Lời Chúa cntn 26c _ ông Schweitzer và người nghèo


 ÔNG SCHWEITZER và NGƯỜI NGHÈO
Sự thiếu lưu tâm đến người nghèo không chỉ tiêu diệt người nghèo mà còn tiêu diệt luân lý của xã hội chúng ta.
Lm. Mark Link, S.J.
Vào năm 1950, một ủy ban gồm đại diện của 17 quốc gia đã chọn ông Albert Schweitzer là "người của thế kỷ". Hai năm sau, 1952, ông được giải thưởng Nobel Hòa Bình.
Ông Schweitzer được cả thế giới ca tụng là một thiên tài đa dạng. Ông là một triết gia lỗi lạc, một thần học gia sáng giá, một sử gia đáng kính nể, một nhạc sĩ độc tấu, và là một bác sĩ truyền giáo.
Nhưng điều đáng kể là đức tin Kitô Giáo thật sâu đậm của ông. Chính đức tin này đã ảnh hưởng đến từng góc cạnh của đời ông.
Khi 21 tuổi, Schweitzer tự nhủ là ông sẽ vui hưởng nghệ thuật và khoa học cho đến năm 30 tuổi. Sau đó ông sẽ dành cuộc đời còn lại để làm việc cho những người nghèo dưới hình thức phục vụ trực tiếp nào đó.
Và vì thế vào ngày sinh nhật thứ 30, ngày 13-10-1905, ông bỏ vào thùng thư ở Ba Lê một vài lá thư.
Đó là thư gửi cho cha mẹ và các bạn thân, ông báo cho họ biết là ông sẽ theo học về y khoa. Sau đó ông sẽ sang Phi Châu để làm việc cho các người nghèo với công việc của một bác sĩ.
Ngay lập tức các lá thư ấy đã tạo nên một chấn động. Ông kể lại trong cuốn Out of My Life and Thought:
"Thân nhân và bạn hữu của tôi tất cả đều thành khẩn đưa ra các nhận định của họ về quyết định điên rồ của tôi. Họ nói, tôi đang chôn vùi các tài năng thiên phú... Một bà thật hăng say thuyết phục rằng tôi có thể đạt được nhiều kết quả cho việc giúp đỡ người nghèo qua các bài diễn giảng hơn là hành động trực tiếp mà tôi đang ấp ủ."
Tuy nhiên, ông Schweitzer không thay đổi ý định.
Vào năm 38 tuổi, ông là một bác sĩ đầy đủ bản lĩnh. Vào năm 43 tuổi, ông sang Phi Châu để mở một bệnh xá ở cạnh bìa rừng mà sau này được gọi là Equatorial Africa. Ông từ trần ở đây năm 1965 khi được 90 tuổi.
Động lực nào đã khiến ông Schweitzer dám gạt bỏ danh vọng và tiền tài để làm việc cho người nghèo ở Phi Châu?
Ông cho biết, một trong những ảnh hưởng là khi ông suy niệm về đoạn phúc âm mà chúng ta vừa nghe hôm nay về người giầu và ông Lagiarô. Ông nói:
"Thật không thể hiểu nổi khi tôi tự cho phép mình sống một cuộc đời sung sướng, trong khi quá nhiều người chung quanh tôi đang vật lộn với sự đau khổ."
Và đó là điều đưa chúng ta đến câu chuyện phúc âm hôm nay.
Tội của người nhà giầu trong bài phúc âm hôm nay không phải là ông đã ra lệnh tống cổ Lagiarô ra khỏi khu vực của ông.
Cũng không phải là người nhà giầu đã đánh đập hay chửi rủa ông Lagiarô mỗi khi đi ngang qua.
Tội của người nhà giầu là ông không bao giờ để ý đến Lagiarô. Ông coi Lagiarô như một phần đương nhiên của khung cảnh cuộc đời.
Tội của người nhà giầu là ông chấp nhận mà không bao giờ thắc mắc về sự kiện, Lagiarô thì nghèo và chính ông thì giầu.
Tội của người nhà giầu không phải là tội về một hành động, là thi hành một điều gì đó mà lẽ ra không nên làm.
Tội của người nhà giầu là một tội quên sót, đó là, không thi hành điều phải làm. Tội của người nhà giầu là đắm mình trong của cải mà không động đến ngón tay để giúp ông Lagiarô khi cùng cực.
Tội của người nhà giầu cũng chính là tội đang được tái diễn ngày hôm nay. Và chính tội này khiến chúng ta phải thực sự lưu tâm đến những gì cần phải thi hành không chỉ cho người nghèo nhưng còn cho xã hội.
Ông John F.Kennedy đã đề cập đến mối ưu tư này khi ông nói, "Nếu một xã hội tự do không thể giúp gì cho người nghèo thì nó cũng không thể cứu được một thiểu số giầu có."
Nói cách khác, sự thiếu lưu tâm đến người nghèo không chỉ tiêu diệt người nghèo mà còn tiêu diệt luân lý của xã hội chúng ta.
Bài phúc âm hôm nay là một lời mời gọi để thi hành điều mà ông Albert Schweitzer đã làm.
Nó là lời mời để suy tư về câu chuyện của người nhà giầu và ông Lagiarô, và tự vấn lương tâm chúng ta câu hỏi mà chính ông Schweitzer đã thắc mắc: Làm thế nào chúng ta có thể sống sung sướng trong khi có quá nhiều người đau khổ?
Nó là lời mời chúng ta hãy suy tư lời của Tướng Dwight D. Eisenhower:
"Mỗi một khẩu súng được chế tạo, mỗi một tầu chiến được hạ thủy, mỗi một tên lửa được phóng đi, trong một ý nghĩa nào đó chúng là sự trộm cắp của người đói không có gì ăn, của người lạnh không có gì mặc."
Nó là lời mời chúng ta hãy quý trọng lời của Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay.
Hãy kết thúc bài giảng bằng những lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến tông du Hoa Kỳ năm 1979, khi người giảng ở vận động trường Yankee Nữu Ước. Đức Thánh Cha nói:
"Chúng ta không thể ngồi đó bất động, vui hưởng sự giầu sang và tự do, nếu ở chỗ nào đó vẫn còn một Lagiarô của thế kỷ 20 đứng trước cửa nhà chúng ta.
"Dưới ánh sáng của bài dụ ngôn của Đức Kitô, giầu sang và tự do có nghĩa một trách nhiệm đặc biệt. Giầu sang và tự do tạo nên một nhiệm vụ đặc biệt.
"Và vì vậy, nhân danh tình liên đới đã trói buộc chúng ta trong một bản tính nhân loại, tôi muốn nói lên phẩm giá của mỗi một con người.
"Người giầu và Lagiarô đều là con người, cả hai được dựng nên cách bình đẳng trong hình ảnh và giống như Thiên Chúa, cả hai đều được cứu độ bởi Đức Kitô với một giá đắt, là giá máu châu báu của Đức Kitô...
"Người nghèo của Hoa Kỳ và của thế giới là anh chị em của các bạn trong Đức Kitô. Các bạn không thể lấy làm mãn nguyện khi để họ hưởng các mẩu vụn của bàn tiệc.
"Các bạn phải nhìn đến thực chất của mình chứ không chỉ sự dư dật của các bạn và giúp đỡ họ. Và các bạn phải đối xử với họ như khách được mời đến dự tiệc trong nhà mình."