Ơn thiên triệu _ Linh mục sống nhân bản theo gương Chúa Giêsu

Linh Mục Sống Đức Tin
theo Gương Nhân Bản của Chúa Giêsu
"Linh mục cần phản ánh nơi chính mình, trong mức độ có thể, sự thành toàn nhân bản được rạng chiếu nơi Con Thiên Chúa làm người" (PDV 43).
Ban Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc
Nhân bản là những yếu tố đặt nền tảng trên chính bản tính con người. Định nghĩa này đòi linh mục, khi gặp gỡ, giao tiếp, đối xử, nói năng... với bất cứ ai, phải luôn tôn trọng người ấy, với niềm kính yêu, dù người ấy ở địa vị nào, có học hay không, giầu sang hay nghèo hèn, công giáo hay ngoài công giáo. Đối với linh mục, những tư cách nhân bản phát xuất từ chính bản tính nhân loại của con người linh mục, nên, linh mục có tính nhân bản là linh mục biết đối xử có tình người và có tính người.
Hơn bất cứ ai, Chúa Giêsu là người đầy tình người và tính người để linh mục chiêm ngưỡng mà bắt chước.
1. Chúa Giêsu, mẫu gương nhân bản
Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời làm người, là mẫu gương của đời sống nhân bản, nên "linh mục cần phản ánh nơi chính mình, trong mức độ có thể, sự thành toàn nhân bản được rạng chiếu nơi Con Thiên Chúa làm người" (PDV 43).
a) NHÂN BẢN: LẤY CON NGƯỜI LÀM GỐC
-        Coi con người hơn luật lệ: "Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: "Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Người nói: "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát" (Mc 2, 23-24. 27).
-        Nhìn con người hơn con vật: "Người ta hỏi Đức Giê-su rằng: "Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát không?" Họ hỏi thế là để tố cáo Người. Người đáp: "Ai trong các ông có một con chiên độc nhất bị sa hố ngày sa-bát, lại không nắm lấy nó và kéo lên sao? Mà người thì quý hơn chiên biết mấy! Vì thế, ngày sa-bát được phép làm điều lành" (Mt 12, 10-12);
-        Cứu con người khỏi ma quỷ: "Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!" Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?" (Lc 13, 14-16).
b) NHÂN BẢN TỪ TRONG LÒNG
-        Lòng nhân hậu, bao dung:
+ "Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường" (Mt 11, 29b).
+ "Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: 'Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi'" (Mt 9, 13).
-        Lòng dạt dào tình nghĩa, không cạn tàu, ráo máng: "Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng" (Mt 12, 20).
-        Lòng dễ chạnh, mau xúc động: "Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt" (Mt 9, 36); - "Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ" (Mt 14, 14); "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường" (Mt 15, 32); "Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: 'Bà đừng khóc nữa'" (Lc 7, 13).
c) NHÂN BẢN TRONG ÁNH NHÌN
-        Nhìn tiềm ẩn mối lo cho dân: "Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?"" (Ga 6, 5).
-        Nhìn trìu mến khơi gợi vươn lên: "Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta (anh thanh niên) và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi."" (Mc 10, 21).
-        Nhìn thương xót mời gọi hoán cải: "Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!" (Lc 19, 5).
-        Nhìn nhắc nhở sám hối: "Chúa quay lại nhìn ông (Phêrô), ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: "Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần."" (Lc 22, 61).
d) NHÂN BẢN TRONG LẮNG NGHE
-        Nghe mà không vội trả lời để khơi gợi kiên nhẫn: "Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: 'Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!' Nhưng Người không đáp lại một lời" (Mt 15, 21-23).
-        Nghe rồi trả lời kiểu thử thách niềm tin người nghe, trước khi cứu giúp: "Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: 'Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!' Người đáp: 'Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con'. Bà ấy nói: 'Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống'. Bấy giờ Đức Giê-su đáp: 'Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy'. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi" (Mt 15, 25).
-        Nghe và kíp thời cứu giúp: "Khi Đức Giê-su và môn đệ ra khỏi thành Giê-ri-khô, dân chúng lũ lượt đi theo Người. Và kìa có hai người mù ngồi ở vệ đường, vừa nghe Đức Giê-su đi ngang qua đó, liền kêu lên rằng: 'Lạy Ngài, lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương chúng tôi!' Đức Giê-su dừng lại, gọi họ đến và nói: 'Các anh muốn tôi làm gì cho các anh?' Họ thưa: 'Lạy Ngài, xin cho mắt chúng tôi được mở ra!' Đức Giê-su chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người" (Mt 20, 29-30. 32-34).
-        Nghe trò phản bội và giả dối, mà vẫn bình tĩnh xót thương: "Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: 'Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?' Người trả lời: 'Chính anh nói đó!"' (Mt 26, 25).
e) NHÂN BẢN TRONG LỜI NÓI
-        Nói sự thật cách chân thành. Thánh Marco viết rằng Chúa Giêsu “ giảng dạy như Đấng có uy quyền “ (Mc 1, 22b), nghĩa là, trong lời nói của mình, Chúa Giêsu cho thấy điều sâu thẳm trong con người của Ngài, cũng là điều được Ngài tỏ lộ qua hành động của Ngài. Lời nói của Chúa Giêsu chứa đầy uy quyền vì Chúa Giêsu luôn là một với lời Ngài nói; Ngài nói là làm, khác hẳn Biệt phái: nói mà không làm! Ngài không núp mình sau những từ ngữ hay lời nói. Ngài cho thấy con người của Ngài trong Lời Ngài nói ra. Đó là lý do khiến lời giảng dạy của Ngài luôn thật.
-        Nói khơi gợi niềm tin:
+ "Người bảo họ: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người." Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người" (Ga 8, 28-30).
+ "Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: 'Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian'" (Ga 4, 39-42).
-        Nói để mời gọi đối thoại: "Người đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa. Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: 'Chị cho tôi xin chút nước uống!' (...). Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: 'Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?'" (Ga 4, 5-7).
-        Nói đem lại hy vọng cho người nghe: "Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng rằng: "Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!" Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh" (Mt 8, 13).
-        Nói cách thông cảm và giúp đỡ: "Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: "Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!" Đức Giê-su nói: "Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!" Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ" (Mt 8, 23-26).
-        Nói bình tĩnh khi bị cào bằng với người tội lỗi: "Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?" Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần" (Mt 9, 10-12).
-        Nói cách tự chủ khi bị hạ bệ thua cả quỷ: "Những người Pha-ri-sêu nói rằng: "Ông này trừ được quỷ chỉ là nhờ dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun." Biết ý nghĩ của họ, Đức Giê-su nói: "Bất cứ nước nào tự chia rẽ, thì sẽ điêu tàn. Bất cứ thành nào hay nhà nào tự chia rẽ, thì sẽ không tồn tại" (Mt 12, 25).
-        Nói cách kiên nhẫn chịu đựng trình độ người nghe: "Đức Giê-su nói: "Sao anh em lại nghĩ đến chuyện không có bánh, người đâu mà kém tin vậy?" (Mt 16, 8); - "Đức Giê-su nói với ông ta: "Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin" (Mc 9, 23); "Đức Giê-su nói với họ: "Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?" (Lc 6, 9).
-        Nói để khuyến khích, chia sẻ: "Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 16, 17).
-        Nói sự thật phải nói, không sợ mất người hay mất lòng mà mị dân: "Đức Giê-su nói với các môn đệ: 'Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo'" (Mt 16, 24); - "Đức Giê-su nói: "Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào" (Lc 11, 46).
-        Nói lời hy vọng: "Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an." (Lc 7, 50); - "Đức Giê-su nói với bà: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi bình an." (Lc 8, 48).
-        Nói lời tha thứ: "Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi." (Lc 7, 48).
-        Nói lời hay ý đẹp: "Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người" (Lc 4, 22).
f) NHÂN BẢN TRONG CỬ CHỈ
-        Vui niềm vui thánh: "Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha" (Lc 10, 21).
-        Khóc với người khóc: "Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: 'Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết'. Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: 'Các người để xác anh ấy ở đâu?' Họ trả lời: 'Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem'. Đức Giê-su liền khóc. Người Do-thái mới nói: 'Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!'" (Ga 11, 32-36).
-        Xao xuyến thúc đẩy cầu nguyện: "Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất" (Lc 22, 44).
-        Xao xuyến mà vẫn trung thành với sứ mệnh: "Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến" (Ga 12, 27).
g) NHÂN BẢN TRONG THÁI ĐỘ
-        Bênh vực người nghèo: "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn" (Mt 23, 14); - "Có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết" (Mc 12, 42-43).
-        Khơi gợi xét mình cho mỗi người: "Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (Ga 8, 7).
-        Tha thứ cho tội nhân: "Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!" (Ga 8, 11).
2. LINH MỤC SỐNG NHÂN BẢN THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU
Làm sao linh mục có thể"trở nên một nhịp cầu chứ không phải một chướng ngại cho tha nhân trong việc gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc loài người" (PDV, 43; x. Dt 5,1), nếu linh mục không có một đời sống nhân bản cao độ?
a) Sống nhân bản từ nhận thức
-        Ý thức mình có là gì, đều do Chúa ban, nên không bao giờ coi việc được giáo dân kính trọng như một điều đương nhiên, mà là một nhắc nhở linh mục phải vươn lên cho đỡ bất xứng với chức thánh đã lãnh nhận.
-        Ý thức chấp nhận giới hạn của mình để biết đối xử đơn sơ, thân thiện với mọi người, không kiêu căng, ngạo mạn, bởi vì chính mình cũng đam mê, đắm đuối.
-        Ý thức 'nhân vô thập toàn', nên luôn sẵn sàng chịu đựng những thiếu sót, vụng về, sơ hở của giáo dân.
-        Ý thức mình phải phản ánh Chúa Giêsu, Mục tử nhân lành, để biết thông cảm, nâng đỡ, thích nghi, uyển chuyển trong từng trường hợp, nhất là những trường hợp ngược với ý mình.
-        Ý thức lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, thái độ, cách xử, đồ dùng... của mình sao cho giáo dân không ngại hoặc không sợ đến với linh mục.
b) Sống nhân bản có nền tảng
-        Có Nhân cách: lương thiện, đáng tin cậy, nhân nghĩa, giàu tình người, tốt lành, thanh thản, bình tâm, khách quan, mạnh mẽ, cao thượng, thanh tao.
-        Có Vẻ Đẹp nội tâm: loại bỏ tính kiêu ngạo và cái tôi quá lớn của mình.
-        Có Cá tính: có quan điểm chắc chắn về cuộc sống, xác tín tích cực về đời dâng hiến, về thánh chức linh mục, về sự phục vụ..., đến độ trở thành nguồn cảm hứng cho người khác, nhất là cho giới trẻ, cách riêng ở khía cạnh khơi gọi ơn gọi dâng hiến nơi họ.
-        Có Độc lập trong cuộc sống: tự lập, tự tin, tự chủ, tự lo cho mình trong mọi hoàn cảnh và tình huống.
c) Sống nhân bản cách cụ thể
a. Nhân bản từ trong lòng
-        Lòng tốt lành, đạo đức, vì: " Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra" (Lc 6, 45); "Loài rắn độc kia, xấu như các người, thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra" (Mt 12, 34).
-        Lòng nhân hậu, bao dung: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ" (Lc 6, 36).
-        Lòng thanh sạch, trong trắng: "Những cái gì từ miệng xuất ra, là phát xuất tự lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế, vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống" (Mt 15, 18-19; // Mc 7, 21); - "Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi " (Mt 5, 28).
-        Lòng dạt dào tình nghĩa, không cạn tàu, ráo máng. Một bài học: "Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: 'Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?'” (Mt 18, 32-33).
-        Lòng dễ chạnh, mau xúc động. Mẫu gương người Samaria: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc" (Lc 10, 30-34).
b. NHÂN BẢN TRONG ÁNH NHÌN
-        Nhìn ra việc mình cần làm cho dân (x. Ga 6, 5).
-        Nhìn trìu mến như Chúa Giêsu nhìn người thanh niên giàu có mà đạo đức (x. Mc 10, 21).
-        Nhìn khích lệ như Chúa Giêsu nhìn Giakêu (x. Lc 19, 5).
-        Nhìn nhắc nhở sám hối như Chúa Giêsu nhìn Phêrô (x. Lc 22, 61).
-        Nhìn mình cách khắt khe, nhưng nhìn người cách quảng đại: "Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?" (Mt 7, 3).
c. NHÂN BẢN TRONG LẮNG NGHE
-        Bình tĩnh lắng nghe mà không nổi nóng:
+ khi giáo dân trình bày với linh mục chuyện của họ, nhiều lúc toàn là chuyện vớ vẩn, lẩm cẩm, dài dòng...;
+ khi giáo dân góp ý với linh mục về việc linh mục giảng dạy, cử hành bí tích, điều hành, ứng xử, sinh hoạt, ăn nói, ăn uống, tiêu xài, chưng diện, đi đứng...
-        Kiên nhẫn lắng nghe giáo dân trình bày, không ỷ mình là linh mục mà chèn ép, đàn áp ý kiến của họ, kiểu 'cả vú lấp miệng em'.
-        Chăm chú lắng nghe giáo dân, không bàng quan, tiêu cực, kiểu "mũ ni che tai".
-        Quyết lắng nghe với tập trung chú ý để thu nhận vấn đề và tìm cách giải quyết hoặc đáp ứng nhu cầu của giáo dân.
d. NHÂN BẢN TRONG LỜI NÓI
-        Luôn nói lời dễ nghe và nói cách dễ thương (x. Cl 4, 6).
-        Không nói những lời độc địa, nhưng nói những lời tốt đẹp để xây dựng và làm ích cho người nghe... (x. Ep 4,29-32)
-        Không nói chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn hay la lối thoá mạ (x. Ep 4,29-32)
-        Không ăn nói ra vẻ cha chú hay kẻ cả với giáo dân, kể cả với người ngoài đạo.
-        Không la mắng giáo dân, dù đó là một thiếu nhi nhỏ tuổi.
-        Không nói một lời hai ý kiểu 'nói nhỏ cười to'.
-        Không nói đùa cợt thiếu đứng đắn.
-        Không biện minh cho việc nói bỡn cợt là để xả hơi cho nhẹ bớt dồn nén về tâm lý.
e. NHÂN BẢN TRONG CỬ CHỈ
-        Không chỉ trỏ vào mặt giáo dân khi nói chuyện với họ hoặc giảng dạy
-        Không gợi ý bóng gió, xa gần để xin xỏ, gạ gẫm làm quen, nhất là đối với những ai có điều kiện vật chất khá giả.
f. NHÂN BẢN TRONG THÁI ĐỘ
-        Không phân biệt đối xử với giáo dân theo quà cáp và lợi lộc vật chất
-        Không khinh miệt người nghèo, người cô thế, cô thân, thấp cổ, bé miệng
-        Không xua đuổi, hất hủi tội nhân...
g.NHÂN BẢN TRONG CÁCH ĂN MẶC, PHỤC SỨC
-        Ăn mặc 'xứng kỳ đức': mặc đúng nơi, đúng lúc, đúng sự kiện.
-        Giầy dép, mũ nón xứng hợp với bậc linh mục
-        Mái tóc gọn ghẽ; kiểu tócmàu tóc xứng bậc tu trì.
h. NHÂN BẢN TRONG SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG
-        Chỉ sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (truyền thanh, truyền hình, máy tính, điện thoại...) với ý hướng phục vụ cho sứ mệnh linh mục.
-        Cần theo một chuẩn mực đạo đức, cần có kỷ luật giúp mình làm chủ các phương tiện ấy, đồng thời không mất nhiều thời giờ hoặc trở thành "nô lệ" của chúng.
i. NHÂN BẢN TRONG NGHỈ NGƠI, GIẢI TRÍ, GIỮ GÌN SỨC KHOẺ
-        Biết nghỉ ngơi hợp lý và giải trí lành mạnh. Thời gian nghỉ ngơi và giải trí cần được sống theo tinh thần Tin Mừng, ngõ hầu không chỉ bồi dưỡng sức khoẻ cho linh mục, mà còn mang lại lợi ích cho thừa tác vụ của linh mục. Nên nghỉ ngơi, giải trí với anh em linh mục.
-        Biết bảo vệ sức khỏe để có thể phục vụ hữu hiệu và lâu bền hơn. Cần có một sự quân bình khôn ngoan trong sinh hoạt, kể cả việc ăn uống, cũng như khám sức khỏe định kỳ.
d) Lưu ý những hoàn cảnh khiến linh mục khó sống nhân bản
-        Giáo dân làm không đúng thủ tục hoặc thiếu giấy này, giấy kia liên quan đến vụ việc hành chánh bí tích.
-        Giáo dân xin gặp linh mục vào những lúc không thuận tiện cho linh mục, hoặc không đúng với thủ tục và ngày giờ đã được linh mục qui định. Vd.: linh mục vừa vào ngồi bàn ăn, lại có người xin xưng tội; linh mục đang ngon giấc, lại có người mời đi kẻ liệt...
-        Giáo dân chống đối, phê bình, chỉ trích linh mục.
-        Những dịp ăn uống, dễ bị quá chén mà mất tự chủ trong lời nói, cử chỉ, thái độ, cách xử...: "Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em" (Lc 21, 34).
Kết
Trong Tông huấn Pastores dabo vobis (số 43), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II coi việc đào tạo nhân bản là nền tảng của mọi nền đào tạo linh mục, khi viết: “Không có đào tạo nhân bản thỏa đáng, thì việc đào tạo linh mục trong toàn bộ sẽ bị thiếu hụt mất nền tảng cần thiết.” Khẳng định này không chỉ là một định hướng cho các chủng sinh đang còn trong chủng viện, mà chắc chắn còn là một quy chiếu xét mình cho các linh mục, không phải là để linh mục chứng minh mình đã được 'đào tạo nhân bản thỏa đáng' và được đào tạo có nền tảng, mà là để linh mục sống trở thành tim, óc, tai, mắt, miệng lưỡi, chân, tay của Chúa Giêsu, Vị Linh mục Thượng phẩm, giữa mọi người.
Ban Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc