Lời Chúa cntn 24c _ chỗi dậy và đi về cùng cha

CHỖI DẬY VÀ ĐI VỀ CÙNG CHA
Không chỉ Dân Do thái, mà có thể nói được là ai cũng luôn bị cám dỗ đúc một con “bò con” cho riêng mình... Là tình yêu, Chúa không biết giận trước sự bội phản của con người mà chỉ biết thương xót cho sự u mê của họ.  
Nhà văn Eric Butterworth đã kể chuyện về một giáo sư xã hội học đã đưa các sinh viên đến một khu ổ chuột ở Baltimore để làm hồ sơ lý lịch cho 200 em trai. Qua một số câu hỏi để lượng định về tương lai các em, các sinh viên đều nhận định về từng em: “Không có hy vọng tiến thân!”
Hai mươi lăm năm sau, một giáo sư xã hội học khác tình cờ đọc qua bản nghiên cứu ấy. Ông lại cho các sinh viên tìm hiểu xem những gì đã xảy ra cho các em trai đó. 176 trong số 180 em còn ở tại miền đó đều là những người thành đạt. Hết sức ngạc nhiên, ông tìm đến từng người để biết đâu là lý do sự thành công của họ. Họ đều xúc động trả lời: “Chúng tôi đạt tới thành công nhờ vào tình thương của một vị thầy”.
Vị thầy mà họ nhắc đến là một bà lão vẫn còn minh mẫn. Vị giáo sư lại hỏi bà đã dùng phương thức thần diệu nào để lôi những em trai đó ra khỏi khu ổ chuột và đạt tới sự thành công như vậy. Đôi mắt sáng lên niềm vui, bà lão trả lời: “Thật là đơn giản, tôi đã thương yêu bọn chúng”.
Ắt là vị giáo sư đã không khỏi ngạc nhiên trước hoa trái lạ lùng bởi tình yêu của bà lão, nhưng cả vũ trụ còn phải sửng sốt mãi cho đến muôn đời sau về những điều kỳ diệu bởi tình yêu Chúa:
Bởi tình yêu bao la của Chúa, con người được dựng nên từ hư không theo hình ảnh Chúa. Tình yêu đó càng rực sáng hơn khi Chúa cứu vớt họ từ vực sâu tội lỗi, từ đáy sâu của sự phản bội. Trước tình yêu nhưng không chỉ biết cho đi của Thiên Chúa, người ta đã phản bội khi đi tìm mình: ngay sau khi được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, “chúng đã sớm bỏ đường lối Ta chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó”. Đó cũng là sự u mê nơi thánh Phaolô, “kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng”, nơi người con thứ khi “thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ”, và nơi người con cả khi đòi hỏi cho riêng mình “một con dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn”, mà không nhận ra tình yêu vô biên của Chúa.
Không chỉ Dân Do thái, mà có thể nói được là ai cũng luôn bị cám dỗ đúc một con “bò con” cho riêng mình.
Thiên Chúa đã làm gì trước sự phản bội của con người? Câu nói đầy vẻ giận dữ của Chúa với Môsê: “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ.… Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ hủy diệt chúng …” chỉ là tiếng nói của lương tri cho thấy sự bất xứng của nhân loại tội lỗi, chứ Thiên Chúa thì không như thế. Là tình yêu, Chúa không biết giận trước sự bội phản của con người mà chỉ biết thương xót cho sự u mê của họ.
Ý định của Chúa là những gì được Môsê viện dẫn ra để van xin: “Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac, và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng ‘Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản nhiều như sao trên trời”
Ba dụ ngôn liên tiếp của Đức Kitô trong Phúc âm Luca đưa ra những hình ảnh thật đẹp về tình yêu Chúa, cho thấy mỗi người có một chỗ riêng, đặc biệt trong trái tim Chúa đến nỗi Chúa như người mục tử chưa thể nằm yên được cho đến khi tìm được con chiên bị lạc, hay như một phụ nữ dù đang đêm mà biết là mất một đồng bạc thì “đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy”; chỉ biết yêu nên Chúa không giận dữ nhìn vào sự phản bội mà chỉ thương xót thấy sự cùng cực của con người đang lìa xa Chúa. Với người em trở về thì “khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu”; còn với người anh, người cha nhắc anh về kho báu thật của anh là tình thương của cha: “mọi sự của cha đều là của con”
Paul Karrer, trong truyện ngắn Baby flight (Sunflower số 131), đã kể lại kinh nghiệm của anh khi nhận chuyển giao ba đứa trẻ dị dạng để được đi với vé máy bay giá rẻ trên đường bay từ Hàn quốc về Mỹ.
Có hai người lính Mỹ xin bế giúp anh hai đứa bé, và anh kể tiếp: “tôi ngồi ở đó bế đứa có cái đầu rất lớn. Nó chớp chớp mắt với hàng lông mi dài rất đẹp của nó và mỉm cười. Thật là ngộ khi những việc như thế lại có thể làm thay đổi con người bạn. Từ thời điểm đó trở đi bé gái đó toả sáng vẻ đẹp của nó và không hề rời cánh tay tôi… lúc này đã phát triển trong tôi một mối liên kết mạnh với đứa bé của tôi. Thậm chí tôi còn đặt tên nó là Tina. Càng nghĩ đến việc đưa nó cho người khác tôi càng thấy lo âu về cha mẹ sắp tới của nó… lo lắng không có ai muốn nuôi nó”
Tại sân bay, khi giao Tina cho cha mẹ nuôi của nó, nó đã gọi anh là “Oma” (‘mẹ’ trong tiếng Hàn quốc), lúc đó anh đã ngồi xuống và khóc.
Thiên Chúa là tình yêu. Đó là cái biết lớn nhất, và là cái biết phát sinh sự sống trong tôi: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.” (1Ga 3,16)
Trước mặt tôi chỉ còn một con đường là biết Chúa để yêu Chúa hơn và yêu Chúa để biết Chúa hơn: “Tôi sẽ chỗi dậy và đi về cùng cha tôi”.   
Lm. HK