được tha thứ, người ta giúp đỡ
nhau, thương yêu nhau mà không sợ lụy đến thân. Và khi nói lên tất cả các điều
đó, thì tuyệt nhiên không nhắc nhở gì đến tôn giáo gì cả: trong khi chờ đợi
Thiên Chúa đến, thì Chúa Giê-su không để lại cho môn đệ một bộ nghi lễ, luật điều
hay giáo điều nào cả, mà chỉ dậy phải lấy con người làm gốc; quan niệm nhân bản
mới [1] này là: người ta phải sống với nhau sao cho hợp với nhận định rằng
Thiên Chúa là Cha chung của mọi người. Kỳ dư thì để Chúa Thánh Thần hướng dẫn đồ
đệ ngài “cho tới chân lý toàn diện (Ga, 16, 13) ” (tr 20-21).
Đọc đến câu “không nhắc nhở gì đến tôn giáo”, tôi sực nhớ
ra rằng cách đây mấy chục năm có một số nhà thần học chủ trương đạo Chúa Giê-su
không phải là một tôn giáo (religion) như các tôn giáo khác, nhưng là một niềm
tín cẩn (foi). Vì lẽ rằng tôn giáo là con đường mà con người ta tự lực tìm ra để
tự giải thoát, để đạt thân, hay là để “lên trờỉ”, như những người xây tháp
Babel, kể trong Cựu Ước. Thực ra, con người nhỏ bé trong cái vũ trụ bao la, tự
sức mình không làm được bao nhiêu, cho nên từ đầu đã phải tựa vào tha lực. Nếu
tha lực là một Ông Trời có uy quyền, nạt nộ, bắt người ta phải quỳ xuống lậy lục,
thì con người có một chút tự trọng chắc là sẽ không chịu được và cũng không tín
cẩn được. Đàng này khác, Chúa Giê-su đã cho chúng ta một tin mừng: Đức Chúa Trời
là cha nhân từ, và mọi người đều là anh em. Trông vào lời nói và việc làm của
người thì các môn đệ chứng thực là đáng tín cẩn, và nhận định đó là con đường
nên theo. Vì thế mà đạo còn tồn tại sau 20 thế kỷ.
Nói đến “nhân bản mới”, tôi lại nhớ đến cái mục đích “học
làm ngườỉ” mà trước đây hơn nửa thế kỷ, người ta bàn tán trong đại học văn khoa
Sài-gòn. Chúa Giê-su không có dậy người ta đi “đội đá vá trời”, đi tìm bồng lai
tiên cảnh, hay là tìm đến Đức Chúa Trời xa xăm ở đâu không biết; nhưng dậy ta
cách làm người trong chính cái thế giới này. Thực vậy,
1) Chúa nói: “Thiên Chúa, chưa có ai thấy bao giờ; nhưng
Con một vốn là Thiên Chúa… đã tỏ ra cho chúng ta biết” (Phúc âm theo thánh
Gio-an, Ga 1, 18). Vì thế “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 12, 9).
2) Đi thêm một bước nữa, khi bàn về các việc bác ái, Chúa
lại nói: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những
anh em bé nhỏ nhất này của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40)
[2]. Và giáo dân ta cũng quen đọc kinh ngày chủ nhật rằng: “Mười điều răn ấy
tóm về hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại
yêu người như mình ta vậy.”
Nói cho cùng thì Đức Chúa Trời có cần gì ta phải “lấy của
Đức Chúa Trời cho… mà dâng cho Đức Chúa Trời” (như ta đọc trong kinh cám ơn sau
khi rước lễ), nhưng Ngài có từ tâm, ái nhân (philanthropie), cho nên muốn rằng
ta nên để tâm đến người khác và làm những việc bác ái cho người khác, và như thế
cũng kể là làm cho Chúa vậy. Một số nhà thần học – trong đó có Đức Giáo-tông Biển-Đức
thứ XVI – gọi đó là “phép bí tích huynh đệ” (sacrement du frère). Có nhà thần học
còn thêm rằng: các phép bí tich khác thì trong lúc cần kíp đều có thể thay thế
được, ví dụ: không chịu lễ thật được thì có thể chịu lễ thiêng liêng, không chịu
phép giải tội được thì có thể ăn năn tội cách lọn (trọn), không chịu phép rửa tội
được thì có thể, giục lòng ước ao hay là chịu tử vì đạo; trái lại, phép bí tích
huynh đệ này thì không lấy gì mà thay thế được [3].
Nói tóm lại, Chúa không dậy rằng sống đạo là phải tìm
cách thoát thân ra bên ngoài thế giới này, mà là sống trong chính cái thế giới
này với người khác như là anh em, là con cái của cùng một Cha chung là Đức Chúa
Trời.
Cũng nên nhận định thêm rằng tư tưởng đạo đức như thế đã
thấm nhuần văn minh Âu châu trong hàng chục thế kỷ, với hai đặc điểm:
1) con người là nhân vị đáng tôn trọng, và
2) tôn giáo phải tách rời ra khỏi chính trị.
Do đó, triết gia người Nga là N. Berdiaev (1874-1948) đưa
ra nhận xét: “Nếu không có Thiên Chúa, thì con người hoàn toàn phải tùy thuộc
vào thiên nhiên và vào xã hội, vào vũ trụ và vào nhà nước” [4].
Có nhiều người có lý tưởng, nhất là từ Cách mệnh Pháp (1789),
tuy vì nhiều lý do không còn tin vào Thiên Chúa nữa, nhưng vẫn còn giữ lại cái
viễn tượng đầy hi vọng đó của đạo Giê-su: tự do, bình đẳng và tình huynh đệ, và
đinh ninh rằng tự sức con người ta có thể thực hiện được. Thế nhưng cho đến nay
ta thấy nhiều chính khách đó đây đã chiếm chính quyền, lấy đó làm bàn đạp để
vươn lên thực hiện, để lật ngược cái chế độ “người bóc lột người”, mà rồi - trớ
trêu thay! - sau khi lớp cha ông đã gian lao tranh đấu, ra ngục vào tù, thì mấy
chục năm sau, lớp con cháu lại ung dung thừa hưởng và tăng cường cái chế độ đã
đảo ngược ra là “người bóc lột người.” Thật đúng như lời nhà văn người Nga là F.
Dostoievsky (1821-1881) đã tuyên bố một câu trứ danh: “Nếu không có Thiên Chúa,
thì người ta ai làm gì cũng được cả.” Rồi nhà văn người Pháp là Maurice Clavel
phụ họa thêm vào rằng: “…, thì người ta làm gì ai cũng được cả (tout est permis
à l’homme et sur l’homme)”!
Chưa hết, ngay cả những người có tin vào Thiên Chúa, thì
cũng chưa chắc đã thực hiện ngay được lý tưởng nhân bản như thế? Vì chưa dễ gì
mà “cải tội bảy mối (bảy mối tội đầu) ” - nói theo kiểu đạo Thiên Chúa -, chưa
dễ gì mà gột rửa được hết tham, sân, si – nếu nói theo kiểu nhà Phật. Vì thế
cho nên tuy cái lý tưởng đó đã lan rộng ra xã hội thế tục Âu Mỹ, vượt ra ngoài
giới hạn giáo hội đạo Thiên Chúa, nhưng chính giáo hội này cũng vẫn còn phải
luôn luôn căn cứ vào đó để sửa đổi cho thích thời.
2) Cái
gì cần phải sửa đổi trong giáo hội?
Trước khi đi vào tư tưởng của tác giả, xin chú ý: tôi nói
là “sửa đổi”, chứ không nói là “sửa sai”, vì không phải tất cả những gì không hợp
thời đều là sai cả.
Thực vậy, nói cho đúng thì từ những lời giảng dậy có tính
cách cụ thể trong Phúc âm, cho đến vô số những mệnh đề thần học và những khẩu
hiệu tín lý trừu tượng của các Công đồng, ta thấy có khác đi nhiều. Muốn giữ lại
tất cả như là bửu-bối, thì người ta gọi đó là “phép triển khai tín điều” (développement
du dogme). Như thế thiết tưởng cũng chưa ổn, vì có những kiểu nói hay khẩu hiệu
rất khó mà dung hòa được với nhau. Vì vậy các nhà thần học có ý thức lịch sử
thường quan niệm rằng những mệnh đề hay những khẩu hiệu tín lý phải được hiểu
theo ngôn ngữ được dùng trong văn hóa của thời đại [5].
Nhận định được đâu là trọng tâm của đạo Chúa, ta có thể
tương đối hóa tất cả những định chế, những quan niệm, những lối hành đạo cụ thể
mà giáo hội, trong suốt hai mươi thế kỷ, đã đặt ra để thích nghi với hoàn cảnh
lịch sử và trình độ văn hóa của các dân tộc, cũng như của các giai cấp, các cá
nhân. Tương đối hóa không có nghĩa là tuyên bố tất cả đều vô giá trị, nhưng là
nêu lên tính cánh lịch sử, tạm thời, của tín điều và của các thể thức phụng tự
và sống đạo.
Vấn đề căn bản được cha J. Moingt có ý đặt ra ở đây là cơ cấu tổ chức của giáo hội.
Trước khi đi vào tư tưởng của tác giả, thiết tường cũng cần
phải nhắc lại rằng: cái phẩm trật giáo hội rất là phiền phức, đã do nhu cầu của
từng thời đại mà được phát triển dần dần trong 20 thế kỷ, và ấn định trong bộ
giáo luật của giáo hội Công giáo Roma, thì đã không có sẵn trong Phúc âm hay là
trong sách Công vụ các thánh tông đồ. Đã thế, ở miền Đông Địa-trung-hải thì
không được Giáo hội Chính thống, và ở miền Tây lại cũng không được các tông
phái Tin lành, Anh-giáo công nhận. Thế thì nó ở đâu mà ra? Chẳng lẽ cứ bóp trán
suy luận mà “triển khai tín điều” thì tất nhiên là có? Trả lời cho câu hỏi này
tức là tương đối hóa cái phẩm trật đó. Như thế không có nghĩa là giáo hội đã
làm sai ngay từ đầu, và bây giờ phải sửa sai; nhưng có nghĩa là những cái đã
thích nghi với hoàn cảnh lịch sử và văn hóa này, thì nay không tất nhiên còn
phù hợp với hoàn cảnh lịch sử khác.
Trong quan niệm như thế, tác giả đã đọc lại lịch sử của
phẩm trật Hội thánh, đại khái như sau đây:
Trong giai đoạn thứ nhất, cộng đồng có nhiều công tác, công
vụ, làm dần dần thì đi đến chỗ chuyên môn, thành ra những chức vụ. Đến thế kỷ
III, thì bắt đầu có phân biệt: người có chức vụ thì được ban cho chức thánh, gọi
là giáo sĩ, để phân biệt với người giáo dân thường. Như ta biết: người lo việc
giám thị hay giám quản thì được chức là giám mục [6], người lớn tuổi, trưởng
lão, tức là đạo trưởng (presbytre), thì được chức gọi là linh mục (prêtre), rồi
đến người giúp việc để lo các công tác vật chất về việc bác ái (diaconos, diacre)
cũng có chức thánh nữa. Đến khi việc đạo đặt trọng tâm vào tế tự, thì linh mục
hay đạo trưởng gọi là chánh tế, và người giúp việc chuyển thành vị phó tế. Cái
tôn ti đẳng cấp như thế đã được đặt thêm ra do nhu cầu, cho nên không ai lấy
làm lạ, vì khi đạo được truyền bá thì bắt đầu có một số người hiểu lệch lạc đi
- gọi là bè rối -, cho nên cần phải đặt những chứng nhân có uy tín vào chức vụ
lãnh đạo, để chỉ đường cho giáo dân biết đâu là chính đạo,.
Từ đó mà đi thì giáo hội đã quen thuộc với quan niệm quyền
bính thiêng liêng, trong cái thế giới đã được tục hóa, Thường thì, như ta biết,
xưa nay các tôn giáo khác, nhất là Hồi giáo, không có phân biệt việc đạo với việc
đời. Riêng người Do thái, thì Thánh Kinh của họ đã tục hóa vũ trụ và tục hóa
chính quyền: vũ trụ thiên nhiên, cũng như chính quyền và bản thân của vua chúa,
hay của nhà cầm quyền, đều không có gì là thần thiêng cả. Cho nên có lẽ đây là
trường hợp có một không hai: từ khi nước mất nhà tan, phải lưu đầy khắp nơi, từ
năm 587 trước Công nguyên cho đến khi tái lập quốc gia năm 1947, nghĩa là trong
hơn 25 thế kỷ, họ cố gắng trung thành giữ đạo mà không nhờ vào uy lực của nhà
nước nào cả. Đạo Giê-su Kitô từ đạo Do thái mà ra, đã bành trướng quan niệm tục
hóa thế giới này như thế, nhất là ở Âu châu, cho nên tôn giáo không còn can thiệp
vào khoa học về vũ trụ thiên nhiên, không còn làm nền tảng cho tổ chức xã hội, cho
luân thường đạo lý, cho triết học nữa.
Tuy nhiên, người theo đạo thì nhiều khi cũng bị quyến rũ
như người khác, mà coi những yếu tố tương đối, tạm thời, trong đạo như là lời dậy
dứt khoát, tuyệt đối, của Thiên Chúa, không thay đổi được. Mà quên đi rằng xã hội
tục hóa ở Âu châu này không phải là vì đã mất ảnh hưởng của đạo Giê-su, nhưng
chính là vì một phần đang nhằm thực hiện cái ý hướng căn bản của đạo.
Như vừa nói, giáo hội không còn có tham vọng gì về quyền
bính thế tục, đồng thời cũng không muốn để cho quyền bính thế tục tìm đủ cách lợi
dụng, mà chỉ căn cứ vào quyền bính thiêng liêng mà thôi. Trong phạm vi hạn hẹp
này, sự phân biệt giáo sĩ [7] với giáo dân, tuy lúc đầu là do nhu cầu tạm thời,
nhưng sau mươi mười hai thế kỷ, khi hoàn cảnh văn hóa xã hội đã thay đổi, thì
không còn thích thời nữa, và sinh ra nhiều vấn đề nan giải. Thực vậy, khi đại
đa số giáo dân chưa biết đọc biết viết, thì giáo sĩ dĩ nhiên là bậc thầy: nhưng
từ thời Phục hưng ở Âu châu, số người được đi học đã tăng lên, lại vào lúc phát
minh ra kỹ thuật in sách, cho nên văn hóa cũng như sách thánh được phổ biến rộng,
không còn phải là phép bí truyền của hàng giáo sĩ nữa.
Ai cũng biết như thế, nhưng cái gì đã thành tập tục “kinh
niên” thì rất khó thay đổi. Vào đầu thế kỷ XVI, gặp lúc mà giáo triều Roma còn
đang suy đồi, tranh quyền với vua chúa ngoài đời, thì thầy dòng Martin Luther (1483-1546)
đòi phải cải cách giáo hội: một đàng thì trở về nguồn là Thánh Kinh, một đàng
khác thì trở về tổ chức giáo hội như trước khi phân biệt giáo dân với giáo sĩ
có chức thánh. Vì lẽ trong bức thư thứ I của thánh Phê-rô có viết về các tín hữu
rằng: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế, vương giả,
là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan báo những kỳ công của Người” (1
Pr 2, 9). Như thế có nghĩa là tất cả các giáo dân là hàng tư tế, là dân thánh, chứ
không riêng gì một số người được chức thánh. Nhưng đó là điều mà người ta hay lờ
đi, không nhắc tới. Đòi hỏi cải cách này đã đến vào lúc cơ hội chưa thuận tiện,
và kết quả là Luther bị kết án là làm bè rối - từ đó sinh ra chia rẽ Công giáo
với Tin lành -, và phía Công giáo Roma càng tăng cường quan niệm về chức thánh
của giáo sĩ, đồng thời ít để ý học hỏi về Thánh Kinh như bên Tin lành [8].
Bây giờ ta đi vào quan niệm và đề nghị của cha J. Moingt.
Cha viết vào lúc cơn khủng hoảng của giáo hội Công giáo Âu châu đã tới cao độ, tưởng
chừng như đã tới giai đoạn tối cao. Nhiều người đã đánh chuông báo động nhưng
không có hiệu quả là bao nhiêu.
Thực vậy, sau Cách mệnh Pháp, và nhất là vào cuối thế kỷ
XIX, giáo hội không còn là một thế lực chính trị về phần đời nữa, tuy vẫn giữ sứ
mệnh truyền đạo. Muốn chu toàn sứ mệnh, Tòa thánh nhận định là cần phải có giáo
dân tham gia, cho nên đầu thế kỷ XX đã đứng ra lập phong trào Công Giáo Tiến
Hành cho giáo dân làm; nhưng lại cứ nhất định là giáo dân phải được hàng giáo
phẩm chính thức ủy nhiệm và kiểm soát. Sau này phong trào các linh mục làm thợ
đã sáng lập bên Pháp, nhưng sau mấy năm hoạt động thì bị Tòa thánh Roma bắt phải
ngừng năm 1953.
Vẫn chưa hết, ở Âu châu từ mấy chục năm nay, nhất là ở
Pháp, số linh mục càng ngày càng ít đi, cho nên mỗi vị phải coi từ ba bốn cho đến
mươi mười lăm xứ đạo, thật là mệt mã đến gần như thất vọng. Rồi dăm sáu giáo phận
chung nhau mở một đại chủng viện, và mỗi giáo phận thì mỗi năm, hay là hai ba
năm, mới được một linh mục mới [9]. Có nhiều công việc trước đây là do linh mục
đảm nhiệm, mà ngày nay đã giao phó một phần cho giáo dân, không những như: dậy
giáo lý cho trẻ em và cho người lớn dự tòng, lo việc tang chế, quản lý ngân quỹ
nhà thờ, mà cả trọng trách làm giáo sư dậy thần học trong đại chủng viện và
trong phân khoa thần học ở cấp đại học [10]. Giải pháp dễ dãi mà các giám mục
Âu châu đã dùng là: sang nước Ba-lan, hay là quay trở lại các xứ truyền giáo cũ
ở Phi châu, ở Ấn-độ, Việt Nam, v. v. để tuyển dụng hàng nghìn linh mục sang coi
xứ bên này. Có những linh mục Phi châu làm việc ở bên này mấy năm trong khi du
học, thì lại không muốn hồi hương làm việc, tuy bên nhà còn thiếu linh mục hơn ở
Âu châu. Cho đến nỗi Tòa thánh đã phải viết thư cảnh cáo [11]. Đã có người đề
nghị truyền chức thánh cho một số người đã có gia đình, như trong dăm sáu thế kỷ
đầu của giáo hội, nhưng không được [12], và thực ra cũng chưa phải là giải quyết
vấn đề.
Đứng trước tình trạng đó, cha J. Moingt đã có những suy
luận và đề nghị sau đây:
Một là:
Cần nhất là giáo dân phải tạo nên một cộng đồng, nhằm mục đích là đọc, học hỏi
về Thánh Kinh và chia sẻ với nhau, rồi họp nhau để cùng cầu nguyện.
Cha viết: “Buổi cầu nguyện dần dần sẽ được tổ chức phong
phú hơn, và rồi rất có thể là một ngày nào đó anh chị em sẽ phải quyết định rằng
buổi cầu nguyện như thế sẽ thay cho lễ ngày chủ nhật: và đây là một hành động mới,
thay đổi hẳn thói quen phụng vụ kỳ cựu” [13].
“Buổi đầu thì còn giông giống như những buổi họp ngày chủ
nhật mà không có linh mục (ADAP: assemblée dominicale en l’absence de prêtre). Rồi
dần dần sẽ biến chuyển sang hình thức mới của buổi phụng tự mà trung tâm là
phép Thánh Thể; vì lẽ rằng không có lý do gì để từ chối không cho một cộng đồng
được hưởng lương thực tự nhiên và cần thiết cho đời sống ki-tô-hữu, tức là đặc
điểm riêng của người theo đạo Chúa Cứu thế” (Sđd, tr 63).
Dĩ nhiên là không dễ gì mà làm ngay như thế được, vì sẽ đụng
chạm rất nhiều. Vì dù sao linh mục tuy rất ít, nhưng vẫn còn đó, thì để làm gì?
Và rồi vẫn sẽ có ơn kêu gọi làm linh mục.
Cha viết tiếp: “Hi vọng là sẽ có ơn kêu gọi làm linh mục,
như thế có được không? Xã hội nào không phát sinh ra linh mục nữa, thì tức là xã
hội ấy không còn muốn tiếp tục sống theo như cái mẫu mực tôn giáo đã đặt ra từ
xa xưa. Một khi ta không còn ảo vọng như thế nữa, thì ta sẽ thấy một cách hiển
nhiên là nếu có thay đổi, thì chỉ có thể thay đổi từ dưới lên mà thôi, và khi
giáo dân, do sức Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã bắt đầu ra tay hành động, thì
toàn thể giáo hội sẽ nhận ra được đó là con đường cứu rỗi” (Sđd, tr 65).
Hai là:
Xét về cái định chế về linh mục như ngày nay, thì cha J. Moingt có viết một đoạn
sách rất quan trọng [14], được trưng dẫn ra trong sách này (tr 159-180), mà đề
tài là: Phê bình định chế linh mục. Đề nghị những cơ cấu mới (Examen critique
de l’institution sacerdotale. Nouvelles structures proposées). Nội dung là như
sau:
a) Phê
bình định chế linh mục
Cái định chế về linh mục bị vướng vào hai khuyết điểm:
1) vì không thể chứng minh rằng đó là do chính Thiên Chúa
đã sáng lập ra;
2) vì nó quá khích, đến nỗi coi đó là bản quyền tư tế của
hàng giáo sĩ có chức thánh, trong khi trong thư đã dẫn của thánh Phê-rô, thì rõ
ràng dân Chúa, giáo dân, ngay từ đầu đã là hàng tư tế, là dân thánh, chứ không
riêng gì một số người sau này mới được chức thánh.
Bây giờ ai cũng biết là như thế. Nhưng cái tập tục đã có
từ nghìn năm thì khó mà lay chuyển. Ví dụ chính Công đồng Vaticanô II, tuy đã
chấp nhận dân Chúa là hàng tư tế, nhưng lại cho rằng chức vụ ấy phải tùy phụ
vào hàng giáo sĩ có chức thánh mà trong Tân Ước không có nói đến: nói thế khác,
dân Chúa có thể tham dự vào, nhưng vì không có chức thánh cho nên không có thể
tham gia tích cực vào được. Nói cho đúng thì nếu dân Chúa là dân có chức tư tế,
“nếu mọi người đều là thầy tư tế, thì như thế không còn có thầy tư tế (thầy cả
thượng phẩm) như trong Cựu Ước nữa; lại cũng không thể có một thiểu số giữ bản
quyền làm thầy tư tế riêng cho mình, mà cấm không cho người khác làm” (Sđd, tr
169). Thiểu số đó cũng là thành phần dân Chúa như các người khác. Có thế thôi.
Nhưng riêng về điểm này thì Công đồng Vaticanô dậy rằng
chức tư tế của mọi người và chức tư tế của hàng giáo sĩ thiểu số đó “không những
khác nhau về mức độ, mà khác hẳn nhau về bản tính” (Lumen gentium, số 10). Cha
J. Moingt không đồng ý, cho rằng suy luận như thế thật là không hợp lý chút nào,
vì không có lý do gì mà sau khi đã công nhận rằng “hai thứ tư tế đó đều là hai
thể thức tham dự vào chức tư tế duy nhất của một Chúa Ki-tô” thì lại thêm rằng
hai thể thức đó “không những khác nhau về mức độ, mà khác hẳn nhau về bản tính.”
Cha viết: “Chẳng lẽ hai thể thức tham gia đặc biệt (vào cùng một thực tại) lại
làm cho bản tính hai bên khác hẳn nhau?” (Sđd, tr 173).
b) Đề
nghị những cơ cấu mới
Cha J. Moingt đề nghị là nên phân biệt ra hai loại tư tế,
phụng tự: phụng tự có tính cách công cộng, và phụng tự có tính cách riêng tư
trong những cộng đồng nho nhỏ. Phụng tự công cộng thì dành riêng cho lớp giáo
sĩ “có chức thánh”, nhưng cả hai loại phụng tự đều phải được vị giám mục sở tại
chuẩn y, nhất là chuẩn y cộng đồng nhỏ. Sau đây là lý luận của cha:
“Cộng đồng phải được giám mục thừa nhận mới được hoàn
toàn là thành phần lịch sử của dân Chúa có chức tư tế, nhưng tính cách riêng tư
của hành động phụng tự không đòi hỏi phải có thầy tư tế đã được truyền chức. Phép
Mình Thánh Chúa được cử hành ở đây trong cộng đồng đã được giám mục chuẩn y và người
đứng đầu chủ tọa buổi lễ với tư cách là chủ tịch cộng đồng và nhân danh chức tư
tế của chung dân Chúa” (Sđd, tr 179-180).
“Có lẽ giáo hội sẽ bó buộc phải truyền chức cho những người
đã có gia đình và cho phụ nữ nữa, để bù vào số ít người có ơn kêu gọi làm linh
mục, miễn là giải pháp này không có ý là để giáo dân phải luôn luôn bám vào lớp
giáo sĩ đã được truyền chức, mà không nhờ vào được ơn ích của chức tư tế chung
cho cả dân Chúa” (Sđd, tr 180).
Thiết tưởng phải có nhiều hiểu biết và nhiều can đảm mới
đề nghị ra được giải pháp này, một giải pháp vừa không động chạm gì đến các
giáo sĩ đã được truyền chức theo như truyền thống lâu đời của giáo hội, nhưng lại
càng ngày càng ít đi; mà trái lại còn làm bớt gánh nặng cho các vị đó. Đồng thời
gây cho giáo dân ý thức trách nhiệm đối với giáo hội, và bảo đảm cho giáo dân ở
xa nơi có linh mục được hưởng quyền tham dự vào phép Mình Thánh Chúa. Sau cùng
thì giải pháp này tránh cho giáo hội cái nạn, mà ta thường thấy trong nhiều tổ
chức lấy danh nghĩa Chúa Giê-su Ki-tô, là bất cứ ai tự tiện làm gì cũng được.
Lambersart, ngày 11/08/2013
TRẦN Văn Toàn
________________________________________
[1] Humanisme nouveau: đó là quan niệm nhân bản
mới, được trình bầy trong bài thứ hai của cuốn sách này.
[2] Đó là nội dung bài Lập trường nhân bản
theo như Phúc âm, tức là bài thứ hai của cuốn sách mà bỉ nhân đang giới thiệu.
[3] Xem: Louis Evely, Une religion pour notre
temps, Ad Lucem, Paris, 1962, tr 115: “Le Seigneur nous a donné un sacrement
sans suppléance: les pieds de votre voisin à laver… Alors Il vous a donné le
lavement des pieds qui surpasse tous les Sacrements, puisque tous les
Sacrements admettent des suppléances, mais pas votre voisin: celui-là vous
l’avez toujours à votre portée.”
[4] Xem: Essai d’Autobiographie spirituelle, Paris,
Buchet-Chastel, 1958, tr 222.
[5] Ví dụ như cố giáo sư Antoine Chavasse (1909-2005)
đã dậy thần học ở đại học công giáo Lyon (1938-1956) và ở đại học Strasbourg (1956-1983).
Khi giảng dậy về tín lý, thì trước hết căn cứ vào Thánh Kinh, sau đó thì xem
trong lịch sử cổ nhân (các thánh giáo phụ) đã triển khai ra như thế nào bằng từ
ngữ thông thường và bằng từ ngữ của triết học từng thời đại (Platon, Aristoteles,
Thomas, v. v. ), và sau cùng thì giáo sư dùng từ ngữ đương thời của triết học
nhân vị (Maurice Nédoncelle) và triết học hiện sinh (Maurice Merleau-Ponty), để
nói lên cho người đương thời hiểu được.
[6] “Mục” là “chăn dắt” như chăn chiên, chăn
trâu: pasteur là mục đồng, mục tử hay là mục sư.
[7] “Sĩ” đứng hàng đầu trong bốn hàng: sĩ, nông,
công, thương. Khi bắt đầu giảng đạo ở Việt Nam, thì người giảng đạo tự xưng là “thầy”,
nghĩa là bậc nhì trong ba cấp: quân, sư, phụ. Giám mục là “đức thầy”, linh mục
là “thầy cả.” Từ đó sinh ra tổ chức “nhà thầy”, gồm thêm: thầy cai, thầy giảng (kẻ
giảng), v. v… Sau này mới dùng đến những danh từ có tính cách gia đình: cha, đức
cha, đức thánh cha, đức ông, cụ, cố, v. v.
[8] Cho đến nỗi, như ở Việt Nam trước đây hơn
nửa thế kỷ, giáo dân được dậy là ngày chủ nhật, phải đi xem lễ, cần nhất là xem
từ khi vào “canon”, nghĩa là từ kinh đại-tạ, còn phần trước là phần đọc sách
thánh (bằng tiếng la-tinh), có đến không kịp mà phải mất, thì cũng không mất lễ.
[9] Có một số người xin vào đại chủng viện (ở
đây không còn tiểu chủng việc nữa) sau khi đã có ăn học, có nghề nghiệp làm ăn
mấy năm ở ngoài đời, như kỹ sư, giáo sư, trạng sư, nông dân, thợ thuyền, v. v.
[10] Ví dụ trong phân khoa thần học ở Lyon, Lille,
Angers thì đã có những người không có chức thánh, cả đàn ông lẫn đàn bà, được bầu
làm khoa trưởng. Vào khoảng năm 1970, đã có người đặt vấn đề với hàng giám mục:
có một số giáo dân đã được huấn luyện, có bằng cấp về thần học, vậy giáo hội có
biết dùng sở trường của họ làm gì cho giáo hội hay không? Nhưng không thấy ai
trả lời cả.
[11] Instruction sur l’envoi et la permanence
à l’étranger des prêtres du clergé diocésain des territoires de mission (12/06/2001)
do Bộ truyền giáo ở Roma.
[12] Thực ra thì ở Pháp đã có truyền chức linh
mục cho mấy người đã đến tuổi về hưu, góa vợ, và con cái đã thành thân cả rồi. Như
tôi biết thì trước đây hơn nửa thế kỷ thì ở hai giáo phận bên Đức, là Mainz và
Paderborn, đã có truyền chức cho mấy vị mục sư Tin lành đã trở về Công giáo, mà
vẫn còn được giữ gia đình, vợ, con.
[13] Xem: Faire bouger l’Eglise catholique, tr
60. - Bên anh em Tin lành thì thường họp nhau ngày chủ nhật để đọc sách thánh, chia
sẻ, nghe giảng và cầu nguyện, rồi thỉnh thoảng (hai ba chủ nhật một lần) mới có
chia sẻ bánh rượu như trong thánh lễ mi-sa (đại tạ).
[14] Đoạn sách này trích ra từ bộ sách Dieu
qui vient à l’homme, tập II / quyển 2, tr 824-867.