Trở Về
Với ĐẤNG Yêu Thương Và Tha Thứ
Tình yêu thương được bộc lộ qua
nhiều cách thức, nhưng rõ nét và đỉnh cao vẫn là sự tha thứ.
Bà góa kia có ba người con, hai
đứa em là sinh viên và học sinh cấp ba, người con cả đang trong trại
cải huấn, anh bị đưa vào đó vì trộm cắp và sử dụng ma túy. Dù rất
khó khăn về kinh tế, nhưng tháng nào bà cũng vượt cả trăm cây số để
đi thăm nuôi người con đang trong trại. Có người nói với bà:
-
Nó đã hư hỏng như thế, chị thăm nuôi làm gì? Để công sức và tiền
của nuôi dạy hai đứa ở nhà có hơn không?
-
Nhưng nó là con của tôi. Người mẹ trả lời trong tiếng nghẹn ngào.
Tình yêu thương được bộc lộ qua nhiều cách thức, nhưng rõ nét
và đỉnh cao vẫn là sự tha thứ. Tình thương và sự thứ tha của cha mẹ
dành cho con cái diễn tả và phản ảnh một phần nào tình thương vô
biên của Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta: “Anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những
của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho
những kẻ xin Người.”
Thiên Chúa đã yêu thương trước khi chúng ta nhận biết và yêu mến
Người: “Không phải chúng ta đã yêu
mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con
của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” Người cha già
chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay chính là hình ảnh của một vị
Thiên Chúa đã đi bước trước trong tình thương và tha thứ.
Từ ngày người con thứ xin chia nửa gia tài, bỏ lại cha già và
người anh để ra đi, người cha đã mòn mỏi ngóng trông. Có lẽ ngày nào
ông cũng ra đứng đầu ngõ nhìn về phương trời xa với hy vọng thấy con
trở về, nên khi chợt nhận ra bóng dáng con từ đàng xa, không để người
con kịp nói lời tạ lỗi, ông đã chạy đến ôm chầm lấy anh mà hôn, lại
còn ra lệnh cho đầy tớ mang áo mới cho anh mặc, đưa giầy mới cho anh
đi và xỏ nhẫn vào tay con của ông; chẳng những thế, ông còn cho mở
tiệc ăn mừng, với lý do: “Con ta đây
đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.”
Thiên Chúa không chỉ chờ đợi mà còn đi tìm kẻ có tội và kêu
gọi họ sám hối trở về, như người chăn chiên đi tìm con chiên lạc; như
người đàn bà đốt đèn và quét nhà để tìm đồng bạc bị mất. Đức
Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian là để tìm và giải cứu những
người đang đứng bên bờ vực của sự chết: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi
người tội lỗi.” Mặc dù Thiên Chúa luôn tìm kiếm và kêu gọi kẻ
tội lỗi trở về, nhưng con người vẫn hoàn toàn tự do trong việc đáp
trả hoặc chối từ lời mời gọi yêu thương của Đấng là cội nguồn của
mọi tình phụ tử.
Như Giakêu một nhân viên thu thuế giàu có, trước đây ông coi tiền
bạc là trên hết, nhưng khi Đức Giêsu đến và lưu lại trong nhà, ông đã
được ơn hoán cải: “Thưa Ngài, này
đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã
cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Nhưng với những
người Biệt Phái, Luật Sĩ cố chấp và cứng lòng thì sự hiện diện,
lời giảng dạy, các phép lạ và ngay cả sự phục sinh của Đức Giêsu
cũng chẳng sinh ích gì cho họ. Họ giống như người anh cả từ chối
không chịu vào nhà với cha già, với em và mọi người để dự bữa tiệc
tràn đầy niềm vui và tình thương.
Bất cứ ai và bất kể tội lỗi đến mức nào, một khi trở về
với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương và rất mực từ nhân, họ sẽ
nhận được ơn thứ tha và đổi mới. Nhiều năm trước Ngôn Sứ Isaia đã
nói: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho
hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng
làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình…
Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng nên trắng như tuyết; có thẫm
như vải điều, cũng nên trắng như bông.” Lời Ngôn Sứ nói trên đã
được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu.
Với người phụ nữ tội lỗi ngồi bên chân Đức Giêsu mà khóc, lấy
tóc để lau và lấy dầu thơm xức chân Người, chị đã được nghe Người
nói: “Tội của chị đã được tha rồi.” Những giọt nước mắt vì lòng
sám hối đã đem lại cho chị ơn tha thứ và bình an.
Với người trộm bị đóng đinh bên phải của Đức Giêsu, anh đã
nhận được lời hứa mà có mơ anh cũng không dám nghĩ tới: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được
ở với tôi trên Thiên Đàng.” Anh được hưởng hạnh phúc vì thật lòng
hối lỗi và tin nhận Đức Giêsu là Người Công Chính, khi thẳng thắn
nói lên cảm nhận tự đáy lòng: “Chúng
ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông
này đâu có làm điều gì trái!”
Đặt mình trước mặt Đấng thấu suốt mọi sự và thành thật nhìn
vào tận thẳm sâu của cõi lòng, mỗi người chúng ta đều nhận ra mình
là kẻ có tội cần phải trở về với Chúa, để được hưởng tình yêu
thương và ơn tha thứ.
Trở về là quyết
tâm từ bỏ những ý nghĩ xấu, những lời nói và việc làm xúc phạm
đến Chúa hoặc làm tổn thương tha nhân.
Trở về là tin
vào tình thương tha thứ của Chúa, chứ không để sự thất vọng đẩy đến
cái chết thảm thương như Giuđa.
Trở về là tuân
giữ lời Chúa dạy, nhất là luật công bằng và yêu thương.
Trở về còn là
biết cảm thông, thứ tha và cầu nguyện cho anh chị em mình, nhất là
những người tội lỗi, như xưa Maisen đã xin ơn tha thứ cho dân Israen khi
họ phạm tội phản nghịch cùng Chúa.
Nói trở về với Chúa thì rất dễ, nhưng thói quen và tính ưa
thích sự dễ dãi như sợi dây vô hình trói buộc chúng ta trong tình
trạng xa cách Thiên Chúa và Hội Thánh. Sợi xích vô hình kia sẽ bị
đứt tung khi:
Chúng
ta đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót.
Biết
khiêm tốn cầu xin với Người để được ban ơn tha thứ và nâng đỡ.
Và
quyết tâm đổi mới theo tinh thần Tin mừng.
Trở
về như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ được mặc lại trang phục ơn thánh
của ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và được dự bữa tiệc đời đời
trong Vương Quốc của Thiên Chúa Tình Yêu.
Lm.
Mt