HÀNH TRANG
TÔNG ĐỒ
Xem ra
chẳng có gì. Mà thực ra lại có tất cả. Bởi hành trang đích thực của họ chính là
Chúa, Đấng đã nên sản nghiệp cho những kẻ được sai đi... sự thành công trong hoạt
động Tông đồ không do tài lực của con người nhưng là do quyền năng Thiên Chúa.
Chúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai. Ngài cho
các ông sống bên cạnh mình. Ngài trực tiếp huấn luyện bằng cách cho các ông được
nghe những lời Ngài giảng, được xem những việc Ngài làm. Sau đó, Ngài sai các
Tông đồ ra đi thực tập truyền giáo. Chúa Giêsu còn chọn thêm nhiều môn đệ nữa.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy 72 môn đệ được sai phái thêm sau chuyến sai đi
Nhóm Mười Hai (Lc 9,1-6) vì "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít" (Lc
10,2).
Thánh Luca muốn nhấn mạnh rằng, không
riêng gì các Tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng
Tin Mừng. Hai động từ "gọi, sai đi" diễn tả rõ rệt ơn gọi của các môn
đệ. Trước khi các học trò lên đường, Chúa Giêsu căn dặn nhiều điều như là hành
trang cần thiết cho sứ vụ tông đồ. M. Quesnel ví những lời đó như "một loại
thủ bản, một cẩm nang cho một nhà truyền giáo hoàn hảo" (1).
- Hành trang Tông đồ
Hành trang đi đường chỉ là: cây gậy, đôi dép, không mang hai áo. Ý nghĩa ở
đây là những kẻ được sai đi phải là những con người thanh thoát, không cồng kềnh
nặng nề với của cải vật chất để có thể luôn sẵn sàng lên đường ra đi cho sứ vụ.
Chuyến đi nào cũng cần đến những hành
trang. Hành trang cồng kềnh bước đi sẽ chậm. Hành trang gọn nhẹ bước tới sẽ
nhanh. Hàng trang càng được tinh giản chỉ còn lại những gì thiết yếu nhất thì
bước chân cũng sẽ thanh thoát khai lối cho mùa sứ vụ.
Hành trang của những kẻ lên đường xem
ra chẳng có gì. “Gậy và dép” như gợi lại buổi Xuất hành. Nhẹ nhàng quá! Bận vướng
với của cải đất đai sản nghiệp đùm đề làm sao có đủ tự do để bứt ra mà dứt
khoát lên đường?
Hành trang của những kẻ lên đường xem
ra chẳng có gì. “Không bánh, không bị, không tiền, không hai áo”. Nghèo khó
quá! Chả bù cho con người ngày nay luôn biết tích lũy lo xa, có của ăn chưa đủ,
còn có của để dành nữa. Nhưng cái nghèo về tài sản lại cho thấy cái giàu về đức
hạnh. Không lo chiếm hữu hoặc gắn bó với của cải vật chất, người Tông đồ trở
nên thanh thản lên đường bất cứ lúc nào. Không bận vướng những thứ lỉnh kỉnh
làm nặng bước đi hoặc làm chùn bước tới, người Tông đồ học sống tinh thần phó
thác để chỉ biết đợi chờ tất cả nơi một mình Thiên Chúa.
Xem ra chẳng có gì. Mà thực ra lại có
tất cả. Bởi hành trang đích thực của họ chính là Chúa, Đấng đã nên sản nghiệp
cho những kẻ được sai đi (2).
Hành trang ấy còn có ý nghĩa đặc biệt
nữa. Đó là các môn đệ được tham dự vào ba chức năng tư tế, tiên tri và vương đế
của Chúa Giêsu. Cây gậy của vương đế, đôi dép của tiên tri, và tấm áo của tư tế.
-
Cây
gậy
Cây gậy trong tay biểu trưng cho sức mạnh
của Thiên Chúa thông ban cho người thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ra đi với
niềm tin vào năng quyền của Thiên Chúa trao ban: công bố Tin mừng cứu độ của Đức
Kitô, chữa lành và thánh hoá nhằm cải thiện đời sống, xua trừ ma quỷ hầu chế ngự
và đẩy lui các thế lực sự dữ.
-
Đôi
dép
Đôi dép là hình ảnh luôn lên đường.
Truyền giáo là ra đi. Đi để mang sứ điệp Tin mừng đến với muôn dân. Sứ vụ sai
đi khởi phát từ Chúa Cha "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em".
-
Tấm
áo
Người ra đi mang áo là mặc lấy tâm
tình Chúa Giêsu. Nhờ đó, các môn đệ làm cho cuộc đời mình trở nên của lễ hiến
dâng hợp với hiến lễ Chúa Kitô.
Chúa Giêsu còn trao cho các môn đệ những
quyền năng của Ngài: quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ.
Với những hành trang như thế, Chúa
Giêsu muốn tỏ cho thấy sự thành công trong hoạt động Tông đồ không do tài lực của
con người nhưng là do quyền năng Thiên Chúa.
- Phương thức hoạt động Tông đồ.
Sứ vụ loan báo Tin mừng không phải là
việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền
của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác. Khi sai đi "từng hai người một", Chúa
Giêsu mong các môn đệ hợp tác và liên đới với nhau, khích lệ và bàn hỏi nhau
khi gặp khó khăn "Hai người có giá
trị hơn một, nếu họ ngã, người này đỡ người kia dậy" (Gv 4,9). Hai người
làm việc chung, nâng đỡ nhau biểu lộ tình yêu thương nhau như một dấu chỉ đặc
trưng của môn đệ của Chúa (x. Ga 13,35). Dấu chỉ này là một chứng từ sống động
và lôi cuốn người khác.
Trong Công vụ Tông đồ, các nhà truyền
giáo thường lên đường với nhau "từng hai người một”: Phêrô đi với Gioan
(Cv 3,1; 4,13); Phaolô với Banabê (Cv 1 3,2); Giuđa và Sila (Cv 15,22)… Hoạt động
Tông đồ luôn là tạo thành nhóm. Nếp sống huynh đệ là một bài giảng về tình yêu.
Chứng tá về tính hiệp nhất khi gắn bó với Đấng đã sai mình, chứng tá về tình
huynh đệ khi nhận ra mình được sai đi "từng hai người một”. Chứng tá Kitô
hữu phải nhắm đến một hình thức cộng đoàn trong Giáo Hội. Cuộc sống yêu thương
trong cộng đoàn vừa là dấu hiệu của người môn đệ Chúa Giêsu, vừa là lời rao giảng
sống động, hùng hồn nhất về Tin Mừng.
Chúa Giêsu gọi các môn đệ và sai đi
truyền giáo. Giáo hội tiếp nối sứ vụ được sai đi, đến với muôn dân. Ra đi là dấn
thân đi đến gặp gỡ mọi người với tinh thần đơn sơ, từ bỏ và tự do, để loan báo
tin vui và mang đến cho họ ơn cứu độ.
Như thế, Tông đồ là người lên đường chứ
không phải xuống đường. Lên đường là một tinh thần nhạy cảm của Tin Mừng được
thể hiện qua lối sống gắn bó với sứ vụ. Nhạy cảm với những thao thức của thời đại
để tìm đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, nới rộng kiến thức, mong diễn đạt Tin
Mừng sát với ngôn ngữ hiện tại. Nhạy cảm với nhu cầu của tha nhân bằng muôn
ngàn cách thể hiện lòng nhân ái vốn là điểm sáng của giới luật yêu thương, đồng
thời là dấu hiệu dễ nhận ra nhất của Tin Mừng cứu độ. Nhạy cảm với Giáo Hội để
tìm hiệp nhất. Nhạy cảm với đồng nghiệp để tìm huynh đệ nâng đỡ cộng tác. Nhất
là, nhạy cảm với Chúa để tìm thuộc về Ngài mỗi ngày một hơn. Và dọc dài sứ vụ,
tư thế lên đường sẽ làm nên hình ảnh chứng nhân 3.
- Sứ vụ Tông đồ là sống chứng nhân
Trao "Sứ vụ” cho các môn đệ, Chúa
Giêsu không bảo các ông “phải giảng điều
gì". Ngài chỉ căn dặn các ông những chi tiết "phải sống". Đối với Chúa Giêsu, ra đi làm chứng tá bằng
cuộc sống quan trọng hơn chứng tá bằng lời nói.
Trong Tông huấn "Loan báo Tin Mừng",
Đức Thánh Cha Phaolô VI quả quyết ít nhất hai lần rằng, phương thức thứ nhất để
rao truyền Phúc Âm chính là làm chứng bằng một cuộc sống Kitô hữu đích thực (x.
số 21 và 41).
Có ba cách làm chứng: nói, làm và sống.
Hiệu năng nhất là cách thứ hai và thứ ba. Ai cũng biết nói thì dễ, làm khó hơn,
và sống như mình nói lại càng khó hơn nữa. Chính việc làm và đời sống làm cho lời
mình nói đáng tin hơn. Nhưng cả khi người ta chưa nói hay không thể nói, chưa
làm hay không thể làm một số điều nào đó, thì người ta đã có thể sống điều mình
xác tin và muốn chia sẽ.
Theo Đức Phaolô VI, làm chứng bằng cuộc
sống, bằng hành động cụ thể là một cách rao giảng thầm lặng, không nghe được,
nhưng thấy được và rất hữu hiệu, nhất là đối với con người thời nay vì hai lý
do:
-
một là vì thời nay (thời của khoa học thực
nghiệm và của óc thực tiễn), người ta nhạy cảm với việc làm và dị ứng với lời
nói và các học thuyết,
-
hai là vì trong thế giới trần tục hoá ngày
nay, như ở Việt Nam chẳng hạn, tôn giáo bị đẩy ra bên lề như chuyện riêng tư,
thế nên không phải bất kỳ ở đâu và lúc nào người ta cũng có thể, hay nên trực
tiếp rao giảng Tin Mừng.
Năm 1937, Mahatma Gandhi, vị anh hùng
dân tộc Ấn Độ nói với các nhà truyền giáo: "Hãy
để cho đời sống các ngài nói với chúng tôi như đoá hoa hồng không cần ngôn ngữ,
mà chỉ đơn sơ để cho hương thơm của mình toả lan. Cả người mù không nhìn thấy
hoa hồng vẫn nhận ra được mùi thơm của nó. Hãy để chúng tôi nghĩ tới sự cao cả
của nhân dân của các ngài khi họ toả hương thơm đời sống. Đối với tôi, đó là
tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả những gì tôi muốn họ làm là sống đời Kitô hữu chứ
không phải chú giải nó".
Vậy để loan báo Tin Mừng thuyết phục,
người Kitô hữu phải sống thế nào cho cuộc đời mình trở thành đáng tin. Đới sống
đáng tin thì tự nhiên lời nói cũng đáng tin. Làm tông đồ, rao giảng Phúc Âm đặc
biệt thích hợp cho ngày nay là làm cho đời sống Kitô hữu đáng tin. Như vậy toàn
bộ cuộc sống ta đều phải "làm chứng": lời ăn tiếng nói, cách cư xử,
giao tiếp, trong gia đình, ngoài xã hội, khi làm việc, khi vui chơi giải trí...
Đối với người có ý thức truyền giáo thì nhất nhất việc gì, khía cạnh nào của đời
sống họ cũng có thể là lời loan báo. Lời trách nặng nề nhất của người chưa biết
Chúa đối với tín hữu Công giáo có lẽ là: Người Công giáo các anh (các chị)
không mấy đáng tin; các anh (các chị) nói một đường làm một nẻo. Đức tin, giáo
lý nghe thì thật hay nhưng không thấy đem lại cho xã hội một cái gì thật sự tốt
đẹp và mới mẻ.
Lời phê bình đó có lẽ là quá đáng
nhưng thiết tưởng ta chẳng cần cãi lý làm gì, hãy coi đó như một lời nhắc nhở để
chúng ta nhìn lại cuộc sống "chứng tá" của mình. Xã hội này đang suy
thoái trầm trọng về đạo đức: tham nhũng, thối nát, dối trá, bất công, xì ke ma
túy, sa đoạ ... Ta có còn là men, là muối, là ánh sáng nữa không? (4).
Cầu
nguyện
Lạy Chúa Giêsu,xin sai chúng con lên
đường nhẹ nhàng và thanh thoát,không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào
những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,chữa lành những người ốm đau. Xin cho chúng con biết
nói Tin Mừng với niềm vui,như người tìm được viên ngọc…. quý,biết nói về Ngài
như nói về một người bạn thân. Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối
của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao
người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,thế giới thật bao la mà
vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng
lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. Amen.(Mana).
1. "Comment lire un évangile?",
Seuil, trang 103.
2. "Với cả tâm tình", trang
117-120, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống.
3. "Với cả tâm tình", trang 121.