Chúng ta không thể là người
tự trang điểm cục đất sét của mình mà phải chính tay Chúa nhào nắn chúng ta theo
ý Ngài.
Khiêm nhường là sự tĩnh lặng hoàn toàn của con tim. Đó là không mong đợi
gì, không tự hỏi điều gì đã thực hiện ở nơi tôi, hoặc cảm nghiệm điều gì chống
đối tôi. Khiêm nhường là vẫn yên nghỉ khi không ai lên tiếng ca ngợi tôi, và
khi tôi bị đổ lỗi hoặc bị khinh thường. Nhưng chỉ có một nơi ẩn náu trong Chúa,
nơi mà tôi có thể bước vào, đóng cửa lại, và quỳ xuống trước mặt Cha của tôi
trong nơi bí ẩn đó, và tôi ở trong bình an như đang ở trong sự tĩnh lặng của biển
sâu dầu xung quanh và trên tôi đầy những xáo trộn. - Andrew Murray
Ông Booker T. Washington được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh của một
người nô lệ da đen, và khi ông lên chín tuổi thì gia đình ông được trả lại sự tự
do. Từ đó, ông đã cố gắng hết mình để đi học và được tốt nghiệp đại học. Sau
này ông trở thành một người giáo dục nổi tiếng và là người tư vấn cho tổng thống
Mỹ.
Chuyện kể rằng một buổi sáng nọ, khi ông còn là chủ tịch của trường Đại Học
Tuskegee Institute ở tiểu bang Alabama, ông đang đi dạo thì có một bà Mỹ da trắng
hỏi ông có muốn chặt củi để kiếm thêm ít tiền không. Ông Booker nhận lời và
khiêm nhường xắn tay áo làm việc đã được mướn. Khi củi đã được chặt và sắp ngăn
nắp ở cạnh lò sưởi, thì đứa cháu gái chạy ra và nhận ra người chặt củi là ai. Sáng
hôm sau người bà da trắng đó đã đến gặp ông tại trường và xin lỗi, nhưng ông chỉ
trả lời là “Tôi thích được có cơ hội làm việc lao động”. Hành động đó đã đánh động
bà và bà đã kêu gọi những người thân bảo trợ cho ngôi trường đó và họ đã ủng hộ
rất nhiều.
Trong chương hai của sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta từ
cát bụi, và mỗi một người chúng ta là cục đất sét của Chúa từ ban đầu cho đến
lúc chúng ta trở về với Ngài trong tro bụi. Đó là điểm mà ai cũng biết và chấp
nhận nhưng có bao giờ bạn thắc mắc tại sao nó lại là như vậy khi mà Thiên Chúa
cho mỗi người một nét rất riêng biệt và những tài năng khác nhau không? Bạn có
nghĩ rằng điều phù hợp hơn cho cục đất sét là khi nó dùng những tài năng mà
Chúa ban cho để làm cho chính nó được đẹp hơn để rồi khi nó trở về với Ngài cục
đất sét ấy được biến đổi thành một cái gì khác lạ hơn không? Chẳng hạn, nơi một
vị linh mục thì cục đất sét đó được biến thể và trở thành sợi dây Stola, người
nữ tu thì được biến thể và trở thành chiếc áo dòng, vị bác sĩ thì trở thành ống
nghe để chẩn bịnh (stethoscope), người luật sư thì trở thành cán cân công bình,
v.v... Có lẽ nhiều người chúng ta nghĩ như vậy là chúng ta nên tô điểm con người
chúng ta, làm được nhiều việc ích lợi và sinh lợi trước khi chúng ta trở về với
Chúa. Chúng ta thường nhắm đến thành tích chúng ta đạt được trong đời để khi nhắm
mắt xuôi tay chúng ta cảm thấy tự hào và không hổ thẹn trước mặt Chúa.
Tuy nhiên một sự thật chúng ta nên chấp nhận đó là những gì chúng ta đạt
được hay gây dựng không thuộc về chúng ta. Những nén bạc chúng ta sinh lợi
không thuộc về mình mà thuộc về Thiên Chúa và tùy Ngài chọn lựa. Chúng ta không
thể là người tự trang điểm cục đất sét của mình mà phải chính tay Chúa nhào nắn
chúng ta theo ý Ngài (Tiên tri Giêrêmia có nhắc đến hình ảnh này ở chương
18:1-6). Ngay từ ban đầu khi tạo dựng chúng ta từ bụi đất, Thiên Chúa muốn
chúng ta trở về với Ngài cục mịch và thô sơ như cục đất sét nguyên thủy. Giáo Hội
cũng nhắc nhở chúng ta điều đó vào thứ Tư Lễ Tro là chúng ta là bụi tro và sẽ
trở về bụi tro. Đó là điều thực tế nhất của mỗi con người của chúng ta và đó
cũng chính là hình ảnh đẹp hoàn hảo nhất của tạo dựng - hoàn toàn buông thả tất
cả trong bàn tay của Thiên Chúa. Như vậy thì Thiên Chúa muốn gì nơi mỗi người
chúng ta và Ngài muốn chúng ta làm gì với những nét riêng biệt và tài năng khác
nhau ấy?
Để trả lời câu hỏi trên có lẽ chúng ta hãy cùng nhau trở lại câu chuyện
của ông Booker T. Washington. Ông sanh ra là một người da đen và bà Mỹ da trắng
nhìn ông bằng một cái nhìn chất phác nhất của một người da trắng đối với người
da đen thời bấy giờ, đó là họ là những người lao động tay chân, và bà chân
thành hỏi ông giúp việc nếu ông muốn kiếm thêm chút tiền. Với câu chuyện này,
chúng ta có thể dựng nên hai bối cảnh khác. Bối cảnh thứ nhất, ông có thể trở
nên giận dữ và lên án bà là người kỳ thị và bước đi chỗ khác với một con tim tức
giận. Bối cảnh thứ hai là ông có thể lịch sự nói cho bà ông là vị chủ tịch của
một trường đại học và tiếp tục bước đi. Trong cả hai bối cảnh đó, câu chuyện chỉ
dừng lại nơi ông và chẳng phát triển thêm được gì. Nhưng chính nhờ vào sự khiêm
nhường mà ông đã để cho bà Mỹ da trắng thấy ông như những người lao động da đen
mà câu chuyện này được tồn tại và là một bài học cho chúng ta bây giờ.
Có lẽ trong sự tạo dựng của Thiên Chúa, Ngài muốn chúng ta không chỉ là
cục đất sét lúc tạo dựng và lúc trở về với Ngài, nhưng Ngài muốn chúng ta luôn
luôn là một cục đất sét thuần túy hầu mọi công việc chúng ta làm không phải để
tô điểm cho cục đất sét được đẹp hơn hay biến thể cục đất sét ấy thành một cái
gì khác, nhưng là để tô điểm cho công trình tạo dựng của Ngài được hoàn hảo và
được tồn tại. Hơn nữa, có lẽ Thiên Chúa cũng chẳng muốn chúng ta phải lo lắng
và phải tô điểm cục đất sét như thế nào để cho nó được đẹp hơn hoặc được biến
thể thành một cái gì đó lớn lao hơn khi trở về với Ngài, hay phải bận tâm về
cái nhìn hoặc sự đánh giá của người khác, nhưng Ngài chỉ muốn chúng ta sống với
Ngài trong bình an và cảm nhận với tất cả con tim rằng chúng ta là cục đất sét
yêu quý của Ngài.
Ước gì chúng ta biết ngồi tĩnh lặng với Chúa mỗi ngày để Ngài nâng niu
và nhắc nhở chúng ta về cục đất sét mà Ngài luôn luôn yêu quý. Xin Ngài dạy cho
chúng ta biết khiêm nhường buông thả những bận tâm về việc trang điểm cho cục đất
sét được đẹp hơn, được coi trọng hơn, được thánh thiện hơn, nhưng luôn biết sống
bằng an trong Ngài và biết nhận ra sự hư không của chính mình hầu chúng ta thật
sự là một ống máng trống rỗng để qua đó Ngài tô điểm cho công trình tạo dựng của
Ngài được hoàn hảo hơn. Amen!
Củ Khoai