Tha thứ là một ân sủng phải tiếp nhận,
không phải là một sở hữu tôi có và có thể chia xẻ cho bất cứ một ai.
ROME, 26 tháng 8, 2013 (Le Monde vu de
Rome) – “Chúa Giêsu trên thập giá đã không nói “Ta tha cho chúng”, nhưng Người
đã nói “Xin Cha tha cho chúng vì c...húng không biết việc chúng làm.” “Nên tôi
phải đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, trước khi có thể tha thứ cho kẻ khác.
Tha thứ là một ân sủng phải tiếp nhận, không phải là một sở hữu tôi có và có thể
chia xẻ cho bất cứ một ai.” Đây là lời bà Claire Lý người Campuchia giải thích,
bà hiện đang sống tại Pháp kể từ năm 1980.
Là người mẹ của ba đứa con, Claire Lý là
người Phật tử đã theo đạo Công Giáo, sau khi bà thấy thảm trạng của vụ diệt chủng
do bọn Khmer Đỏ gây nên. Dưới chính sách độc tài của Pol Pot (1975-1979), Bà
Lý, khi đó là một giáo sư còn trẻ tuổi dậy môn tâm lý, đã thấy một số lớn những
người thân yêu bị thảm sát.
Khi tới Pháp, nỗi đau phải chịu đựng đã khiến
bà thay đổi và thúc đẩy bà lựa chọn đạo Công Giáo: “là tình
yêu, một đáp trả duy nhất cho sự đau khổ.”
Bên lề “Đại Hội Thân Hữu giữa các Dân Tộc”
tại Rimini bà tham dự, Claire Lý kể lại cho độc giả Zenit một vài giai đoạn của
lịch sử đời mình.
Xin
bà cho biết những trường hợp nào khiến bà từ bỏ Phật Giáo để chọn đạo Công Giáo?
Tại Campuchia, tôi đã mất hết tất cả, người
ta đã đưa tôi đến ruộng đồng, tôi đã mất hết mọi điểm tựa, đã mất hết bạn bè...
Khi người ta mất hết điểm tựa, thì không còn biết mình là ai: việc đánh mất căn
tính là điều khó khăn nhất.
Trong những thời gian đầu, tôi bắt đầu nguyền
rủa Thượng Đế của người Tây Phương, vì tôi cho rằng Tây Phương có trách nhiệm
chính về thảm họa của tôi. Cho đến một ngày kia, một sự thinh lặng đã bao phủ
trên ruộng đồng, làm cho tôi hiểu được lần đầu tiên rằng nỗi đau của tôi cũng
là của những người khác.
Rồi năm 1980 – tôi là một người tị nạn
chính trị tại Pháp – tôi đã bắt đầu đọc Phúc Âm và tôi khám phá rằng Chúa Giêsu
Kitô cũng đã là một kẻ hành khất như tôi. Điều này đã khuyến khích tôi rất nhiều.
Giai đoạn thứ ba, quyết định hơn, là việc
khám phá ra Mình Thánh Chúa. Tôi đã chăm chú nhìn Mình Thánh và tôi đã nghe được
tiếng gọi của Chúa, tôi đã quỳ với những yếu đuối của một phụ nữ. Vào lúc đó,
tôi nói: “Vâng, con muốn được làm môn đệ của Chúa Giêsu.” Tôi đã được rửa tội
năm 1983.
Tại
sao bà đã chọn đạo Công Giáo?
Không phải
tôi đã chọn đạo Công Giáo, mà chính Chúa Giêsu Kitô đã gọi tôi.
Điều độc nhất tôi đã làm là đáp lại lời mời gọi của Người. Đặc điểm mạnh nhất của
đạo Thiên Chúa là chính Chúa đã đến để gặp chúng ta. Đức tin của chúng ta được
xây dựng trên việc Nhập Thể, trên sự kiện Thiên Chúa làm người: rất nhiều Kitô
hữu đã quên mất đặc điểm này.
Bà
đã có thể tha thứ cho những người làm hại bà không?
Rất khó tha thứ cho bọn Khmer Đỏ! Tôi muốn
bắt đầu từ một kinh nghiệm sống với con gái tôi: chúng tôi đã đến nơi các anh
em tôi, cha tôi và chồng tôi bị giết. Con gái tôi không được biết cha nó: tôi
có mang nó được hai tháng khi thảm kịch xẩy ra. Chúng tôi đã cùng với các bạn hữu
Phật tử đến đó, họ đã học lại giáo huấn của Đức Phật, rằng những hành động xấu
sẽ bị trừng phạt, nhưng đồng thời, những hành động ấy phải được thực hiện. Cùng
với con gái tôi, chúng tôi đã đọc kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng
con cũng tha cho những kẻ có nợ chúng con". Và ngay lúc đó, chúng tôi tự hỏi
xem chúng tôi đã tha thứ cho bọn Khmer Đỏ chưa? Câu trả lời là ‘Không’. Làm sao
chúng tôi có thể nói ‘không” khi là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô và biết rằng việc
tha thứ là trọng tâm của đời sống Kitô? Cho nên tôi đã bảo con gái tôi là chúng
mình phải nhìn Chúa Giêsu trên thập giá. Chúa đã không nói “Ta tha tội cho
chúng”, nhưng đã nói “Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng
làm". Do đó cùng với con tôi, chúng tôi đã nói với Chúa Cha: “Lạy Cha,
chúng con đây, chúng con là những người đàn bà yếu đuối, chúng con không thể
tha thứ cho bọn Khmer Đỏ nhưng chúng con xin trao phó vào tay Cha." Rồi
chúng tôi dâng những yếu đuối và những kẻ bách hại chúng tôi cho Chúa Cha, vì
chúng tôi cho rằng tất cả những tội ác của nhân loại đều là tội ác chống lại
Chúa Giêsu Kitô. Đối với tôi, tha
thứ là một ân sủng của Chúa, một ân sủng vượt qua chính con người của tôi.
Do đó tôi phải đón nhận sự tha thứ của Chúa, trước khi tha thứ cho kẻ khác. Tha
thứ là một ân sủng phải đón nhận, và không phải là một điều tôi sở hữu và có thể
chia sẻ cho bất cứ một ai. Trước hết phải đón nhận qùa tặng này từ Thiên Chúa.
Bà
có thể làm chứng cho điều gì trước một Âu Châu và nước Pháp trần tục hóa?
Tôi không tin là nước Pháp đang từ bỏ đức tin
vào Thiên Chúa. Điều không còn tồn tại ở Pháp là “tôn giáo xã hội”, theo đó tôi
đến nhà thờ vì tất cả mọi người đều đến. Người Pháp sống đức tin như một sự kết
hợp với Chúa Giêsu Kitô: thực tại này làm cho chúng ta có thể thoát ra khỏi cái
tôn giáo xã hội. Chúa Kitô mời gọi chúng ta phải là “muối đất”. Khi một người
làm bếp thêm muối cho thức ăn ngon hơn, nhưng nếu cho quá nhiều muối thì sẽ
không nuốt được. Các Kitô hữu là muối, và phải làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Tôi đã trình bầy trong nhiều đại hội tại
Pháp, và đã gặp rất nhiều người sống đức tin thành thật; có thể họ không đi lễ
mỗi Chúa Nhật, nhưng Phúc Âm còn đó và họ cố gắng yêu mến theo Tin Mừng. Giáo Hội
Pháp được mời gọi để làm muối cho xã hội Pháp: Thiên Chúa của chúng ta là một
Thiên Chúa đồng hành, như Chúa Giêsu đã đồng hành với các môn đệ trên đường
Emmau. Ơn gọi Kitô là làm bạn đồng hành trên đường
đi, không phải là đến với người khác để buộc cho người ấy phải tin như chúng ta.
Cần có một con đường để xây dựng con người mới ở đây, con người Pháp có điều muốn
nói với chúng ta: đó là điều Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói tại Ba Lê với
Dân Ngoại.