BỒ TÙNG LINH
(1640-1715)
Tiểu
thuyết gia rất danh tiếng Trung hoa trong thế kỷ XVII, tác giả bộ Liêu Trai Chí
Dị được dịch ra nhiều thứ tiếng.
TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP
Tự là
Lưu Tiên, hiệu là Liễu Tuyền, sanh năm 1640 tại Truy xuyên, một huyện thuộc tỉnh
Sơn đông, đậu Cống sinh dưới thời Khang Hy. Chịu sự dạy dỗ của Thi Ngu Sơn,
chuyên chú về văn phóng khoáng, ngoài lối văn chương cử nghiệp. Danh tiếng văn
chương càng ngày càng thêm trổi, thế mà vì ghét bọn tham quan ô lại, quả quyết
bỏ lối học khoa cử để chuyên về cổ văn, cùng đi lại với các bậc lão thành, cao
sĩ và ở nhà viết sách, tự dựng lên một lối văn chương riêng.
Sống
trong cảnh nghèo túng, nhưng chẳng giấu giếm ai; tính tình chất phác, giao du rộng
rãi, trọng danh nghĩa, hay cùng Lý Hy Mai, Trương Lịch Hữu và các danh sĩ đương
thời hợp thành thi xã, lấy phong nhã và đạo nghĩa cùng trau dồi khuyến khích lẫn
nhau.
Chọn nghề
dạy học rày đây mai đó, giang hồ trên 30 năm, tai nghe mắt thấy đủ điều, thêm
vào đó, kiến thức sâu rộng và óc châm biếm thâm trầm nên mới chế biến ra được bộ
Liêu Trai Chí Dị.
Ngoài ra
tiên sinh còn viết, theo Hồ Thích, bộ truyện dài Lưỡng Thế Nhân Duyên…
NHỮNG DIỀU CẦN BIẾT VỀ
LIÊU TRAI CHÍ DỊ
Bồ Tùng
Linh ra đời thì Trung hoa đã bị nhà Thanh, người Mãn châu, cai trị rồi. Sống dưới
đời Khang Hy và Ung Chính, là những thời kỳ mà sự thống trị của nhà Thanh trên
đất Trung hoa mới bắt đầu nên mọi sự kiểm soát, nhất là tư tưởng đều gắt gao.
Vì vậy tiên sinh đã phải dùng lối văn chương rất khéo léo là mượn yêu, chồn,
ma, quỷ thay người trong câu chuyện để có thể, may ra nói hết những ý tưởng mà
tiên sinh muốn nói:
-
Phơi bày,
chỉ trích kín đáo những tệ nhũng của bọn vua, quan đương thời.
-
Nhắc nhở
cho dân chúng và sĩ phu khỏi quên văn hóa cổ truyền bằng cách dùng những điển cố
tài tình.
-
Thức tỉnh
tinh thần dân tộc.
Trong phạm
vi này thì một phần nào, tiên sinh cũng giống La Fontaine ở nước Pháp, đã dùng
hầu hết các thú vật để tả cái xã hội Pháp, tả cái xã hội chung của loài người,
mượn lời thú vật để răn đe, cảnh cáo loài người…
Ngoài
phương diện này, tiên sinh còn có để trong Liêu Trai Chí Dị một ít chuyện tiêu
khiển thuần túy hoặc cũng có những chuyện ngụ ý sâu xa nhưng không cần đến chồn
cáo, ma quỷ,…
Vì vậy
có người cho Liêu Trai chỉ là sách “mua vui một vài trống canh” gồm toàn chuyện
thần tiên, hồ ly quái gở, thì cũng không được đúng lắm. Đọc cho kỹ thì sẽ nhận
thấy những chỗ mua vui lại là những chỗ đầy ý thức cách mạng, hoặc tu nhân xử
thế…
Sở dĩ có
cái hình thức loanh quanh như thế là, như trên đã nói, vì hoàn cảnh chính trị.
Tâm sự này tiên sinh cũng có thổ lộ ở những lời kết thúc bài tựa: tập dịch vụ cừu, vong tục u minh, chi lục, phù bạch tái
bút, cận thành cô phẫn chi thư, ký thác như thử diệt túc bi lữ (góp da may áo, nỗi càn theo truyện cũ u minh, nâng chén
làm văn chỉ thành ra bộ sách phẫn chí, sự ký thác như thế cũng đủ đáng thương vậy).
Về văn
chương trong truyện thì thật là lỗi lạc: kết thúc tài tình, lời văn điêu luyện,
từ bậc văn nhân đến giới bình dân đều ưa đọc. Vì vậy mà nó được truyền tụng xưa
nay, được coi như bộ đoản thiên tiểu thuyết đặc sắc nhất của Trung quốc.
Các nhà
phê bình đều đồng ý trong bộ Liêu Trai có một số truyện được liệt vào những kiệt
tác:
-
Truyện Mã Giới Phủ tả một người đàn bà ác nhơn, ác đức sau bị một chốn tiêu
tiên tên là Mã Giới Phủ (thành người) trừng phạt. Tác giả
gián tiếp tả cái xả hội thấp kém của Trung hoa lúc bấy giờ.
-
Truyện Anh Ninh là một
hài kịch nhỏ.
-
Truyện Lâm Tứ Nương, Trúc
Thanh, Đại Lục tướng quân, Hương Ngọc, Hoàng Anh, Phấn Điệp,…
Sách được sự ngưỡng mộ của toàn độc giả
và đã sinh ra một phong trào viết tiểu thuyết ngắn theo lối tiên sinh. Nhiều người bắt chước viết như tiên sinh nhưng mãi đến
nay chưa thấy ai bằng tiên sinh. Chỉ có Kỷ Quân sinh năm 1724, mất năm 1804 có
viết bộ Duyệt Vi Thảo Đường bút ký ghi những chuyện quái dị đời Thanh là khá
hơn cả nhưng so với Liêu Trai Chí Dị thì còn kém… xa.
Tiên
sinh đã phải mất đến 20 năm tức là vào năm 1681 mới viết xong bộ sách này nhưng
từ đó về sau nó cũng được sửa đi sửa lại nhiều lần hoặc thêm bớt. Trong những
thời kỳ đầu thì tác phẩm được chuyền tay dưới hình thức bản thảo và chỉ đến năm
1740 mới được người cháu của tiên sinh (Bồ Lập Đức) in ra thành sách hẳn hoi.
Và như vậy thì tất cả gồm 16 cuốn kể lại 431 truyện; dài, đôi ba trang; ngắn,
15 hàng…
Sách được
tái bản nhiều lần lắm và đã được dịch qua tiếng Nga, Pháp, Đức, Ý, Nhật,… Tại
Pháp thì nhan đề của tác phẩm là Contes
fantastiques du studio Leao (Leao Tcha Tche Yi). Tại
Anh, H.A.Giles chỉ dịch có 164 truyện và đặt cho sách tên là Strange
Stories from a Chinese Studio.
Riêng ở nước Việt nam ta, thời tiền chiến,
đã có bản dịch của Tản Đà và thời Hậu chiến có 2 bản dịch của Đào Trinh Nhất và
của Nguyễn Hoạt.
Trích tác phẩm DANH NHÂN THẾ
GIỚI
của Trịnh Chuyết
của Trịnh Chuyết