CHÚA LÀ GIA
NGHIỆP ĐỜI CON
Đồng tiền làm cho con người xa lạ với
Chúa - hạnh phúc thật của họ - và trở nên kẻ thù cho chính mình: họ bị bắt làm
con tin, chịu khuất phục và làm theo mọi đòi hỏi của đồng tiền.
Năm 1984, Hoa kỳ đã tái lập quan hệ ngoại giao với Iraq và xếp Iraq ra
ngoài danh sách các nước chuyên gây ra các cuộc khủng bố. Các nước phương Tây
cũng theo chân Hoa kỳ mà đứng về phía Iraq, cung cấp chuyên viên, kỹ thuật,
nguyên liệu, … nhất là trong cuộc chiến Iran-Iraq. Không nói ra nhưng ai cũng
thấy được sự cuốn hút của Iraq là những mỏ ‘vàng đen’.
Vậy mà chỉ hơn 20 năm sau, các cuộc khủng bố quay trở lại
và liên tục xảy ra ở Iraq mà binh sĩ Hoa kỳ luôn đứng vào vị trí đầu bảng trong
số các nạn nhân.
Khủng bố được định nghĩa là dùng bạo lực mà làm cho người khác phải khuất
phục vì khiếp sợ. Đặc điểm của người khủng bố là thích dùng đến cái lý của kẻ mạnh,
lấy mục đích biện minh cho phương tiện, và bất chấp sự thiệt hại của người vô tội
miễn là đem lại thắng lợi cho mình.
Có rất nhiều dạng khủng bố không thể tiên liệu hết được, như đánh bom tự sát, bắt con tin… mà ai cũng sợ, ghét, và lên án!
Thế nhưng trong
đời sống xã hội, còn có nhiều cuộc khủng bố “không đổ máu” khác đang âm thầm diễn
ra ngay trong cuộc sống bình thường, trong một chiến trường khác, nơi mà những
kẻ ham lợi nhuận “đàn áp kẻ nghèo khó và
muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước” (Am 8,4).
Cũng như những kẻ đánh bom tự sát, người ham lợi muốn làm hại người khác:
“Chúng tôi lấy tiền mua người nghèo, lấy
đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát”…, nhưng trước
hết là họ làm khổ chính mình: Suốt đời họ là nhọc mệt không biết nghỉ ngơi, chỉ
mong sao cho mau qua ngày Sabbat để bán lúa mạch. Đồng tiền làm cho họ xa lạ với
Chúa - hạnh phúc thật của họ - và trở nên kẻ thù cho chính mình: họ bị bắt làm
con tin, chịu khuất phục và làm theo mọi đòi hỏi của đồng tiền.
Tự sức mình, không ai là người giầu có và mạnh mẽ vì tất cả những gì họ
là và họ có đều chỉ là bụi tro. Tôi là người bình thường, thông minh, hay thiểu
năng tâm thần, có phải là do chọn lựa và cố gắng của tôi không?
Dù thế nào chăng nữa, trong mọi trường hợp, Chúa thật đã yêu thương con
người biết bao khi “nâng cao kẻ túng thiếu
từ chỗ bụi tro” (Tv 112,7), mà ban chính mình cho họ làm sản nghiệp.
Thân bụi tro còn dám mong gì hơn?
Như thế, ơn cứu độ, bình an và sự giầu có thật chỉ đến cho những ai mà sản
nghiệp của họ là Thiên Chúa, khi đó họ “được
sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch” (1Tm 2,2).
Còn tiền của, ngoài vai trò cần thiết tự nhiên, không ít khi lại lấn chiếm
một chỗ đứng tối thượng trong đời sống con người, như một ngẫu thần.
Ngày nay, trong bối cảnh xã hội văn minh và khoa học, người ta ít còn
tin tưởng và tôn thờ các ngẫu thần của thời xưa như mặt trời, mặt trăng, thần sấm,
thần sét v.v… nhưng họ lại có các ngẫu tượng khác, là của cải, tính ham mê
khoái lạc, tính vô tiết độ… thay thế chỗ cho Mercury (thần lanh lợi, tiền bạc),
Bacchus (thần rượu chè), Venus (thần ái tình)…
Có sự giầu có bởi tiền bạc và sự giầu có bởi niềm tin vào quyền năng và
tình thương của Thiên Chúa. Chúa gọi tiền bạc là ‘tiền của gian dối’ vì chúng
chỉ đem lại một sự giầu có giả hiệu, không ổn định và rất mau qua. Nhưng có điều
đáng buồn là nhiều người theo Chúa mà tỏ ra kém nhạy bén, sắc sảo và mạnh mẽ
khi tìm hạnh phúc Nước Trời mai sau, không được như một thương gia khi tìm kiếm
tiền của trần gian: “con cái đời này khi
đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. Căn bệnh nan y đó
chỉ có thể được chữa trị tận gốc bằng một chọn lựa dứt khoát: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại
làm tôi tiền của được”.
Sau Thế chiến II, một quân nhân Ý muốn có một vật kỷ niệm về cuộc chiến
nên anh đã đi tìm những kỷ vật trong chiến tranh. Anh tìm thấy một tấm gương gợi
nhắc lại thật nhiều kỷ niệm. Tấm gương đó cao bằng đầu và rất rộng nên anh phải
ghé lưng vác về cách vất vả. Đi đường, anh phải lo toan gìn giữ sao cho tấm
gương khỏi vỡ. Có nhiều đêm anh phải tìm nhà thuê để gửi miếng kính đó, còn
mình thì ở chỗ khác. Những đêm không ngủ cạnh tấm gương làm anh mất ngủ và mất
sức.
Vừa mang vác vừa lo lắng quá sức nên một ngày kia, khi đang đi anh đã
đánh rớt tấm gương làm cho nó bể ra từng mảnh. Mới đầu, anh thấy rất buồn,
nhưng sau lại thấy mình thảnh thơi, và anh tự hỏi không biết hôm trước mình làm
chủ tấm gương hay tấm gương làm chủ mình.
Tôi cũng là anh lính đó với tấm gương nặng trên lưng là tiền của và tài
sản đang đợi ngày tan tành tất cả. Thế thì còn gì có phúc hơn khi tôi có thể
đem lại cho chúng một giá trị vĩnh cửu cho hạnh phúc đời đời của tôi: “Hãy dùng tiền gian dối mà mua lấy bạn hữu,
để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời”.
Quy luật cho hạnh phúc đời đời Chúa đã ban cho tôi là lấy Chúa làm mục
đích sau cùng cho đời mình: “Vậy con hãy
qui hướng mọi cái về Cha như cứu cánh chính của con, vì chính Cha đã ban cho
con mọi cái .” (Imit III, IX, 4)
Lm. HK