NĂM
C
BÀI ĐỌC I: Am.8, 4-7
4 Hãy nghe đây, hỡi những
ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.5 Các
ngươi thầm nghĩ: "Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao
giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho
quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. 6 Ta
sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát
gạo mục, ta cũng đem ra bán." 7 Đức Chúa đã lấy thánh danh là
niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của
chúng.
ĐÁP CA: Tv 112
Đ. Nào ca ngợi danh thánh
Chúa đi!
Người cất nhắc những ai nghèo túng. (c 1a.7b)
Người cất nhắc những ai nghèo túng. (c 1a.7b)
1 Hỡi tôi tớ Chúa, hãy dâng
lời ca ngợi, nào ca ngợi danh thánh Chúa đi. 2 Chúc tụng danh thánh
Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời.
4 Chúa siêu việt trên hết
mọi dân. Vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm. 5 Ai sánh tày
Thượng Đế Chúa ta, Đấng ngự chốn cao vời. Cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái
đất.
7 Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra
khỏi nơi cát bụi. Ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro. 8
Đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền qúy dân Người.
BÀI ĐỌC II: 1
Tm.2, 1-8
Anh em thân mến,1 trước
hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả
mọi người,2 cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng
ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh.3 Đó
là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta,4 Đấng muốn
cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.5 Thật vậy, chỉ có
một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là
một con người, Đức Ki-tô Giê-su,6 Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi
người.
Điều này đã được chứng thực vào đúng
thời đúng buổi.7 Và để làm chứng về điều này, tôi được đặt làm người
rao giảng và làm Tông Đồ - tôi nói thật chứ không nói dối - nghĩa là làm thầy
dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý.8 Vậy tôi muốn rằng người
đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện,
không giận hờn, không xung khắc.
TUNG HÔ TIN MỪNG: 2 Cr 8, 9
Hall-Hall: Đức Giê-su Ki-tô vốn giàu sang phú qúy, nhưng đã trở nên khó
nghèo, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. Hall.
TIN MỪNG: Lc.16, 1-13
Khi
ấy, 1 Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ
kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của
cải nhà ông.2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta
nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh
không được làm quản gia nữa!3 Người quản gia liền nghĩ bụng:
"Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc
đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.4 Mình biết phải làm gì rồi,
để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!
5
"Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất:
"Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?6 Người ấy đáp: "Một trăm
thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống
mau, viết năm chục thôi.7 Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác,
bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo:
"Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.
8 "Và ông
chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời
này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
9 "Phần
Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè,
phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.10
Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất
lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.11 Vậy
nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín
nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?12 Và nếu anh em
không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho
anh em của cải dành riêng cho anh em?
13 "Không
gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia,
hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi
Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được."
KHÔNG
THỂ THỜ CHÚA NHƯ THỜ CỦA!
Tin Mừng hôm nay
như xô chúng ta đến tòa Chúa phán xét, vì thế giới này sẽ có ngày tận cùng
(cánh chung), ngày đó chỉ có Thiên Chúa xét xử mọi người: Ngài cho mọi người
sống lại và phân người ta ra làm hai loại:
-
Con cái thế gian tôn thờ tiền của sẽ bị
loại trừ.
-
Con cái Thiên Chúa làm cho vạn vật cùng tôn
vinh Thiên Chúa, sẽ được sống vinh quang muôn đời.
I. CON CÁI THẾ GIAN TÔN
THỜ TIỀN CỦA SẼ BỊ LOẠI TRỪ.
Đức Giêsu nói: “Con
cái thế gian khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”
(x. Lc 16,8b: Tin Mừng). Họ khôn là vì tìm kẽ hở của Luật để vơ vét của cải, mà
lương tâm họ không hề bị cắn rứt:
1/ Lách Luật xã hội để thủ
lợi. Cụ thể tên quản lý bất
lương biết mình không được chủ cho tiếp tục làm quản lý, vì hắn bị mang tiếng
là phá tán tài sản của chủ, nên hắn gọi các con nợ đến và bảo: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? Người
ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai
của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. Rồi anh ta hỏi người khác:
"Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa. Anh
ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.”
(Lc 16,5-7: Tin Mừng).
Tại sao người quản
lý này lại bảo con nợ làm như thế?
Thưa vì:
a-
Luật Do Thái chỉ cho người đồng chủng vay mà thôi, và không
lấy lời đối với người nghèo (x. Xh.22,24; Lv.25,36; Dnl.23,20t).
Các luật sĩ lại cắt nghĩa: người nghèo là người không đủ
dầu để thắp một ngọn đèn, và không đủ bột để làm một chiếc bánh! Giải thích như
vậy thì không thể có người cùng khốn đi vay!
b- Cách tổ chức giao dịch thương mại: Theo giáo sư J.Derrett trong tập “Law in
the New Testament” trang 48-77 xuất bản tại London năm 1970, cho biết: Người đi
vay không trực tiếp với chủ của, mà qua trung gian người quản lý. Chủ của không
trực tiếp trả lương cho quản lý, nhưng người quản lý được ăn huê hồng trong các
dịch vụ về cả hai phía: chủ của và con nợ. Số huê hồng được tính luôn trên văn
tự của con nợ. Cho vay dầu được lấy lời 100%, cho vay lúa lời 25%.
Người quản lý bảo kẻ vay dầu viết 50 thùng vốn thay vì 100
cả vốn lẫn lãi; và kẻ vay lúa viết 80 thùng vốn bớt đi 20 thùng lời!
Khi người quản lý cầm giấy nợ về trình chủ, người chủ hiểu
đó là vốn của chủ, hắn cho người nghèo vay, nên không có lời! Nhưng thực tế,
người quản lý chỉ viết số vốn của chủ và giấu đi số lời.
Anh này làm thế đã được Đức Giêsu khen rất khéo: chủ không
có cớ tố cáo anh trước pháp luật, vì anh không phá tán tài sản của chủ như có
kẻ xấu miệng báo cáo (x. Lc 16,1: Tin Mừng), cùng lắm là chủ không tính huê
hồng cho anh thôi, và nếu chủ truất chức quản lý, thì anh đã có các con nợ được
anh bảo đừng viết số lời vào giấy nợ, sẽ đón tiếp anh và chia cho anh số lời
chưa nộp chủ.
2/ Lách Luật đạo.
Theo Luật ông Môsê, người Do Thái phải
nghỉ mọi việc trong ngày lễ buộc. Nhiều người giàu cảm thấy những ngày lễ đó
cản trở công việc làm ăn của họ, thế nên họ chỉ mong ngày lễ chóng qua để có cơ
hội làm giàu, nên ngôn sứ Amos (Bài đọc I) đã trách cách sống Đạo của dân Chúa
tuyển chọn, vì họ nói:
- “Bao giờ ngày hưu
lễ qua đi, để ta mở cửa bán hàng?” (Am.8,5a).
Đáng lẽ ngày lễ của Chúa phải là ngày
vui mừng (x. Công Đồng Vat.II trong HCPV.106) để đến tôn thờ Chúa, thì lắm kẻ
có Đạo lại cho đó là ngày họa, ngăn trở công ăn việc làm!? Mong cho chóng hết
ngày lễ nghỉ để:
- “Ta bóp méo đấu
đong, làm cân gỉa mạo” (Am.8, 5b).
Tức là gian dối trong mọi sinh hoạt,
miễn là chiếm đoạt được nhiều tiền, thì có nhiều thần, nhiều chúa phù hộ kiếp
sống! (x. Lc 12,16t) Vì với tiền bạc khi có dư:
-
“Ta tậu người nghèo bằng đôi dép” (Am.8, 6a).
Đánh giá mạng người là hình ảnh của
Thiên Chúa chỉ bằng đôi dép!? Ngày nay một số ngừơi buôn bán thuốc tây lậu, đã
đổi mạng người bằng chai nước lã thay vì nước biển! Thế mà vẫn không cắn rứt
lương tâm, đã có thần tiền hướng dẫn lương tâm họ! Vì
“lương tâm” không bằng “lương lậu”, nên:
- “Lúa nát gạo mục
quét bỏ, ta cũng bán đi” (Am.8, 6b).
Kẻ
tôn thờ tiền của, không có gì dư thừa để chia sẻ, vì họ thích đọc kinh cầu dưới
đây:
TIỀN
là tiên là thần,
Nó
cần cho người,
Nụ
cười tuổi trẻ,
Sức
khoẻ tuổi già,
Cái
đà danh vọng,
Cái
lọng che thân,
Cán cân công lý,
Cái
lý kẻ mạnh,
Sức mạnh vô quan, … Ôi tiền hết ý!!!
II. CON CÁI THIÊN CHÚA LÀM
CHO VẠN VẬT CÙNG TÔN VINH THIÊN CHÚA SẼ ĐƯỢC SỐNG VINH QUANG MUÔN ĐỜI.
Đức Giêsu dạy: “Hãy
dùng tiền của bất lương mà gây thân nghĩa, phòng khi hết tiền hết bạc họ sẽ đón
rước anh em vào nơi vĩnh cửu” (Lc 16,9: Tin Mừng).
Chắc chắn Đức Giêsu
không có ý dạy ta phải hành động ma giáo, lươn lẹo như anh quản lý trong Tin
Mừng, cũng chẳng bảo ta sống bất lương để có tiền của mà làm việc bác ái. Mà
cụm từ “tiền của bất lương” chỉ có ông Luca ghi và cho biết nó có thể xấu, có
thể tốt, tùy theo cách chiếm đoạt hoặc cách dùng nó!
A. XÉT VỀ MẶT LUÂN
LÝ ĐẠO ĐỨC.
Nếu đã gian lận ai, nay sám hối muốn đền trả, mà không biết
chủ của ở đâu, thì hãy dùng tiền của đóng góp vào những sinh hoạt của Hội
Thánh, hoặc là chia sẻ cho người nghèo. “Đó
là người hạnh phúc vì biết kính sợ Thiên Chúa” (Tv 112/111,1a).
B. XÉT VỀ MẶT ĐỨC
TIN.
1- Tiền của có thể
xấu:
Dưới ngòi bút của ông Luca cho ta biết tiền của rất nguy
hiểm, nó có sức mê hoặc lòng người bỏ Chúa. Đan cử:
a- Trong trình thuật Đức Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ, chỉ có ông Luca ghi quỷ
nói với Đức Giêsu: “Tôi sẽ cho ông toàn
quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của
các nước này, vì quyền hành ấy đã được
trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. (x. Lc.4,5-6).
Như vậy tiền của là mồi ngon, nhạy bén, quỷ
dùng để nhử câu loài người!
b- Chỉ có ông Luca ghi ông phú hộ được mùa không còn nơi tích trữ thóc lúa,
ông cho đốt kho cũ và xây kho mới để chất của, rồi ru hồn: “Nghỉ đi, ăn uống vui chơi đi, sướng chán!”
Nhưng Thiên Chúa bảo nó: “Đồ ngốc, đêm
nay ngươi ra khỏi thế gian, thì của đó thuộc về ai?” (x. Lc 12,13-21).
Như vậy tiền của ru người
giàu thích hưởng thụ, tôn nó làm lẽ sống, làm chúa phù hộ con người.
c- Chỉ có ông Luca ghi người cha có hai đứa con, cũng vì con cái đòi hưởng
gia tài của cha, mà lúc nào ông cũng mất một người con (x. Lc 15,11-31).
Như vậy, chính vì tài sản của gia đình mà
cha mẹ phải điên đầu với con cái!
d- Chỉ có ông Luca ghi tên đầy tớ bất lương: hắn đưa lúa, dầu của chủ cho
người ta vay, và hắn đã giấu số lời đi (x. Lc 16,1-13).
Như vậy vì tiền của mà tên đầy tớ tán tận
lương tâm.
e- Chỉ có ông Luca ghi phú hộ quá giàu sang, ngày ngày yến tiệc linh đình
trong những bộ y phục đắt giá, sang trọng, mà không chia sẻ cho người nghèo nằm
ngay đầu ngõ một mẩu bánh thừa! Kết thúc đời phú hộ, hắn bị dìm sâu xuống hỏa
ngục (x. Lc 16,19-31).
Như vậy, vì mê hưởng thụ
tiền của mà không biết chia sẻ là nguyên nhân mất sự sống đời đời.
g- Chỉ có ông Luca ghi hai vợ chồng Hananya và Saphira đã nói dối ông Phêrô
để giấu đi một số tiền bán đất, mà dám nói là đã dâng hết. Hậu quả cả hai vợ
chồng đều chết gục dưới chân thánh Phêrô (x. Cv 5,1-11).
Như vậy, lấy của cải làm
lẽ sống, là nơi nương tựa an toàn, nên dám nói dối, miễn là giữ được tiền, cuối
cùng bị tử thần chộp mạng!
2- Tiền của trở nên tốt cho người biết dùng theo ý Chúa:
Sáu chứng từ trên đây minh chứng tiền của mang “chất bất
lương”. Dầu thế, người theo Chúa lại cần “chất bất lương” ấy để làm vinh danh
Chúa, như sáu mẫu người sau đây:
a’ Chỉ có ông Luca ghi sau khi Đức Giêsu gọi ông Lêvi đi làm Tông
Đồ cho Ngài lúc ông đang ngồi bàn thu thuế, ông đã bỏ nghề rất có lợi, về nhà
làm tiệc lớn đãi Ngài; đồng bàn với các ngài có đám đông những người thu thuế
và nhiều người khác (Lc 5,29).
Như vậy, bỏ việc kiếm tiền
đi làm Tông Đồ và dùng tiền quy tụ mọi loại người, kể cả người tội lỗi về cho
Chúa là được giàu Chúa và tậu được nhiều linh hồn về cho Ngài.
b’ Chỉ có ông Luca ghi vị sĩ quan ngoại giáo móc tiền túi xây hội
đường cho người Do Thái có nơi cầu nguyện, nên được nhiều người xin Đức Giêsu
cứu đầy tớ ông thoát chết (x. Lc 7,3-4).
Như vậy, người ngoại giáo
còn biết dùng tiền của tạo nơi sinh hoạt tôn giáo cho người thờ Thiên Chúa, thì
tâm hồn họ là Đền Thờ của Thiên Chúa .
c’ Chỉ có ông Luca ghi bà Maria Madalena, một người tội lỗi khét
tiếng, đã dùng tiền của giúp Đức Giêsu và các Tông Đồ đi truyền giáo (x. Lc
8,1-3).
Như vậy, nhờ tiền của Tin
Mừng được phát triển rộng rãi.
d’ Chỉ có ông Luca ghi ông Giakêu, trưởng ty quan thuế khi đón Đức
Giêsu vào nhà, ông đã tự ý bán tài sản chia cho người nghèo một nửa. Lòng nhân
ấy được Đức Giêsu tuyên bố: “Cả nhà ông
được cứu độ” (x. Lc 19,9).
Như vậy biết dùng tiền của
để chia sẻ cho đồng loại, thì làm cho mọi người thuộc về mình được sống đời
đời.
e’ Chỉ có ông Luca ghi các tín hữu bán tài
sản đem đặt dưới chân các Tông Đồ để phân phát đồng đều cho mọi người (x. Lc
2,44-45; Cv 5,32-35).
Như vậy, nhờ tiền của các
tín hữu thể hiện tình thương và tôn trọng nhau như chính mình.
g’ Chỉ có ông Luca ghi bà Linh Dương khi còn sống đã may nhiều y
phục chia sẻ cho đồng loại, khi bà chết, cả cộng đoàn đi tìm ông Phêrô để mời
ông đến cùng cầu nguyện cho bà, thế là bà được sống lại (x. Cv 9,36-43).
Như vậy, biết dùng tiền
của chia sẻ thì được thoát tay tử thần.
Với cái nhìn về tiền của có hai mặt
đối lập như trên, nên ông Luca ghi Lời Đức Giêsu dạy: “Hãy dùng tiền của bất lương mà gây thân nghĩa, phòng khi hết tiền hết
bạc, người ta sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu” (Lc 16, 9: Tin Mừng).
Vậy ta hãy dùng tiền của vào bốn mục
đích:
1.
Góp phần phát triển Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh là thực hành Điều Răn thứ năm mới của Hội Thánh (x. GLHT số
2041-2043).
2.
Đủ nuôi thân xác mình cho có sức khỏe để phục vụ tốt: Không hà tiện, không
xa xỉ! (x.
St 2,16)
3.
Dùng làm phương tiện để phục vụ đồng
loại, nhờ đó nhiều người có điều kiện sống tốt hơn. (x. Lc 19,11t)
4.
Chia sẻ cho người không có khả năng tự
sống. (x. Mt 25,31-46)
Trong những việc chia sẻ trên đây, ta phải ưu
tiên vào việc phát triển Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh, để ta nối dài công
việc của các tín hữu thời sơ khai mà thánh Phaolô đã lên tiếng khen: “Anh em là những người xuất sắc trong việc
Tông Đồ… Đan cử như anh Ê-rát-tô quản lý kho bạc của thành phố”. Thánh Phaolô
còn lên tiếng khen ngợi nhiều tín hữu khác đã cộng tác với ông trong việc
truyền giáo (x. Rm 16,3-27).
Cũng chính vì thế mà thánh Phaolô đã viết thư
khen và cám ơn các tín hữu thuộc giáo đoàn Philipphê: “Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. Tuy nhiên, anh em đã chia
sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải. Không có Hội Thánh nào
đã đóng góp các khoản chi thu của tôi, chỉ có anh em thôi. Điều tôi tìm kiếm
không phải là quà tặng, mà là những gì sinh hoa kết quả dồi dào cho anh em.
Thiên Chúa của tôi thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự
giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 4,10-19).
Vậy chúng ta phải cầu
nguyện cho mọi người, nhất là những người đang nắm giữ quyền chức và cả những
người giàu có, để họ đừng lạm dụng quyền mà bóc lột người khác, nhưng hãy dùng
uy tín của mình mà nâng đỡ những người đau khổ, bần cùng, không chỉ hiểu về mặt
vật chất mà nhất là nghèo Chúa, như lời thánh Phaolô dạy: “Tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất
cả mọi người, cho vua chúa và cho những người cầm quyền, để chúng ta được an cư
lạc nghiệp và sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh, như chính tôi đã được đặt làm người
rao giảng và làm Tông Đồ thày dạy các dân ngoại về mặt Đức Tin và chân lý”
(1Tm 2,1-8: Bài đọc II).
Bởi vì nếu ta
không cầu nguyện cho mọi người, nhất là cho người có quyền chức, thì họ dễ lạm
dụng thế lực để chiếm hữu tiền của. Thật hiếm có ai dùng quyền đang nắm để dẫn
dắt người khác biết dùng tiền của vào bốn mục đích theo ý Chúa! Chính ông thủ
tướng Trần văn Hương xác nhận: “Nếu diệt hết tham nhũng quốc gia lấy ai làm
việc?” Ngày nay trong các phiên
tòa xử tội kẻ tham những, thì toàn là những kẻ có địa vị, có thế lực trong xã
hội! Ta phải cầu nguyện cho mọi người như thế, vì chỉ khi nào họ nhận biết
Thiên Chúa là Vua hướng dẫn mọi người để biết dâng lời cầu: “Lạy Thiên Chúa
con thờ là Vua của con, xin chúc tụng danh Chúa đến muôn đời” (Tv
145/144,1).
Vậy con cái Thiên Chúa, con cái sự
sáng phải ý thức rằng Chúa là Chủ của, Ngài trao cho ta làm quản lý, nếu ta
biết cách dùng tiền của Chúa ban mà giúp đồng loại, không lấy lời như người
quản lý bất lương trong Tin Mừng, hoặc ta cho luôn cả vốn, để gây thân nghĩa
với đồng loại, thì ta không phải là kẻ bất lương mà là người khôn ngoan trước
mặt Chúa. Đây là điều Chúa đang thách đố ta. Có như thế ta mới thực là con Đấng
Tối Cao (x. Lc 6,35), để mỗi khi dâng Lễ, ta cùng với muôn tạo vật hát bài
Thánh vịnh: “Nào ca ngợi Thánh Danh Chúa đi, Người cất nhắc những ai nghèo
túng” (Tv 113/112,1a.7b: Đáp ca). Vì ta đã làm giàu cho đồng loại, bắt
chước Đức Kitô, “Ngài vốn dĩ giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên nghèo khó,
để lấy cái nghèo của mình mà làm cho ta trở giàu có” (2Cr 8,9).
Mạnh Thường Quân là người rất giàu có, đã cho nhiều người ở đất Tiết mượn
tiền. Một hôm ông sai Phùng Huyên – người đầy tớ – sang đất Tiết đòi nợ. Lúc
sắp đi, Phùng Huyên hỏi:
-
Tiền nợ thu được, ngài có định mua gì không?
Mạnh Thường Quân nói:
-
Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua.
Khi đến đất Tiết, Phùng
Huyên cho gọi các con nợ đến và bảo:
-
Các người nợ chủ tôi thế nào, đưa giấy nợ cho tôi coi.
Họ liền đưa giấy nợ cho
Phùng Huyên, sau khi xem xong, Phùng Huyên bật quẹt đốt hết!
Mọi người ngạc nhiên hỏi:
-
Sao thế?
Phùng Huyên trả lời:
-
Vì ông chủ bảo tôi nói với các người là ông tha hết nợ cho dân đất Tiết.
Lúc trở về, Mạnh Thường Quân
hỏi:
-
Ngươi đã mua cho ta cái gì?
-
Nhà của ngài châu báu đầy kho, gia súc vô số kể… chỉ thiếu “nghĩa”, nên tôi
lấy hết tiền nợ mua nghĩa cho ngài rồi.
Mạnh Thường Quân bực mình,
vì ông chưa hiểu mua “nghĩa” là mua cái gì?
Sau này Mạnh Thường Quân lâm
bệnh nan y, bán hết gia sản để chữa bệnh mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Dân đất
Tiết nghe tin ấy, họ lũ lượt kéo đến thăm và biếu ông đủ thứ, nhất là họ biếu
ông một hộp thuốc quý, ông uống vào thì khỏi bệnh ngay. Lúc ấy ông mới hiểu
Phùng Huyên đã mua “nghĩa” cho ông là vậy!
THUỘC LÒNG.
Hãy dùng tiền của vào bốn mục đích:
1. Góp
phần phát triển Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh. (x. GLHT số 2041-2043)
2. Đủ
nuôi thân xác mình cho có sức khỏe để phục vụ tốt: Không hà tiện, không xa xỉ! (x.
St 2,16)
3. Dùng
làm phương tiện để phục vụ đồng loại cho hữu hiệu nhất. (x. Lc 19,11t)
4. Chia
sẻ cho người không có khả năng tự sống. (x. Mt 25,31-46)
Lm
Giuse Đinh Quang Thịnh