Đức Giêsu muốn chúng ta tự do, và sự
tự do này được tìm thấy ở đâu? Sự tự do này được tìm thấy nơi sự đối thoại nội
tâm với Chúa trong lương tâm của mình.
Trong buổi đọc Kinh Truyền tin sáng Chúa nhật,
30 tháng Sáu vừa qua tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đế
cập đến chủ đề Tự do lương tâm. Ngài nói với khoảng 100 ngàn người quy tụ tại
đây để tham gia đọc Kinh Truyền tin: “Đức Giêsu đã quyết tâm khởi sự cuộc hành
trình đi Giêrusalem, điểm đến cuối cùng để hoàn thành sứ mạng cứu chuộc với tất
cả tự do lương tâm”.
Đức Thánh Cha khẳng định: Từ thời khắc quyết
định ấy, Đức Giêsu trực chỉ đến điểm hoàn tất, và ngay cả đối với những người Ngài
gặp gỡ và muốn đi theo Ngài, Đức Giêsu khẳng định một điều kiện: không bám vào
một sự ổn định, phải biết từ bỏ những uỷ mị thân quen, không bám víu vào những
quyến luyến quá khứ. Khi Đức Giêsu sai các môn đệ đi Giêrusalem trước để loan
báo Đức Giêsu sẽ đến, Ngài đã căn dặn các ông đừng áp đặt bất cứ điều gì. Nếu
không được đón tiếp thì cứ tiếp tục đi. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Đức Giêsu
không bao giờ áp đặt điều gì. “Đức Giêsu khiêm nhường. Ngài luôn mời gọi: nếu
muốn thì hãy đến. Sự khiêm nhường của Đức Giêsu là ở chỗ Ngài luôn mời gọi,
Ngài chẳng áp đặt”.
“Tất
cả những điều này khiến chúng ta suy nghĩ về tầm mức quan trọng của lương tâm,
ngay cả đối với Đức Giêsu, là lắng nghe tiếng nói của Chúa Cha trong sâu thẳm của
nội tâm và thi hành. Trong cuộc đời trần thế của Đức Giêsu, khi quyết định như
vậy Ngài đã không hành động như ‘bị điều khiển từ xa’: Ngài là Ngôi Lời nhập thể,
Con Thiên Chúa làm người, và trong giây phút xác quyết tiến về Giêrusalem lần
cuối cùng Ngài đã quyết định bằng chính lương tâm của mình, nhưng không phải
theo ý riêng mà theo ý Cha trong sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha. Chính điều
đó mà quyết định của Đức Giêsu vững vàng, vì nó được xác quyết cùng với Chúa
Cha. Đức Giêsu tìm thấy sức mạnh và ánh sáng cho cuộc hành trình này trong Chúa
Cha. Đức Giêsu đã tự do quyết định và quyết định của Ngài là một quyết định tự
do. Đức Giêsu muốn các Kitô hữu cũng được tự do như Ngài: với sự tự do ấy - tự
do có được nhờ tâm sự với Chúa Cha, Đức Giêsu không muốn những Kitô hữu ích kỉ
chỉ biết chăm chú đến cá nhân mình mà chẳng biết thưa chuyện với Chúa hoặc những
Kitô hữu yếu hèn không có ý chí: những người ‘bị điều khiển từ xa’, không có khả
năng sáng tạo mà chỉ biết liên kết với ý hướng của người khác. Đức Giêsu muốn
chúng ta tự do, và sự tự do này được tìm thấy ở đâu? Sự tự do này được tìm thấy
nơi sự đối thoại nội tâm với Chúa trong lương tâm của mình. Nếu một Kitô hữu
không biết cách lắng nghe Chúa bằng lương tâm của mình thì đấy không phải là một
người tự do. Người ấy không có tự do”.
Đức Thánh Cha mời gọi: Vì thế chúng ta phải
học cách lắng nghe lương tâm của chúng ta nhiều hơn nữa. Nhưng mà cũng phải cẩn
thận, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ: Điều này không có nghĩa là chúng ta phải
chiều theo ý mình, làm những điều ta thích, những gì phù hợp với chúng ta hay
những gì làm chúng ta hài lòng. Đó không phải là lương tâm. Lương tâm là nội vi
mà chúng ta có thể lắng nghe và nghe thấy sự thật, sự tốt lành và tiếng nói của
Thiên Chúa. Đó là không gian nội tâm giữa giao tiếp cá nhân với Thiên Chúa, Đấng
nói với tâm lòng của chúng ta và giúp chúng ta nhận định để hiểu biết con đường
chúng ta phải chọn, và khi đã chọn sẽ vững tin và vững tiến.
Đức Thánh Cha Phanxicô đề cao mẫu gương tuyệt
vời về sự kết hiệp cá nhân với Thiên Chúa trong lương tâm của một con người nơi
Đức Bênêđictô: Trong cầu nguyện, khi Thiên Chúa tỏ cho ngài thấy bước đi ngài
phải chọn, Đức Bênêđictô đã hành động theo lương tâm với sự nhận định tỏ tường
và lòng can đảm; nghĩa là ngài đã hành động theo ý Chúa đã nói với nội tâm của
ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định Đức Bênêđictô đã cho chúng ta một mẫu
gương để noi theo.
Trước khi bắt đầu đọc Kinh Truyền Tin, Đức
Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài huấn đức và khẩn khoản nài xin Đức Trinh Nữ
Maria “giúp chúng ta trở thành những con người của lương tâm, tự do lương tâm,
để có thể nghe tiếng nói của Chúa và quyết định vâng theo”.
(Theo:
VIS)