Học làm người _ lòng biết ơn

LÒNG BIẾT ƠN
Chúng ta không thể sống hạnh phúc mà không nhờ người khác. Tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng ta làm được, tất cả những gì chúng ta hưởng dùng đều tùy thuộc hoàn toàn vào người khác.  
Sau cuộc chiến Nam Bắc phân tranh ở Mỹ, có một du khách đến thăm nghĩa trang quân đội ở Nashville và ở đây ông gặp một người đang trồng hoa trên một ngôi mộ. Du khách hỏi ông:
-         Con ông chôn ở đây à?
-         Không.
-         Một thân nhân chăng?
-         Không.
-         Vậy tại sao ông lại trồng hoa trên ngôi mộ này?
Người đàn ông giải thích:
-         Khi chiến tranh bùng nổ tôi đang ở Illinois và bị gọi nhập ngũ. Vì tôi nghèo không có tiền để mướn người thay thế, nên buộc phải vào lính. Sau khi chuẩn bị hành trang, tôi chào tạm biệt vợ con. Chính lúc đó, một người bạn thân đến nói với tôi: ’Anh có gia đình đông con, nếu anh nhập ngũ, vợ anh sẽ không thể mưu sinh. Vậy tôi sẽ thay thế chỗ của anh.’
Tôi vô cùng sung sướng và hết lòng biết ơn anh bạn tốt bụng nàỵ Trong trận đánh Chikamenga người bạn này bị thương rất nặng và sau đó anh chết ở Nashville. Người ta chôn cất anh tại đây.
Khi nhận được tin này, tôi vô cùng đau đớn, tâm trí tôi không thể yên ổn ngày nào tôi chưa đến thăm viếng và trang hoàng ngôi mộ anh. Nói xong, người đàn ông cắm trên mộ anh bạn một thanh gỗ ghi hàng chữ rất cảm động: "Anh đã chết cho tôi".

Biết ơn và thể hiện lòng biết ơn là nghĩa vụ hàng đầu trong cuộc sống. Bởi vì chúng ta không tự mình mà có, không tự mình mà nên người. Chúng ta không thể sống hạnh phúc mà không nhờ người khác. Tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng ta làm được, tất cả những gì chúng ta hưởng dùng đều tùy thuộc hoàn toàn vào người khác. Thế nên, cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp nhau. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Thậm chí khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay thì những người còn sống vẫn tiếp tục ban ân huệ cho chúng ta.
Nếu sống là lãnh nhận thì chúng ta sẽ là con người như thế nào nếu không hề biết nói hai tiếng "cám ơn", hoặc chẳng bao giờ bày tỏ lòng biết ơn? Người ta gọi những kẻ không hề biết ơn người khác là "Ðồ vô ơn". Thật không có lời rủa xả nào thậm tệ hơn. Có quá đáng không khi nói rằng người vô ơn còn tệ hơn thú vật? Bởi vì khi ném cho con chó cục xương nó cũng biết vẫy đuôi cám ơn, còn người vô ơn khi nhận ân huệ chỉ biết trố mắt nhìn và... câm lặng! Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ có câu: "Nếu con vật biết ơn sao con người lại không?"
Chúa Giêsu chính là mẫu mực cho con người về lòng biết ơn. Cả cuộc sống của Ngài là một "Bài ca tạ ơn" liên lỉ dâng lên Thiên Chúa:
-         Ngài tạ ơn Chúa Cha trước khi cho Lazarô sống lại.
-         Ngài tạ ơn Chúa Cha khi làm phép lạ cho bánh và cá hoá nhiều.
-         Ngài tạ ơn Chúa Cha khi lập Bí tích Thánh Thể. Kể từ đó, mỗi Thánh lễ mà Giáo hội cử hành được gọi là Thánh lễ Tạ Ơn .
Trong hầu hết các thư của ngài, Thánh Phaolô đều khuyên các tín hữu dâng lời tạ ơn Chúa: "Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em xứng đáng hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đời đầy ánh sáng." (Cl: 1,12). Chính ngài cũng luôn tạ ơn Chúa: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Ðức Giêsu Kitô" (1Cr 1,4). Thật vậy, lòng biết ơn là một đức tính rất quý. Biết ơn không bao giờ thừa, đến nỗi La Bruyère đã xác quyết mạnh mẽ rằng: "Trên đời không có thái quá nào đẹp bằng biết ơn thái quá".
Lạy Chúa, con là không và Chúa là tất cả. Suốt đời con ngụp lặn trong đại dương ân huệ Chúa. Con không thể hiện hữu mà không có Chúa, con cũng không thể sống mà không cần đến anh em. Xin cho con luôn sống trong tâm tình biết ơn.
Trước hết, là tạ ơn Chúa, đã dựng nên con, yêu thương con và mãi mãi quan phòng cho đời con. Sau nữa là cám ơn mọi người cách này hay cách khác đã, đang và sẽ làm cho đời con tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Xin cho con luôn sống đúng tư cách làm người là luôn sống có tình có nghĩa, luôn biết thể hiện lòng biết ơn, luôn trân trọng những ân huệ mà Chúa và anh em đã làm cho đời con. Amen