Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định
giáo hội Công Giáo là “giáo hội nghèo” chứ không phải chỉ là “cho người nghèo”
hay “vì người nghèo”...
Bạn muốn làm thánh mà ngại gian khổ
thì sao làm thánh được? Bạn chỉ cho tôi có vinh quang nào mà không qua thập giá
không?
Bạn
thân mến,
Những
ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 tại Brazil đã kết thúc, bạn cũng như tôi,
những con người nghèo khó, có lẽ chẳng bao giờ có điều kiện được tham dự những
lễ hội hoàng tráng ở hải ngoại như thế. Tuy nhiên chúng mình vẫn có quyền ước
mơ một ngày nào đó chính Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Việt Nam và ngày Quốc Tế Giới
Trẻ sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Tại sao không? Ai cấm chúng mình mơ ước? Mơ ước
chắp cánh cho chúng mình bay cao khỏi những cái tầm thường nhỏ hẹp của cuộc sống
thường ngày. Mơ ước giải thoát ta khỏi những suy nghĩ hạn hẹp nông cạn vụn vặt
toan tính ích kỷ, khỏi phải ngồi đó than thân trách phận vì những cái KHỔ:
Nghèo Khổ-Đói Khổ - Đau Khổ-Buồn Khổ.
NGHÈO
KHỔ - ĐÓI KHỔ
Anh
bạn nghèo đói ơi,
Đã
nghèo thì dễ bị đói và đói là vì nghèo. Đói cũng khổ mà nghèo cũng khổ. Cặp bài
trùng nghèo khổ, đói khổ thường đi đôi với nhau.
Dù
nghèo, không có tiền sắm computer, nối mạng internet, nhưng chúng mình vẫn có
thể dành chút tiền ăn sáng ra tiệm Net lên web đọc tin tức của Giáo Hội và hiệp
thông với các bạn trẻ trên thế giới trong ngày Đại Hội. Một câu chuyện do anh
Felipe Passos, người Brazil 23 tuổi, chia sẻ trước sự hiện diện cuả Đức Thánh
Cha Phanxicô trong đêm canh thức 27-7-13 tại bãi biển Copacabana làm rung động
con tim của hàng triệu bạn trẻ.
Sau
khi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Madrid năm 2011, Felipe và nhóm thanh niên
cầu nguyện ở tiểu bang Paraná của Brazil cố gắng làm thêm nhiều công việc nặng
nhọc gây quĩ cho nhóm Ponta Grossa để có thể cùng nhau tham gia Ngày Giới Trẻ
Thế Giới tổ chức năm 2013 tại Rio de Janeiro.
Nhưng
vào tháng 1-2013, hai thanh niên có súng đã đột nhập vào nhà Felipe đòi cướp đi
số tiền dành dụm ấy.
Felipe
nói với một giọng xúc động: “Tôi nghĩ về
những nỗ lực, những hy sinh của nhiều người trong gia đình, của bạn bè và đồng
nghiệp trong bao ngày tháng... Tất cả những cái ấy sắp bị cướp đi trong khoảng
khắc, và vì thế mà tôi cương quyết bảo vệ nó.”
Felipe
thành công trong việc bảo vệ số tiền tiết kiệm của nhóm, nhưng đã bị trúng một
viên đạn. Anh bị hôn mê, phải thở qua ống dưỡng khí. Cộng đoàn giáo xứ của anh
làm việc hy sinh hãm mình và liên lỉ cầu nguyện cho anh.
Cuối
cùng anh đã tỉnh dậy. Điều đầu tiên anh xin là được rước Mình Thánh Chuá. Từ
đó, anh hồi phục nhanh chóng, nhưng bị bất toại phải ngồi xe lăn.
Anh
xác tín: “Đây là cây thập giá Chúa gửi đến
cho tôi để tôi có thể đi tới gần Ngài hơn, sống nhiều hơn trong ân sủng và tình
yêu của Chuá.”
“Đối với bệnh viện thì tôi đã chết,
tim ngừng đập nhiều lần. Các bác sĩ đã nói với cha mẹ tôi rằng ‘cậu bé này
không có hy vọng”. Thế nhưng tôi vẫn còn ở đây, và nhóm của tôi vẫn còn đến đây
được chỉ nhờ vào Lòng Thương Xót của Chúa! ”
Hàng
triệu tiếng vỗ tay nổi lên, nhưng Felipe dơ tay ngăn lại: “Xin im lặng! Chúng ta hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần!”
Người
thanh niên 23 tuổi yêu cầu mọi người cầm cây thánh giá đang đeo ở trên cổ lên
và nhìn vào đó. Tất cả mọi người, kể cả Đức Thánh Cha Phanxicô, đã cầm thánh
giá lên.
Felipe
xin mọi người thinh lặng suy gẫm: “Thập giá Chúa ban cho tôi là gì? Thập
giá Chúa muốn tôi thực hiện cho tình yêu của Ngài là gì?” (nguồn
Net)
Anh
bạn nghèo, anh nghĩ thế nào về câu chuyện này? Anh trả lời sao về câu hỏi trên?
Chắc hẳn anh sẽ đáp ngay rằng: “Thập giá
Chúa ban cho tôi là sự nghèo khổ chứ còn là gì nữa.” Thế nhưng bạn lại ngập
ngừng không tìm ra lời giải đáp cho câu gợi ý thứ hai, Chúa muốn anh thực hiện
cho tình yêu của Ngài trong sự nghèo túng là gì. Sở dĩ bạn ấp úng là vì bạn
luôn cho rằng nghèo là khổ, mà không thấy nghèo đói lại được… Chúa chúc phúc!
Lúc nào cũng nghe bạn ca cẩm: “Số nghèo
hai chục năm nay. Xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo. Chúa ơi!”
Xin
lỗi bạn, tôi không lấy tôn giáo làm “liều thuốc phiện ru ngủ dân chúng” để “xoa
dầu cù là” cho bạn, để an ủi bạn cứ “rán chịu khổ rồi mai mốt chịu…cực cho quen”
làm cho bạn nhụt chí, chẳng còn muốn nỗ lực phấn đấu “xoá đói giảm nghèo” nữa.
Tôi cũng không cổ võ cho sự đói khổ, túng nghèo, lạc hậu đâu nhé, vì “bần cùng
sinh đạo tặc” mà.
Bạn
nghe Chúa nói: “Phúc cho anh em là những
kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây
giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng… Khốn cho các ngươi
là những kẻ giầu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các
ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.” (Lc 6,
20.24)
Khi
nói như thế Chúa Giêsu không hề có ý muốn cho con người cứ sống trong nghèo
khó, bần cùng vì chính Chúa đã công bố: “Ta
đến để chiên được sống và sống dồi dào” cơ mà. Trên đời này ai không mong
được sống ấm no hạnh phúc, nhưng sai lầm ở chỗ họ cho rằng càng có tiền của, chức
tước, địa vị thì càng được hạnh phúc, vì thế họ tìm mọi cách để đạt được mục
đích đó, bất chấp thủ đoạn. Bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống bị đảo
lộn. Bạn buồn khổ, mặc cảm khi “trót sinh ra trong kiếp nhà nghèo” vì thiên hạ
đánh giá bạn chỉ qua cái vỏ bên ngoài, chỉ trân trọng kẻ giầu có quyền cao chức
trọng. Những người nghèo như chúng mình đi đâu cũng bị rẻ rúng coi thường mặc
dù chúng ta sống đúng, “lương tâm chẳng trách cứ mình điều gì”.
Bạn
ơi, của cải vật chất chỉ là phương tiện cần thiết để con người được sống xứng
phẩm giá con người. Thế nhưng có nhiều người chỉ vì muốn có tiền có của mà đánh
mất phẩm giá làm người, làm nô lệ cho tiền của. Họ quên rằng vật chất của cải
chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh cuộc sống của mình. Chúa đã cảnh
báo: “Kho tàng anh em ở đâu, thì lòng anh
em ở đó” (Lc 12,34).
Filipe
cũng như nhiều người khác trên thế giới này nghèo mà đâu có khổ. Thánh Phanxicô
Assisi khước từ đời sống giầu sang phú quý, cởi trả bộ quần áo công tử lại cho
gia đình, trắng tay ra đi khất thực, bụng đói mà đâu có khổ, vẫn hăng say ca
hát yêu đời yêu thiên nhiên vạn vật. Thánh Phaolô không có “tài khoản ngân
hàng”, làm việc bằng đôi tay để tự nuôi sống mình, chịu đói khát, tù đầy, mà
đâu thấy kêu khổ, vì đã “coi mọi sự là phân rác so với cái lợi là biết Đức
Giêsu Kitô”.
Chính
Đức Giêsu đã đi đến tận cùng sự nghèo khó ấy, “chim trời có tổ, cáo có hang,
nhưng Con Người không có nơi tựa đầu” mà đâu có khổ. Trái lại chắc hẳn Chúa
Giêsu là người hạnh phúc nhất. Bạn đọc trong thư Philip thấy rõ “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà
không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã
hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống
như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết, chết trên cây Thập Tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người và tặng
ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu…” (Pl 2,6-9tt)
Những
người nghèo đói chúng mình không bị bỏ rơi đâu, vì chính Đức Thánh Cha Phanxicô
đã khẳng định giáo hội Công Giáo là “giáo hội nghèo” chứ không phải chỉ là “cho
người nghèo” hay “vì người nghèo”.
Trong
bài giảng ngày 15-5-13 tại nguyện đường thánh Matta, ĐTC nhắc nhở “Giám mục không phải là giám mục cho bản
thân ngài, mà là cho dân. Cũng vậy, linh mục không là linh mục cho bản thân
ngài, mà là cho dân, để phục vụ, nuôi dưỡng, chăm sóc dân là đoàn chiên của
ngài để bảo vệ họ khỏi chó sói.” ĐTC lưu ý khi một linh mục, giám mục tìm
kiếm tiền tài, danh vọng, ngạo mạn, thích phô trương, ham quyền lực thì dân sẽ
không còn yêu mến ngài, và đó là dấu hiệu… ngài sẽ kết thúc trong đau buồn.
Ngày
6 tháng 7 năm 2013, ĐTC đã ngỏ lời với các linh mục, nữ tu đang học ở Roma rằng
rằng điện thoại thông minh mới nhất hoặc những đồ dùng thời trang không phải là
con đường đưa tới hạnh phúc: "Thật
đau lòng khi cha nhìn thấy một linh mục hay một nữ tu lái các mẫu xe mới nhất.
Các con không thể làm điều này được. Một chiếc xe là cần thiết để làm rất nhiều
công việc, nhưng xin vui lòng chọn một chiếc xe khiêm tốn. Nếu các con thích một
chiếc xe hào nhoáng, thì chỉ cần nghĩ đến bao nhiêu trẻ em đang chết đói trên
thế giới. Niềm vui không được sinh ra, cũng không đến từ những thứ người ta
có!"
Khi
tiếp các sứ thần và các đại diện Toà Thánh ngày 21-6-13, ĐTC nhắc nhở: “Chúng ta rất cần các mục tử! Nhưng đó phải
là những người cha và những người anh em: phải là những người hiền lành, kiên
nhẫn và giầu lòng thương xót; phải là những người yêu mến sự khó nghèo, cả
trong nội tâm để được tự do phục vụ, cả về bên ngoài như một sự đơn sơ và thanh
đạm trong cuộc sống; đó phải là những người không mang cái tâm lý mình là hoàng
tử…”
Chắc
hẳn bạn không thích những người “nói một đàng làm một nẻo” hoặc chỉ “nói hay mà
làm không hay”. Không chỉ nói xuông, chính ĐTC đã chọn lối sống đơn giản. Ngài
sống trong một nhà khách Vatican chứ không phải là căn hộ sang trọng dành cho
các vị Giáo Hoàng. Chiếc xe ĐTC đang dùng để di chuyển tại Vatican là xe hiệu
Ford Focus, loại xe nhỏ, rẻ tiền nhất và ít tốn hao xăng nhất do hãng Ford tại
Hoa Kỳ chế tạo.
Nhân
ngày Quốc Tế Giới Trẻ, ĐTC có cuộc gặp gỡ với các Đức Giám Mục Braxin ngày
27-7. Trong bài phát biểu ĐTC nhấn mạnh đến tinh thần nghèo khó bé mọn phó thác:
“Khiêm nhượng là một trong những đặc tính
thiết yếu của Thiên Chúa, và thuộc về di truyền thể (DNA) của Thiên Chúa… Thiên
Chúa muốn trú ngụ nơi phần ấm áp nhất của bản thân chúng ta, đó là con tim.
Chính Thiên Chúa tỏa ra một thứ nhiệt năng chúng ta cần đến, thế nhưng trước hết
Ngài tiến vào như là một kẻ ăn mày rét mướt.”
Vui
quá phải không bạn? Những kẻ đói nghèo không có nhà cao cửa rộng thì Thiên Chúa
đến trú ngụ nơi trái tim của họ, và Ngài đến không phải như một đại gia mà như
một kẻ “ăn mày rét mướt” và “toả ra một thứ nhiệt năng chúng ta cần đến”.
Theo
ĐTC, vì là giáo hội nghèo nên cần phải nhớ “Các thành quả trong công việc mục vụ
của chúng ta không lệ thuộc vào một thứ dồi dào phong phú về những gì chúng ta
có được mà vào tính chất sáng tạo của tình yêu thương. Thật vậy, lòng kiên trì,
sự nỗ lực, công khó nhọc, dự án phác họa và việc tổ chức… tất cả đều cần đấy.
Nhưng trước hết và trên hết chúng ta cần ý thức rằng quyền năng của Giáo Hội
không ở nơi chính Giáo Hội; quyền năng này được ẩn kín trong lòng nước sâu của
Thiên Chúa là nơi Giáo Hội được kêu gọi để thả lưới xuống.”
Bạn
ơi, bạn đừng buồn vì không được giầu có nhé. Thánh Giacôbê đã cảnh báo “Giờ đây, hỡi những kẻ giầu có, các ngươi
hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của
các ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi đã bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi
sẽ bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các ngươi; nó sẽ như lửa
thiêu huỷ xác thịt các ngươi” (Gc 5,1-3)
Tới
đây nếu bạn vẫn còn cảm thấy buồn khổ vì nghèo đói, hãy nghe ĐTC nói: “Đừng bao giờ là những người buồn bã. Người
Kitô hữu không bao giờ ở trong trạng thái buồn! Đừng bao giờ thất vọng! Niềm
vui của chúng ta không phải là niềm vui khi có được của cải và nhiều thứ, mà
chính là niềm vui được gặp gỡ một Người: Chúa Giêsu, Ngài đang ở giữa chúng
ta!” (bài giảng CN Lễ Lá 24-4-13)
Trong
cuộc gặp gỡ các chủng sinh, các tập sinh và những người trẻ trên con đường ơn gọi
tham gia cuộc hành hương Năm Đức Tin với chủ đề "Con tín thác vào
Chúa", ĐTC nhấn mạnh đến niềm vui. “Bất
cứ nơi nào có những con người tận hiến, những chủng sinh, những nam nữ tu sĩ,
những người trẻ, nơi đó có niềm vui. Nơi đó luôn có niềm vui. Đó là niềm vui của
sự tươi trẻ. Đó là niềm vui khi đi theo Đức Giêsu. Niềm vui mà Chúa Thánh Thần
ban cho chúng ta, chứ không phải niềm vui của thế gian… Làm ơn, đừng bao giờ
cho chúng tôi những nữ tu, những linh mục với bộ mặt "hạt tiêu ngâm giấm".
Đừng bao giờ! Nhưng với niềm vui đến từ Đức Giêsu.”.
Và
“niềm vui ấy không ai cướp mất được”. Quả đúng là như thế. Bạn còn buồn nữa
không? Ai cướp được niềm vui của bạn?
ĐAU
KHỔ - BUỒN KHỔ
Bạn
bè mỗi lần gặp nhau hay nói chuyện qua điện thoại, câu hỏi đầu môi luôn là
“Sao, có khỏe không? Sức khoẻ dạo này thế nào?” Đúng thật, cha ông ta vẫn nói
“sức khoẻ là vàng”. Người không khoẻ, đau bệnh là khổ, cho nên gọi là đau khổ.
Tinh thần suy sụp vì gặp toàn chuyện buồn, cho nên thấy buồn khổ. Đau hay buồn
cũng đều… khổ!
Tôi
đến thăm một linh mục tuổi năm mươi đang dưỡng bệnh. Anh là cha xứ một họ đạo
nhỏ. Sau khi “dốc hết tình này” để tổ chức 3 ngày lễ Đền thật hoành tráng, anh
bị gục, kiệt sức, phải đi nghỉ bệnh dài hạn vì mất ngủ triền miên. Nắm tay tôi,
anh nói: “Anh đang gặp khó khăn thử thách
nặng nề vậy mà vẫn sống vui sống khoẻ. Hay thật đấy! Tạ ơn Chúa. Khi mình còn
khoẻ, chưa nếm mùi đau bệnh là gì, đi thăm người bệnh, ta khuyên bảo họ dễ dàng
lắm. Thế nhưng khi mình bệnh nằm xuống rồi mới thấy không dễ gì vui lòng sự khó
chịu cho nên đâu. Người mệt mỏi chán nản, đầu óc nặng nề, sợ sệt đủ thứ, đọc
sách không được, ngồi vi tính nhức đầu, đêm trằn trọc mãi không sao ngủ được,
tinh thần bị khủng hoảng không muốn làm bất cứ chuyện gì. Những lúc đó cầu nguyện
cũng không được nữa. Thế mới biết chúng mình giảng dạy, khuyên bảo, nói lý thuyết
thì dễ, nhưng đến phiên mình phải trải nghiệm những điều đó, chẳng dễ chút
nào!” Tôi thinh lặng nắm tay và cầu nguyện cho anh. Những lời khuyên trong
lúc này chẳng có nghĩa gì. Sự im lặng nói lên được tất cả.
Một
anh bạn thân thuở hàn vi đang là đan sĩ cũng chia sẻ với tôi nỗi buồn khổ: “Cầu nguyện cho mình nhé. Mình đang nản quá.
Bây giờ quan hệ của mình với bề trên hết sức căng thẳng đến độ mình muốn, hoặc
là chuyển sang cộng đoàn khác, hoặc là ra lập gia đình. Mình đang sống trong cộng
đoàn mà chỉ có sự nghi ngờ ghen ghét, không có sự cảm thông tha thứ, không có
tình huynh đệ thì làm sao sống nổi?”
Rồi
anh thở dài thườn thượt: “Ước gì trong
giáo hội những người có trách nhiệm thực hiện được điều ĐTC Phanxicô mới nhắc
nhở: tôi xin nhắc lại việc chăm sóc mục vụ không gì khác hơn là việc thực thi
vai trò làm mẹ của Giáo Hội. Giáo Hội hạ sinh, bú mớm, nuôi lớn, sửa dạy, dưỡng
nuôi và dẫn dắt bằng bàn tay của mình... Bởi vậy chúng ta cần một Giáo Hội có
thể tái nhận thức tấm lòng xót thương từ mẫu. Không có tình thương, ngày nay
chúng ta ít có cơ hội trở thành yếu tố cho một thế giới của những con người
'thương tích' đang cần cảm thông, tha thứ, yêu thương.”
Đức
cha Bùi Tuần cũng đang trải nghiệm cái khổ vì đau: “Tôi đang đi vào bóng đêm. Đêm nói đây không chỉ là sự xuống dốc của sức
khoẻ, mà chủ yếu là những cơn đau. Đau thân xác vẫn nhiều. Đau tâm hồn lại nhiều
hơn. Đau xác khổ hồn làm nên những cơ cực, tự mình như muốn xa tránh và loại trừ
mình ra…Tôi đang đứng trong đêm hãi hùng. Tôi không trốn đâu được. Nhưng chính
trong sâu thẳm hãi hùng đó đã phát sinh một đời sống đức tin đặc biệt. Tôi tin
Đấng có thể cứu chúng tôi là Chúa.” (CGDT, 1916)
Vâng
tôi xác tín hơn nữa, chỉ có Chúa mới có thể cứu chúng ta khỏi đau khổ-buồn khổ
mà thôi, vì tôi vẫn nghe Lời Chúa nói với tôi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ
cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28)
Thế
nhưng khi mang gánh nặng nề đau khổ-buồn khổ, người ta đi “bái tứ phương”, chạy
đôn chạy đáo, cậy nhờ quyền lực thế gian, đến khi không còn cách nào khác mới
quay về với Thiên Chúa như giải pháp cuối cùng mà đáng lẽ ra họ phải nghĩ đến
ngay, chạy đến ngay khi có vấn đề. Họ sợ dư luận cho là “mê tín” khi cái gì
cũng chạy đến với Chúa, cho nên Chúa vẫn cứ chịu cảnh “mãi mãi là người đến
sau” bạn nhỉ?
Nếu
bạn còn đau khổ vì còn không tin vào quyền năng lòng thương xót của Chúa, mời bạn
đọc lại những đoạn Tin Mừng này: “Tất cả
những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt
tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ” (Lc 4,40); “Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng
Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Danh tiếng
Người đồn xa khắp xứ Xiri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ
bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám kinh phong bại liệt; và Người đã chữa
họ” (Mt 4,23-24); “Các ông đi rao giảng,
kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều
người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6, 12-13).
Chẳng
lẽ những người đau khổ chạy đến với Chúa Giêsu thời đó để xin chữa lành đều là
mê tín hết sao? Chẳng lẽ thời này Chúa “hết phép” rồi sao? Có lần Chúa đã phải
thở dài và nói: “Liệu Con Người đến, có
còn lòng tin nơi trái đất này không?”
Chúa
đã tâm tình với thánh Faustina: “Ôi, Cha
đau đớn biết bao vì các kinh hồn quá ít kết hợp cùng Cha qua việc hiệp lễ. Cha
chờ đợi các linh hồn, thế mà họ lại hững hờ với Cha. Cha yêu thương họ tha thiết
chân thành, thế mà họ vẫn nghi ngờ Cha. Cha muốn ban phát các ơn thánh Cha cho
họ, nhưng họ không thèm lãnh nhận. Họ xử với Cha như một vật vô hồn trong khi
Trái Tim Cha chan chứa tình yêu thương…” (NK, 1447)
Thánh
nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh Faustina và nhiều thánh khác đã từng chịu đau
khổ vì bệnh tật và nhất là buồn khổ vì bị hiểu lầm, nghi ngờ, kết án, và loại
trừ.
Năm
1995, nhân dịp Lễ Phong Chân Phúc cho Mary MacKillop tại Sydney, Đức Cha Eugene
James Cuskelly, Giám Mục Phụ Tá của Tổng Giáo Phận Brisbane, đã lên tiếng ca ngợi
nữ tu này để tạ lỗi cho vị tiền nhiệm của mình vào năm 1870 đã ra vạ tuyệt
thông cho chị. Rất ít có vị thánh nào từng bị vạ tuyệt thông, thế mà thánh nữ
Mary MacKillop, khuôn mẫu Úc Châu, người sáng lập ra Hội Dòng Các Chị Em Thánh
Giuse, đã bị vạ ấy. Thật là buồn khổ phải không bạn.
Faustina
chia sẻ nỗi đau buồn ngay đầu năm mới: “Tôi
đang kết thúc năm cũ trong đau thương và khởi đầu năm mới cũng trong thương
đau. Hai ngày trước tôi đã phải nằm bệnh. Tôi đang cảm thấy quá yếu nhược và một
cơn ho rũ rượi đã làm kiệt sức tôi. Ngoài ra, trong ruột còn một cơn đau quặn
triền miên và chứng buồn nôn đã đưa tôi đến chỗ rã rời. Vì không thể tham dự giờ
kinh cộng đoàn nên tôi chỉ hợp lòng. Khi các chị em thức dậy lúc 11 giờ đêm để
canh thức và đón chào năm mới, tôi vẫn quằn quại trong cơn đau suốt từ chặp tối
đến tận nửa đêm”. Faustina không chịu đau khổ một cách thụ động vô ích
nhưng đã biết “liên kết đau khổ của tôi với
kinh nguyện của chị em đang canh thức trong nhà nguyện để đền tạ Thiên Chúa vì
những xúc phạm của các tội nhân” (NK, 1451).
Nỗi
đau thể xác như thế chưa dứt, Faustina lại còn phải chịu đựng nỗi khổ tâm khi bị
chị em hiểu lầm nghi ngờ. “Sau giờ điểm
tâm, nữ tu phụ trách y tế đến hỏi sao tôi không đi dự lễ. Tôi trả lời đau quá
không dậy nổi. Chị ấy lắc đầu ngao ngán và nói ‘lễ trọng đến thế mà chị không
chịu đi dự lễ!’ Rồi chị ấy ra khỏi phòng. Tôi đã nằm liệt suốt hai ngày, quằn
quại trong đau đớn, chị ấy không đến thăm, đến ngày thứ ba, chị ấy mới đến,
không hỏi xem tôi có sức trỗi dậy được không, nhưng khiêu khích chất vấn tại
sao tôi không đi lễ…Tâm hồn tôi tan nát trong phiền muộn, cay đắng đầy ứ linh hồn,
tôi lập đi lập lại lời này ‘Năm Mới ơi, xin chào. Chén đắng ơi, xin chào’ ”
Rồi Faustina nói với Chúa: “Lạy Chúa
Giêsu của con, tâm hồn con hăm hở đón chờ Chúa, nhưng gánh nặng bệnh tật không
cho phần xác con đến tham dự giờ kinh cộng đoàn, và con bị nghi ngờ là đồ biếng
nhác. Những đau khổ của con vì thế mà tăng thêm” (NK, 1453)
Thánh
Phêrô đã nhắn nhủ những người đang chịu đau buồn: “Anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì
khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao
nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em
cùng được vui mừng hoan hỉ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có
phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự
trên anh em… vì vậy những ai chịu khổ theo ý Thiên Chúa hãy phó mạng sống mình
cho Đấng Tạo Hoá trung thành, và cứ làm điều thiện” (1Pr 4,12-19)
Bạn
đã phải chịu đựng những thống khổ như các thánh chưa? Đôi khi bạn “quan trọng
hoá” nỗi đau buồn của mình. Bạn rên la ầm ĩ để được người khác chú ý an ủi xít
xoa. Bạn thích ngồi mân mê nỗi buồn, và coi những đau khổ bạn đang chịu đựng là
lớn nhất thế giới. Thực ra so với những người đau khổ khác thì có đáng là gì?
Đúng là “người giầu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”!
Bạn
hãy nghe lời cầu của Faustina: “Ôi Chúa
Giêsu của con. Khi bị hiểu lầm và linh hồn con ngập giữa cơn sầu đắng, con muốn
được ở một mình với Chúa một lúc. Những lời an ủi của người đời chẳng đem lại
cho con niềm an ủi. Lạy Chúa, xin đừng gởi đến những sứ giả như thế vì họ chỉ
nói về họ và những điều bản tính tự nhiên thúc đẩy mà thôi. Những người an ủi
như thế chỉ làm cho con thêm mệt mỏi” (NK, 1461)
Bạn
muốn làm thánh mà ngại gian khổ thì sao làm thánh được? Bạn chỉ cho tôi có vinh
quang nào mà không qua thập giá không?
Và
đây là cách Faustina chấp nhận thập giá như là ‘sự ngọt ngào đau khổ’: “Khi màn đêm buông xuống, những cơn đau phần
xác càng dữ dội thêm cộng với nỗi thương đau tinh thần. Đêm tối và đau khổ. Cái
tĩnh mịch của bóng đêm đã cho tôi được đau khổ một cách tự do. Thân xác tôi chịu
căng trên thập giá. Tôi giãy giụa trong đau đớn dữ dội cho đến 11 giờ đêm.
Trong tâm trí, tôi đến Nhà Tạm và mở bình thánh ra, tựa đầu vào bình thánh, và
tất cả nước mắt giàn giụa vào Trái Tim Đấng duy nhất hiểu biết thương đau và khổ
ải là thế nào. Tôi cảm nghiệm được sự ngọt ngào của đau khổ, linh hồn tôi càng
ước ao cơn thống khổ ngọt ngào này, và có lẽ tôi sẽ không đánh đổi để lấy tất cả
những kho báu trần thế. Chúa ban cho tôi sức mạnh tinh thần và đức ái đối với
những người đã tạo nên những đau khổ này” (NK, 1454)
Người
bạn còn vương sầu khổ,
Khép
lại lá thư này, xin được hiệp ý với chị Thánh Faustina trong lời cầu nguyện
trong cơn thống khổ:
“Lạy
Chúa Giêsu của con, trong cơn cay đắng và đau đớn kinh hồn, con vẫn cảm được
cái nựng yêu của Thánh Tâm Chúa.
Như một người mẹ, Chúa áp con vào
lòng,
Và
thậm chí hiện nay, Chúa cho con cảm nghiệm những gì bức màn che khuất.
Lạy
Chúa Giêsu của con, trong hoang mạc và kinh hoàng chung quanh đây, trái tim con
vẫn cảm thấy ánh nhìn ấm áp của Chúa, điều mà không giông tố nào có thể mờ xoá
khỏi con.
Vì
Chúa ban cho con sự bảo đảm về tình yêu lớn lao của Chúa, ôi Thiên Chúa.
Lạy
Chúa Giêsu của con, giữa những khốn cùng bi thương của kiếp sống này, Chúa chiếu
soi như một vì sao bảo vệ con khỏi bị tiêu trầm.
Và
cho dù những khốn nạn của con kinh khủng, con vẫn trọn niềm tín thác vào quyền
năng Lòng Thương Xót Chúa.
Lạy Chúa Giêsu ẩn thân, trong cuộc chiến
giờ sau hết của con,
Ước chi ân sủng toàn năng Chúa trào xuống
cho hồn con,
Để giờ phút lâm chung, con có thể ngước
nhìn Chúa
Và
được thấy Chúa nhãn tiền như các phúc nhân thiên đàng.
Lạy Chúa Giêsu của con, giữa những hiểm
nguy bao quanh con đây,
Con bước trong đời giữa tiếng reo mừng,
đầu ngẩng hiên ngang,
Bởi vì, lạy Chúa Giêsu,
Trước Trái Tim đầy yêu thương của
Chúa,
mọi
quân thù sẽ bị nghiền nát, mọi bóng tối đều bị xua tan.” (NK,
1479).