Danh nhân _ Gandhi

GANDHI
(MAHAN DAS KARAMCHAND)
(1869-1948)  
Chính trị gia và triết gia Ấn Độ, người đã đề xướng phương pháp ‘tranh đấu bất bạo động, bất hợp tác” và đã áp dụng phương pháp ấy đến thành công.  
TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP
Còn gọi là Mahatma (một tâm hồn cao cả) và Thánh Cam Địa, sinh tại Porbander thuộc Bombay (tiểu bang Kathiavar) trong một gia đình thế phiệt. Ông bà tổ tiên đã từng nhiều đời giữ chức Thủ tướng trong nước Permandar, một tiểu quốc xưa của Ấn Độ. Ông thân của tiên sinh giữ chức ấy trong 25 năm.
Học luật tại Anh, về nước mở phòng luật sư, nhưng rồi lại nghĩ mà đi làm việc ở Nam Phi để tìm cách bênh vực, nâng đỡ đồng bào Ấn Độ sống cơ cực ở mảnh đất này. Tại đây, ngoài những công việc kinh tế thông thường, ông đã cho phát hành một tờ báo tên là Dư luận Ấn Độ viết bằng tiếng Anh và bằng 3 thứ tiếng của quê nhà, một cuốn sách Ấn Độ tự trị… vào năm 1908.
Năm 1914, về lại Ấn Độ, bằng lòng cổ động dân Ấn Độ đi lính giúp Anh với điều kiện là Anh phải trả độc lập cho Ấn Độ. Chiến tranh xong, người Anh không giữ lời hứa.
Thay thế Tilak, một nhà cách mạng, một ký giả, vừa qua đời, Gandhi cầm đầu phong trào tranh đấu theo những khẩu hiệu: bất đề kháng, bất bạo động, bất hợp tác, không đóng thuế, không đi lính cho Anh. Để có một lực lượng mạnh mẽ để đối phó với Anh, tiên sinh chủ trương rằng tất cả người Ấn Độ, luôn cả bọn cùng đinh (parias), đều là anh em cả và hợp thành một khối, chớ không phân biệt giai cấp gì cả.
Người Anh bắt giam tiên sinh nhiều lần. Tiên sinh tuyệt thực phản đối. Người Anh lại nhượng bộ và đến năm 1947, sau nhiều lần nhượng bộ, người Anh phải thừa nhận bán đảo Ấn Độ độc lập và chia ra làm 2 nước chính: Ấn quốc và Hồi quốc.
Vì tôn giáo khác nhau, vì có những bàn tay ngoại quốc nhúng vào, xúi giục nên Ấn quốc và Hồi quốc nội chiến nhau mãi. Gandhi phải tuyệt thực nhiều lần để can gián hai bên hãy chấm dứt lối cốt nhục tương tàn vô bổ ấy. 
Một nhà báo Ấn tên là Vinayak Gogse thuộc về một hội kín (Mahasabha) của phái Bà la môn chính thống, cực đoan, đã phản đối chính sách ôn hòa của tiên sinh đối với người Hồi, đã phản đối nhiều cải cách tiến bộ (bênh vực giai cấp cùng đinh, cho những góa phụ còn nhỏ quá được phép tái giá, bãi bỏ phong tục tảo hôn,…) nên đã ám sát tiên sinh tại nhà thờ ở Delhi ngày 30-1-1948.
TÓM TẮT VĂN PHẨM CẦN BIẾT CỦA GANDHI
Tiên sinh có để lại một sách tự thuật viết bằng tiếng Ấn. Charles Andrews dịch ra là The story of my Experiments with Truth (Lịch sử kinh nghiệm tìm chân lý của tôi).
Phần thứ nhất kể lại với tất cả sự thật, sự khiêm nhường, thời niên thiếu của tiên sinh, thời kỳ lập gia đình, thời kỳ qua Anh học luật, sự mò mẫm của tiên sinh tìm một lối sống cho thích hợp với hoàn cảnh xung quanh, thích hợp với tâm hồn của tiên sinh. Vì vậy tiên sinh bắt buộc ăn bận như sinh viên Anh, sống như phần đông sinh viên Anh, học nhạc, học khiêu vũ,… Nhưng sau đó, nhận thấy cả một sự ép uống, tiên sinh bèn bỏ hết, bận lại quần áo Ấn Độ, sống theo lối sống Ấn Độ (kinh nghiệm thứ nhất).
Phần thứ hai và thứ ba kể lại thời gian mà tiên sinh lưu trú tại Nam Phi, 21 năm như đã nói ở trên, nhưng ở đây tiên sinh rút được một kinh nghiệm nữa là: tranh đấu bằng cách bất tuân những luật lệ nào xét ra bất công, trong khi đó, kẻ bất tuân sẵn sàng và sáng suốt chịu đựng tất cả những hình phạt, hậu quả của sự bất tuân.
Phương pháp tranh đấu này, tiên sinh gọi là satyagrapha hay là Vatyagrapha, thành công rực rỡ ở Nam Phi.
Phần thứ tư và thứ năm là những kinh nghiệm tranh đấu ở Ấn Độ. Chân lý tìm ra ở đây không khác gì chân lý đã tìm ra ở Nam Phi là bất bạo động, bất hợp tác….
Trích tác phẩm DANH NHÂN THẾ GIỚI
của Trịnh Chuyết