“Chúng con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho kẻ ghét chúng con.” (Mt 5,44)
Bài Tin Mừng ta vừa
nghe có thể chia thành hai phần: phần I, dân Samaria không đón tiếp Chúa khi Chúa lên
Giêrusalem; phần II, một số điều Chúa đòi hỏi những người muốn theo làm môn đệ
Chúa.
·
Thời Chúa: Nước Do
Thái chia thành 3 miền: miền bắc là Galilea, miền trung là Samaria, miền nam là Giudea. Những người từ
Galilea đi dự lễ tại Giêrusalem (thuộc miền Giudea) phải đi qua đất Samaria. Nhưng vì thời đó
có sự chia rẽ giữa người Do Thái và người Samaria, người Do Thái thường tránh
giao thiệp với người Samaria, khinh dể họ, vì niềm tin cũng như sự thờ phương của
họ đã có nhiều dị biệt, nhất là họ không còn thuần chủng nữa. Vì thế người Samaria không chịu đón tiếp
Chúa. Môn đệ Chúa tỏ thái độ bực tức. Riêng môn đệ Giacôbê và Gioan tỏ lòng căm
hờn, muốn họ bị hủy diệt. Chúa quở trách các ông thiếu tinh thần thứ tha, bác
ái và Chúa còn nói rõ Chúa đến để cứu độ chứ không phải để hủy diệt.
·
Khi đi dọc đường, một
số người muốn theo làm môn đệ Chúa: Chúa nói rõ hoàn cảnh sống của Chúa là
thanh bần, thiếu thốn: chim có tổ, chồn có hang, nhưng Chúa không có nhà cửa.
·
Chúa gọi một người
theo Chúa, tuy anh sẵn sàng nhưng lại còn nghĩ tới việc gia đình nên Chúa đã
nói: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết.” Chữ “chết” Chúa dùng trong câu nói này,
theo lối chơi chữ: chữ chết ở trên nói tới những con người coi như đã chết
về tinh thần, không màng chi tới việc linh hồn, còn chữ chết sau chỉ người
hồn đã lìa xác… Một người nữa xin theo Chúa nhưng lại còn nghĩ tới trở về từ
giã anh em, bà con, và Chúa nói ai đã theo Chúa phải biết hy sinh mọi sự, kể cả
hy sinh những liên lạc ràng buộc họ hàng và người thân thuộc.
Phần đầu bài Tin Mừng
hôm nay, Chúa dạy ta phải biết tha thứ, đừng bao giờ tích lũy lòng hiềm khích, bực tức, trả thù ai.
Dù người khác coi thường
ta, ta cũng nên nén lòng bực tức, cư xử hiền hòa. Đó là nghệ thuật sống đem lại
cho ta nhiều kết quả:
Ông George Rona ở tỉnh
Upsala thuộc Thụy Điển. Trước kia ông làm trạng sư ở tỉnh Vienne
và tới ngày quân đội Đức Quốc Xã sang xâm lăng nước Áo. Ông trốn sang Thụy Điển.
Vì số tiền thắt lưng mang được quá ít oi, ông đành phải tìm việc làm. Ông viết
và nói thông thạo nhiều thứ tiếng nên ông hy vọng sẽ kiếm được công việc ở một
hãng xuất cảng. Ông gởi đơn xin việc, nhưng tới đâu người ta cũng trả lời rằng, trong
thời kỳ chiến tranh không thể thu nhận một thư tín viên ngoại quốc, tuy nhiên họ
cũng ghi tên và cũng sẽ gọi điện cho ông, nếu cần… Trong khi đó một thương gia
gửi cho ông George Rona lá thư sau đây:
“Những ý nghĩ của ông về công việc của tôi hoàn toàn sai lầm và
có phần lố bịch nữa. Trước, tôi xin nói rằng tôi không cần kiếm một thư tín
viên; sau là, nếu cần đi nữa, tôi cũng chẳng mướn ông, bởi vì ông không viết nổi
một bức thơ bằng tiếng Thụy Điển cho đúng văn phạm, chứng cớ là bức thơ của ông
đầy những lỗi vậy.”
Khi đọc xong bức thư
phúc đáp ấy, ông George Rona tức uất người: cái lão Thụy Điển này có quyền gì
mà dám mắng ông dốt, lại tức hơn nữa là chính thơ của lão cũng đầy những lỗi!
Ông Rona lập tức lấy giấy bút ra quyết gửi cho lão một bài học.
Nhưng sau nghĩ lại,
ông tự nhủ: “Kể cũng phải, làm sao mình biết được lão này nói vô lý? Mình có học
tiếng Thụy Điển, nhưng đâu có phải là tiếng mẹ đẻ của mình! Như vậy rất có thể
là mình viết sai mà không biết. Tốt hơn, mình nên học thêm tiếng này, rồi tìm một
chỗ khác vậy. Ấy thế, lão đó đã vô tình báo lỗi cho mình đây. Lời lẽ của lão
nghe đáng bực thật, nhưng mình cũng phải cảm ơn lão. Phải đấy, mình đi viết thơ
cảm ơn lão ta mới được.”
Thế là ông Rona xé nát
lá thơ “nói móc” vừa viết xong, và thảo lá thơ khác, lời lẽ như vầy:
“Ông thiệt có lòng tốt, bỏ chút thời giờ phúc đáp thư tôi. Bởi vậy
tôi rất cảm phục cử chỉ của ông, nhất là khi ông nói không cần một thư tín viên
ngoại quốc. Tôi lấy làm hổ thẹn đã có ý nghĩ sai lầm về quý hãng. Sở dĩ tôi đã
mạn phép gửi đơn vì tôi nghe có người mách rằng hãng ông lớn nhất trong phạm vi
xuất cảng, còn những chỗ viết sai văn phạm trong thơ tôi mà ông đã vạch ra, xin
thú thực là tôi không nhận thấy, và không ngờ là tôi lại viết sai nhiều đến thế.
Từ hôm nay tôi sẽ cố gắng học thêm tiếng Thụy Điển hầu lần sau sẽ không phạm những
lỗi như một đứa trẻ mới học nữa. Tôi có lời cảm ơn ông đã vạch ra những lỗi để
tôi biết mà tự rèn luyện thêm.”
Mấy ngày sau ông
George Rona bỗng nhận được bức thư của ông chủ hãng buôn này mời đến hội kiến.
Ông Rona đến chỗ hẹn và được vào làm. Chính ông đã khám phá ra rằng, một bức thư
trả lời hòa nhã có thể làm nguôi cơn giận mọi người.
Đừng bao giờ để lòng
thù ghét, ác cảm, trả đũa người khác. Làm thế, người bị ta trả thù không được lợi
gì đã đành, mà chính chúng ta cũng bị thiệt.
Chúng ta hãy ghi nhớ
và thi hành lời Chúa: “Chúng con hãy yêu
kẻ thù, hãy làm ơn cho kẻ ghét chúng con.” (Mt 5,44)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
* Đề tựa của
Lm. HK