Học làm người _ cô đơn: nỗi sợ của tuổi già

Cô đơn: Nỗi sợ của tuổi già
Nhiều lúc chúng ta chỉ chú trọng đến sự tồn tại của người cao tuổi chứ chưa thật lòng quan tâm đến cuộc sống của họ.
Đặng Quốc Minh Dương
Tuổi thọ trung bình là một trong các tiêu chí để đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia. Qua mức độ tuổi thọ trung bình, chúng ta có thể đoán biết được sự phát triển của các mảng ngành nghề khác như y tế, tài chính… Nhưng nhiều lúc chúng ta chỉ chú trọng đến sự tồn tại của người cao tuổi chứ chưa thật lòng quan tâm đến cuộc sống của họ.
Một trong những điều đáng sợ nhất của con người là sự cô độc, là thiếu những tâm hồn đồng điệu, vắng người cảm thông. Đặc biệt với tuổi già thì vấn đề trên luôn thường trực và đẩy đến cao độ. Họ thường cảm thấy mình bất lực vì không giúp đỡ  được cho con cháu. Họ luôn có ý nghĩ “mình hết thời rồi”. Những ưu tư suy nghĩ của họ thường bị thế hệ sau cho là lạc hậu, lẩm cẩm. Thực tại chối từ, họ quay về với quá khứ dẫu biết rằng hoài cổ là viễn vông.
Kiểu gia đình truyền thống Việt Nam là tam đại: ông bà, cha mẹ, con cái cùng chung mái nhà. Đây là một mô hình đầy tính nhân văn: giúp người già bớt cô độc và người trẻ bớt lạc lối, có chỗ tựa nương. Thật hạnh phúc đầm ấm khi trong bữa ăn ba mẹ biết gắp những thức ăn ngon ngọt cho ông bà và đêm về đàn con cháu được sà vào vòng tay ông bà để nghe chuyện cổ tích. Tiếc thay, những hình ảnh trên không còn nữa! Không phải vì thiếu thức ăn ngon để gắp cho nhau, không phải vì ông bà không có chuyện cổ tích để kể cho con cháu. Mà bởi quỹ thời gian mà chúng ta dành cho nhau không đủ! Ba mẹ quần quật suốt ngày vì chuyện miếng cơm, tài chánh. Đàn cháu con bù đầu vào những bài vở và những cua học kín giờ. Như vậy, tuy ba thế hệ cùng ở dưới mái nhà nhưng chưa thật sự sống chung một tổ ấm.
Vậy chúng ta phải làm gì để giúp người già bớt cô độc? Theo thiển ý của tôi, chúng ta cần làm ba điểm sau:
1.      Yêu thương kính trọng họ. Là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta vì họ là những người đã gây dựng nên cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay. Họ đã mớm cho chúng ta sự sống, tình yêu và bao điều tốt đẹp khác.
2.      Lắng nghe họ trong trạng thái cảm thông. Những điều họ nói có thể không hợp “gu”, nhưng hãy cảm thông họ. Hãy luôn nhớ rằng: tuổi già là một kho kinh nghiệm. Những kinh nghiệm đã được trả giá bằng máu và độ dài thời gian, không như những bài học suông từ sách vở. Nên thường xuyên thăm hỏi ý kiến họ.
3.      Tạo điều kiện an dưỡng tuổi già cho họ một cách tốt nhất. Giúp họ sử dụng quỹ thời gian nhàn rỗi hợp lý, bổ ích. Cố gắng thu xếp thời gian để gần gũi họ nhiều hơn, nghe họ nói chuyện, tâm sự. Phải tôn trọng mối quan hệ giữa họ với các bậc trưởng lão khác. Đừng ngần ngại, từ chối khi họ muốn giúp đỡ  chúng ta trong một vài công việc vặt hợp tuổi già.
Và sau cùng xin chép ra đây câu nói của học giả Nguyễn Hiến Lê để bạn đọc ngẫm nghĩ: “Hồi trẻ ta đối với cha mẹ ra sao thì về già con cái ta cũng đối với ta như vậy.”
Đặng Quốc Minh Dương