Rất nhiều lần cầu xin mà ta không thấy kết quả
nhãn tiền thì ta phải xác tín là việc cầu xin đó không bao giờ trở thành vô
ích… Chúa vẫn âm thầm ban một ơn nào đó cho ta chẳng những tương đương với ơn
ta xin mà còn vượt cả điều mong ước của ta nữa.
Trong bài Tin Mừng ta
vừa nghe, Chúa dạy ta phải cầu nguyện và kiên nhẫn cầu nguyện.
Cầu nguyện là gì?
Mỗi lần ta nhắc lòng
trí ta lên với Chúa là cầu nguyện, khi làm bất cứ việc gì, ta dâng cho Chúa,
cũng là cầu nguyện. Tuy nhiên cầu nguyện đúng nghĩa có bốn hình thức sau: ngợi
khen, cảm tạ, thống hối và xin ơn.
Chúng ta phải kiên
nhẫn cầu nguyện. Trong dụ ngôn ta vừa nghe, tuy lúc đầu người đến vay bánh bị
từ chối, nhưng do kiên nhẫn mà đạt được mục đích, và Chúa còn nói: “Thầy bảo
các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người xin, người đó
cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những
gì anh ta cần.”
Sở dĩ nhiều khi ta
thiếu kiên nhẫn trong việc cầu xin là vì cầu xin mãi mà không thấy kết quả, ta
đâm ra chểnh mảng, thất vọng, không cầu xin nữa.
Chúa phán: “Các con
hãy xin thì sẽ được.” nhưng đôi khi ta cũng cần phải nghĩ tới trật tự, sự an
bài của Chúa trong cả vũ trụ bao la. Một người gieo mạ bên một con lộ, trên lộ
đó một người đang phơi thóc, phơi khoai mì, cầu xin Chúa cho trời nắng. Muốn có
mưa dưới ruộng, đồng thời lại có nắng trên lộ, là bắt Chúa phải thực hiện phép
lạ: giữa lộ trời nắng chang chang, còn hai bên lộ trời lại mưa xối xả, và nếu
luôn luôn Chúa phải cho ta kết quả như trên, tức là chúng ta bắt Chúa luôn luôn
phải xáo trộn trật tự của thiên nhiên. Vậy rất nhiều lần cầu xin mà ta không
thấy kết quả nhãn tiền thì ta phải xác tín là việc cầu xin đó không bao giờ trở
thành vô ích, tuy trời không nắng hay mưa, nhưng rồi Chúa vẫn âm thầm ban một
ơn nào đó cho ta chẳng những tương đương với ơn ta xin mà còn vượt cả điều mong
ước của ta nữa.

Bác sĩ Boissarie,
trong tập sách nhan đề “Lourdes depuis 1858” (Lộ Đức từ 1858 tới nay) đã thuật
lại đầy đủ chi tiết nhiều câu chuyện được khỏi một cách lạ thường, tỷ dụ như
câu chuyện sau đây:
Célestine Dubois, khi
bảy tuổi, đã bị một khúc kim gẫy ăn sâu vào lòng bàn tay, bàn tay sưng lên và
các ngón tay co quắp lại. Người ta đã khía vết thương, mở rộng vết thương ra và
trong ba tuần lễ không làm cách nào kéo khúc kim đó ra được. Thời đó y học chưa
tiến như ngày nay. Ngày 20 tháng 8 năm 1886, cô nhúng bàn tay vào nước suối Lộ
Đức, tự nhiên khúc kim này vạch một đường dài 8 phân lồi ra ngoài qua đầu ngón
tay cái.
Em bé Mathilde
Verkimpe 10 tuổi ở tại Loochristi. Em bị què, dùng nạng mới đi được. Các bác sĩ
tại nhà thương ở Gand công bố em sẽ bị què suốt đời. Mẹ em đến cầu xin ở hang
đá Oostackker, và lấy nước suối Lộ Đức được phân phát tại đây về xoa bóp cho em
trong một tuần chín ngày. Tới ngày thứ chín tức ngày 12 tháng 2 năm 1874, em bé
tự nhiên khỏi què, đi không cần dùng tới nạng.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
- Đề tựa của Lm. HK