VÀ TÔI ĐÃ
BẬT KHÓC…
Giữa tiếng
hoan hô cổ vũ của các giáo viên, học sinh và phụ huynh, tôi đã cảm ơn trời vì
những con người tốt bụng kia có mặt trong cuộc đời đã giúp cho đứa con gái khuyết
tật của tôi có thể cảm thấy mình như là một con người thật sự.
Tôi đã không bật khóc khi được biết
con tôi là một đứa trẻ bị bệnh tâm thần. Tôi vẫn ngồi im và không nói gì khi vợ
chồng tôi được thông báo rằng Kristi đứa con hai tuổi của chúng tôi – đúng như
chúng tôi đã nghi ngờ – thật sự bị chậm phát triển trí não. “Cứ khóc đi,” bác sỹ khuyên tôi thân ái.
“Nó giúp tránh được các khủng hoảng về
tâm lý.”
Những khủng hoảng tâm lý không xảy ra,
tôi không thể khóc trong những ngày tháng tiếp theo. Chúng tôi đăng ký cho con
vào trường mẫu giáo khi cháu được bẩy tuổi. Thật dễ bật khóc khi tôi để con
mình ở lại trong căn phòng toàn những đứa trẻ năm tuổi đầy tự tin, háo hức,
nhanh nhẹn. Kristi đã chơi một mình ở nhà rất nhiều giờ, nhưng vào bữa đó, khi
cháu là đứa khác biệt hẳn giữa hai mươi đứa trẻ khác, có lẽ lúc đó là lúc cháu
nó cảm thấy cô đơn nhất.
Mặc dù vậy, những điều tốt đẹp hơn
cũng dần dần tới với Kristi và những bạn cùng lớp của cháu. Khi khoe về mình,
những đứa bạn của Kristi cũng cố gắng khen thêm: “Hôm nay Kristi đã đọc tất cả các chữ chính xác.” Không đứa trẻ nào
nói thêm rằng những chữ mà Kristi phải đọc dễ hơn nhiều so với các bạn khác. Trong
năm thứ hai ở trường, cháu nó gặp một trường hợp rất khó khăn. Một cuộc thi lớn
cho học sinh về năng khiếu âm nhạc và thể thao. Kristi lại rất kém về âm nhạc
và khả năng vận động. Vợ chồng chúng tôi cũng rất sợ khi nghĩ đến ngày đó.
Hôm đó, Kristi tính giả bộ bệnh. Tôi
cũng muốn liều để cho cháu ở nhà. Tại sao phải để cho Kristi thua trong một
phòng thể thao ngập những phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo? Cách giải quyết
đơn giản nhất là để cháu ở nhà. Chắc chắn rằng vắng mặt trong một chương trình
như vậy cũng không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng lương tâm tôi không cho phép tôi
đầu hàng dễ dàng như vậy. Và cuối cùng thì tôi phải đẩy Kristi – lúc đó đã tái
nhợt và rất miễn cưỡng – lên xe học sinh và chính tôi lại giả bộ bệnh.
Nhưng một khi tôi đã ép con gái mình tới
trường, thì tôi cũng phải ép mình tới tham gia chương trình. Dường như thời
gian kéo dài tới vô tận khi chưa tới nhóm của Kristi trình diễn. Cuối cùng thì
chúng cũng tới lượt, khi đó tôi biết Kristi rất lo sợ. Lớp của cháu được chia
thành từng nhóm. Với những động tác ì ạch, chậm chạp và lóng ngóng, chắc chắn
cháu sẽ làm đội kém điểm.
Cuộc thi đấu lại diễn ra rất suông sẻ
một cách đáng ngạc nhiên, cho đến khi cuộc thi chạy trong bao tải. Mỗi đứa trẻ
phải nhảy vào trong bao từ tư thế đứng, ôm bao nhảy đến đích, quay vòng lại nơi
xuất phát và nhảy ra khỏi bao. Tôi thấy Kristi đứng gần cuối hàng và trông có vẻ
hoảng loạn.
Nhưng khi gần tới lượt Kristi, có một
thay đổi trong đội của cháu. Cậu con trai cao nhất trong đội đứng ra sau Kristi
và đặt hai tay lên eo của cháu. Hai đứa con trai khác đứng lệch ra phía trước của
cháu. Khi đứa trẻ trước Kristi nhảy ra khỏi bao, hai đứa con trai đằng trước giữ
bao trong khi đứa con trai đằng sau nhấc Kristi lên và đặt cháu chính xác vào
trong bao. Đứa con gái đứng đằng trước Kristi giữ tay cháu và giúp cháu giữ thằng
bằng. Cuối cùng cháu cũng bắt đầu nhảy, mỉm cười và tự hào.
Giữa tiếng hoan hô cổ vũ của các giáo
viên, học sinh và phụ huynh, tôi đã cảm ơn trời vì những con người tốt bụng kia
có mặt trong cuộc đời đã giúp cho đứa con gái khuyết tật của tôi có thể cảm thấy
mình như là một con người thật sự.
Và tôi đã bật khóc.
Có những
lúc tôi thấy cuộc đời ruồng rẫy, bạn bè thân hữu bỏ rơi tôi. Nhưng khi nhìn lên
Chúa Giêsu chịu đóng đinh, tôi thấy đó mới thực là những giây phút hiếm hoi nhờ đó mà
tôi cảm nghiệm được tình yêu Chúa:
“Người bị
đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như
kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.
Sự thật,
chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ
của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa
giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.
Chính
người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người
đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta
được chữa lành.” (Is 53,3-5)
Và tôi thấy
thật hữu lý lời mời gọi của Đấng Là Tình Yêu: "Khi nào ông đãi khách ăn
trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu
có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông
đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có
gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày
các kẻ lành sống lại." (Lc 14,12-14)
Đó là lời
mời gọi tôi bước vào và trở nên một với Đấng Là Tình Yêu!
Lạy Chúa,
con là ai mà xứng đáng được Chúa trao tặng lời mời gọi cao quí đó?